iPub.vn Covid banner

Bách khoa, Hành trình mở ra hay lạc bước?

Nguyễn Doãn Nam - K62 - Viện CNTT và TT - Lớp KTMT.06       4 năm trước       2,268 lượt đọc

Nhiều khi, những thứ bạn chọn không phải vì đam mê, vì sở thích hay cũng chẳng phải là lựa chọn phù hợp nhất, nhưng cũng từ đó mà nhiều con đường khác lại mở ra cho chính bản thân mỗi chúng ta.

Họ nói học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công, những với tôi, một con người sinh ra ở vùng đất thuần nông, gió Lào thổi hết cả mùa hạ thì học gần như là con đường phù hợp nhất.

Nhà tôi có bốn anh chị em, ngày đó lớp 2, chị cả đỗ đại học. Như cái thời nay thì nhà nhà đều có con đi học đại học, nhưng cái thời đó đi học đại học ở quê tôi thực sự là một niềm vui lớn, dù đó là một ngôi trường bình thường ở Huế. Ngày liên hoan tiễn chị, lần đầu tiên từ khi bé tôi thấy nhà tôi linh đình như vậy, dù gia đình chẳng khá giả nhưng vẫn mong muốn làm một bữa cỗ cho anh em họ hàng đến chung vui cùng gia đình, tiễn chị đi học với niềm hy vọng mong chị sẽ sớm ổn đinh, học tập tốt, tốt nghiệp và có một tương lai thật tươi sáng. Đó cũng là lần đầu tiên niềm ước mơ đại học gieo vào trong suy nghĩ của tôi, nhưng còn mơ hồ lắm, vùng đất Hà Nội đâu đó nó cũng chỉ là một nơi mà dăm ba lần thỉnh thoảng xuất hiện trên cái vô tuyến màu mà cha mua lại từ cậu hồi tôi mới sinh.

Dần dần, ngày càng lớn khôn hơn, cái ước mơ đại học ngược lại nó lại gói gọn lại, đúng là nhà bao việc. Lớp 3, lớp 4, lớp 5, rồi cấp 2, cấp 3, ông trời đúng chẳng tha một ai khi mang đến bao nhiêu thử thách với gia đình tôi, nhiều lúc, cha gục ngã, mẹ phải rơi nước mắt, dần dần, mỗi người trong gia đình đi làm một phương trời, còn tệ nhất chắc là những suy nghĩ của người đời nhìn về cuộc đời của gia đình tôi, có phải quá đáng thương cho một đứa trẻ khi phải nhìn đời quá sớm, ngược đãi chính lòng mình bằng những cái gai đâm từ xã hội. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may, nhờ từ đó mà tôi nhận thức được về bản thân mình sớm hơn, có cái nhìn về mọi thứ bao quát hơn và ngày càng phải tự thay đổi bản thân mình để trở thành niềm tự hào của gia đình, để họ nhìn vào gia đình tôi là sự ngưỡng mộ, thích thú với cảm xúc con nhà người ta, chứ không nhìn vào những thứ khác. Tôi gắng học.

Tôi không phải đứa quá thông minh hay xuất chúng, nhưng ngay từ nhỏ mẹ hay dạy hát, dạy đọc thơ, dạy nhiều cái nên trong tôi hình thành được một số tư duy khá nhanh nhẹn. Dần dần trải qua những năm học ở trường làng tôi dần mang lại những danh hiệu nhỏ nhỏ về cho nhà, kết quả học tập thuận lợi để tôi tự tin bước vào lớp 12. Những khi tôi báo tin mừng, cha mẹ chỉ cười nhẹ, họ không phải không hạnh phúc, chắc cha mẹ vui trong lòng, hay chắc sự hy sinh qua cả cuộc đời cha, hay chắc dòng nước mắt nhiều khi phải rơi của mẹ cũng làm mờ đi nụ cười tươi thường ngày đó.

Lớp 12 với tôi, không phải là cuộc chiến quá dữ dội, đơn giản vì tôi có thầy cô và bạn bè. 2017 chúng tôi đối mặt với hàng loạt các đổi mới trong cách thi và cách học, ở cái trường huyện chúng tôi, không học hành một cách quá đà nhưng may mắn là đúng phương pháp nên tôi khá tự tin bước vào cuộc thi của đời mình. Nhưng cái khó nhất không phải là kiến thức, mà là câu hỏi: Lối đi nào dành riêng cho cuộc đời mình. Kỹ thuật hay kinh tế, hai thứ làm tôi quá phân vân qua tháng năm ôn thi. Tôi vẫn hay nói đùa với bọn bạn, nếu không có lựa chọn nào quá ưa thích, tôi sẽ học Bách khoa. Chỉ là câu nói đùa nhưng thực sự trong lòng tôi cũng đang nghiêng hướng về Bách khoa, với niềm mong ước sẽ nhanh chóng ra trường, có lương thật cao, gắng nuôi sống bản thân mình. Ngày đó cũng đến, tôi viết ba nguyện vọng đầu là top 3 ngành ở bách khoa, theo ngay sau là ngoại thương rồi kinh tế quốc dân,... Tôi tập trung vào ôn thi và dường như bỏ ngõ cả sự lựa chọn chính chắn nhất cho cuộc đời mình. 

Ngày thi qua, tôi đỗ nguyện vọng 1, một ngành đáng mơ ước của nhiều người ở Bách khoa. Ngày đó, tôi vẫn phân vân, mình chọn đúng hay đã lạc bước?

Cuộc sống ở Bách khoa thực sự khác, đầu tiên là vấn đề về cách tự lập và sống ở nơi đất khách quê người. Cái này tôi không sợ. Từ cấp 2 phải tự tập cách để tìm việc kiếm tiền mua lại cho bản thân những thứ mình cần nhất. Lên đại học cũng vậy, tôi tự kiếm việc làm, tự kiếm tiền, dần dần lên năm 2 là tự nuôi sống bản thân để đỡ cha đỡ mẹ một phần nhỏ. Họ nói sinh viên nên tập trung vào việc học, nhưng tôi nghĩ nếu những công việc vừa phù hợp thời gian, năng lực, lại mang lại cho mình cả thu nhập về kinh tế, tại sao không thử? Gắng làm và phải làm được dù đôi khi thực sự khá mệt mỏi.

Bài toán thứ hai là về học tập, cách học và cách làm ở Bách khoa khác rất nhiều so với những gì cuộc đời tôi đã từng học. Bạn tôi dạy tôi rất nhiều. Thực sự, chúng nó không khác những giáo viên của tôi là mấy, nhiều lúc, bài tập này nọ, kiến thức khó, cách tiếp cận khác biệt, chính chúng nó đã cứu tôi ra khỏi cái mỡ hỗn độn đó. 

Nhưng bài toán khó nhất ở đây cũng là nút lòng bao năm của tôi, đó chính là đam mê, tôi tự hỏi mình có thực sự đam mê ngành mình đang học không, hay kinh tế mới là thứ mà mình mong muốn theo đuổi? Mình có thích cái mà Thầy, Cô dạy, mình muốn như thế nào đối với chính bản thân mình? Nó quá khó. Tôi nhắn với bạn thân: "M, tớ mệt mỏi quá". Dường như nhiều khi tôi quá ép bản thân mình vào chính một cái khuôn khổ nào đó, nó quá ác liệt và dữ dội gây ra tác dụng ngược đó là sự mệt mỏi. Nhiều lúc cảm thấy lạc lõng giữa chính Bách khoa, giữa chính cái Hà Nội này. Ngày đó, tôi nói anh tôi, anh ạ, ở đây không có gì để em thích. Anh tôi chỉ đáp lại, không phải, đó là do em chưa tìm được góc nhỏ nào đó để yêu thương thôi. Và rồi tôi đi tìm, đi bộ suốt ngày, tìm những góc nho nhỏ dễ thương để thử ngắm, chill thưc sự. Và rồi đến lúc tôi mong muốn có thêm bạn bè, tôi mong có thể kết nối cộng đồng, đó cũng là lúc tôi tham gia vào các hoạt động xã hội.

Là một sinh viên kỹ thuật nhưng thật lạ, tôi ghét những điều khô khan, luôn đi tìm sự mới mẻ trong cảm xúc, luôn phải tập cách làm cho chính bản thân mình hết chán. Sau hai năm hoạt động ở những tổ chức bên ngoài trường. Năm thứ ba, tôi thành lập riêng một đội tình nguyện mang tên Đội SVTN Đồng hương Nghệ Tĩnh Đại học Bách khoa Hà Nội. Đó là cả sự liều lĩnh khi mình có thể phải trả giá bằng kết quả học tập, bằng công sức hay kể cả bằng tiền. Nhưng tôi vẫn chọn và tôi tìm cách cân bằng mọi thứ. Đội là nhà, là đứa con mà tôi chăm, dần dần kết nối được hàng chục hàng trăm sinh viên với các hoạt động tình nguyện, hoạt động học tập. Nhiều khi học tập quá áp lực và mệt mỏi, tôi lại về với chúng nó, thương lắm, bọn nó luôn tìm cách để tôi vui lên, động viên tôi, giúp tôi vượt qua cả những thử thách cuộc đời. Đội luôn luôn là thứ mà tôi trân quý nhất ở Hà Nội.

Nhiều lúc, bạn có thể đi vào bế tắc, bạn trầm cảm hay stress nặng, hãy tìm cách để bản thân mình thoát ra những khoảng không đó. Không phải sự lựa chọn nào cũng hoàn toàn đúng hay hoàn toàn phù hợp, nhưng quan trọng là mình phải biến nó thành thứ mà mình vẫn có thể tiếp tục, cân bằng và vững tiến. 

Thứ tôi luôn mang bên mình, không phải tiền bạc, hay những thứ quá lớn lao, mà là kim chỉ nang cho cuộc sống của tôi, một câu hát: "Everything that kills me makes me feel alive". Vẫn cứ bước đi vẫn cứ dại khờ, chắn chắn ánh mặt trời sẽ đón lấy tay ta.


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!