iPub.vn Covid banner

14 điểm chung của mọi người viết thực thụ

Ipub.vn       4 năm trước       3,443 lượt đọc

Dù bạn đang viết vì điều gì, viết cho ai, có lẽ bạn sẽ có thể định nghĩa mình là một người viết nếu đang làm 14 điều sau.

1. Bạn viết

Người viết tất nhiên phải viết. Chăm chỉ. Đều đặn. Ở khắp mọi nơi. Không có ai ước mơ trở thành một tác giả sách, một nhà văn, một nhà báo mà không viết nhiều cả. Đừng lên kế hoạch một ngày nào đó sẽ viết, hãy viết từ bây giờ, ngay hôm nay. Như Jeff Goins nói:

Believe you are what you want to be. And then start acting like it. (Tạm dịch: Hãy tin bạn là điều bạn muốn trở thành. Và bắt đầu hành xử như điều đó là thật.)

Chúng ta không cần ai cho phép mới được viết. Hãy cứ viết thôi.


2. Bạn bắt đầu một dự án và chiến đấu với nó

Người đam mê viết lách không chỉ viết để kiếm tiền, họ còn viết vì đam mê. Vậy nên, nếu muốn là một người viết chuyên nghiệp, hãy khởi động một dự án cá nhân. Thật khó để ngay từ đầu đã xác định được bạn muốn viết gì và liệu bạn có thành công với nó không. Và chắc hẳn sẽ có những dự án dang dở hay nhiều cuộc thử nghiệm thất bại. Không sao cả. Đó là quy luật, là cách chúng ta học hỏi và lớn lên.

Tuy nhiên, nếu bạn nuôi trong mình một ý nghĩ rằng bạn không thể nào cam kết với bất kỳ một dự án nào thì điều đó lại không ổn chút nào. Đừng để nỗi sợ thì thầm vào tai bạn rằng bạn chưa đủ tốt, bạn không có thời gian, bạn cần ý tưởng hay hơn, bạn cần làm việc này hay việc kia trước. Nếu có bất cứ ý tưởng nào xuất hiện và thôi thúc bạn, đó có thể là tín hiệu, hãy cứ bắt tay vào làm.


3. Bạn viết mỗi ngày

Khi đã chọn viết lách là con đường sự nghiệp, thì viết lách không còn là một công việc bắt buộc, nó là thú vui, là sở thích, là liệu pháp chữa lành. Hãy làm bạn với nó mỗi ngày. Tất nhiên sẽ có một số ngày nghỉ, trong trường hợp khẩn cấp hay khi bạn cần thời gian để đào sâu vào ý tưởng hay đi tìm nguồn cảm hứng mới. Nhưng bạn vẫn cần thực hành viết đều đặn và xây dựng những thói quen để hỗ trợ nó. Hãy kiên trì và nhất quán.


4. Bạn dẹp những thứ phiền nhiễu sang một bên

Hãy quên những trào lưu ngoài kia đi. Đừng kiểm tra mạng xã hội 5 lần một giờ nữa. Đừng đặt điện thoại sát bên nếu bạn không kiểm soát được nó. Hãy đặt điện thoại ở một căn phòng khác và tắt hết thông báo. Tắt luôn cả wifi nếu cần khi bạn đang viết hay viết bằng tay. Câu chữ chỉ tuôn trào khi bạn tập trung hoàn toàn vào dòng chảy sáng tạo bên trong mình. Sự tập trung và sự sáng tạo không thể đến cùng lúc được.


5. Bạn có những bản nháp dở tệ

Bạn có bao giờ thử mở một chiếc vòi nước đã lâu chưa được sử dụng chưa? Trước hết, nước sẽ từ từ rỉ ra và có màu bùn đất. Nhưng nếu bạn tiếp tục cho nước chảy, nó sẽ dần dần chuyển màu và trở nên trong trẻo, tinh khiết. Dòng chảy sáng tạo hay viết lách cũng như thế. Nó cần được bật mở và tuôn chảy khỏi tâm trí bạn. Vậy nên đừng vì ngại những bản nháp đầu tiên dở tệ mà quá khắt khe với bản thân mình. Bởi lúc đó ý tưởng mới bắt đầu rỉ ra và tất nhiên còn chứa nhiều chất cặn tích tụ từ lâu. Bạn còn nhiều thời gian để trau chuốt, cắt gọt, chỉnh sửa câu chữ, nhưng mạch nguồn sáng tạo đầu tiên lại là thứ vô cùng. Nếu bạn liên tục phán xét và phê bình bản nháp đầu tiên này, không khác gì bạn tắt vòi nước đi vậy.


6. Bạn nghỉ ngơi

Bạn viết đều đặn, chuyên cần không đồng nghĩa với việc bạn dành thời gian nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi là một việc thiết yếu để bạn nạp lại năng lượng sáng tạo cho bài viết cũng như cho bạn một thời gian đủ nhiều để “cách ly” khỏi tác phẩm và quay lại với con mắt sáng suốt hơn.

Những ý tưởng được ấp ủ chính là cốt lõi của sự sáng tạo. Chúng ta bắt đầu nghĩ về một vấn đề hay một dự án, chúng ta tập trung hết công lực vào nó, nhưng sau đó chúng ta cần có ý thức từ bỏ để ý tưởng ẩn sâu nhất có thể xuất hiện. Những bài viết tốt luôn cần sự “thai nghén”. Đó là lý do sự sáng tạo có thể xuất hiện vào những khoảnh khắc bạn không ngờ đến nhất, như khi đi bộ, đi tắm, nhặt rau,...


7. Bạn biên tập, biên tập và biên tập

Quy trình viết lách tất nhiên không chỉ có viết. Bạn “thai nghén” ý tưởng, cho nó tuôn chảy, viết bản nháp đầu tiên, biên tập, xóa đi, viết lại, biên tập, “cách ly” với tác phẩm, quay lại biên tập lần nữa. Và quy trình cứ lặp lại như vậy.

Có thể bạn xem bản nháp đầu tiên như một thứ rác rưởi, diễn đạt tối nghĩa, lặp từ, ý tưởng rời rạc, chia đoạn không đều, không toát lên được ý chính,... Không sao cả. Đừng vì những lý do này mà không để cho câu chữ tuôn ra. Bởi đây là lúc khâu biên tập thể hiện sức mạnh của mình. Lúc này bạn cần kiên nhẫn, tỉ mỉ, khách quan và nghiêm khắc với tác phẩm của chính mình.


8. Bạn trân trọng những phản hồi

Dù viết có thể là một hoạt động mang tính nghệ thuật và làm nổi bật cái tôi cá nhân khá rõ, nhưng một người viết giỏi lại là người cần biết hạ cái tôi đúng lúc và chấp nhận phản hồi. Tuy nhiên, bạn cũng cần “chọn mặt gửi vàng” để có được phản hồi hợp lý. Đừng gửi cho quá nhiều người, bởi “chín người mười ý”, điều đó sẽ làm bạn càng hoang mang hơn. Thời điểm xin phản hồi cũng không kém phần quan trọng. Bạn không nên gửi bài quá sớm, rất có khả năng bạn bị lạc mất phương hướng ban đầu.

Hãy lắng nghe lời khuyên với sự cởi mở. Sẽ có rất nhiều lời khuyên bổ ích, nhưng cũng sẽ có lời khuyên khiến bạn phải dừng lại và phản kháng. Lúc ấy, hãy tự hỏi bạn phản kháng vì lời khuyên khiến bạn thay đổi giọng điệu cá nhân hay bắt bạn phải hy sinh ý tưởng gì đó quan trọng? Hay bạn phản kháng chỉ vì muốn níu giữ cái tôi với những lý do vô lý? Nếu là lý do thứ hai, hãy cho qua và tiếp nhận lời khuyên.


9. Bạn quý từng câu chữ

Là người viết, câu chữ chính là người bạn, cũng là tài sản của bạn. Bạn không chỉ cần sử dụng nó một cách khôn ngoan, mà cần đặt để nó với một sự tôn trọng.

Hãy luôn đặt câu hỏi cho mọi từ mà bạn dùng: Liệu từ này đã đủ làm bật lên ý nghĩa chưa? Liệu cụm từ này có hợp ngữ cảnh? Dấu câu đặt ở đây có hiệu quả không? Nếu không hiểu rõ ý nghĩa hay chính tả của một từ, hãy tra từ điển. Hãy luôn nhớ rằng mọi từ ngữ đều có sức nặng và giá trị của riêng nó.


10. Bạn có một giọng văn riêng

Giá trị sống của bạn là gì

Phong cách của bạn là gì?

Bạn muốn truyền đạt những điều mình hứng thú qua câu chữ như thế nào?

Bạn muốn sống và truyền đạt giá trị gì qua câu chữ?

Những tác phẩm nghệ thuật yêu thích của bạn là gì (sách, phim, nhạc…)

Bạn tưởng tượng độc giả mục tiêu của mình như thế nào?

Nếu trả lời được những câu hỏi này, kèm theo việc luyện tập đủ nhiều, bạn sẽ tìm ra được giọng văn độc đáo của mình. Bởi bạn thể hiện một số khía cạnh của bản thân thông qua giọng văn, vậy nên càng hiểu mình bao nhiêu, giọng văn của bạn càng nổi bật và khác biệt bấy nhiêu.


11. Bạn để lại giá trị tốt đẹp

Câu chữ một khi đã được sinh ra thì sẽ còn sống mãi. Vì vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi người ta cho rằng truyền thông đại chúng là một quyền lực thứ 4. Nó có thể cứu người, và cả giết người. Là người nắm trong tay sức mạnh của ngòi bút, bạn sẽ quyết định mình muốn để lại giá trị gì cho cuộc đời thông qua câu chữ của mình.

Đừng nghĩ rằng mình chỉ viết để kiếm tiền, hay chỉ viết để thỏa mãn bản thân, hãy viết cho cuộc đời. Dù viết bất cứ điều gì, với một động cơ tốt, thì bạn sẽ luôn mang lại giá trị. Hãy tự vấn bản thân rằng câu chữ của mình đang đại diện cho điều gì, ai là người mình muốn giúp đỡ, điều gì trong cuộc sống mình muốn cải thiện,... Lúc đó, niềm đam mê và sự tử tế của bạn sẽ tỏa sáng rực rỡ qua con chữ.


12. Bạn chịu tổn thương

Để người khác đọc được câu chữ của mình đôi khi là một điều đáng sợ. Bởi từ lúc viết cho đến lúc xuất bản, bạn phải đối diện với cảm xúc của chính mình lẫn cảm xúc của người khác. Đó có thể là một vết thương từ ấu thơ, là một sự mặc cảm về cơ thể, một sự thất bại trong sự nghiệp,... Khi viết, bạn phải trò chuyện với tâm hồn mình. Thậm chí điều đáng buồn hơn là khi độc giả không đón nhận hay không hiểu đúng tâm huyết của mình. Nhưng là người viết, bạn sẽ phải nâng niu sự tổn thương, bởi đó chính là sức mạnh của bạn, nó khiến độc giả mục tiêu đến gần bạn hơn bởi họ yêu quý sự chân thành của bạn. Sẽ có sự chối từ, sẽ có sự chê bai, dè bỉu, nhưng cách duy nhất để học hỏi và trưởng thành đó là chấp nhận, tiếp thu và không ngừng cải thiện mình.


13. Bạn kết nối

Sự kỳ diệu của viết lách nằm ở sự kết nối.

Bạn kết nối tâm hồn mình với câu chữ

Bạn kết nối ý tưởng và lý thuyết

Bạn nên kết nối với tâm hồn của độc giả

Bạn nên kết nối với những người có cùng niềm đam mê viết lách

Bạn nên kết nối với những người có tầm ảnh hưởng để cùng lan tỏa giá trị

Hãy luôn trân trọng mọi sự kết nối từ bên trong lẫn bên ngoài mà bạn có được khi là một người viết.


14. Bạn đọc, đọc, và đọc

Người viết là người yêu thích con chữ, không chỉ là câu chữ của họ mà là ngôn ngữ nói chung. Họ yêu âm thanh, câu chuyện, những tranh luận thuyết phục. Rất hiếm người viết giỏi nào lại không thích thưởng thức câu chữ của người khác. Nếu bạn không đọc thì nguồn cảm hứng viết lách sẽ mau chóng khô khan và những thứ bạn viết ra không khác nào là vòng lặp của cái tôi cá nhân, không có sự cởi mở, học hỏi. Hãy tận dụng mọi cơ hội để đọc, và đọc bất cứ thứ gì bạn hứng thú.

Dù bạn viết để kiếm sống hay viết vì cuộc sống, hãy để viết trở thành một phần quý giá trong cuộc đời mình. Hãy tận hưởng trải nghiệm và bài học mà nó mang lại, bằng cách nào đó, bạn sẽ được “trả công” xứng đáng.

Lan Chi

Nguồn: writerslife.net


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!