iPub.vn Covid banner

Những vấn đề lịch sử trong cuốn “Súng, vi trùng và thép” của Jared Diamond

iPub.vn       3 năm trước       814 lượt đọc

Cuốn sách “Súng, vi trùng và thép” là nỗ lực của Jared Diamond nhằm đi tìm câu trả lời tối hậu cho một thắc mắc dường như quá hiển nhiên, như chính tác giả đã đề cập ngay phần đầu sách: “Tại sao lịch sử đã diễn ra trên mỗi châu lục một khác?”

Cuốn sách “Súng, vi trùng và thép” là nỗ lực của Jared Diamond nhằm đi tìm câu trả lời tối hậu cho một thắc mắc dường như quá hiển nhiên, như chính tác giả đã đề cập ngay phần đầu sách: "Tại sao lịch sử đã diễn ra trên mỗi châu lục một khác?". Vì e rằng sẽ có nhiều người ngay lập tức nghĩ đến việc cuốn sách sẽ xoay quanh vấn đề về chủng tộc, nên ngay sau khi nêu câu hỏi như thế thì ông Jared Diamond liền đính chính lại ngay: “Nếu như câu hỏi này lập tức khiến bạn nhún vai cho rằng bạn sắp phải đọc một luận văn phân biệt chủng tộc thì xin thưa, không phải vậy đâu: như bạn sẽ thấy, những lời đáp cho câu trả lời này tuyệt không bao hàm những sự khác biệt về chủng tộc.”

Đúng như vậy, nếu xem xét cho rốt ráo và kĩ càng câu hỏi mà ông Jared Diamond đưa ra, thì quả thật việc đưa ra nguyên do vì mỗi chủng tộc phát triển khác nhau là một câu trả lời hoàn toàn dở dang, nửa vời và thậm chí là một câu trả lời thiếu trách nhiệm. John Locke, triết gia người Anh ở thời kì Ánh sáng bên châu Âu, đã từng phát biểu cụm từ tabula rasa (blank sheet, tức “tờ giấy trắng”) để ý chỉ rằng tâm thức con người ta khi vừa mới sinh ra giống như một tờ giấy trắng vậy, và phải qua thời gian thì “tờ giấy trắng” đó mới được tô điểm thêm bởi kinh nghiệm, được hình thành thông qua cảm nhận và phản hồi từ thế giới bên ngoài, để từ đó tạo nên tri thức của chính bản thân [1]. Khái niệm tabula rasa này nói về tâm thức con người, mà cũng có thể hiểu rộng hơn về tâm thức của cả nhân loại, tức là từ thuở ban đầu, cả nhân loại đều có cùng một xuất phát điểm là từ châu Phi, và tâm thức nhân loại lúc bấy giờ cũng tựa như tabula rasa vậy, thế nhưng qua thời gian, vì nguyên do nào đó mà hình thành nên những chủng tộc khác nhau. Lịch sử diễn ra ở mỗi nơi một khác là do chủng tộc ở những nơi đó khác nhau, vậy thì tại sao những chủng tộc đó lại khác nhau, khi loài người đều có cùng xuất phát điểm như nhau?

Như Jared Diamond cũng có đề cập trong phần đầu sách, ngay cả trong công trình nghiên cứu lịch sử cực kì công phu của Arnold Toynbee là bộ Study of History 12 tập, thì ông Toynbee cũng ít quan tâm đến thời tiền sử, “thế nhưng, những cội rễ của sự bất bình đẳng trong thế giới hiện đại nằm trong chính thời tiền sử đó”. Câu trả lời cho cái vấn đề đặt ra ở trên theo Jared Diamond có thể được tóm gọn trong một câu thế này: “Diễn trình lịch sử của mỗi dân tộc một khác do những khác biệt giữa môi trường sống của các dân tộc, chứ không phải do những khác biệt về sinh học giữa bản thân các dân tộc đó.” Có vẻ như câu trả lời cũng đơn giản không kém gì so với câu hỏi đặt ra. Thế nhưng, cũng theo Jared Diamond, có lẽ vì chính câu trả lời quá sức đơn giản nên người ta lâu nay đã không thật sự nghiêm túc xem xét nó như là căn nguyên tối hậu để tìm hiểu nó kĩ càng hơn. Thế là, để diễn giải rõ hơn cho câu trả lời tối hậu của mình, thì Jared Diamond đã đi đến những góc cạnh khác nhau trong lịch sử hình thành nhân loại: từ việc chuyển hoá từ săn bắt hái lượm sang làm nông, đến việc dựa trên những chứng cứ khoa học để khảo sát việc các loài thực vật và các loài động vật đã phát triển và được thuần hoá ở mỗi nơi khác nhau ra sao, rồi vì nguyên nhân nào mà khu vực Á-Âu lại phát triển nhanh hơn khu vực châu Mĩ, những phát kiến và nhu cầu của con người có quan hệ ra sao, v.v.. Và phần diễn giải từ những góc cạnh khác nhau như thế mới chính là điểm quan trọng và mạnh mẽ nhất mà Jared Diamond muốn mang lại cho người đọc, chứ không phải chỉ đơn thuần cung cấp những câu trả lời.

1/ Sản xuất lương thực

Qua khảo sát lịch sử, có thể thấy rằng việc sản xuất lương thực là điểm mấu chốt trong việc phát triển văn minh. Nơi nào sản xuất lương thực mạnh hơn thì nơi đó sẽ phát triển nhanh hơn. Từ ngàn xưa, con người đã sản xuất lương thực bằng cách thuần hoá cây dại và thú hoang. Bằng cách xoay quanh hai vấn đề chính về môi trường sinh thái và hoàn cảnh địa lí, Jared Diamond lần lượt lí giải nguyên do tại sao con người thuần hoá thực vật và động vật ở mỗi chỗ lại khác nhau. Qua những ví dụ cụ thể dựa trên cơ sở khoa học, tác giả đã bác bỏ ý kiến cho rằng việc tiếp thu thực vật và động vật là do bản thân người dân ở đó, ông cho rằng nguyên nhân nằm ở chỗ khác biệt giữa số loài cây, loài thú hoang dã ở mỗi nơi, tức là tuỳ thuộc vào vùng sinh vật và điều kiện môi trường. Thêm nữa, Jared Diamond còn đi đến việc lí giải tại sao việc thuần hoá loài thú hoang dã chỉ xảy ra đối với một lượng rất ít các loài, chỉ có 14 loài trong số 148 loài thú hoang dã lớn, ăn cỏ và sống trên đất liền của thế giới là được thuần hoá. Bằng cách nêu ra một nguyên lí mà Jared Diamond đặt tên là nguyên lí Anna Karenina, do dựa vào câu mở đầu nổi tiếng trong cuốn tiểu thuyết Anna Karenina của Lev Tolstoy: “Các gia đình hạnh phúc đều giống nhau; mỗi gia đình bất hạnh đều bất hạnh theo một cách riêng.” Từ đó Jared Diamond rút ra một nguyên lí áp dụng cho việc lí giải sự thuần hoá loài vật: “Các loài vật thuần hoá được thảy đều giống nhau; mỗi loài vật không thuần hoá được đều không thuần hoá được theo một cách riêng.” Từ nguyên lí đó, tác giả đã tóm được những nguyên nhân làm cho việc thuần hoá các loài nào đó không thành công. Sở dĩ ở loài thú tác giả rút ra đuợc những nguyên nhân lí giải, còn ở các loài cây thì tác giả không rút ra được những nguyên nhân tóm gọn là vì số lượng động vật phải khảo sát ít hơn nhiều so với số lượng thực vật (148 loài thú so với 200.000 loài thực vật).

2/ Sự bành trướng sản xuất lương thực

Ngoài việc đi tìm hiểu cội nguồn của sản xuất lương thực, Jared Diamond còn đề cập đến việc tìm hiểu sự bành trướng của sản xuất lương thực là một việc làm cực kì quan trọng trong việc giúp ta thấu hiểu những khác biệt về địa lí trong sự phát sinh súng, vi trùng và thép. Theo tác giả, thì mấu chốt vấn đề nằm ở sự khác biệt địa lí trên thế giới. Nếu như khu vực Á-Âu trải dài theo hướng Đông-Tây thì khu vực châu Mĩ theo hướng Bắc-Nam, và trục Bắc-Nam này cũng đúng với châu Phi dù ở mức thấp hơn. Vì một lẽ “các địa điểm được phân bố theo hướng đông và hướng tây trên cùng một vĩ độ có chung một độ dài ngày đêm và những biến thiên về mùa giống hệt nhau”, nên khu vực Á-Âu thuận lợi hơn rất nhiều trong việc bành trướng sản xuất lương thực, do các loài thực vật và động vật hoàn toàn thích nghi được với chỗ ở mới của mình mà không gặp trở ngại về mặt môi trường. Ngược lại với sự bành trướng dễ dàng ở khu vực Á-Âu là sự phát tán đầy khó khăn ở phần còn lại thế giới như châu Phi và châu Mĩ. Ở châu Phi do “điều kiện nhiệt đới trải dài 2000 dặm giữa Ethiopia và Nam-phi là một rào ngăn không thể vượt qua”. Cũng tương tự vậy ở châu Mĩ, “vùng đất thấp nóng nực chen vào ở Trung Mĩ” đã ngăn chặn sự bành trướng của các loài theo hướng Bắc-Nam hay ngược lại. Như vậy, có thể thấy tầm quan trọng của việc cùng vĩ độ như là yếu tố quyết định cho khí hậu, điều kiện sinh trưởng, để từ đó việc phát tán dễ dàng hơn; tuy thế vĩ độ cũng chẳng phải là yếu tố duy nhất, vẫn còn đó những yếu tố về mặt địa hình và môi trường sinh thái, vì không phải lúc nào hai nơi ở cùng một vĩ độ đều có chung khí hậu. Ảnh hưởng của các hướng trục gây trực tiếp lên sự bành trướng của sản xuất lương thực, từ đó tác động gián tiếp lên những thứ khác như sự phát minh bánh xe, chữ viết và các phát minh khác.

Trục chính của các lục địa

(Hình lấy từ cuốn Guns, Germs and Steel của Jared Diamond)

3/ Sự phát minh

Khi con người đạt được những nhu cầu cơ bản của mình về ăn, mặc, ở, thì tiếp theo lịch sử nhân loại được chứng kiến sự ra đời của những phát minh. Xưa nay thường có quan niệm cho rằng “nhu cầu sinh ra phát minh”, nhưng theo Jared Diamond nêu ra ở chương “Mẹ đẻ của nhu cầu” trong cuốn “Súng, vi trùng và thép” thì thực tế rất nhiều lúc không phải vậy, hay nói đúng hơn chỉ một số ít phát minh là phù hợp với quan niệm thường tình cho rằng nhu cầu là mẹ của phát minh. Jared Diamond đã nêu ra một ví dụ về chiếc máy quay đĩa của Thomas Edison: khi Edison tạo ra cái máy này thì cái công dụng thu các bản nhạc không được ông tính đến, sau này người ta chế ra máy nghe nhạc bằng cách kết hợp máy quay đĩa của Edison để phát ra những bản nhạc mỗi khi có người nhét tiền xu vào. Jared Diamond cho rằng “nhiều hoặc thậm chí hầu hết phát minh đều ra đời bởi những người vốn dĩ thích tò mò hoặc tính ưa táy máy, chứ thoạt tiên không hề có nhau cầu về cái sản phẩm họ đang muốn làm ra kia”, và “chỉ sau khi phát minh đã được sử dụng trong một thời gian đáng kể thì người tiêu thụ mới bắt đầu cảm thấy họ ‘cần’ nó”.

Một điểm khác về những phát minh được Jared Diamond đề cập đến: việc các phát minh ra đời và được đưa ra ứng dụng đời sống là hệ quả của một quá trình tích luỹ lâu dài theo thời gian chứ không phải là một công trình đơn lẻ của riêng một người hay một nhóm người nào. Lấy ví dụ về động cơ hơi nước, hiện nay khi nhắc đến động cơ hơi nước thì người ta sẽ nhắc đến ngay James Watt như người phát minh ra nó vào năm 1769, nhưng thực chất James Watt chỉ là người cải tiến và hoàn thiện động cơ hơi nước vốn đã xuất hiện từ trước đó. Cái ý tưởng về động cơ hơi nước có sớm nhất từ thời Hellenistic (từ năm 323 đến 30 TCN, và vì một số lí do nhất định nên thời kì này còn kéo dài đến năm 330 mới kết thúc [2]) và thiết bị đó do Hero của thành Alexandria sáng tạo ra, và ngày nay người ta hay gọi nó là turbine của Hero. Đó là một khối cầu rỗng, nhỏ, được gắn vào đó hai cái ống, khối cầu đó được gắn vào một nồi hơi dùng tạo ra hơi nước, khi hơi nước thoát ra khỏi những cái ống rỗng của quả cầu thì quả cầu đó tự nó di chuyển xoay vòng. Mãi đến thế kỉ 17, thì cái ý tưởng động cơ hơi nước này mới xuất hiện trở lại ở châu Âu, với mẫu thiết kế của kĩ sư người Anh Thomas Savery (1650-1715), mà thực chất Savery cũng chỉ theo mẫu phác thảo thiết bị dùng piston-cylinder của Denis Papin (1647-1712, nhà vật lí người Anh gốc Pháp) vào khoảng năm 1690 , mà cái ý tưởng về việc tạo ra lực bằng hệ thống piston-cylinder đã được Otto von Guericke (1602-1686, nhà vật lí người Phổ) đưa ra trước đó vào năm 1672 rồi. Từ mẫu của Savery cuối thế kỉ 17, năm 1698, kĩ sư người Anh Thomas Newcomen (1663-1729) cho ra một cái động cơ hơi nước vào năm 1712, để rồi sau đó năm 1769 thì James Watt thực hiện cuộc cải tiến cuối cùng, hoàn thiện động cơ hơi nước, và từ đó về sau tên tuổi của James Watt gắn liền với động cơ hơi nước.

Turbine của Hero

(Hình lấy từ cuốn How Invention Begins – Echoes of Old Voices in the Rise of New Machines của John H. Lienhard, nhà Oxford, 2006)

Từ ví dụ động cơ hơi nước ở trên, có thể thấy rõ rằng hầu hết các phát minh sau thời tiền sử hoặc thời cổ đại đều có bóng dáng của những vị tiền bối trước nó, hay nói cách khác mỗi phát minh ra đời đều là một tổ hợp, một sự trộn lẫn của nhiều ý tưởng khác nhau được tích luỹ qua năm tháng. Nói rộng ra ngoài cuốn sách “Súng, vi trùng và thép”, xét về mặt lịch sử, điều này (việc phát minh là tổ hợp của những ý tưởng) có lẽ có nguồn gốc ở đặc tính chỉ có ở loài người: trao đổi. Bắt đầu từ việc trao đổi vật chất của con người từ thời săn bắt-hái lượm, khi người đàn ông đi làm việc săn bắt, còn đàn bà hái lượm, rồi sau đó họ trao đổi nhau để có được cả thịt lẫn rau củ. Sau khi trao đổi vật chất, thì con người bắt đầu trao đổi nhau về những thứ phi vật chất, tức là ý tưởng. Các ý tưởng giao phối với nhau, sản sinh ra một ý tưởng khác thừa hưởng được những đặc tính của những ý tưởng đó. [3]

Phát minh ra một sự vật, rồi đưa nó vào ứng dụng trong đời sống, hoặc một phát minh từ đâu du nhập tới và được xã hội tiếp nhận. Nhưng một phát minh để có thể đưa vào ứng dụng còn cần có những điều kiện khách quan hậu thuẫn phía sau, nếu không nó chỉ trở thành một món đồ chơi không hơn không kém. Chẳng hạn như người châu Mĩ bản địa đã từng phát minh ra bánh xe, nhưng chỉ vì thiếu gia súc thích hợp để kéo xe, nên bánh xe ở khu vực đó không có đất dụng võ và xem ra “chẳng có ưu thế gì so với những phu khuân vác”. Yếu tố này được Jared Diamond định nghĩa là “công nghệ mới phải có ưu thế tương đối về kinh tế so với công nghệ hiện có”, nhưng nếu hiểu rộng hơn, những phát minh muốn được đưa vào ứng dụng, hoặc muốn làm con người ta thấy được cái ứng dụng rõ ràng của nó thì phát minh đó cần phải được ra đời ở một nơi có sẵn những điều kiện khách quan nhằm hỗ trợ nó, như những chiếc xe có bánh thì cần phải có gia súc kéo thì cái dụng của bánh xe mới hiện rõ ra trong tâm trí con người thời bấy giờ..

4/ Hệ quả và ảnh hưởng từ lịch sử

Vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu (The Fertile Crescent, thuộc khu vực Trung Đông) và Trung-quốc có những lợi thế ban đầu vượt trội so với phần còn lại thế giới, tuy nhiên, tại sao châu Âu mới là lục địa đi khai phá và xâm chiếm các châu lục khác, chứ không phải là vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu hay Trung-quốc? Nguyên do đâu mà Lưỡi liềm Phì nhiêu và Trung-quốc lại tự đánh mất cái lợi thế ban đầu to lớn của mình?

Trong phần kết của “Súng, vi trùng và thép”, Jared Diamond đã đưa ra những lí giải cho câu hỏi nêu trên. Vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu do gặp phải một bất hạnh là “phát sinh ở một môi trường nhạy cảm về sinh thái”, ở khu vực này lượng mưa ít “nên tốc độ cây mọc lại không theo kịp tốc độ huỷ diệt rừng”, dần dần vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu tự đánh mất chính mình, vì lợi thế về mặt môi trường và địa lí chính là thứ đưa vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu trở thành trung tâm chủ chốt của nền văn minh nhân loại, khi môi trường bị huỷ hoại thì lẽ dĩ nhiên vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu không thể phát triển thêm được nữa.

Tuy vậy, với trường hợp của Trung-quốc thì vấn đề lại hoàn toàn khác. “Trung-quốc có những ưu thế không bàn cãi: sản xuất lương thực phát sinh ở đây cũng sớm gần như ở Lưỡi liềm Phì nhiêu, sự đa dạng sinh thái từ bắc Trung-quốc xuống nam Trung-quốc và từ vùng duyên hải đến vùng núi cao Tây-tạng làm phát sinh nhiều chủng loại cây trồng, vật nuôi và công nghệ rất khác nhau, diện tích rộng mênh mông, và đất đai năng sản có khả năng nuôi sống một dân số khu vực cao nhất trên thế giới, và một môi trường ít khô hơn hoặc ít nhạy cảm hơn về sinh thái so với môi trường của Lưỡi liềm Phì nhiêu.” Có thể thấy Trung-quốc có những đặc điểm môi trường và địa lí gần như hoàn hảo, ưu thế mà Trung-quốc có được lúc ban đầu thậm chí còn lớn hơn của vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu, nơi được mệnh danh là cái nôi văn minh của nhân loại. Như thế, có thể suy ra được rằng, nếu hoàn cảnh khách quan không ngăn chặn sự phát triển của Trung-quốc, thì chỉ có thể là hoàn cảnh chủ quan vậy. Trung-quốc có được sự thống nhất về chính trị từ rất sớm (từ năm 221 TCN, thời vua Tần Thuỷ Hoàng), họ có một ngôn ngữ duy nhất, lại có một nền văn hoá thống nhất trong suốt một quãng thời gian rất dài. Nhờ sự gắn kết và hoàn cảnh địa lí như vậy, mà Trung-quốc đạt được những bước tiến to lớn trong thời gian đầu. Tuy nhiên, hoàn cảnh thống nhất về chính trị như thế đã gây ra rào cản đối với sự phát triển sau này của Trung-quốc, vì chỉ cần một quyết định nhất thời của kẻ đứng đầu khối thống nhất ấy, là đủ ngăn chặn sự đổi mới. Để minh hoạ, Jared Diamond đã đưa ra ví dụ về những chuyến hải trình mà Trung-quốc và châu Âu đã đồng thời làm cùng lúc vào thế kỉ 15:

“Vào đầu thế kỉ 15, Trung-quốc đã cử những hạm đội tìm châu báu mỗi đoàn gồm hàng trăm chiếc thuyền dài tới 400 bộ (122 mét) và tổng số thuỷ thủ đoàn lên tới 28.000 người, băng qua Ấn-độ-dương đến tận bờ biển Đông Phi từ hàng mấy thập kỉ trước khi ba con tàu bé tí của Columbus băng qua Đại-tây-dương hẹp hơn nhiều để tới được bờ đông châu Mĩ.”

Xuất phát sớm hơn là thế, nhưng những hạm đội đó của Trung-quốc không thể đi tiếp để băng qua Thái-bình-dương để chiếm bờ tây châu Mĩ. Vì trong thời điểm đó ở Trung-quốc đang xảy ra tranh chấp trong triều đình, giữa phe hoạn quan và đối thủ của họ, và những con tàu vượt biển kia được xem như thuộc về phe hoạn quan. Vì vậy khi phe hoạn quan thất thế trong việc tranh giành quyền lực ở triều đình thì những con tàu đó cũng theo đó mà chấm dứt luôn chuyến hành trình, thậm chí các xưởng tàu còn bị phá huỷ, và những cuộc vượt biển như thế bị cấm luôn. Song song đó, ở bên trời Âu, Columbus cũng đang có ý vượt đại dương. Columbus khi đi xin tài trợ để có được tàu thuyền vượt biển, thì lần này đến lần khác bị các vua chúa ở châu Âu từ chối: từ vua Bồ-đào-nha, đến công tước Medina-Sedonia, rồi đến bá tước Medina-Celi, rồi vua và hoàng hậu Tây-ban-nha ban đầu cũng từ chối nốt, nhưng sau này thì hai vị đó lại đổi ý ưng thuận. Giả sử châu Âu thống nhất về chính trị và chỉ có một vua như Trung-quốc, thì có lẽ phải còn lâu nữa thì nhân loại mới tìm ra được châu Mĩ.

Việc phân tán chính trị ở châu Âu đã dẫn đến tình trạng các quốc gia châu Âu thường xuyên cạnh tranh nhau về mặt công nghệ và ý tưởng. Việc châu Âu chưa bao giờ thống nhất về mặt chính trị đã khiến cho châu Âu có những bước đi ban đầu vô cùng chậm chạp, nhưng bù lại họ có thể làm bất kì điều gì để phát triển mà không một kẻ độc tài chuyên quyền nào có thể chặn đứng, và cùng với việc cạnh tranh nhau gay gắt (nếu không sẽ bị đối phương thu phục), châu Âu đã có những bước tiến nhảy vọt sau này. Thời điểm mấu chốt cho sự nổi lên của châu Âu là vào cuối thế kỉ 15, lúc mà Columbus khám phá ra châu Mĩ, mang về châu Âu những thứ của cải lạ lẫm và mở ra cho người châu Âu một viễn cảnh mới, thế là các nước châu Âu từ đó đua nhau cạnh tranh và phát triển vượt bậc.

Theo Jared Diamond, thì sự phân tán chính trị ở châu Âu và thống nhất chính trị ở Trung-quốc có một nguyên nhân sâu xa nằm ở hoàn cảnh địa lí. Địa lí Trung-quốc có hai khu vực then chốt là hai con sông Dương-tử và Hoàng-hà, hai hệ thống sông này chảy qua những thung lũng giàu phù sa, nối liền vùng trung tâm Trung-quốc từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, mà hai khu vực này cũng không cách nhau bao nhiêu, thế là Trung-quốc có đầy đủ những điều kiện để hợp nhất lại. Ngược lại, “châu Âu có nhiều khu vực then chốt nhỏ rải rác nơi này nơi khác, không một khu vực nào trong số đó đủ lớn để chi phối các khu vực khác trong thời gian dài, và mỗi khu vực là trung tâm của những nhà nước thường là độc lập.”

Từ những nguyên do như trên, Jared Diamond đã rút ra một nguyên lí mà ông gọi là “Nguyên lí phân mảnh tối ưu” (the optimal fragmentation): “sự đổi mới diễn ra nhanh nhất ở xã hội nào có sự phân mảnh ở cấp độ trung gian tối ưu – xã hội nào thống nhất quá thì bất lợi, song xã hội nào phân mảnh quá thì cũng bất lợi nốt.” Đó là lí do tại sao Ấn-độ, vốn có mức phân mảnh địa lí còn hơn cả châu Âu nhưng không thể bằng châu âu trong việc canh tân về công nghệ. Từ góc độ lịch sử, Jared Diamond gợi ý cho ta về một nguyên lí về cơ cấu tổ chức nhóm: không nên tập trung quá, cũng không nên phân mảnh quá. Mô hình hoạt động của Microsoft ngày nay cũng theo sát với nguyên lí như trên: “Microsoft có rất nhiều đơn vị, mỗi đơn vị từ 5 đến 10 người, các đơn vị có thể tự do liên thông với nhau và không được quản lí ở cấp vĩ mô; các đơn vị được trao rất nhiều quyền tự do theo đuổi ý tưởng riêng của mình”, cơ cấu này theo Jared Diamond “thực chất là phân nhỏ thành nhiều đơn vị bán độc lập cạnh tranh với nhau”. Ở trường hợp lớn hơn, qui mô quốc gia, thì có hệ thống chính phủ liên bang của Hoa-kì cũng tương tự vậy: phân thành nhiều bang cạnh tranh nhau mà vẫn duy trì sự liên thông tự do với nhau, và mỗi bang lại có một bộ luật riêng, khiến cho Hoa-kì ngày nay như một châu Âu thứ nhì vậy.

Tìm hiểu lịch sử giúp ta có được cái nhìn kĩ càng hơn về thế giới ngày nay. Loài người xuất phát điểm như nhau, nhưng qua thời gian, sự di cư của loài người đến những vùng địa lí khác nhau đã dẫn đến sự phát triển khác nhau, không nơi nào giống nơi nào, hết thảy đều là vì môi trường sinh thái và điều kiện địa lí ở mỗi nơi khác nhau. Mà theo Jared Diamond, dường như “bàn tay của diễn trình lịch sử từ 8.000 năm TCN vẫn đang đè nặng lên chúng ta”, khi mà những nước đang nổi lên như là những nước phát triển nhất hiện nay thì từ xưa đã là “bộ phận của các trung tâm thống trị cũ dựa trên sản xuất lương thực, không thì cũng là những nước mà cư dân bản địa đã bị các dân tộc xuất phát từ các trung tâm đó di cư đến chiếm chỗ”. Có lẽ vì thế mà không phải khi không transistor được phát minh tại Mĩ, nhưng rút cuộc lại đến với người Nhật, chứ không đến với người Paraguay gần đó, dường như có một nguyên do sâu xa vô hình nào đó bắt nguồn từ diễn trình của lịch sử.

Yếu tố địa lí, môi trường là những yếu tố chủ đạo mà Jared Diamond dùng để hòng lí giải những khác biệt ở những vùng đất trên thế giới. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận còn có những biến số khác góp phần vào diễn trình của lịch sử: đó chính là các đặc thù văn hoá ở mỗi nơi, và một biến số bí ẩn hơn cả là sự “tác động của các cá nhân có tính cách khác thường”. Jared Diamond đã đưa ra những ví dụ minh hoạ xoay quanh hai vụ suýt chết của Adolf Hitler: một vụ nổi tiếng năm 1944, khi kế hoạch ám sát Hitler bằng bom hẹn giờ đã thất bại; và một vụ khác ít người biết hơn vào năm 1930 khi Hitler còn chưa giành được chính quyền ở Đức, lúc ấy ông ta bị tai nạn giao thông suýt chết, một chiết xe tải đâm vào xe ông ta, nhưng xe tải đó đã kịp phanh lại vừa đủ để không phải nghiền nát nhà độc tài tương lai kia. Giả như, Hitler đứng gần quả bom một chút, hay người tài xế xe tải kia không kịp đạp phanh thì có lẽ thời cuộc thế giới đã chuyển sang hướng khác. Tương tự vậy, số phận của những cá nhân khác thường trong lịch sử như Alexander Đại đế, Phật Thích Ca, Chúa Jesus, Mohammed, v.v. cũng đã góp phần không nhỏ định hình nên lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, theo Jared Diamond lập luận, thì những cá nhân đặc biệt đó cũng khó có thể tác động lên cái toàn cục được định hình bởi môi trường và địa lí, như miền Tây Á hội đủ điều kiện về mặt địa lí để phát triển thành nền văn minh sớm nhất, có chữ viết sớm nhất, và việc các vùng bị cô lập như Australia không vươn lên được do thiếu hụt quá nhiều điều kiện tự nhiên; tất thảy những điều đó khó có thể nào bị xoay chuyển chỉ vì một vài cá nhân đặc biệt nào đó. Dù vậy, theo Jared Diamond, thì biến số về các cá nhân đặc biệt này cũng là một vấn đề đáng lưu tâm, và cùng với biến số về các đặc thù văn hoá ở mỗi nơi, thì đây là những vấn đề mà cho đến nay người ta vẫn còn đang đi tìm lời giải đáp.

Nguồn: http://tramdoc.vn/


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!