iPub.vn Covid banner

#21ngayvietsach Tản mạn về cuộc sống (Chương 17: Gạo - Tinh hoa ẩm thực Việt)

Nguyễn Thị Yến Ngọc       4 năm trước       891 lượt đọc

Trong ký ức của mỗi người, ai cũng có một miền quê. Làng quê là nơi lưu trữ các giá trị truyền thống, là nơi sản xuất các loại lương thực thực phẩm, là nơi chốn bình yên để ai cũng muốn trở về sau những lo toan, bận rộn của cuộc sống. Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo ở Quảng Ngãi thuộc miền Trung Việt Nam đầy nắng gió. Nơi đây có khí hậu khá khắc nghiệt, mùa nắng nóng đến hoa cả mắt, mùa mưa với những cơn mưa rả rích suốt ngày. Con người nơi đây phải chống chọi với thiên nhiên để sinh tồn. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu trông chờ vào mấy sào ruộng, đủ để họ sống qua ngày. Quê tôi không có những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay như miền Tây Nam Bộ nhưng cũng đủ nuôi sống biết bao nhiêu người và trong đó có tôi.

OK

Trong ký ức của mỗi người, ai cũng có một miền quê. Làng quê là nơi lưu trữ các giá trị truyền thống, là nơi sản xuất các loại lương thực thực phẩm, là nơi chốn bình yên để ai cũng muốn trở về sau những lo toan, bận rộn của cuộc sống. Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo ở Quảng Ngãi thuộc miền Trung Việt Nam đầy nắng gió. Nơi đây có khí hậu khá khắc nghiệt, mùa nắng nóng đến hoa cả mắt, mùa mưa với những cơn mưa rả rích suốt ngày. Con người nơi đây phải chống chọi với thiên nhiên để sinh tồn. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu trông chờ vào mấy sào ruộng, đủ để họ sống qua ngày. Quê tôi không có những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay như miền Tây Nam Bộ nhưng cũng đủ nuôi sống biết bao nhiêu người và trong đó có tôi.

Ấn tượng sâu sắc nhất trong mỗi con người Việt Nam khi nhắc về làng quê Việt có lẽ là những cánh đồng lúa xanh bất tận, tít tắp tận chân trời. Tôi chợt nhớ đến câu hát: “Em đi giữa biển vàng. Nghe mênh mang trong từng câu hát. Bông lúa chín thoang thoảng bay…”. Lúa là vàng, chính những hạt lúa đã tạo nên những mùa vàng. Từ xưa đến nay, nhà nước ta luôn khuyến khích sản xuất lương thực, nhất là lúa. Lúa là cây lương thực chính của nước ta, quyết định vấn đề sống còn của một dân tộc. Khi tôi học những bài học lịch sử, trong các thời kỳ kháng chiến, Bác Hồ luôn động viên: “Tăng gia sản xuất nhanh! Tăng gia sản xuất nữa! Bác còn cho lập “Hũ gạo cứu đói”. Điều đó nói lên tầm quan trọng của cây lúa trong đời sống của người Việt. Ngày nay, diện tích lúa đã giảm nhưng nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mà năng suất đã tăng lên đáng kể. Người nông dân phải trải qua nhiều giai đoạn mới có được hạt gạo thơm dẻo mà chúng ta ăn hằng ngày. Từ việc cày bừa cho tơi đất, lấy nước vào để gieo sạ đến việc ngâm hạt giống. Khi hạt giống nảy mầm thì vãi vào đồng ruộng. Khi lúa lên lá, người ta bắt đầu dặm lúa cho khoảng cách giữa các cây lúa đều nhau, lúa sẽ sinh trưởng tốt hơn. Khi những cây lúa xanh mơn mởn bắt đầu trĩu hạt là lúc người nông dân cảm thấy nhẹ lòng. Và khi những bông lúa chín vàng, cánh đồng bừng lên sức sống mới thì cũng là lúc vào mùa gặt. Niềm vui trên khuôn mặt người nông dân khi họ nhìn những bông lúa trĩu hạt. Họ thấy vui vì sau bao nhiêu vất vả, họ đã được bù đắp. Trên khuôn mặt còn lấm tấm những giọt mồ hôi của sự nhọc nhằn, vất vả. Khi lúa được gặt đem về, họ bắt đầu phơi. Tất cả đều phụ thuộc vào thời tiết. Nghề trồng lúa vất vả là thế nhưng những người nông dân nơi làng quê vẫn luôn bám trụ vào mảnh đất, mảnh ruộng của mình. Sau khi lúa phơi khô, hạt thóc phải qua xay, giã, giần, sàng, mới có được hạt gạo mà ta ăn. Ngày nay, với quá trình cơ khí hóa, nghề trồng lúa đỡ vất vả hơn nhưng ở nhiều nơi chủ yếu vẫn là lao động phổ thủ công. Có những năm mất mùa, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, thiếu thốn. Có người chỉ dựa vào mấy sào ruộng mà lo cho cả gia đình. Bây giờ, ở các làng quê, người nông dân đã đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, nhưng cây lúa vẫn là cây lương thực chủ đạo. Gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đi nhiều nước với nhiều chủng loại có chất lượng cao. Nhiều giống lúa mới đã đem lại năng suất cao, chất lượng gạo ngon rất được ưa chuộng kể cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài.

Bằng bàn tay và khối óc, người Việt đã nâng tầm hạt gạo lên một đỉnh cao mới bằng việc sáng tạo ra những món ăn mang đậm hồn quê Việt Nam, đem lại sự khó quên cho những ai thưởng thức nó. Trong những món ăn từ hạt gạo, phải kể đến cơm, phở, bún, hủ tiếu, xôi,… Người Việt trong bữa ăn không bao giờ thiếu cơm. Cơm chính là tặng phẩm từ hạt gạo. Ngồi bên nồi cơm, khói bay nghi ngút cùng những món ăn đạm bạc như cá kho, dưa muối, canh chua mới thấy hết vị ngon của hạt gạo Việt Nam. Ngày nay, nhiều món ăn được du nhập từ phương Tây, giới trẻ dường như không thích ăn cơm nữa, nhưng đối với tôi cơm vẫn là ngon nhất. Cơm là sự mộc mạc, giản dị của nơi đồng quê thôn dã.

Khi nhắc đến phở, chắc ai cũng biết đến phở Hà Nội – món ăn được xem là quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Để có được bánh phở thơm ngon, người làm phở phải chọn gạo rồi ủ bột, thay nước, tráng bột thành lớp mỏng và hấp. Khi chín, bánh phở được để se mặt và cắt thành từng sợi, trắng và thơm mùi gạo. Ít ai có thể cưỡng lại mùi vị thơm ngon của từng sợi phở trắng ngần, lớp thịt tái đỏ hồng và miếng rau thơm trong bát phở mỗi buổi sáng sớm (Theo Những món ăn ngon từ gạo sạch Việt Nam).

Trong khi đó, món bún cũng được làm từ gạo nhưng lại có rất nhiều mùi vị và kích cỡ khác nhau tạo nên sự đa dạng trong phương thức ẩm thực Việt. Nếu như ở miền Bắc có bún đậu mắm tôm, bún thang, bún ngan, bún chả, bún mọc… thì hàng bún của người Nam Bộ lại đặc sắc với các món bún riêu, bún mắm… Bún sợi cỡ nhỏ để ăn các loại món trộn không có nước hay bún cỡ trung cho các món bún nước, ngoài ra còn có bún sợi lớn để dành riêng cho món bún bò Huế phong cách miền Nam (Theo Những món ăn ngon từ gạo sạch Việt Nam).

Bên cạnh đó, một biến tấu khác cũng khá phổ biến của sợi gạo ở miền Nam là hủ tiếu. Sợi hủ tiếu nhỏ, có độ dai hơn hẳn so với bún, phở và cách chế biến cũng đa dạng không kém phở và bún. Từ sợi hủ tiếu đơn giản, người dân Nam bộ đã kết hợp với các loại nước dùng và gia vị khác nhau, tạo nên những món đặc trưng riêng của từng địa phương như hủ tiếu Sa Đéc, hủ tiếu Mỹ Tho… Món ăn này biến thành những món bình dân được bán khắp hang cùng ngõ hẻm đất phương Nam (Theo Những món ăn ngon từ gạo sạch Việt Nam).

Bánh xèo - một món ăn dân dã thơm ngon mà bất cứ ai thưởng thức qua rồi cũng nhớ mãi cái hương vị ấy. Vị thơm bùi của bột bánh hòa cùng phần nhân đậm đà của tôm, thịt, cái beo béo của đậu xanh với cả vị tươi mát của giá đỗ ăn kèm rau sống. Bánh xèo miền Bắc, miền Trung, miền Nam đều có biến tấu riêng tùy theo đặc điểm vùng miền, nhưng vẫn cho dù đi ngược về xuôi, thì hương vị bánh xèo vẫn luôn cuốn hút không chỉ đối với người bản xứ mà còn giữ chân bất kỳ vị khách phương xa nào ghé qua (Theo Những món ăn ngon từ gạo sạch Việt Nam).

Bằng những hạt gạo trắng thơm của quê nhà, bằng tất cả tấm lòng của con người Việt Nam chân chất, bình dị - những con người đã thổi hồn vào hạt gạo, đã đưa hương vị quê nhà vào những món ăn như cơm, phở, bún, hủ tiếu, bánh xèo,… nâng nó lên tầm cao mới, đưa hạt gạo Việt Nam vươn ra thế giới bằng những món ăn mang đậm hồn quê, mang tâm hồn và tính cách của người Việt luôn gắn bó với quê hương xứ sở. Khi bạn ăn một bát cơm hay bát phở, bạn hãy nhớ rằng những người nông dân đã vất vả tạo ra hạt gạo như thế nào và hãy trân trọng những giá trị truyền thống của quê hương để mỗi lần khi đi xa bạn vẫn luôn nhớ mãi hương vị quê nhà – gạo Việt Nam.

#day17


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!