iPub.vn Covid banner

9 bài học có được khi viết xong 2 cuốn sách trong vòng 3 tháng

Ipub.vn       4 năm trước       1,875 lượt đọc

Sau khi xuất bản 2 cuốn sách đầu tiên, mình mất 2 năm để viết cuốn thứ 3. Và tiếp tục mất thêm 2 năm nữa để hoàn thành xong 2 cuốn tiếp theo. Nhưng 2 cuốn gần đây nhất, thì chỉ mất 3 tháng để hoàn thành.

Hoàn thành 2 cuốn sách dài gần 150,000 chữ trong 3 tháng (1 cuốn về nghề viết tự do dài 70,000 chữ và 1 cuốn về giao tiếp trò chuyện với trẻ dài 60,000 chữ), điều gì đã có thể kích hoạt mình làm được việc này? Nhiều bạn rất tò mò về câu chuyện năng suất của mình. Mình có vài điều muốn chia sẻ với các bạn:


Ngắt mọi kết nối khi viết.

Nếu không, bạn chẳng bao giờ hoàn thành được cuốn sách nào đâu. Một nghiên cứu mà mình rất quan tâm được thực hiện bởi Timothy Pychyl, nhà nghiên cứu về động lực và sự trì hoãn trong 20 năm, cho thấy một người bình thường dành 47% thời gian của họ để chần chừ việc ngắt kết nối với internet.

Cách đây 2 năm khi biết tới nghiên cứu này, mình đã gỡ app facebook trên điện thoại và dùng ứng dụng để ngắt kết nối với các mạng xã hội cũng như email trong khi viết.

Mình cũng thực hiện việc nghiên cứu trước khi viết, và nghiên cứu xong thì sẽ ngắt kết nối để không mất công lảng vảng tìm hiểu gì đó và lãng phí thời gian. Nếu coi viết sách là nhiệm vụ quan trọng thì hãy ngắt kết nối.


Hãy dự đoán và chuẩn bị sẵn cho những trở ngại.

Trở ngại thì là điều bình thường bởi vì ai cũng sẽ phải trải qua nó khi làm việc – bắt nguồn từ sự hạn chế trong hiểu biết của bản thân cho tới những yếu tố xung quanh. Bạn hoàn toàn có thể dự đoán trước các trở ngại này để chủ động đối phó và không làm ảnh hưởng tới quá trình viết của mình.

Tất nhiên, trong quá trình bạn viết không phải lúc nào bạn cũng lường trước được các sự cố. Ví dụ như mình không thể nào biết trước cả nhà sẽ bị cách ly trong gần 2 tháng do dịch bệnh và việc này ảnh hưởng nhiều tới năng suất viết của mình, khi mà những đứa trẻ cả ngày quanh quẩn bên chân.

Nhưng khi đã biết rằng mình chẳng thể làm gì để thay đổi được hoàn cảnh, thì mình tìm cách tự xoay sở và sắp xếp thời gian cho hợp lý. Như là viết khi bọn trẻ ra ngoài đi dạo (khoảng 1 tiếng ban ngày), dậy sớm để viết (từ 3h sáng). Mỗi ngày, mỗi tuần mình lên kế hoạch trước trong đầu mình sẽ viết vào lúc nào, có những trở ngại nào có thể xảy ra để vượt qua và không làm nó ảnh hưởng quá nhiều tới năng suất của mình. Nó không khó đối phó như bạn tưởng. Dù là bạn viết 1 bài viết hay viết 1 cuốn sách thì dự đoán trở ngại cũng là điều vô cùng quan trọng.


Tạo ra không gian và ưu tiên cho việc quan trọng nhất.

Hoàn thiện 2 bản thảo sách là quan trọng nhất với mình. Đó là điều mình tự nhắc nhở bản thân mỗi ngày. Trong các nhiệm vụ của công việc và cuộc sống, bạn hẳn phải biết cái nào là quan trọng nhất và cần ưu tiên nhất.

Bằng cách xác định như thế, bạn sẽ có thể có thêm thời gian, sự chú ý và năng lượng để làm việc cùng với chúng. Đó là cách mà nhiều người làm việc hiệu quả khác đã làm.

Trong rất nhiều thứ bạn làm, sẽ chỉ có một số tạo ra ảnh hưởng và mang lại giá trị cho bạn. Những việc ít quan trọng hơn, mang tính hỗ trợ có thể loại bỏ thì hãy loại bỏ để dành nhiều thời gian hơn cho các nhiệm vụ quan trọng.


Hãy hiểu về lịch trình của não bộ.

Mỗi ngày bộ não của bạn có 2 chế độ: 1 chế độ mơ mộng – nó đi lang thang khắp nơi và 1 chế độ tập trung – khi nó tập trung vào một thứ gì đó. Ví dụ nhé, khi bạn đi tắm, tâm trí bạn chắc chắn ở chế độ mơ mộng. Lợi điểm của nó là bạn sẽ nảy ra những suy nghĩ khác biệt, mới mẻ. Còn khi bạn đọc bài viết này, tâm trí của bạn có thể đang ở trạng thái tập tập trung.

Tuy thế, thực tế là chúng ta đang ngày càng dành ít thời gian hơn cho chế độ mơ mộng, nhưng lại cũng không tập trung thực sự khi ở chế độ tập trung. Chúng ta cứ lơ lửng ở giữa 2 trạng thái này – và đây chính là nguyên nhân khiến chúng ta thất bại. Chúng ta quá bận rộn, rồi muốn thử và tập trung vào ti tỉ thứ một lúc thay vì vào 1 thứ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi dành thời gian ở chế độ mơ mộng, bạn sẽ tăng được khả năng sáng tạo, giúp giải quyết những vấn đề phức tạp, đưa ra những ý tưởng mới và giảm mức độ căng thẳng. Để cho tâm trí đi lang thang sẽ mang bạn tới nhiều hiểu biết, kết nối và ý tưởng hơn.

Mình cũng đã trải nghiệm điều này khi viết sách. Nếu bạn đang dành quá nhiều thời gian cho đa nhiệm hoặc chế độ tập trung, hãy nghỉ ngơi và chuyển sang chế độ mơ mộng. Hãy ghé thăm một phòng triển lãm nghệ thuật, đi dạo, tắm vào buổi sáng, làm gì đó để thư giãn đầu óc.


Hãy lựa chọn người ở bên mình hoặc được phép tác động tới mình.

Các bạn tham gia thử thách 7 ngày viết sáng tạo, mỗi ngày viết 1000 từ đã thừa nhận rằng mình hoàn thành thử thách dễ dàng hơn khi có một cộng đồng ủng hộ và cùng nhau thực hiện. Thật khó nếu bạn muốn hoàn thành cuốn sách hay một dự án lớn mà không có sự hỗ trợ của những người xung quanh.

May mắn là mình cũng có sự hỗ trợ đó. Từ người thân và từ cộng đồng những cây viết mà mình đã xây dựng và đồng hành trong 1 năm vừa qua. Mình đã nhận được sự quan tâm, theo dõi và ủng hộ của nhiều người có thể hỗ trợ cả về mặt tinh thần, lẫn công việc và nghề nghiệp.


Đối với dự án lớn, rất nên đặt ra những mục tiêu phụ.

Từ viết blog mà chuyển sang viết một cuốn sách là một sự chuyển đổi kỳ lạ. Tất nhiên viết sách với viết blog hoàn toàn khác nhau. Viết sách đòi hỏi nghiên cứu, dữ kiện, câu chuyện phức tạp và chuyên sâu hơn rất nhiều.

Bạn cũng phải dành nhiều sự chú ý hơn nếu muốn tạo ra nhiều kết nối hơn giữa các ý tưởng viết. Nhưng viết một cuốn sách thì lại ít có động lực hơn viết blog, vì viết sách là một quá trình dài và bạn lại ít nhận được phản hồi cho tới khi hoàn thành nó. Bạn phải tự viết, tự biên tập cho tới lúc hoàn thành rồi mới nhận được phản hồi từ biên tập viên. Trong khi một bài viết blog thì có thể nhận được tương tác rất nhanh.

Bởi vậy, dự án càng ít được phản hồi, bạn lại càng ít có động lực và dễ ngừng thực hiện. Nếu bạn chịu lùi lại một chút, đặt ra các mục tiêu nhỏ và các cột mốc theo giai đoạn trong quá trình viết sách, bạn sẽ có thể có kế hoạch, làm việc thông minh hơn và đi đúng hướng. Bạn cũng sẽ thấy mình hoàn thiện những mảnh ghép nhỏ của một bức tranh lớn.


Đừng mong bạn sẽ trở nên giàu có nhờ viết sách.

Các dự án lớn mặc dù có thù lao, nhưng điều quan trọng là những giá trị nó mang tới. Khi mình nhận được thỏa thuận viết sách, mình biết rằng mình phải bỏ bớt các công việc khác để ưu tiên cho việc viết sách. Một dự án càng quan trọng, mình càng dành nhiều thời gian và năng lượng cho nó.

Tất nhiên, có rất nhiều cách để chúng ta đưa ra cam kết, tập trung, dành thời gian nhưng với mình có lẽ cam kết đó đó đến từ những giá trị mà việc viết sách mang lại.

Hoàn thành những cuốn sách tác động tích cực tới hầu hết những lính vực trong cuộc sống của mình: tâm trí, cơ thể, cảm xúc, sự nghiệp, tài chính, các mối quan hệ. Mình có thể phải bỏ qua những ưu tiên cho các lĩnh vực này khi viết. Nhưng khi hoàn thành thì nó lại mang tới cảm giác thỏa mãn, thăng hoa và rất nhiều năng lượng tích cực không chỉ cho mình mà cả những người xung quanh.


Làm việc chậm lại một chút nhé.

Có lẽ đây chính là điều thú vị nhất mình phát hiện ra trong quá trình viết sách. Mình viết càng chậm rãi, lại càng viết được số lượng nhiều hơn. Khi mới bắt đầu viết, mình vật lộn để viết chỉ khoảng 1000 từ mỗi ngày. Đôi khi cứ lao đầu vào viết mà không có sự hiểu biết về quy trình. Sau đó, mình làm mọi thứ chậm lại, rồi phát hiện ra rằng số từ mình viết thậm chí đã nhiều hơn 2000 từ.

Viết chậm là một chiến thuật năng suất khá kỳ quặc, nhưng lại là một trong những bài học rất thú vị và hiệu quả. Làm chậm lại cho phép chúng ta làm việc có chủ ý hơn, cho phép ta tạo ra không gian và nhận thức để lùi lại một chút nhưng nâng cao năng suất của bản thân, giúp ta dễ dàng thực hành chánh niệm trong công việc và suy nghĩ sâu sắc hơn về mọi thứ mình đang thực hiện.

Những người làm việc hiệu quả nhất không hẳn là những người làm việc chăm chỉ và nhanh nhất, cần phải làm việc tập trung và có chủ ý đã.


Chính bạn là người cản trở bạn viết nhiều nhất, không phải các yếu tố xung quanh.

Cuốn sách là một thứ gì đó nghe có vẻ to tát, không hẳn. Đó chỉ là suy nghĩ khiến bạn cảm thấy khó khăn và sợ hãi nhiều hơn. Đừng đặt áp lực quá lớn, rằng mình phải trở thành một cây viết có tiếng, với thành công lớn. Hãy đặt áp lực đủ để hoàn thành một cuốn sách, dù không thể xuất bản sách giấy, thì hoàn toàn có thể tự xuất bản.

Càng viết nhiều bạn sẽ càng tiến bộ và rút gọn được nhiều khâu không cần thiết. Một số người nói rằng bạn sẽ chỉ xuất bản được một cuốn sách tuyệt vời nhất trong đời. Viết cuốn sách đầu tiên là một quá trình khó khăn với mình. Cuốn thứ 2 thì lại rất vui vẻ. Tới cuốn thứ 3-4-5 thì mọi thứ dễ dàng và logic hơn rất nhiều.

Mỗi cuốn sách là một bài học kinh nghiệm. Trước khi bạn xuất bản một cuốn sách, có rất nhiều thứ bạn không biết. Nhưng cứ sau mỗi lần xong một cuốn, bạn lại học hỏi thêm được một vài điều gì đó để mình hoàn thiện hơn.

Phan Linh

Nguồn: Linhphan.co


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!