Đại dịch Covid-19 quả là đáng sợ mọi người nhỉ, nó khiến cho thị trường việc làm đảo lộn hết cả. Mới hôm qua còn đi làm, hôm nay đã nằm trong danh sách cắt giảm hoặc cho làm việc tại nhà hưởng 50% là chuyện rất bình thường. Thế mới thấy, những công việc tưởng chừng ‘ổn định’, ‘an toàn’ lại không hề ổn và an chút nào.
Rất may là, có nhiều cách và nhiều việc bạn có thể làm từ bây giờ để chuẩn bị cho bản thân, giúp bạn giữ được công việc bạn đang có, lại còn chuẩn bị được cho những sự kiện không lường trước được trong tương lai nữa. Đương nhiên, không có điều gì là chắc chắn tuyệt đối 100% đâu, nhưng ít nhất là bạn đã có cố gắng để làm cho bản thân trở nên nổi bật hơn – trong trường hợp bạn muốn tìm một cơ hội công việc mới.
Dưới đây là sáu điều bạn có thể làm để tăng sự an toàn trong nghề nghiệp trong những thời kỳ khó khăn, dựa trên kinh nghiệm 5 năm tư vấn hướng nghiệp vừa qua của Tuấn-Anh cũng như dựa trên chính kinh nghiệm cá nhân của Tuấn-Anh, người đã làm việc tại nhà nhiều tháng vừa qua trong thời gian đại dịch mà vẫn vui.
Khi mới bắt đầu đi làm, lúc phỏng vấn các anh chị trong phòng Hướng nghiệp về một đức tính mà các anh chị muốn khuyên thằng em này nên có khi đi làm, mình nhận được một từ xuất hiện rất nhiều lần đó là “resilient”. Sau này khi đi làm nhiều hiểu rõ về nghĩa của từ này, mình mới thật sự thấm thía. “Resilient” dịch ra tiếng Việt nôm na là “khả năng phục hồi”, tuy nhiên cũng chưa toát được hết nghĩa. Bạn có thể hiểu rằng, đây là khả năng một người quay trở lại sau khi gặp một hoàn cảnh khó khăn. Hoàn cảnh càng khó, bạn quay trở lại càng mạnh mẽ. Giống như quả bóng tennis khi ném xuống sàn, mặt sàn càng cứng, nó càng nảy cao hơn.
Trong hình xăm đầu tiên trên tay, mình đã xăm chữ này như một châm ngôn sống. Từ đó, mình nhìn mỗi khó khăn như một cơ hội, khó khăn càng ‘cứng’, mình càng có cơ hội trở lại mạnh mẽ hơn. Khi được tôi luyện trong môi trường cứng và nhiều khó chịu, mình sẽ trở nên mạnh mẽ và cứng rắn hơn. Đó là lý do khi đi làm, mình cố gắng nhận những công việc ngoài vùng an toàn của bản thân một chút, hoặc ở mức độ khó hơn khả năng của bản thân một chút, những việc mà có thể bản thân cảm thấy không thoải mái và khó chịu khi làm – vì mình biết rằng khi mình vượt qua được cảm giác khó chịu đó là khi mình đã lớn hơn trong nghề nghiệp.
Nói chung là, bây giờ khi còn có cơ hội đi làm mà được giao cho một nhóm công việc mới, bạn hãy thử suy nghĩ một chút xem nếu mình thử làm công việc đó thì nó có giúp ích gì cho bản thân trong tương lai không nhé.
Trở thành một người giỏi thích nghi không thì chưa có đủ, nếu bạn muốn trở thành một người có giá trị trong công ty hoặc được công ty cân nhắc giữ lại trong những thời gian khó khăn, bạn phải tận dụng sự sáng tạo của bản thân để tạo ra những thứ mới cho công ty. Đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh như thế này, nếu bạn có một ý tưởng nào đó hỗ trợ được công ty như tăng doanh thu bán hàng, giảm chi phí, một chiến lược Marketing mới, một cách vận hành hệ thống vận chuyển hàng mới vân vân – đừng ngần ngại lôi ra bàn bạc với bạn bè và đối thoại với sếp. Thời buổi loạn lạc thế này, kẻ thức thời và sáng tạo là kẻ sống dai hơn.
Đó là một trong những điều mình cũng hay khuyên các bạn trẻ đang đi nộp đơn cho các công ty, khi viết Cover Letter. Đừng sáo rỗng về những đam mê, hoài bão, điểm mạnh điểm yếu của tôi giống như bao người khác nữa, bạn có thể làm một bước là ‘solve the pain’ – thử nhìn xem công ty hay phòng ban đang tuyển bạn gặp phải vấn đề khó khăn gì trong thời kỳ đại dịch này, khi bạn vào công ty bạn có thể giúp công ty và phòng ban mình giải quyết vấn đề đó ra sao – mình đảm bảo đó là một cách tiếp cận sẽ thu hút người đọc hơn hẳn một bản Cover Letter thông thường.
Dù Covid-19 có xảy ra hay không, hay một sự kiện bất ngờ khác ập đến, có một thứ mà bạn vẫn luôn luôn có thể làm và luôn luôn nên làm đó là – học. Đừng dừng việc học sau khi ra khỏi trường đại học, phải coi việc học là việc cả đời – lifelong learner.
Bạn có thể tìm hiểu về nhóm Kỹ năng tạo động lực của mình hoặc xem xem trong các kỹ năng liên quan đến công việc mà mình đang làm, mình đang yếu cái nào, để dành thời gian tập trung cải thiện cái đó – không cần nhiều – 1 giờ mỗi tuần cũng được. Ví dụ bạn đang theo đuổi lĩnh vực Digital Marketing mà thấy mình chưa biết gì về Facebook Advertising hết, bạn hãy dành 1 giờ mỗi tuần lên học từ Facebook Blueprint. Châm ngôn việc học của Tuấn-Anh là, học ít, tập trung và đồng bộ. Bạn có thể học 10 phút mỗi ngày, nhưng 10 phút đó phải tập trung tuyệt đối, và nên làm điều đó mỗi ngày.
Nếu bạn dành thời gian cho việc học mỗi ngày, dần dần bạn sẽ nhận ra được một số điều hay ho về bản thân mình. Ví dụ như cách học nào là hiệu quả với bạn (đọc sách hay nghe audio hay đi tham gia lớp học), thời gian nào bạn học hiệu quả nhất – hoặc bạn có thể nhận ra một lần nữa đâu là điểm mạnh và đâu là điểm yếu của mình trong công việc.
Nhân dịp đại dịch thế này, bạn cũng có thể thấy rằng một số ngành vẫn phát triển rất rất tốt trong thời kỳ khủng hoảng như: e-commerce, dịch vụ khách hàng, dịch vụ digital, chăm sóc sức khỏe. Biết đâu bạn lại muốn thử tìm hiểu những lĩnh vực này.
Dù bạn có đang tìm kiếm một cơ hội việc làm mới hay không, Networking vẫn là một kỹ năng rất quan trọng mà bạn cần xây dựng, đặc biệt là trong thời kỳ mọi thứ rối như một mớ bòng bong thế này.
Ở nhà vẫn có thể networking được. Ví dụ bạn có thể tham gia các Webinar, lên lịch một buổi cafe ảo hoặc liên hệ với một đồng nghiệp cũ để trò chuyện.
Bạn có thể tham gia các chương trình hỗ trợ hoặc giúp các em sinh viên tìm việc, hoặc bạn có thể tìm một người mentor hướng dẫn và hỗ trợ mình trong quá trình phát triển nghề nghiệp. Mình nghĩ ngoài kia có rất nhiều người thích giúp đỡ, được giúp đỡ nhau là vui lắm rồi.
Một điều mình học được trong thời gian qua đó là, khi chúng ta nhìn mọi người, mọi sự việc sự vật dưới lăng kính yêu thương, không chỉ chính chúng ta cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn, mà chúng ta còn làm cho người khác cảm thấy được yêu thương hơn nữa.
Ví dụ, có thể đại dịch này làm ảnh hưởng tới thu nhập và tài chính của bạn, nhưng nhờ đó bạn nhận ra được điều gì, có điều gì mới cho bản thân? Bạn có thương ai hơn không? Ví dụ hai, khi trong công ty bạn cảm thấy ghét một người, thử nhìn lại họ với lăng kính yêu thương, nhìn sâu vào bên trong xem bên dưới vẻ đáng ghét đó, họ có gì đang tổn thương không? Từ đó, bạn có thể trở thành một người lắng nghe, trò chuyện cùng người ta.
Trong thời kỳ khủng hoảng như thế này, việc chúng ta tìm kiếm đến sự ổn định và an toàn là lẽ tất yếu. Mình mong những bước trên sẽ giúp các bạn vừa có sự chuẩn bị về kỹ năng, vừa có sự chuẩn bị về tinh thần tốt hơn trong thời kỳ khủng hoảng này nhé.
Lê Anh Tuấn
Nguồn: Anhtuanle.com