Bạn có phải là người viết cầu toàn? Điều đó có cản trở công việc sáng tạo của bạn? Bản chất của sự cầu toàn là gì? Và làm sao để đánh bại nó? Bài viết sau đây sẽ cho bạn câu trả lời.
Bạn quá nghiêm khắc với bản thân, đặc biệt là khi có điều gì đó không đúng ý bạn.
Bạn dành nhiều thời gian cho một nhiệm vụ hơn cần thiết bởi đơn giản bạn muốn nó phải tốt nhất.
Bạn có tiêu chuẩn cực kỳ cao, và đôi khi sẽ hy sinh bản thân (sức khỏe và tinh thần) để hoàn thành một dự án theo cách hoàn hảo nhất của bạn.
Bạn là người đầu tiên bắt lỗi và sửa lỗi cho bài viết của mình cũng như của người khác, việc tìm thấy lỗi trong một dự án nào đó đã hoàn thành khiến bạn đứng ngồi không yên.
Bạn có xu hướng “nhai lại” những lỗi lầm cũ và thề rằng không bao giờ lặp lại nó nữa.
Bạn trì hoãn khi bắt tay làm một việc gì đó vì cảm thấy mình chưa đủ tốt.
Nỗi sợ lấn át niềm vui
Sự cầu toàn bắt nguồn từ vô vàn nỗi sợ. Sợ bài viết không được đón nhận, sợ ý tưởng chưa đủ hay, sợ mình chưa đủ tốt,... Những nỗi sợ đó làm đánh mất đi niềm vui đơn thuần của một người viết - đó là tận hưởng quá trình vui chơi với con chữ. Bạn trở nên quá khắt khe, quá dè chừng, và quá hạn hẹp.
Sự so sánh lấn át sự tử tế
Những người cầu toàn thường có xu hướng so sánh bản thân mình với người khác. Họ ngụy trang sự bất an của chính mình bởi một thái độ kiêu hãnh rằng “Mình phải làm tốt hơn người khác.” Thật ra bạn không tin mình đủ tốt, bạn chưa đủ tử tế với chính mình và với cả người khác. Bạn quên rằng không ai là hoàn hảo, và bạn cũng vậy.
Khát khao hoàn hảo lấn át mong muốn tiến bộ
Khi bạn mong cầu sự hoàn hảo, bạn sẽ liên tục nhìn thấy lỗi sai của chính mình và nhụt chí. Nhưng khi hướng đến sự tiến bộ, bạn sẽ có động lực để cố gắng từng ngày. Đối với người cầu toàn, lỗi lầm là thứ không thể chấp nhận được. Nhưng với người có tư duy phát triển, lỗi lầm chính là cơ hội để họ học hỏi.
Bởi bạn không thể thay đổi tư duy một sớm một chiều, vậy nên hãy thử thực hành 7 bước đơn giản sau đây mỗi lúc thấy mình đang trở nên cầu toàn:
“Mind dump” đơn giản là một phương pháp giúp bạn trút hết mọi suy nghĩ trong đầu ra, bởi những suy nghĩ đó có thể khiến bạn lo âu và cản dòng chảy sáng tạo trong bạn.
Nếu bạn cảm thấy bản thân đang mắc kẹt không tìm ra câu chữ hay ý tưởng viết lách, hãy dành ra vài phút để viết xuống hết mọi thứ đang ngáng đường bạn. Chẳng hạn bạn đang lo sợ rằng ý tưởng của mình sẽ không được đón nhận, rằng mình sẽ lại nhận phải phê bình của độc giả như tác phẩm trước, lại bị nhà xuất bản từ chối,... hãy viết tất cả xuống. Cho nó tuôn ra. Sau tất cả, hay vò tờ giấy lại và ném nó đi. Tất cả biến mất.
Chúng ta thường viết bản nháp đầu tiên trên giấy để vạch ra những tưởng lớn. Tuy nhiên, những người cầu toàn lại có xu hướng suy nghĩ quá nhiều và giết ngay những ý tưởng đó từ trong trứng nước bằng cách xóa sạch chúng trong tích tắc. Điều này làm ngăn cản dòng chảy suy nghĩ sáng tạo cần thiết trong giai đoạn đầu của một dự án viết.
Vì vậy, khi viết bản nháp đầu tiên, bạn nên viết trên giấy. Khi việc sáng tạo không chịu tác động của màn hình kỹ thuật số hay sự dễ chịu của những công cụ biên tập trên máy, người viết có thể cho phép ý tưởng của mình tuôn chảy ra giấy và không vội vàng xóa bỏ nó.
Khi viết không chủ đích, chúng ta cho phép mình tiếp nhận mọi khả năng có thể xảy ra với tác phẩm của mình. Viết tự do là một cách thực hành để trí óc của bạn lang thang bất kỳ nơi đâu nó muốn, không kìm hãm, không chỉ trích. Chính vì vậy, phương pháp này giúp cho những người cầu toàn khám phá nhiều ý tưởng và chủ đề hơn. Hãy nhớ rằng ở giai đoạn này, đừng quan tâm đến câu cú, ngữ pháp, cách dùng từ,... hay những gì người khác nói. Hãy cứ viết hết mức có thể của bạn, và tận hưởng sự tự do của nó.
Sơ đồ tư duy hay sơ đồ ý tưởng là một lộ trình trực quan của một chủ đề nào đó. Phương pháp ghi chú này rất lý tưởng cho những người thích học thông qua hình ảnh và không dễ dàng tiếp thu những dàn bài đầy chữ truyền thống.
Để bắt đầu, hãy viết ý tưởng chủ đề vào giữa trang giấy. Sau đó dùng bút màu để viết xuống ý tưởng, từ khóa hay các chủ đề phụ xung quanh. Hãy nối những ý tưởng có liên quan lại với nhau. Tiếp tục viết thêm ý tưởng và từ khóa cho các chủ đề phụ. Say khi hoàn thành, bạn sẽ có một bức tranh hoàn chỉnh, và lý tưởng hơn, là một “lộ trình” cho những gì bạn muốn viết.
Điều cuối cùng một người cầu toàn thường muốn làm là đình công, nhưng nghiên cứu đã khẳng định rằng những hoạt động thể chất nhẹ nhàng có thể gia tăng sức sáng tạo. Năng lượng ì trệ của cơ thể có thể kéo theo suy nghĩ cũng ì trệ, và tập thể dục là một trong những cách tốt nhất để giải phóng năng lượng sáng tạo cần thiết cho viết lách. Đi bộ khiến nhịp tim tăng nhanh, giúp máu lưu thông và bơm oxy vào các bộ phận trong cơ thể, trong đó có cả não bộ. Thậm chí nghiên cứu còn chỉ ra rằng sau khi di chuyển nhẹ, người ta đạt kết quả cao hơn trong các kỳ thi về trí nhớ và khả năng tập trung. Không những thế, khi bỏ lại bài viết của mình và ra ngoài đi dạo, bạn cho não bộ của mình được nghỉ ngơi để chuẩn bị sẵn sàng cho một tiến trình mới. Tóm lại là hãy vận động.
Nếu là một người cầu toàn, có khả năng bạn là người viết chậm bởi vì bạn liên tục đánh giá kết quả của mình. Hãy đặt đồng hồ trong 10 phút, và viết nhanh nhất có thể. Nếu giữa lúc viết, bạn bị bế tắc và không biết phải viết gì nữa, hãy thử viết xuống từ “BỎ QUA”, hoặc “QUAY LẠI” để đánh dấu rằng sau này bạn cần quay lại phần đó để phát triển tiếp, nhưng bạn vẫn phát tiếp tục viết. Sau khi 10 phút kết thúc, bạn hãy biên tập, bổ sung, chỉnh sửa nếu cần thiết.
Bạn cần tách biệt bài viết với người viết. Bài viết chính là nội dung, nhưng người viết lại là con người có cảm xúc. Nó hoàn toàn tách biệt. Tuy nhiên, những người cầu toàn thường đánh giá người viết - tức đánh giá chính mình chứ không phải đánh giá bài viết, và thậm chí họ nghiêm khắc với tác phẩm của mình hơn bất kỳ tác phẩm của ai khác. Nếu bạn vẫn luôn lắng nghe tiếng nói phê bình bên trong mỗi lúc viết như “Ý tưởng đó thật tồi”, “Một chủ đề nhàm chán”, “Đúng là người viết dễ dãi”, hãy hít thở và lấy lại sự tập trung: Liệu bạn có nói những lời này với người bạn yêu thương không? Không. Vậy thì đừng nói như thế với bản thân mình.
Có thể lúc này bài viết vẫn còn thiếu ý tưởng chủ chốt, nhưng nó không đồng nghĩa với việc bạn (là người viết) thiếu khả năng sản xuất ra một ý tưởng tốt. Bài viết có thể mắc lỗi về câu, từ nhưng nó không đồng nghĩa với việc người viết không đủ kiến thức và kỹ năng để tạo ra một bài viết hay. Hãy quan sát từng suy nghĩ của mình, và xem nó có thật không, hay chỉ là một nhận định sai lầm được xây dựng từ sự lo âu và sợ hãi của chính bạn
Trên đây là 7 bước thực tế để bạn áp dụng mỗi lúc cảm thấy mình quá bế tắc trong sự cầu toàn. Nhưng điều quan trọng nhất người cầu toàn cần thay đổi đó là tư duy của họ. Nếu bạn là người cầu toàn, hãy ghi nhớ những điều sau:
Thay vì sợ hãy, hãy thử và thất bại, tiếp nhận bài học rồi bước tiếp.
Là con người, không ai hoàn hảo, nhưng chúng ta vẫn xứng đáng.
Sự nghỉ ngơi và làm mới là điều cần thiết trong viết lách lẫn cuộc sống.
Bạn không cần thiết phải làm tất cả mọi thứ: hạ thấp tiêu chuẩn ở những khía cạnh không quan trọng.
Thay vì hướng đến sự cầu toàn, hãy hướng đến sự tiến bộ.
Nếu không cầu toàn, bạn sẽ cảm nhận được nhiều niềm vui với viết lách hơn.
Đừng bao giờ so sánh bản thân với người khác. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. So sánh chỉ làm bạn nhụt chí, không làm bài viết của bạn hoàn hảo hơn.
Hãy tử tế với bản thân mình.
Nguồn: writerslife.net