Người đứng đầu các chính phủ đều hết sức “đau đầu” là làm sao chung sống với đại dịch covid-19 với thiệt hại kinh tế thấp nhất và thời gian để bắt đầu phục hồi kinh tế ngắn nhất.
Bài viết này tập trung vào các khía cạnh rất nhỏ là thời gian phục hồi kinh tế lần này không thể ngắn, cần thực hiện những việc có thể làm ngay nhằm hạn chế tối đa tác hại của con “virus trì trệ” trong phục hồi kinh tế và những kinh nghiệm quá khứ vừa qua.
Kể từ khi xuất hiện dịch Vũ Hán (tên gọi đầu tiên của đại dịch Covid-19), không riêng nước ta, mà cả thế giới gồng mình “chống dịch như chống giặc”, mà mục tiêu chung là cứu mạng sống con người. Đi liền, gắn liền, đi song song với cuộc chiến cứu mạng sống, cả thế giới cũng gồng mình cứu cuộc sống của con người, bởi chết bệnh hay chết đói cũng đều là chết cả.
“Phục hồi” là giai đoạn kết nối tất yếu giữa giai đoạn khủng hoảng, suy thoái kinh tế với giai đoạn phát triển tiếp theo. Trong giai đoạn này, các quốc gia đã trải qua khủng hoảng, kể cả nước ta lâu nay đều thực hiện các giải pháp nhằm vào hai mục tiêu: (i) Khắc phục những thiệt hại do khủng khoảng để lại; và (ii) Tạo những tiền đề cần thiết, trước mắt để phát triển nhanh và bền vững cho giai đoạn tiếp theo. Để đạt mục tiêu (ii), cần phải khôi phục cho được cuộc sống bình thường, lành mạnh cho mọi người dân; cần phải khôi phục với những nâng cấp cần thiết cung cách quản trị quốc gia của bộ máy công quyền.
Do đó, thời gian phục hồi kinh tế dài hay ngắn tùy thuộc vào mức độ thiệt hại, vào mức độ đảo lộn cuôc sống bình thường của người dân do khủng hoảng gây ra, vào tính chất, khối lượng và cả cung cách thực hiện các giải pháp đề ra cho giai đoạn này.
Thời gian phục hồi theo cách chữa bệnh
So với các cuộc khủng hoảng gần đây, thời gian phục hồi kinh tế do đại dịch covid-19 gây ra không thể ngắn vì ít nhất ba lý do sau đây:
Thứ nhất, cần thời gian để ‘sống chung” một cách khôn khéo với đại dịch covid-19.
Cho đến nay chưa ai tìm ra công cụ tiêu diệt được virus có thể lây người sang người. Vì vậy, con người, không còn con đường náo khác, dù rất không thích, rất không muốn cũng buộc phải “chung sống” với chúng. Vấn đề còn lại chỉ là “chung sống” sao cho ít thiệt hại nhất cả về cuộc sống (kinh tế) và mạng sống của con người. Cách phổ biến nhất cho đến nay là mỗi khi một con virus nào đó tấn công, con người chạy đôn, chạy đáo tìm ra vắc xin tiêm vào người làm cho con người miễn dịch đối với một con virus cụ thể đó. Con người đã tìm ra những loại văcxin làm cho con người miễn dịch suốt đời đối với một số chủng loại virus để tiêm cho trẻ con hoặc văcxin chỉ có tác dụng trong một năm, như văcxin phòng cúm theo mùa…
Trong thời gian chờ đợi vắc xin trong đại dịch covid-19, con người “sống chung” với virus theo cách “Phong tỏa”, “cách ly” với các dạng rất khác nhau để hạn chế lây lan. Hiện có hai dạng chính:
- Dạng “Miễn dịch cộng đồng”, tức để cho virus corona sống “tự do hơn”, con người chỉ can thiệp vào những lúc, những khâu thực sự cần thiết. Các số liệu cho đến nay cho thấy, tỷ lệ người bị lây nhiễm cũng như tỷ lệ người chết là cao. Đổi lại, thiệt hại về kinh tế thấp.
- Dạng “Cách ly, phong tỏa” với các mức “triệt để” khác nhau, với thời gian bắt đầu và kết thúc khác nhau giữa các quốc gia. Cách làm này thì tỷ lệ người bị lây nhiễm cũng như tỷ lệ người chết thấp. Ở Việt Nam cho đến nay chưa có người chết. Đổi lại, thiệt hại về kinh tế thì cao. Nước ta chọn cách thứ 2 này.
Điều rất mừng và tự hào là sau gần 4 tháng chiến đấu chống dịch, theo cách phân loại trong bài viết “Việt Nam chuẩn bị chuyển sang trạng thái bình thường mới” của ông Nguyễn Thiện Nhân, Việt Nam được xếp vào nhóm nước “không có dịch, chỉ có lây nhiễm kiểm soát được”. Nhưng điều hết sức lo lắng là cho đến nay trên thế giới, cũng như ở nước ta chưa một ai có thể dự đoán được khi nào thì số người lây nhiễm, số người chết vì covid-19 trên toàn cầu đạt đỉnh. Cũng chưa ai dám khẳng định thời điểm dừng hoán vị giữa ba nhóm nước theo cách phân loại của bài viết nêu trên, bởi nếu không cẩn thận thì nước ta có thể từ nhóm 3 nhảy lên nhóm 1 lúc nào không biết. Singapore đang là thí dụ điển hình. Và từ đó chưa ai có thể khẳng định được thời điểm nào thì cuộc sống của con người mới quay lại hoàn toàn bình thường như trước khi có dịch.
Người đứng đầu các chính phủ đều hết sức “đau đầu” là làm sao chung sống với đại dịch covid-19 với thiệt hại kinh tế thấp nhất.
Thứ hai, cần thời gian dài hơn để khắc phục thiệt hại kinh tế quá lớn do đại dịch covid-19 gây ra.
So với các cuộc khủng hoảng gần đây, phải cần thời gian dài hơn để khắc phục thiệt hại kinh tế do đại dịch covid-19 gây ra. Lý do:
- Các cuộc khủng hoảng trước đây thường gây thiệt hại từng mặt, từng lĩnh vực, còn lần này đại dịch covid-19 gây tê liệt toàn bộ hoạt động kinh tế (số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động có thời hạn, tạm dừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng vot; Số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tăng đột biến; rủi ro nợ xấu;…)
- Đại dịch covid-19 giáng đòn chí mạng vào các động lực tăng trưởng kinh tế mới nhen nhóm lên được mấy năm gần đây: Công nghiệp chiến, chế tạo; xuất khẩu; khu vực dịch vụ, nhất là du lịch, vận tải…
Thông thường, những nước có quy mô lớn thường lấy tiêu chí: “kinh tế suy thoái”, tức tiêu chí kinh tế tăng trưởng ÂM để chỉ mức độ khó khăn, mức độ khủng hoảng kinh tế. Còn nước ta, do quy mô nền kinh tế còn nhỏ, nên không chỉ dùng thước đo GDP “DƯƠNG” hay “ÂM” để đánh giá thực trạng nền kinh tế như các nước phát triển, mà phải dùng nhiều tiêu chí khác nữa
Gọn lại, quy mô thiệt hại kinh tế là quá lớn, không thể khắc phục một sớm một chiều.
Thứ ba, cần thời gian chờ đợi các đối tác kinh tế mở cửa
Nước ta có độ mở kinh tế thuộc vào loại lớn nhất thế giới. Do vậy, kinh tế nước ta cũng lệ thuộc quá lớn vào sự “đóng”, “mở” của các nền kinh tế khác, nhất là những đối tác kinh tế trọng yếu. Trong khi đó, ai cũng biết, việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch covid-19, trong đó có giải pháp đóng, mở kinh tế với bên ngoài của các quốc gia là hết sức khác nhau. Ta không thể quyết định thay họ được, đành phải chờ đợi.
Nói gọn lại, thời gian cần thiết cho giai đoạn phục hồi không thể tính bằng tháng, quý như có người kiến nghị mà phải tính đơn vị năm.
Đường lối, chính sách, giải pháp trong quản trị quốc gia nói chung, trong giải cứu kinh tế do đại dịch covid-19 gây ra nói riêng sẽ không có tác dụng, thậm chí còn có thể biến “cơ” thành “nguy” nếu chậm chạp trong triển khai thực hiện. Vì vậy, việc đầu tiên phải làm lúc này là tìm mọi cách hạn chế tối đa tác hại của con “virus trì trệ” ngay trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Chính vì vậy, ngay trong vài tuần đầu khẩn trương thực hiện các công việc “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thường nhắc đến sự trì trệ, chậm chạp trong xử lý công việc của hệ thống công quyền, để lại hậu quả xấu. Để khắc phục tình trạng này, người đứng đầu Chính phủ vài lần gợi ý: cần tìm văcxin chống lại con “virus trì trệ”. Thủ tướng đã rất đúng, khi nêu vấn đề này, bởi “trì trệ” không còn là hiện tượng cá biệt, mà đã thành dịch lây lan khắp cơ thể bộ máy công quyền. Và đặc biệt bởi tác hại do nạn dịch này gây ra chẳng kém gì nạn đại dich covid-19, đó là làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong phục hồi kinh tế nói riêng.
Muốn loại bỏ được con “Virus trì trệ”, dù muốn, dù không những người làm công tác nghiên cứu buộc phải truy cho được nguồn gốc xuất xứ của mỗi chủng loại “Virus trì trệ”. “Virus trì trệ” được sinh ra ngay từ trong quá trình ra đời của đường lối, chính sách phát triển đất nước; “Virus trì trệ” được sinh ra ngay từ công tác quy hoạch cán bộ; “Virus trì trệ” cũng được sinh ra và phát tán nhanh từ sự chồng chéo, lẫn lộn về chức năng, thẩm quyền của hệ thống quản trị quốc gia…Vào thời điểm này, cuộc sống không cho phép cơ quan công quyền ngồi chờ mà phải hành động liền tay tiêu diệt càng sớm càng tốt các chủng loại “Virus trì trệ” thuộc thẩm quyền của chính quyền các cấp. Để làm rõ điều đó, xin nêu vài thí dụ.
Thí dụ 1: Tệ nạn “giải ngân đầu tư công chậm” kéo dài như cơm bữa. Ngay trong năm 2020 ngân sách dành cho đầu tư công còn đến trên 700.000 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn, vô cùng quý vào lúc này. Có tiền mà không tiêu được, trong khi các đơn vị thi công “khát tiền” đến cháy cổ, phải đi vay thương mại để có tiền trả lương cho người lao động… Con “virus trì trệ” giữ vai trò quan trọng trong việc giải ngân chậm. Tiêu diệt “virus trì trệ” thuộc thẩm quyền và trách hiệm của chính quyền các cấp. Dân muốn chính quyền ra tay càng sớm, càng tốt.
Thí dụ 2: Chúng ta chưa bao giờ thực hiện được kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đề ra. Về mặt kinh tế, cổ phần hóa DNNN là nhằm biến một khối lượng rất lớn nguồn lực đang “ngủ đông” hoặc mang lại hiệu quả rất thấp thành nguồn vốn cần cho phát triển đất nước và rất cần vào lúc này. Sự chậm trễ có phần do một số đường lối không còn phù hợp gây ra, nhưng thủ phạm chủ yêu gây ra tình hình đó là các con “virus trì trệ” ẩn nấp trong hiệ thống chính quyền.
Thí dụ 3: Các loại “Giấy phép con” là những con “virus trì trệ” bự đang tác oai, tác quái gây nên sự chậm trễ trong phát triển kinh tế đất nước chúng ta. Vấn đề này đã được nói nhiều, viết nhiều, nhưng lần này cần nhắc lại lần nữa với mong muốn các cơ quan có trách nhiệm hãy xắn tay áo cùng xử nhanh các yêu cầu của doanh nghiệp một khi để tồn tại trong cơn đại dịch covid-19, để phát triển tiếp sau đại dịch họ buộc phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, họ phải tìm ngành nghề kinh doanh mới, họ phải sát nhập. Trong quá trình đó, doanh nghiệp cần không ít thứ “phép” của cơ quan quản lý nhà nước.
Mà con virus trì trệ biến hình thành những con khác như virus sợ trách nhiệm”, virus xin ý kiến,…
Không kể kế hoạch 3 năm (1958-1960) phục hồi kinh tế sau chiến tranh chống Pháp ở Miền Bắc, 30 năm qua, nước ta đã ba lần thực hiện nhiệm vụ phục hồi kinh tế sau khủng hoảng.
Lần thứ nhất, phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội tồi tệ kéo dài hơn 10 năm từ cuối những năm 70 đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Thời gian để phục hồi kinh tế do cuộc khủng hoảng để lại là rất dài. Tiêu đề của Chiến lược 10 năm đầu tiên đã nói lên điều đó: “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000”.
Lần thứ hai, phục hồi kinh tế sau khủng hoảng 1988-1989. Hồi bấy giờ quy mô kinh tế của chúng ta còn rất nhỏ bé, còn thiếu thốn mọi thứ, nhất là các loại tư liệu sản xuất quan trọng. Một hiện tượng kinh tế “kỳ quặc” xảy ra khi khủng hoảng ập đến: nhiều loại tư liệu sản xuất (xi măng, sắt thép…) từ trạng thái “thiếu thốn trầm trọng” nhảy sang trạng thái “thừa mứa”, nhiều nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng.
Trước tình hình đó, Chính phủ đề ra giải pháp: kích cầu đầu tư và chọn mục tiêu đầu tư rất thiết thực, vừa sức: Xây dựng đường giao thông nông thôn và kiên có hóa kênh mương nội đồng với phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm. Có được hệ thống đường giao thông nông thôn và hệ thống kênh mương nội đồng như ngày nay được sinh ra như vậy đó. Công sức của dân bỏ ra để có hệ thống công trình đó là chính, ngân sách nhà nước chỉ bỏ một phần rất nhỏ, chủ yếu để mua những thứ không có tại chỗ (xi măng, sắt thép…). Và điều quan trọng là kinh tế được phục hồi chỉ sau một thời gian rất ngắn.
Lần thứ ba, phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tài chính 2008-2009. Lần này cũng chủ trương kích cầu đầu tư, nhưng do nhiều nguyên nhân, kết quả mang lại không như mong muốn, để lại hậu quả xấu, mà đến bây giờ vẫn chưa xử lý xong.
Nhắc lại, chuyện cũ trên đây, người viết muốn bày tỏ một ý nhỏ: cần cân nhắc thật kỹ những giải pháp áp dụng cho giai đoạn phục hồi sao cho phục hồi kinh tế nhanh mà không để lại hậu quả xấu, không gây khó khăn cho giai đoạn tiếp theo.
Mấy tuần nay, người viết cứ tìm kiếm các kế hoạch phục hồi kinh tế nhưng vẫn chưa thấy công bố. Dù chúng ta chống dịch nhưng vẫn phải song song phục hồi kinh tế và đến nay kế hoạch phục hồi kinh tế chưa được thông qua là chậm.
Hải Lộc
Nguồn: Vietnamnet