iPub.vn Covid banner

Bí quyết đọc sách cho người viết

Ipub.vn       3 năm trước       1,439 lượt đọc

Có lẽ rất nhiều người khuyên bạn rằng, muốn viết tốt hãy đọc nhiều. Phải, điều này đúng, nhưng chưa đủ. Thật ra, muốn viết tốt phải đọc nhiều, và biết cách đọc. Hơn nữa, mình tin rằng việc bạn đọc bao nhiêu quyển sách (số lượng) không quan trọng bằng việc bạn thẩm thấu một quyển sách đến mức nào (chất lượng), đặc biệt khi bạn là một người viết.

Vậy như thế nào là đọc theo cách của người viết?

Theo mình, đọc theo cách của người viết là cách ta tìm hiểu sự LỰA CHỌN của tác giả để bổ trợ cho sự lựa chọn của chính mình khi viết sau này.

Tại sao mình lại nhấn mạnh từ “lựa chọn”?

Bởi vì viết lách hay bất kỳ hình thức nghệ thuật nào theo mình cũng là một hành trình tìm kiếm và chọn lọc. Một người thợ chụp ảnh giỏi là người biết chọn góc máy để thu vào khung hình thứ mà họ tin đủ sức kể một câu chuyện hay. Người viết giỏi là người biết lựa chọn câu từ, chi tiết, nhân vật,... đắt giá và phối hợp chúng ăn ý với nhau. Là người viết, chúng ta hiểu rõ nỗi trăn trở, sự suy tính, tính cẩn trọng trong lựa chọn quan trọng như thế nào đối với tác phẩm của mình. Vậy nên, đọc như một người viết cốt là để hiểu được phần băng chìm nằm dưới sự lựa chọn của tác giả. Tại sao họ lại chọn từ đó mà không chọn từ khác? Tại sao nhân vật đó lại có lời thoại như vậy? Tại sao họ chọn cách mở đầu này? Nếu như tác giả chọn theo cách khác thì bạn cảm nhận như thế nào? Có rất nhiều câu hỏi đáng để bạn đặt ra nếu đọc một cách có ý thức.

Sau cùng, lợi ích của việc này là để bạn chọn lọc lại một lần nữa điều gì hiệu quả, chưa hiệu quả, điều gì phù hợp, chưa phù hợp để áp dụng vào bài viết của mình.

Đọc theo cách của người viết như thế nào?

Khi là người viết, chúng ta được hưởng đặc quyền của hai vai trò, đó là người đọc lẫn người viết. Vậy nên để đọc có hiệu quả, chúng ta cần đọc một quyển sách ít nhất 2 lần. Khi là người đọc, hãy cứ giữ nguyên cảm xúc đơn thuần, vẹn nguyên ở lần đọc đầu tiên. Háo hức, tò mò, phấn khởi, thất vọng,... hoàn toàn đắm chìm vào nó và không dùng óc suy luận vào lúc này. Lần đọc thứ 2 mới chính là lúc ta đọc và học, với tư cách một người viết.

Vậy ta cần lưu ý những gì ở lần đọc thứ 2?

Bạn chỉ cần nhớ hai việc thôi, đó là (1) đặt câu hỏi và (2) ghi chú.


1. Đặt câu hỏi:

Có thể nhiều bạn không đồng tình với quan điểm này, nhưng mình cho rằng việc học cảm thụ văn học thời còn là học sinh giúp ích rất nhiều trong việc chúng ta tiếp nhận một tác phẩm hay cụ thể hơn là đọc sách với tư cách một người viết.

Có lẽ bạn vẫn còn nhớ, khi học cảm thụ tác phẩm, chúng ta phải biết: Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm; tiểu sử của tác giả; thể loại của tác phẩm; giá trị nội dung (ý nghĩa, tư tưởng, chủ đề,...); giá trị nghệ thuật (biện pháp tu từ, cấu trúc,...) Nếu chúng ta muốn là một người viết giỏi, tìm hiểu những điều này không bao giờ thừa. Có chăng vì thời còn đi học những thứ ta được học không đến từ tinh thần tự nguyện, vì chính ta cũng không hiểu tại sao mình cần phải học, nên mới nảy sinh cảm giác chán ngán, thậm chí ghét bỏ. Nhưng giờ đây, khi là một người viết, ta biết rằng mình cần đọc để học, và ta có quyền chọn tác phẩm mà mình thích, chọn tác giả có lối viết mà mình hâm mộ, thì những gì ta được học về cảm thụ văn học ngày xưa vô cùng có giá trị.

Giờ đây không còn một cô giáo, thầy giáo Ngữ văn nào gặng hỏi chúng ta về những điều trên nữa, vậy ngoài những điều cơ bản trên, chúng ta có thể tự hỏi mình những gì? Sau đây là một số ví dụ:

- Bạn có biết mục đích của tác giả khi viết tác phẩm này không?

- Bạn có biết đối tượng độc giả mục tiêu mà tác giả hướng đến là ai không?

- Ngôn ngữ dùng trong tác phẩm này có hiệu quả không?

- (Đối với thể loại chính luận) Tác giả dùng những dẫn chứng nào để củng cố cho luận điểm của mình? Số liệu thực tế? - Câu nói của người nổi tiếng? Câu chuyện của ai đó? Trích dẫn sách hay bài báo?

- (Đối với truyện, tiểu thuyết) Điều gì khiến những câu hội thoại nghe rất tự nhiên? Các nhân vật có thường xuyên nói ra ý của họ không? Tác giả có thường xuyên tiết lộ cho bạn biết ý của họ qua hội thoại không?

(Đối với truyện, tiểu thuyết) Nhân vật trong xuyên suốt câu chuyện đã làm gì để bộc lộ tính cách của mình? Nhân vật ấy tự nghĩ về mình như thế nào? Các nhân vật khác nghĩ về anh ấy/cô ấy như thế nào?

- Có chỗ nào trong bài viết làm bạn thấy rối rắm hay không? Nếu được làm khác đi, bạn sẽ làm như thế nào?

- Tác giả chuyển ý tưởng này sang ý tưởng khác bằng cách nào? Sự chuyển đổi đó có hiệu quả không?

- Bạn nghĩ tác giả đang dùng kỹ thuật viết gì? Nếu bạn vận dụng kỹ thuật này thì có hiệu quả không?

Tất nhiên bạn còn có thể đặt nhiều câu hỏi hơn một khi bạn có đủ sự tò mò và biết mình cần học gì. Mình chỉ mong bạn đừng bao giờ quên thắc mắc về dụng ý của tác giả.


2. Ghi chú:

Tất nhiên trí nhớ của bạn sẽ không đồng tình việc bạn đặt câu hỏi, tìm câu trả lời mà không ghi chú. Hãy luôn thủ sẵn một cây bút chì và một quyển sổ khi bạn xác định mình đọc để học. Vậy ngoài ghi lại câu trả lời cho những câu hỏi trên, mình còn dùng hai dụng cụ này để làm gì?

- Để gạch chân những kiến thức mới cần được nghiên cứu thêm.

- Để đánh dấu những cách diễn đạt hay, các câu thoại hay một phát biểu đáng suy ngẫm.

- Để tóm tắt hiểu biết của mình sau một đoạn chứa nhiều thông tin.

- Dùng sổ để ghi lại những từ hay, từ mới hay các so sánh ấn tượng.

- Sau khi ghi chú khoảng 1 đến 2 tháng, mình sẽ lật lại quyển sổ từ vựng của mình để bắt đầu việc nhóm từ. Tiêu chí cho từng nhóm thường là đồng nghĩa, chung hoàn cảnh, hay diễn tả cùng một trạng thái,... Mục đích của việc này là giúp mình mở rộng vốn từ và làm phong phú cách diễn đạt. Nếu làm việc này đủ nhiều và đủ lâu, bạn sẽ ngạc nhiên với quyển từ điển của riêng mình đấy.

Suy cho cùng, một quyển sách lớn là một chuỗi sự lựa chọn của tác giả để kết nối từ từ sang từ, từ câu sang câu, từ đoạn sang đoạn, từ bài sang bài. Điều chúng ta cần làm là luôn cho phép cả tư duy và trái tim của mình tò mò, cởi mở và khiêm nhường để đặt mình vào vị trí của tác giả.

Vậy đó, bí quyết của mình chỉ đơn giản như vậy thôi, ít nhất nó có hiệu quả với mình, và mình mong với bạn cũng vậy.

Nguồn: From Hobby Writer to Pro


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!