iPub.vn Covid banner

[Review Sách] “Làm Ra Làm Chơi Ra Chơi”: Thoát Khỏi "Sự Quấy Rầy" Của Các Phương Tiện Truyền Thông Để Tập Trung Làm Việc

iPub.vn       4 năm trước       753 lượt đọc

Giáo viên của tôi từng đặt ra một câu hỏi cho cả lớp: “Bao nhiêu người trong số các bạn có thể làm việc, học bài liên tục trong hai tiếng mà không dừng lại để cầm vào điện thoại?” Chỉ có duy nhất một cánh tay giơ lên, một kết quả không có gì đáng ngạc nhiên. 

Nhiều người trong số chúng ta gặp phải tình trạng như vậy. Chúng ta ngồi vào bàn học, bàn làm việc, tự hứa sẽ tập trung hết sức để hoàn thành mọi thứ. Kết quả là sau vài tiếng ngẩng đầu lên, chúng ta hốt hoảng nhận ra chẳng có việc nào được làm đến nơi đến chốn, còn bảng tin Facebook, Instagram thì đã chăm chỉ lướt qua lướt lại được chục lần.

Nếu bạn cũng có thói quen như vậy thì bạn không phải là người duy nhất. Bạn có thể tự dằn vặt về khả năng tập trung còn ngắn hơn cả con cá vàng của mình (Nếu bạn quan tâm thì chúng ta có 8 giây trong khi cá vàng có 9 giây, theo như cuốn sách Real Focus của Psychologies Magazine). Bạn cũng có thể đổ lỗi cho sự quyến rũ của các phương tiện truyền thông xã hội. Dù lỗi đến từ phía nào thì rõ ràng đó là một vấn đề nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của chúng ta, và đó là một vấn đề cực kỳ phổ biến trong thời đại này, đặc biệt là với những người lao động trí óc.

Cal Newport, một chuyên gia về khoa học máy tính tại Đại học Georgetown, là một người nổi tiếng bởi ý tưởng về những con người đi ngược lại trào lưu để làm nên thành công và tạo ra cuộc sống đầy ý nghĩa. Ý tưởng này đã được biết đến rộng rãi trên tivi, radio cùng các tờ báo lớn như New York Times, Wall Street Journal, Washington Post,... Ông đã viết cuốn sách Làm ra làm chơi ra chơi để giới thiệu về kỹ năng làm việc sâu (deep work), một kỹ năng hiếm có trong thời đại số hiện nay. Trong cuốn sách này, ông chia sẻ cách để có thể làm việc sâu - khả năng tập trung vào một nhiệm vụ khó nhằn mà không hề bị sao lãng - là chìa khóa để tạo ra những kết quả tốt hơn trong thời gian ngắn hơn.

Cuốn sách Làm ra làm chơi ra chơi của Cal Newport không hề rườm rà hay đưa ra những lời khuyên sáo rỗng. Ông đưa ra đầy đủ các ví dụ và bằng chứng, các lập luận bám vào khoa học và các chỉ dẫn thực tế, cụ thể. Tất cả được gói gọn trong hai phần: Ý tưởng và Các quy tắc.

Phần 1: Ý tưởng

Nếu bạn nghiên cứu về cuộc đời của những nhân vật có tầm ảnh hưởng khác từ trước đến nay, bạn sẽ nhận thấy họ đều có điểm chung là làm việc sâu. Mark Twain đã say mê viết cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer trong một nhà kho đến mức tự cô lập bản thân, gia đình ông phải thổi tù và gọi ông về khi đến giờ cơm. Isaac Newton cũng là một ví dụ điển hình của làm việc sâu. Ông bỏ đồng hồ vào nồi luộc thay vì quả trứng gà vì mải suy nghĩ, có lần thì mời bạn đến nhà ăn tối rồi lại nhốt mình trong phòng nghiên cứu quên cả thời gian, để bạn ngồi chờ bên ngoài đến lúc phải bỏ về.

Làm việc sâu (Deep work) là một từ mà Cal Newport tự nghĩ ra. Làm việc sâu không phải là kiểu ra vẻ hoài cổ của các nhà văn và các triết gia hồi đầu thế kỷ XX, cũng không chỉ có ý nghĩa cho các công việc trong quá khứ mà vẫn là một kỹ năng có giá trị trong thời đại này. Trước khi nói về các quy tắc để có được trạng thái làm việc sâu, ông đã diễn giải các vấn đề liên quan đến khái niệm này để làm rõ ý tưởng của mình.

Tại sao làm việc sâu lại đáng giá?

Để giải thích tại sao làm việc sâu lại là một kỹ năng có giá trị trong thời đại ngày nay, Cal Newport đi vào phân tích cách công nghệ số gây ra sự biến chuyển bất ngờ trong thị trường lao động. Chúng ta đều biết máy móc đã thay thế con người trong nhiều công việc, nhưng điều này thực ra không làm giảm công việc mà thực hiện việc phân chia chúng. Có ba nhóm người cụ thể nhận được lợi ích trong sự phân chia này, trở nên ngày càng lớn mạnh hơn trong khi số còn lại thì thất bại, đó là Người lao động có tay nghề cao, Siêu sao và Chủ sở hữu. Cal Newport đã đưa ra các đặc điểm của ba nhóm người này giúp họ trở thành người sống sót và phát triển. Có thể ba nhóm trên không phải những người duy nhất sẽ làm tốt, nhưng ông khẳng định nếu bạn có thể gia nhập bất kỳ nhóm nào trong số đó, bạn sẽ làm tốt. Vậy thì câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để gia nhập vào nhóm những người chiến thắng?

Câu trả lời chính là bạn cần nắm được hai khả năng cốt lõi:

  • Khả năng nhanh chóng nắm bắt những vấn đề khó.
  • Khả năng tạo ra sản phẩm ở mức độ cao cấp, xét về cả chất lượng và tốc độ.

Khả năng đầu tiên liên quan đến việc học tập của bạn. Hầu hết chúng ta đều tiếp cận với công nghệ, nhưng thường chỉ dừng lại ở cấp độ người dùng, chỉ một số ít có thể sử dụng thành thạo những loại máy móc thông minh phức tạp. Hơn nữa, công nghệ lại thay đổi nhanh chóng. Thứ bạn dùng 10 năm trước đã lỗi thời, thứ bạn dùng hiện tại 10 năm sau sẽ lỗi thời. Vì vậy để duy trì giá trị của mình trong nền kinh tế, bạn phải nắm được kỹ năng học hỏi nhanh chóng những điều phức tạp.

Khả năng thứ hai chính là biến các kỹ năng bạn đã thành thục trở thành một sản phẩm có giá trị. Nếu không thể tạo ra những thứ giá trị và có ích cho các đối tượng (nhà tuyển dụng, khách hàng), và nếu những thứ bạn tạo ra thật tầm thường, họ sẽ dễ dàng đi tìm một lựa chọn khác để thay thế. Để thành công, bạn cần phải đẩy những kỹ năng của mình lên đến giới hạn và tạo ra những thứ tuyệt vời nhất có thể. 

Cal Newport cho rằng hai khả năng cốt lõi trên phụ thuộc vào khả năng làm việc sâu. Phần này của cuốn sách sẽ cung cấp cái nhìn rõ ràng hơn về sự phụ thuộc này, lý giải tại sao làm việc sâu sẽ giúp bạn học nhanh những điều hóc búa và tạo ra sản phẩm xuất sắc.

Sự phổ biến của làm việc sâu ở các cá nhân có tầm ảnh hưởng là điều quan trọng cần nhấn mạnh bởi nó tương phản với thái độ làm việc của đa số người lao động trí óc hiện đại – nhóm người đã sớm quên đi giá trị của việc này.

Tại sao trạng thái làm việc sâu hiếm khi xuất hiện?

Như bạn đã biết thì hầu hết chúng ta không đạt được trạng thái làm việc sâu. Chắc bạn cũng đang nghĩ tới một lý do, đó là chúng ta bị phân tán sự tập trung bởi các phương tiện truyền thông, các tin nhắn mới đến, các tin tức cần được cập nhật, email cần được trả lời ngay.

Nhưng bạn có để ý rằng, bạn vẫn kiểm tra email dù không có thư mới, bạn vẫn lướt bảng tin mạng xã hội dù không có tin tức nào đáng để bạn dùng thời gian lẽ ra phải dành cho công việc. Chúng ta cứ cầm lấy chiếc điện thoại một cách vô thức, bật Facebook một cách vô thức và kiểm tra email một cách vô thức.

Phần này làm tôi nhớ đến những gì đã đọc được trong cuốn sách Trí tuệ giả tạo của Nicholas Carr. Nicholas cho rằng Internet không chỉ thay đổi cách chúng ta làm việc, mà còn thay đổi cách bộ não của chúng ta hoạt động. Giờ đây, chúng ta không chỉ bị sao lãng, chúng ta còn thèm khát sự sao lãng. Bộ não của chúng ta thèm khát tiếng thông báo trong trẻo khi có thư mới, nó muốn được chuyển đổi qua lại thật nhanh chóng, ngay lập tức giống như cách Internet giúp chúng ta chuyển đến một đường link mới.

Cal Newport thì nhắc đến vấn đề này ở góc độ kinh tế. Ông mô tả những tư duy và thiên kiến khác nhau đã đẩy công việc kinh doanh rời xa khỏi hình thức làm việc sâu và nghiêng về những phương án thay thế gây phân tâm hơn.

Một trong những tư duy đó được nói đến với khái niệm văn hóa kết nối, một văn hóa mà Cal Newport cho rằng gây mất tập trung nhưng được chấp nhận rộng rãi ở nơi làm việc. Văn hóa này xuất phát từ việc mọi người cho rằng cần nhanh chóng đọc và phản hồi ngay khi email đến, cũng như nhanh chóng xem xét và giải quyết mọi nhu cầu phát sinh. Nhưng kể cả khi đã có nghiên cứu điều đó sẽ làm giảm sự tập trung, thậm chí sẽ gây hại tới hiệu quả của công việc, tại sao văn hóa kết nối vẫn tồn tại lâu dài?

Cal Newport đưa ra lý giải cho điều này, đó là văn hóa kết nối khiến mọi thứ có vẻ dễ dàng hơn, thỏa mãn được nguyên tắc ít kháng cự nhất.

Trong môi trường kinh doanh, nếu không có phản hồi rõ ràng về tác động của những hành vi khác nhau tới mục tiêu vô cùng quan trọng, chúng ta sẽ có xu hướng nghiêng về những hành vi dễ thực hiện nhất ở thời điểm đó.

Nếu bạn được làm việc trong một môi trường có thể nhận được câu trả lời cho một câu hỏi hay một đoạn thông tin cụ thể ngay sau khi nhu cầu phát sinh, điều đó sẽ khiến cuộc sống của bạn dễ dàng hơn - ít nhất là vào thời điểm đó. Hơn nữa, văn hóa kết nối khiến việc dành cả ngày để xử lý hộp thư đến được chấp nhận - việc sốt sắng phản hồi email mới nhất trong khi những email khác vẫn chất đống đằng sau khiến quá trình này mang lại cảm giác thỏa mãn về năng suất. Việc này sẽ dễ dàng hơn là dành thời gian nghiên cứu hay lập kế hoạch chi tiết và rất nhiều việc khác đòi hỏi công sức để giải quyết dù nó có lợi ích về lâu dài. Tất cả những điều trên giúp chúng ta tránh được sự khó chịu ngắn hạn, trong khi hy sinh sự thỏa mãn và tạo ra giá trị thực dài hạn.

Tuy nhiên, đó không phải xu hướng duy nhất để làm giảm sự chuyên sâu. Cal Newport sẽ xem xét đến cả “hiệu suất” và tư tưởng “tôn sùng Internet” trong phần này của cuốn sách để làm rõ những nguyên nhân dẫn đến sự hiếm có của trạng thái làm việc sâu này.

Làm việc sâu có ý nghĩa

Làm việc sâu và một cuộc sống tốt đẹp có mối liên hệ hết sức mật thiết và được chấp nhận rộng rãi khi người ta quan sát thế giới của những người thợ thủ công. Sự hài lòng xuất hiện khi họ bộc lộ năng lực bản thân qua quá trình làm ra sản phẩm - một quá trình đòi hỏi sự tập trung chuyên sâu trong suốt thời gian tạo ra sản phẩm đó. Nhưng ở các công việc tri thức, mối liên hệ này trở nên mơ hồ.

Chúng ta khó có thể phân định rạch ròi những người lao động trí óc làm công việc gì và nó khác biệt như thế nào so với những công việc còn lại: Vào những ngày tệ nhất, có thể tất cả công việc tri thức đều quy về mới email và PowerPoint mệt mỏi, chỉ có bảng biểu dùng trong slide là giúp chúng ta phân biệt được công việc này với những công việc khác.

Một vấn đề khác xuất phát từ quan điểm mọi thứ về Internet đều tân tiến và cần thiết. Những hành vi phá vỡ sự tập trung như trả lời email tức thì hay thường xuyên hiện diện trên các phương tiện truyền thông được tán dương trong khi những xu hướng đi ngược lại thì bị ngờ vực (Không biết bao nhiêu lần tôi bị người khác phàn nàn “Tại sao cậu lại không online lúc mình cần?”. Nếu bạn không có khả năng online cả ngày, có lẽ bạn nên tập luyện việc tiên tri xem lúc nào sẽ có người nhắn tin cho mình). Sẽ không ai đổ lỗi cho một người thợ rèn vì không dùng Facebook, nhưng nếu một người lao động trí óc đưa ra quyết định tương tự, anh ta sẽ bị gán mác là một kẻ lập dị. 

Trong phần này, Cal Newport sẽ đưa ra ba lập luận để củng cố sự liên kết giữa làm việc sâu và một cuộc sống ý nghĩa, dựa trên ba quan điểm về thần kinh học, tâm lý học và triết học. Ông sẽ chứng minh rằng, một cuộc đời có chiều sâu không chỉ có lợi về mặt kinh tế, mà còn là một cuộc đời đáng sống.

Phần 2: Các quy tắc

Các quy tắc là phần giới thiệu về các chiến lược để có được trạng thái làm việc sâu của Cal Newport, gồm bốn chương tương ứng với bốn quy tắc:

  • Làm việc sâu
  • Tận dụng sự buồn chán
  • Thoát khỏi truyền thông xã hội
  • Loại bỏ những thứ hời hợt

Điều đáng chú ý là các chiến lược của Cal Newport không phải là những chiến lược viển vông chỉ có thể tồn tại trên mặt giấy. Ông sẽ không khuyên bạn xây một căn nhà trong rừng để ở ẩn, trốn tránh mọi sự phiền nhiễu. Những quy tắc này được ông cân nhắc đến các giới hạn chúng ta có thể gặp phải trong cuộc sống, điển hình là việc chấp nhận không hẳn các phương tiện truyền thông đều xấu và chúng ta sẽ không rời bỏ hoàn toàn các phương tiện truyền thông. Thay vào đó, Cal Newport muốn chia sẻ với bạn cách để kiểm soát chúng và kiểm soát cả chính bản thân mình.

Lời kết

Làm ra làm chơi ra chơi là một cuốn sách đi ngược lại xu thế siêu kết nối xét về mặt hiệu suất làm việc. Những điều Cal Newport chia sẻ trong cuốn sách này nên được đọc bởi những ai đang gặp vấn đề về năng suất do khả năng tập trung kém và dễ bị sao lãng, hay những người đang muốn tìm hiểu về cách thức làm việc để tận dụng tối đa kỹ năng của mình, trang bị cho mình thêm một kỹ năng làm việc hiệu quả và biến chúng thành những sản phẩm xuất sắc.

Tác Giả: Khánh Huyền - Bookademy


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!