Rồi đây, nhiều bài học trong những ngày nỗ lực đưa cuộc sống trở lại bình thường sẽ được tổng kết, đúc rút và triển khai để chúng ta trở lại cuộc sống bình thường trong một giai đoạn mới.
Trước khi trở lại trường học một ngày, cô con gái đang học lớp 9 của tôi thực sự chộn rộn. Cô chuẩn bị sách vở, quần áo từ sớm, một việc hiếm khi cô làm trước đó. Mẹ cô thì liên tục nhắc "nhớ mang theo hai cái khẩu trang, một cái để dự phòng trong cặp cho cẩn thận!". "Con biết rồi". Còn tôi thì hỏi "có vui không", "vui nhưng không nên vui quá". Trả lời là vậy nhưng tôi biết, cô rất vui vì hôm trước trong bữa tối cô đã lẩm bẩm "hôm nay là ngày nghỉ Tết mùng một trăm linh một".
Bữa tối ăn với một gia đình người bạn là chủ một tiệm ăn nhỏ. Tiệm ăn nghỉ từ Tết Nguyên đán đến nay. "Chúng ta tụ nốt hôm nay, để ngày mai trở lại nhịp sống bình thường". Ngày mai, họ sẽ mở cửa tiệm ăn trở lại. Tuy trước đó, nhiều khách hàng quen đã giục họ mở cửa để đến ăn món ăn họ nhớ nhưng anh chị thực sự muốn có sự an toàn cao hơn nên ngày 4 tháng 5 họ mới mở cửa. Tôi biết khi mở cửa tiệm ăn, bốn rưỡi sáng anh chị đã phải thức dậy nhưng tôi thấy rõ niềm vui nơi họ sau một thời gian dài phải ở nhà vì thực hiện giãn cách xã hội.
Cụ ông Hoàng Văn Vinh hôm nay sẽ vào bệnh viện khám. Cụ mệt từ nhiều hôm trước nhưng gia đình không dám đưa vào bệnh viện vì lo ngại nếu có biểu hiện gì nghi ngờ cụ sẽ bị đưa đi cách ly dù đã hơn 80 tuổi, cụ hầu như chỉ ở nhà nên nguy cơ lây nhiễm Covid-19 là cực thấp. Trong suốt thời gian giãn cách, gia đình phải gọi một cơ sở xét nghiệm đến làm xét nghiệm và gửi kết quả để bác sĩ khám online cho cụ.
...Sáng nay, 4 tháng 5, con đường tôi đi làm lại đông nghịt gần như mọi ngày. Thời gian di chuyển từ nhà đến cơ quan của tôi gần gấp đôi thời gian di chuyển khi còn giãn cách. Nhưng tôi thấy vui vì ngoài việc nhịp sống trở lại bình thường. Sẽ lại được ăn phở, uống cà phê ở những hàng quen thuộc, được làm việc bình thường và được gặp gỡ các đồng nghiệp sau một tháng làm việc online, mọi việc giao tiếp với nhau qua mạng. Điều dễ nhận thấy đầu tiên là gần như 100% người tham gia giao thông trên đường đều đeo khẩu trang phòng dịch.
Đến giờ phút này, có thể nói gần như chắc chắn, kịch bản xấu hơn mà Chính phủ đã tính đến là có tới nghìn ca mắc và con số người tử vong lên đến hàng trăm như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ không xảy ra. Nhịp sống đang trở lại gần như bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh. Trải qua thời gian "chống dịch như chống giặc", "mỗi người dân là một chiến sĩ"...đến nay ai cũng thấy rõ giá trị của những ngày bình thường trước đây.
Cho đến thời điểm này, dù dịch vẫn chưa thực sự kết thúc, dù vẫn còn rất nhiều việc phải làm, thậm chí vẫn còn những nguy cơ hiện hữu và chẳng cần có những khen ngợi hay biểu dương từ tổ chức nào thì dù khắt khe đến mấy cũng phải nói rằng việc chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã đạt những kết quả hết sức ấn tượng bởi cách làm quyết liệt, bài bản và thống nhất của các ngành, các cấp. Không ai có thể ngờ tới một quốc gia như Hoa Kỳ hay các quốc gia G7 có tới hàng vạn người thiệt mạng và số ca mắc đến đến con số triệu người.
Nói vậy để thấy dù không ai muốn dập dịch là thành tích nhưng cũng phải thừa nhận cách tiếp cận của Việt Nam "tính đến các tình xuống xấu nhất để nó không xảy ra" đã đem lại những kết quả có thể nói là kỳ tích.
Cũng thấy rõ để có những ngày bình thường tất cả chúng ta đã phải nỗ lực gấp nhiều lần để vượt qua vô số trở ngại trong những ngày tháng không bình thường. Giá trị của những ngày bình thường thực sự to lớn khi chúng ta phải trả giá, đã trải qua nhiều khó khăn trong những ngày không bình thường.
Rồi đây, nhiều bài học trong những ngày nỗ lực đưa cuộc sống trở lại bình thường sẽ được tổng kết, đúc rút và triển khai để chúng ta trở lại cuộc sống bình thường trong một giai đoạn mới. Nó sẽ là những ngày bình thường trong một trạng thái "bình thường mới" sau đại dịch.
Những bài học và giải pháp đó có thể được áp dụng vào nhiều lĩnh vực để cuộc sống an toàn hơn, kinh tế phát triển bền vững hơn, an sinh xã hội được bảo đảm hơn như sự kỷ luật, tính tự giác, sự nhất quán trong nguyên tắc chỉ đạo thực hiện, sự vận hành đồng nhất và sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng của các ngành các cấp...hay đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống, sẵn sàng, chủ động và quyết liệt hơn trong chuyển đổi số...
Những bài học này, trước tiên cần phải được áp dụng triệt để vào những vấn đề còn đang nóng bỏng như an toàn giao thông, đẩy mạnh cải cách hành chính, hiệu quả hơn trong đầu tư công, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.... Đó là sẽ là xung lực mạnh mẽ hơn nhiều trong việc tháo gỡ những ách tắc lâu nay trong đời sống xã hội.
Làm được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ có thêm nhiều xung lực mới cho sự phát triển sau khi đẩy lùi dịch bệnh.
Khôi Nguyên
Nguồn: Vietnamnet