"Nghệ thuật tư duy chiến lược" là cuốn sách nhập môn kinh điển cho bạn đọc phổ thông muốn có một cái nhìn đơn giản nhưng đầy đủ về ngành Lý thuyết trò chơi - bộ môn khoa học nghiên cứu các tình huống chiến lược.
Dù là trong môi trường kinh doanh giành lấn thị phần, hay khi buộc phải đưa ra các quyết định quan trọng cuộc đời như chọn ngành học, việc làm… hoặc đơn giản thường gặp hơn, bạn đang chơi bài, chơi cờ hoặc chơi bóng… đó đều là những tình huống chiến lược, và bạn phải đưa ra các quyết định chiến lược. Một số quyết định chiến lược sẽ đẩy cuộc đời bạn rẽ hẳn sang một lối khác. Nếu bạn thường loay hoay trước các tình huống chiến lược, không biết những lựa chọn đang bày trước mắt sẽ dẫn đến kết cục nào trong tương lai, không biết cuộc cạnh tranh khiến bạn đau đầu này sẽ tiếp tục leo thang hay dần dần lắng xuống, cục diện bàn cờ chiến lược cuối cùng sẽ ngã ngũ ra sao… nghĩa là tư duy chiến lược của bạn chưa đủ để định hướng và kiểm soát cuộc chơi. Tin vui cho bạn, tư duy chiến lược không phải là thứ bẩm sinh bất biến không đổi, và bạn luôn có thể mài sắc tư duy chiến lược của mình. Đó không chỉ là ý kiến cá nhân mang tính khích lệ động viên, đó là kết luận từ những nhà nghiên cứu hàng đầu như Avinash K. Dixit và Barry J. Nalebuff, đồng tác giả của quyển Nghệ thuật tư duy chiến lược. Cuốn sách này có thể giúp bạn học về chiến lược và dần trở thành một chiến lược gia xuất sắc trên sân chơi của mình.
Chiến lược là chủ đề bàn luận được phát triển từ tư tưởng cố xưa và tiếp nối trong suốt dòng lịch sử. Việc vận dụng và sáng tạo chiến lược có tầm ảnh hưởng rất lớn trong bình diện quân sư, hay chính trị, ngoại giao, kinh doanh hay thậm chí truyền thông. Một trong những chiến lược gia vĩ đại nhất từng sống, Alexander Đại đế là người đã dùng chiến lược quân sự sáng suốt để chiếm lấy toàn bộ vùng đất từng được người Địa Trung Hải thời đó biết đến, và đem quân đến tận biên giới Ấn Độ ngày nay. Truyện kể rằng trước khi đưa quân sang châu Á, Alexander Đại đế đứng trước một lời nguyền: chỉ có ai gỡ được nút dây rối rắm thiêng liêng nọ thì mới có thể chinh phục được châu lục rộng lớn này. Trước ông, nhiều người đã từng cố công cởi nút thắt, nhưng càng gỡ, nút thắt lại càng rối hơn. Alexander chẳng nói chẳng rằng vung thanh gươm sắc bén chém đứt đôi nút thắt, sợi dây tuột ra và lời nguyền được giải. Mọi chuyện sau đó được ghi tạc vào lịch sử. Trở lại câu chuyện, nếu coi nút thắt kia như là tượng trưng cho các tình huống chiến lược rối rắm, gây hoang mang và nản lòng, thì thanh gươm của Alexander Đại đế chính là một lối tư duy sắc bén, xuyên qua những mâu thuẫn chồng chéo của tình hình để đem đến cách giải quyết nhanh chóng, bền vững nhất, đem đến cho con người lợi ích, chiến thắng và vinh quang. Theo hướng giải nghĩa này, tư duy chiến lược là thanh gươm mà mỗi người đều nên mài sắc.
Từ thập niên 1950, các nhà toán học Mỹ đã nghiên cứu về quy luật ngầm ẩn đằng sau các tình huống chiến lược từ đơn giản đến phức tạp, và ngành lý thuyết trò chơi - khoa học về chiến lược đã ra đời. Các mô hình toán học đã soi chiếu một góc nhìn mới vào nghệ thuật tư duy chiến lược, thứ trước đó vốn được coi là kết quả của kinh nghiệm, tính sáng tạo và mức độ khôn ngoan của những cá nhân lãnh đạo kiệt suất. Hơn nửa thế kỷ sau, với những phát triển không ngừng về lý thuyết và những thành tựu thực tiễn đạt được trong việc dự báo biến chuyển kinh tế, giải quyết các tình huống chiến lược phức tạp trong chính trị, kinh doanh... lý thuyết trò chơi đã trở thành bộ môn không thể thiếu trong các trường kinh tế. Không một chiến lược gia hiện đại nào có thể lờ đi nội dung, cách thức tư duy và các công cụ chiến lược mà ngành này cung cấp. Được nhiều giáo sư đại học và học giả uy tín giới thiệu, Nghệ thuật tư duy chiến lược - Ứng dụng Lý thuyết trò chơi trong công việc và cuộc sống là cuốn sách nhập môn kinh điển cho bạn đọc phổ thông muốn có một cái nhìn đơn giản nhưng đầy đủ về ngành học này.
Thật may mắn vì cuốn sách này không phải là một quyển sách giáo khoa về Lý thuyết trò chơi. Các tác giả đã viết nó theo một lối dẫn dắt nhập môn đi vòng qua các mô hình toán học phức tạp, để đưa người đọc phổ thông leo qua những vách đá nhỏ rồi “đi cáp treo” qua những đoạn gập ghềnh nhất đến tri thức, thay vì bắt chúng ta phải bước đi con đường khổ sở như họ. Tin tôi đi, nếu hứng thú về mặt ứng dụng tư duy của lý thuyết trò chơi, chưa chắc bạn đã muốn đọc sách giáo khoa đâu. Ở đó có đủ các mô hình toán học phức tạp, thú vị nhưng rắc rối, có thể khiến bạn nản lòng ngao ngán. Thực tế, nếu đã không hứng thú với môn toán trên giảng đường, bạn vẫn có thể có được tư duy chiến lược sắc bén mà không cần thiết phải trải qua những đau khổ toán học thêm lần nữa. Xin cảm ơn nhà kinh tế học Avinash K. Dixit và Giáo sư Barry J. Nalebuff, hai học giả không những uyên bác mà còn nhân từ, đã đem đến cho chúng ta một quyển sách vừa tầm và bổ ích.
Cuốn sách được thiết kế như một khóa học dẫn nhập về tư duy chiến lược. Mở đầu là những câu chuyện nhỏ, những tình huống chiến lược đa dạng, đơn giản và rất gần gũi trong đời sống hàng ngày, những phần bình luận của tác giả giúp bạn nhìn nhận chúng bằng con mắt chiến lược thay vì góc nhìn mà ta đã quen thuộc từ lâu. Ở đó, bạn sẽ được cung cấp các ý tưởng và nguyên tắc cơ bản của tư duy chiến lược, đồng thời cách sử dụng chúng cho các tình huống cụ thể bạn phải đối mặt.
Với sự hứng thú và tò mò được khơi gợi dần dần từ phần đầu cuốn sách, bước sang phần hai và phần ba, người đọc sẽ đối mặt với một dung lượng tri thức tương đối khổng lồ. Tại đây, những tình huống chiến lược đơn giản trong phần đầu được phân loại, phân tích, thêm bớt điều kiện để trở thành những tình huống phức tạp hơn, khó đoán định hơn và gần gũi với thực tế hơn. Từ trò chơi con trẻ ban đầu, ta bước vào cuộc chiến giành thị phần của nhiều ông trùm công nghiệp, và bước thêm vài bước nữa cho đến bàn đàm phán hạt nhân của các cường quốc. Ta phát triển thêm các kỹ năng và kinh nghiệm trong việc phân tích tình huống, dự đoán nước đi của các bên, đề ra chính sách và bước đi cho bản thân, sử dụng nguồn lực đúng lúc đúng chỗ, giữ được niềm tin của các đồng minh, tác động để diễn biến xoay chuyển theo hướng mong muốn. Những nguyên tắc chiến lược đơn giản ban đầu, vốn rất hiệu quả trong các tình huống đơn giản, nay bị đem ra thử thách trước một thực tế phức tạp hơn, đa chiều hơn và nhiều nghịch lý hơn, và từ đó, hệ thống các phương án, các nguyên tắc được bổ sung, hoàn thiện hơn. Không có phép màu hay điều kỳ diệu nào có thể biến bạn thành một chiến lược gia thông minh sáng suốt, cũng không có một công thức toàn năng nào giúp bạn áp đảo mọi cuộc chơi. Nếu bạn mong chờ điều đó, bạn sẽ thất vọng. Thay vào đó, cuốn sách đem đến những công cụ mà bạn phải thành thạo, những thao tác bạn phải sử dụng thường xuyên, những kỹ năng bạn cần nhuần nhuyễn và một chút kinh nghiệm để bạn tự mình tư duy. Qua quá trình rèn luyện từ khóa học dẫn nhập này, những thay đổi trong tư duy sẽ đưa bạn đạt tới bước tiến lớn và tầm nhìn bao quát hơn trong cuộc sống.
Nhưng, như đã nói, những nguyên tắc bạn có được từ cuốn sách này đều là những chỉ dẫn tư duy, việc ứng dụng vào phân tích và xử lý từng tình huống chiến lược thế nào lại phụ thuộc vào thói quen tư duy của mỗi người. Chưa kể đến, thực tế luôn luôn thay đổi phức tạp, không hệ thống nguyên tắc hay phương pháp nào có thể đảm bảo kết quả mong muốn, chúng chỉ có thể giúp ta đương đầu tốt hơn với thực tại đa chiều và bất định mà thôi.
Dẫu được dẫn đường bởi hai nhà nghiên cứu vô cùng dễ gần, dễ hiểu và cảm thông cho trí tuệ toán học giới hạn của một người đọc đại chúng như tôi, nhưng vẫn phải xác quyết rằng đây không phải một cuốn sách dễ đọc. Quá trình đọc đòi hỏi tôi phải dừng lại, ngẫm nghĩ rất nhiều, không chỉ là ở các bài tập tình huống mà các tác giả đưa ra, mà còn để kiểm nghiệm những ý tưởng bất ngờ và thưởng thức lối tư duy chặt chẽ, logic của tác giả. Nhắc lại lần nữa, cuốn sách không thể hô biến bạn thành một Napoleon hay Bill Gates trong lĩnh vực tư duy chiến lược đâu, nhưng chắc chắn sau khi đọc xong, bạn sẽ bất ngờ với những biến chuyển trong tư duy của mình và hài lòng với quá trình rèn luyện trau dồi qua quyển sách. Còn gì vui bằng thấy mình tiến bộ, với một tầm nhìn rộng mở hơn và tư duy sắc bén hơn. Hãy tìm đọc Nghệ thuật tư duy chiến lược để sống vui, sống mạnh mẽ và sống có chiến lược!
Achya