Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, việc giao tiếp với nhau đã không còn bị hạn chế bởi khoảng cách địa lý, nhờ sự xuất hiện của một thứ: mạng Internet. Chỉ cần một tích tắc, một tin nhắn sẽ được chuyển đến ngay người cần nhận, thật là tiện lợi phải không? Nhưng liệu bạn có còn muốn viết một bức thư tay, và gửi nó đi?
Chiều nay tôi vừa ra bưu điện để gửi một bức thư cho một cô gái. Đọc đến đây chắc mọi người sẽ nghĩ chúng tôi chắc phải cách xa nhau lắm, và không có thông tin liên lạc gì ngoài một cái địa chỉ nhà. Nhưng không phải như thế. Nhà tôi và nhà cô chỉ cách nhau chưa đầy 3km, và cả hai cũng hay nhắn tin cho nhau qua các nền tảng xã hội trực tuyến. Vậy điều gì đã khiến tôi phải mất công ngồi viết một bức thư, rồi lại lóc cóc đi xe ra bưu điện để gửi nó?
Tôi vốn là một người thích viết, bao gồm cả việc viết bằng bút mực. Dù chữ của tôi sau gần 20 năm vẫn bị mọi người nói là như chữ học sinh tiểu học, tôi vẫn mê mẩn cái cảm giác ngòi bút lướt đi trên mặt giấy. Sột soạt, sột soạt, những con chữ dần hiện ra, hình thành một câu chuyện, một bài thơ, một trang nhật ký, và nhất là, một bức thư. Để viết bất kỳ một văn bản nào, và trên bất cứ một nền tảng nào, bạn cũng đều cần phải suy nghĩ rất nhiều về những thứ mình sẽ viết ra. Nhưng khác với máy tính và điện thoại, khi mà bạn có thể dễ dàng sửa ngay những lỗi sai mà không để lại dấu vết gì cả, thì đó là điều không thể với giấy bút. Nếu viết sai, bạn sẽ phải gạch đi viết tiếp, và nếu có quá nhiều lỗi, tôi e là bạn nên làm lại từ đầu. Không một cô gái nào muốn nhìn thấy một bức thư có quá nhiều lỗi chính tả và gạch xóa đâu. Vì vậy, khi viết thư tay, tôi luôn viết thật từ tốn, để mình có thời gian suy nghĩ câu chữ thật rõ ràng và rành mạch, đồng thời tập trung để không bị viết sai. Nhưng nếu cả bức thư dài bạn viết vẫn có 1-2 cái gạch thì sao nhỉ? Cứ gửi đi, chẳng sao đâu, sự “không hoàn hảo” đấy dễ thương mà.
Một điều nữa khiến tôi rất thích viết thư tay, đấy là tôi có thể thỏa sức vẽ vời trang trí bức thư của mình, miễn sao là vẫn còn giấy và nguyên liệu. Những tin nhắn có thể đáp ứng được thời gian chuyển đi là ngắn nhất, nhưng lại lược mất đi những hình vẽ dễ thương, sáng tạo do chính bạn vẽ nên. Những emo hay ảnh gif có thể cũng dễ thương đấy, nhưng quá hạn chế về sự đa dạng, và sẽ lặp đi lặp lại trong quá trình sử dụng. Chỉ cần một tờ giấy và vài cây bút, bạn có thể biến một mảng trắng trở thành một khu rừng hay một cánh đồng hoa đầy sắc màu, trải trên đấy là tấm vải quý từ con đường tơ lụa, được thêu những lời tâm sự đầy tình cảm chân thành gửi đến người thương. Hoặc đơn giản, là một bài hát được viết ở mặt sau một lá thư, hay một bài thơ tình của Xuân Diệu, “Yêu là chết ở trong lòng một ít…”. Với thư tay, giới hạn của sự sáng tạo là nằm ở chính bạn.
Và điều cuối cùng khiến tôi muốn được gửi đi một bức thư tay, đó là cái cảm giác hồi hộp khi bức thư được gửi đi, và chờ đợi bức thư phản hồi của người kia. Sự quá tiện lợi và nhanh chóng của tin nhắn, cùng với nhịp sống hối hả hàng ngày, đã khiến chúng ta quên mất rằng, không phải cái gì nhanh cũng đều tốt. Những ngày khắc khoải đợi chờ, lo lắng không biết thư của mình có thất lạc hay không, rồi người kia có gửi lại thư cho mình hay không, hay điểm đến cuối cùng là một sọt rác nào đó. Cái cảm giác đó, nó khiến ta bồn chồn ghê lắm, hồi hộp ghê lắm, nôn nao ghê lắm. Nó cứ tích tụ và dồn nén lại, để rồi bỗng chỗ vỡ òa khi người đưa thư bấm chuông cửa. Ta lao ra một cách nhanh nhất có thể, tay nhận thư với một sự tò mò, không biết nội dung bên trong là gì. Nhẹ nhàng mở phong thư, ta ngấu nghiến từng dòng chữ, từng nội dung mà cô gửi gắm trong đó. Đó có thể là niềm vui, khi đọc về những thứ xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của người kia, những điều mà người kia quan sát được, hay những chuyến đi đến một vùng đất mới nào đó. Nhưng cũng có thể, đấy lại là nỗi buồn, khi cô nói với anh rằng, đừng gửi thư cho cô nữa, vì tháng sau cô lên xe hoa về nhà chồng. Dù là thế nào đi chăng nữa, tôi cũng tin rằng cảm xúc qua những dòng chữ viết tay, nó sống động hơn một cái tin nhắn nhiều.
Tôi cũng đã từng băn khoăn xem có nên viết thư cho cô gái kia, hay là chỉ cần soạn một tin nhắn rồi gửi đi là đủ. Nhưng khi vô tình đọc lại những bức thư tay mà những người yêu quý gửi cho mình, tôi mới hiểu được sự trân trọng, tình cảm mà mọi người gửi gắm trong đó. Thư của người yêu cũ gửi trong thời gian hai đứa xa cách, hay thư của một người bạn thân gửi nhân dịp đầu năm mới, tất cả đều đem lại cho tôi những xúc cảm vẹn nguyên như lúc vừa mới mở.
Thật sự, đối với tôi, thư tay là một vật chứa rất nhiều tình cảm và ý nghĩa. Hãy ít nhất một lần viết một bức thư tay và gửi nó đi, để rồi tận hưởng mong ngóng đợi chờ phản hồi từ người nhận. Đấy là một trong những cảm giác an bình hiếm hoi, giữa cái thời đại tia chớp này.
Hà Nội, ngày thứ 18 cách ly xã hội,
Htm.
Tác giả: Hoang Tran
Nguồn: writerslife.net