iPub.vn Covid banner

Tôi đã thức tỉnh, kể từ ngày Covid -19 làm náo động chúng ta

Nguyễn Sen       3 năm trước       1,049 lượt đọc

Đôi mắt của chúng ta có thể bị cận, nhưng chúng ta vẫn có thể nhìn xa vô cực – đó là một chân lí không gì thay đổi. Chúng ta có thể phải trải qua những ngày rất khó khăn vì dịch bệnh Covid. Nhưng tôi tin, trải qua đau thương ngày dịch bệnh, người ở lại sẽ bình tâm hơn, mạnh mẽ hơn và sống tốt hơn.

Sáng nay, tôi vô tình đọc được bài tâm sự của một người chị khóa trên, ghi lại hành trình hơn hai tháng tình nguyện trong một bệnh viện, giữa lúc đất nước mình đang gồng mình lên chống dịch. Tự nhiên tôi cũng muốn ghi lại đôi dòng tản mạn nhắc mình nhớ lại quãng thời gian này.

Thầy giáo dạy Vật lí những năm cấp hai của tôi từng nói:” Đôi mắt con người có thể nhìn bao xa?. Mười mét, hai mươi mét,… Không! Đôi mắt của chúng ta có thể nhìn xa vô cực”. Tôi biết rằng đó là kiến thức duy nhất tôi còn nhớ mỗi khi nhớ về thầy và cả môn Vật lí. Nhưng bạn biết không, câu nói ấy luôn là nam châm động chỉ tôi cách nhìn hồn nhiên và vô ưu về cuộc sống mỗi khi phải trải qua một điều gì quá khó khăn. Đôi mắt của chúng ta có thể bị cận, nhưng chúng ta vẫn có thể nhìn xa vô cực – đó là một chân lí không gì thay đổi. Chúng ta có thể phải trải qua những ngày rất khó khăn vì dịch bệnh Covid. Nhưng tôi tin, trải qua đau thương ngày dịch bệnh, người ở lại sẽ bình tâm hơn, mạnh mẽ hơn và sống tốt hơn.

Còn nhớ hồi cuối năm ngoái, khi báo đài đưa tin về một loại virus gây bệnh viêm phổi cấp và những ca mắc đầu tiên tại Vũ Hán, tôi đã liếc qua mà chẳng mảy may nghĩ suy nhiều. Chắc cũng chẳng đáng lo đâu. Tôi đã nghĩ vậy. Mối lo duy nhất của tôi lúc ấy là kì kiểm tra kết thúc học kì I năm ba đại học. Rằng làm sao để nhằn nốt gần chục trang đề cương học phần trong khi mà ngày thi đã cận kề.

Ngày tôi về nghỉ tết, xả hơi sau một học kì đầy rẫy mối lo, báo đài tiếp tục đưa tin với tần suất dày đặc những thông tin về số ca mắc mới trên thế giới, kèm những khuyến cáo cách phòng bệnh, cách tự theo dõi các triệu chứng lâm sàng. Nhưng vì sự vô tâm của tuổi trẻ trước kì nghỉ xả hơi vô lo vô nghĩ, tôi cũng chẳng quá quan tâm. Tôi chỉ thực sự tìm hiểu về nó khi mà Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid đầu tiên, kèm theo số ca tử vong trên thế giới tăng chóng mặt mỗi ngày.

Là sinh viên trường Y, tôi quả có hơi chột dạ khi nghĩ về sự vô tâm, ích kỉ của mình trước việc làm biếng khi không chịu khó cập nhật tình hình dịch bệnh mới. Tôi thờ ơ trước một loại virus mới, dẫu rằng nó chẳng ngốn của tôi quá nhiều thời giờ trong một ngày.

Các thầy cô giáo của tôi, ngoài là những giảng viên đứng lớp thì còn là những y bác sĩ giàu kinh nghiệm trong các bệnh viện. Dù theo quy định, thì thời giờ của họ dành cho sinh viên chỉ là chút thời gian của một, hai tiết học. Song, họ vẫn luôn dành ra chút thời giờ quý giá của mình, để nói với chúng tôi về lời thề Hippocrates. Và cho dù chúng tôi mới chỉ là sinh viên, họ vẫn ân cần nhắn chúng tôi, rằng “Là sinh viên Y, dẫu chưa thể trực tiếp tham gia bảo vệ sức khỏe cộng đồng, song nếu có một dịch bệnh bùng phát mà không tự bảo vệ được người thân của mình, thì người đó không xứng đáng học trường Y đâu…”. Vâng, đúng vậy! Ngày hôm nay khi một dịch bệnh mới đã bùng phát, tôi có thể làm gì được để bảo vệ người thân của mình, khi mà kiến thức về con virus đó, tôi còn chưa thực lắm rõ. Và nếu người thân của tôi mắc phải căn bệnh đó, là một sinh viên Y mà không thể làm gì để bảo vệ họ, tôi sẽ ân hận lắm. Vì nếu họ mắc bệnh, thì chính là lỗi của tôi khi ngày qua đã làm biếng mà không thực chăm chỉ để hiểu sâu về cơ chế, cách triệu chứng lâm sàng của bệnh mà biết cách phòng tránh cho họ.

Cũng với cách nghĩ đó, nếu tôi không cập nhật những biến động của một dịch bệnh mới, tôi có thể vô tư mà tự hào khi là sinh viên trường Y được không? Khi mà đến kiến thức thường thức cơ bản, cũng không bằng một người dân bình thường không được học về y khoa bài bản. Và sẽ thế nào khi sau này tôi ra trường, đến người thân cũng không thể bảo vệ được, chứ đừng nói là có thể tham gia vào đội ngũ y tế bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp một phần công sức vào kiến thiết nước nhà.

Không! Tôi không thể cứ mãi chỉ chăm chú vào những trang sách và học thuộc nó làu làu như những con Zumbies lập trình. Vì nếu chỉ có như thế, thì mãi mãi tôi sẽ chẳng áp dụng được gì vào thực tiễn cuộc sống luôn tồn tại quá nhiều hiểm nguy trước sức khỏe nhân loại. Đừng hỏi chính mình có thể làm gì cho cuộc sống, khi mà câu trả lời đã hiển nhiên ngay trước mặt.

Tôi đã thức tỉnh, kể từ sự biến động ngày Covid làm náo động sức khỏe và xáo trộn cuộc sống của chúng ta.

Có lẽ một ngày không xa dịch bệnh cũng sẽ qua đi, chúng ta rồi cũng sớm trở lại tất bật với guồng quay học và làm. Nhưng tôi cũng nghĩ giống như những dòng chị đã viết, rằng sau ngày dịch bệnh, ai rồi cũng sẽ trở lại với phiên bản tốt hơn chính mình ngày hôm qua.


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!