iPub.vn Covid banner

Economist: Sau dịch Covid-19 sẽ là cuộc khủng hoảng lương thực thế giới?

Ipub.vn       4 năm trước       1,155 lượt đọc

Khi dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nhiều chuyên gia lo sợ một cuộc khủng hoảng lương thực tương tự như năm 2007 có thể lại diễn ra một lần nữa. Vào thời điểm đó, khoảng 75 triệu người trên thế giới đã lâm vào cảnh nghèo đói do khủng hoảng lương thực lan tràn khắp từ Bangladesh cho đến Mexico.

Vào tháng 2/2020, Trung Quốc đã siết chặt các lệnh cấm bay quốc tế trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19 và động thái này đã khiến Bộ trưởng thương mại David Parker của New Zealand phải “toát mồ hôi”. Nguyên nhân rất đơn giản, Trung Quốc hiện là khách hàng nhập khẩu nông sản lớn nhất của New Zealand.

Bởi vậy ngay sau khi hàng loạt hãng hàng không chịu thiệt hại và phải giảm chuyến bay, chính phủ New Zealand đã ngồi xuống làm việc với các hãng hàng không, qua đó đề nghị những khoản vay ưu đãi nếu họ tiếp tục đáp các chuyến bay dù không có hành khách đến Trung Quốc, Singapore, Mỹ... những thị trường xuất khẩu nông sản chính của nước này.

Giá gạo tăng đột biến sau khi Việt Nam hạn chế xuất khẩu

Thậm chí, ngay cả những hãng hàng không có trụ sở tại Trung Đông cũng được chính phủ New Zealand đề nghị cứu trợ chỉ để xuất khẩu các chuyến hàng nông sản đến tay khách hàng.

"Tại Trung Đông, nhu cầu lương thực khá lớn do điều kiện địa lý", Bộ trưởng Parker nói.

Trên thực tế, khoảng 4/5 dân số thế giới phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu. Năm 2019, khoảng 1,5 nghìn tỷ USD đã được thanh toán cho nhập khẩu thực phẩm, cao gấp 3 lần so với năm 2000.

Những chuyến bay chở hàng hay các chuyến tàu là nơi kết nối nguồn cung lương thực cho hàng trăm triệu nhà hàng cũng như các hộ dân trên thế giới.

Tuy nhiên, tình hình đang ngày một phức tạp hơn khi những ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài. Việc người dân mất nguồn thu do các lệnh cách ly khiến họ không đủ tiền để mua sắm lương thực như trước.

Liên Hiệp Quốc (UN) dự đoán số lượng người phải chịu cảnh đói ăn trong năm 2020 sẽ tăng gấp đôi lên 265 triệu người. Thậm chí tại nền kinh tế số 1 thế giới như Mỹ, người dân cũng đang phải chịu cảnh đói ăn khi hàng km người xếp hàng dài trước những trung tâm phát chẩn lương thực.

Chuỗi cung ứng lương thực bị ảnh hưởng

Mặc dù những nông trại là cội nguồn của chuỗi cung ứng lương thực nhưng hạt giống, phân bón, thiết bị, nhiên liệu... đều cần vận chuyển từ nơi khác đến. Thậm chí hệ thống phân phối cũng cần sự hợp tác của các hãng vận chuyển, môi giới.

Trong suốt 20 năm qua, ngành lương thực đã chứng kiến sự độc quyền của hàng loạt các tập đoàn lớn nhằm tận dụng mức lợi nhuận nhỏ nhoi trong ngành. Tại Mỹ, khoảng 50% thị phần thịt nằm dưới sự kiểm soát của 4 công ty lớn và điều này khiến thị trường khủng hoảng khi những ông lớn này phải đóng cửa nhà máy vì dịch Covid-19.

Trong 10 năm qua, 2/6 số thương vụ sáp nhập lớn nhất thế giới là giữa các công ty kinh doanh mảng thực phẩm. Việc các công ty lương thực ngày càng tập trung và độc quyền khiến chuỗi cung ứng lương thực len lỏi và phổ biến khắp thế giới.

Ví dụ bột mỳ tại Ukraine có thể biến thành bột làm bánh tại Thổ Nhĩ Kỳ hoặc được dùng làm sợi mỳ tại Trung Quốc.

Ngày càng nhiều nước trên thế giới phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực (%)

Ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực bất chấp họ có tự cung tự cấp được hay không. Nghiên cứu của Tổ chức nông lương quốc tế (FAO) cho thấy phần lớn các quốc gia hiện nay phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu hơn nhiều so với cách đây 20 năm. Thậm chí, ngành nông nghiệp hiện nay cũng phải dựa rất nhiều vào nguồn cung nhập khẩu, từ phân bón, thiết bị cho đến những đầu vào khác.

Như một hệ quả tất yếu, khi dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nhiều chuyên gia lo sợ một cuộc khủng hoảng lương thực tương tự như năm 2007 có thể lại diễn ra một lần nữa.

Vào thời điểm đó, khoảng 75 triệu người trên thế giới đã lâm vào cảnh nghèo đói do khủng hoảng lương thực lan tràn khắp từ Bangladesh cho đến Mexico.

May mắn thay, an ninh lương thực hiện nay trên thế giới vững chắc hơn so với thời năm 2007. Nắng suất thu hoạch tại Châu Âu, Mỹ và Australia đều cao hơn. Lượng dự trữ lương thực cũng nhiều hơn. Giá dầu hiện nay cũng rẻ nên việc vận chuyển không còn tốn kém như trước.

Ngày nay, dự trữ ngũ cốc trên toàn thế giới cao gấp đôi so với thời kỳ 2007-2008. Giá vận hàng rẻ hơn 20 lần còn giá dầu thô chỉ vào khoảng 30 USD/thùng. Nhờ đó, ngành nông sản trên thế giới có thể giảm chi phí, đồng thời kiểm soát được giá lương thực tốt hơn.

Dự trữ ngũ cốc (triệu tấn)

Trớ trêu thay, cuộc khủng hoảng lần này được các chuyên gia dự đoán là khó khăn hơn rất nhiều bởi chúng tác động đến cả nhu cầu. Rõ ràng mọi người đều phải tiêu thụ lương thực nhưng việc giảm thu nhập khiến họ không đủ tiền để chi tiêu.

Tồi tệ hơn, việc dịch chuyển xu hướng tiêu dùng lương thực sẽ khiến nhiều ngành nông sản bị điêu đứng vì không bán được hàng.


Sự tàn phá thầm lặng của Covid-19

Vào tháng 3/2020, lệnh cách ly khiến doanh số đồ hộp và nhiều mặt hàng lương thực đóng gói tăng gấp 7 lần.

Rõ ràng, dịch Covid-19 hiện nay đang khiến người tiêu dùng thay đổi khẩu vị. Kể cả khi các lệnh cách ly được nới lỏng, ngành thực phẩm sẽ không thể quay trở lại được như trước đây.

Những nhà hàng, quán cà phê hay quán ăn vốn chiếm tới 30% lượng tiêu thụ Calories trên toàn thế giới thì nay phải đóng cửa hoặc khó kinh doanh vì người dân lo sợ. Điều này khiến nhiều nông trại khó khăn vì chẳng tìm được đầu ra.

Theo lý thuyết, người nông dân vẫn có thể bán hàng cho người tiêu dùng vì ai cũng phải ăn, thế nhưng thói quen ăn uống sẽ thay đổi rất nhiều và sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến cả chuỗi cung ứng. Ví dụ ngay từ việc thay đổi kích cỡ bao bì cũng sẽ khiến các nhà máy sản xuất hay siêu thị phải thay đổi các tiêu chuẩn cung ứng bởi trong khi các đầu bếp nhà hàng ưa thích những gói bột 16kg thì các khách hàng cá nhân lại chỉ mua 1-2kg.

Sự thay đổi này đang khiến nhiều ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng. Tại Pháp, các ngư dân cho biết họ phải giảm 2/3 sản lượng đánh bắt được bị ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng. Australia cũng đang phải đối mặt với vấn nạn thừa quả bơ (Avocado) trong khi nhiều trang trại bò sữa tại New Zealand phải đổ bỏ sữa vì chẳng ai mua.

Tại Châu Âu, các quan chức dự báo khoảng 400 triệu Euro, tương đương 430 triệu USD cà chua sẽ bị đổ bỏ vì ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Tại Mỹ, lượng thức ăn thừa đổ phí ước tính sẽ tăng 30-40% trong năm nay.

Tại Thái Lan, giá thanh long đã giảm tới 85% do thị trường nhập khẩu chính của loại quả này là Trung Quốc suy giảm.

Trong khi Mỹ đang khủng hoảng thịt thì hãng Argo Merchant, vốn cung cấp thịt đông lạnh cho 11 quốc gia cho biết lượng tồn kho của công ty đã đầy do các nhà máy giết mổ, chế biến bị đóng cửa.

Tại các nông trại lợn của Mỹ, mỗi 5 ngày lại có thêm 1 triệu con lợn đáng lẽ được xuất chuồng thì lại chẳng có nơi để đi vì không có người mua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải buộc các nhà máy chế biến thịt mở cửa trở lại, nhưng tình hình vẫn chẳng khá hơn là bao khi họ không thể chạy hết công suất vì lo lắng lây nhiễm dịch bệnh.

Hệ lụy của những ảnh hưởng này là lâu dài khi người nông dân ngừng sản xuất còn các cánh đồng bị bỏ hoang chẳng có người thu hoạch. Thế rồi khi quá nhiều lương thực bị bỏ phí và người dân đói ăn, khủng hoảng xã hội sẽ bùng phát.

Năm 2007, khoảng 33 nước đã phải tuyên bố kiểm soát xuất khẩu trước cuộc khủng hoảng lương thực, qua đó đẩy giá lúa gạo tăng 116%. Theo nghiên cứu của Olam, hãng giao thương lúa gạo lớn thứ 2 thế giới, chỉ có 4-5 quốc gia trồng lúa trên thế giới đủ để tự cung tự cấp cho người dân và khủng hoảng lương thực có thể tạo nên những xáo trộn trên thị trường.

Đây là nguyên nhân chính khiến giá lúa gạo đột ngột tăng thời gian qua khi Việt Nam quyết định siết chặt việc xuất khẩu gạo.

Rõ ràng, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đến kinh tế, xã hội và an ninh lương thực thế giới là rất phức tạp và có thể cuộc khủng hoảng tệ nhất vẫn chưa diễn ra dù dịch đã được dập.

AB

Nguồn: Cafebiz


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!