iPub.vn Covid banner

#bihaishopping - Trải nghiệm mua sắm online tại Nhật

Nâu Đá       4 năm trước       667 lượt đọc

Việc mua hàng online tại một nước phát triển như thế nào? Có điều gì mà người Việt Nam mình cần học hỏi và phát triển hơn trong việc cung cấp dịch vụ bán hàng online?

Chào các bạn, tôi là một người con xa xứ đã được hai năm. Nhớ hồi tôi đặt chân đến đất nước Mặt trời mọc thì nhu cầu mua bán hàng online ở Việt Nam cũng vào giai đoạn bắt đầu phát triển, những ví điện tử, hình thức thanh toán online cũng được đầu tư đẩy mạnh. Dù chưa có trải nghiệm thực tế mua sắm online tại Việt Nam nhưng theo dõi nhiều chia sẻ của cư dân mạng thấy còn nhiều bất cập, hôm nay tôi xin chia sẻ về trải nghiệm mua sắm của mình tại đất nước Nhật Bản, hi vọng rằng các bạn sẽ có thêm những sự đánh giá mặt tích cực, tiêu cực và hình dung được tương lai hình thức mua sắm online tại Việt Nam sẽ như thế nào.

Tôi đặc biệt thích giày, khi đến Nhật Bản, nơi hấp dẫn tôi nhất đó chính là những trung tâm thương mại, những khu mua sắm nhộn nhịp, và những cửa hàng giày dép là nơi đầu tiên tôi bước vào. Rất nhiều đôi giày của các hãng được bày biện gọn gàng, bắt mắt, hàng nội địa Nhật có, những hãng nổi tiếng như Adidas, Converse, Timberland… thì đương nhiên đều có mặt. Tuy nhiên, mỗi hãng người ta lại bày ra khá là ít mẫu mã, tôi hỏi nhân viên về một mẫu giày trên điện thoại, họ nói cửa hàng có mẫu giày này, nhưng khách hàng phải đặt trước trên website của cửa hàng rồi đến lấy hoặc cửa hàng sẽ gửi hàng về tận nhà cho khách. Hơi thất vọng, tôi về nhà và tìm hiểu cách người Nhật mua sắm, và tôi biết thêm được nhiều điều khá thú vị.

Người Nhật rất thích mua hàng online, vì sự tiện lợi của nó, bạn chỉ cần ngồi tại nhà, mở điện thoại lên và lựa chọn món đồ muốn mua, người của bưu điện hoặc người của công ty chuyển phát nhanh sẽ mang món đồ của bạn tới tận nhà sau một vài ngày. Bạn chẳng cần phải tốn nhiều công sức. Hai trang web lớn nhất được ưa chuộng mua hàng tại Nhật đó là của công ty Amazon và Rakuten. Cùng thẻ thanh toán, thẻ ghi nợ visa, mastercard… việc mua sắm của bạn sẽ càng trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn. Ngoài việc thanh toán bằng thẻ ra thì bạn cũng có thể thanh toán đơn hàng tại những cửa hàng tiện lợi như Family Mart, 7eleven… hoặc mua thẻ nạp tài khoản cũng tại những cửa hàng tiện lợi đó.

Tôi cũng nhanh chóng có cho mình một cái thẻ mastercard. Tôi lên cả hai trang web của Amazon và Rakuten và gõ từ khóa tìm kiếm “Converse Shoes”, khá hào hứng bởi những đôi giày hấp dẫn hiện lên, tôi click chuột vào một đôi. Thông tin về hình dáng, chất liệu, kích thước, tên cửa hàng bán sản phẩm đều được cung cấp đầy đủ, ngoài ra còn có cả hình ảnh 3D, bạn hoàn toàn có thể xem mọi khía cạnh của đôi giày. Sau đó tôi bị cuốn theo những gợi ý mặt hàng tương tự từ trang web, những cái giá tiền, cùng là một đôi giày mà có hàng tá những đôi giày khác có kiểu dáng tương tự, chỉ khác một vài chi tiết. Và cũng là một đôi giày lại có hàng tá những cái giá khác nhau, bên Rakuten thì rẻ hơn một chút nhưng tiền ship lại khá cao, bên Amazon thì ưu đãi hơn, đối với những hàng có sẵn trong kho của Amazon (thường đề chữ Prime) hoặc những đơn hàng từ 2000¥ (khoảng 400 nghìn Việt Nam Đồng) thì bạn sẽ được miễn phí tiền ship. Tất nhiên giá mua hàng online luôn rẻ hơn giá đề tại các cửa hàng bình thường vì không mất phí mặt bằng, có lẽ vì lý do này mà người Nhật lại thích mua đồ online hơn chăng?

Sau một hồi cân đo đong đếm, lựa chọn cẩn thận size, gõ địa chỉ nhà, mã bưu điện, kiểm tra mã thẻ… Tôi đã mua một đôi giày mới. Hai ngày sau, người của công ty chuyển phát nhanh bấm chuông cửa và đưa cho tôi một chiếc hộp giấy có biểu tượng chiếc môi cười. Tôi hồi hộp lấy dao rọc theo vết băng dính dán, mở hộp và tôi thấy… ba tờ giấy. Các bạn đừng lo lắng, đôi giày tôi đặt mua vẫn nằm trong cái hộp của hãng bên dưới những tờ giấy kia thôi, tôi tò mò về ba tờ giấy hơn. Tôi ngạc nhiên mở những tờ giấy ra xem, một tờ giấy xác nhận thông tin đơn hàng, một tờ giấy cảm ơn của cửa hàng và một tờ phiếu hoàn trả sản phẩm.

Thật bất ngờ, các bạn biết không, trên tờ giấy đó ghi những từ hết sức lịch sự (người Nhật có phân biệt rõ ràng những từ ngữ khiêm nhường, bình thường, lịch sự, tôn kính) nội dung tạm dịch là “cảm ơn quý khách đã tin tưởng và sử dụng dịch vụ của cửa hàng, nếu quý khách nhận thấy sản phẩm có bất kì điều gì bất thường như sứt chỉ, nhầm size, hàng lỗi… khiến quý khách không hài lòng, chúng tôi có gửi kèm theo một tờ giấy hoàn trả xin quý khách vui lòng gửi lại sản phẩm cho chúng tôi, và ghi rõ lý do, việc hoàn trả hoàn toàn miễn phí…..”. Có lẽ nếu nói về chất lượng dịch vụ thì không đất nước nào hơn được Nhật, từ cách phục vụ cho tới sản phẩm, bạn mất tiền cũng cảm thấy mình xứng đáng.

Tôi mở hộp đôi giày ra, mọi thứ đều giống y như bạn mới mua đồ trực tiếp tại cửa hàng vậy, đôi giày đặt gọn gàng trong một lớp giấy bọc và trong chiếc hộp của hãng. Chiếc hộp lại được bao quanh bởi những túi bóng khí chèn cho khít trong chiếc hộp giấy của Amazon. Không hề có tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” như những câu chuyện của các cư dân mạng bên Việt Nam. Tôi đánh giá cao việc mua sắm online tại Nhật Bản, từ cách phục vụ, ý thức người bán hàng quá tuyệt vời, điều mà người Việt mình có lẽ cần nhiều năm sau mới theo kịp.

Tuy nhiên, việc gì cũng luôn có mặt trái của nó, việc mua sắm online cũng vậy. Sau khi tôi tìm kiếm sản phẩm trên website, mọi trang web khác tôi sử dụng đều xuất hiện những hình ảnh quảng cáo sản phẩm tôi tìm kiếm, tràn lan khắp màn hình máy tính, từ những trang web Việt tới những trang của Nhật, cứ có chỗ trống đặt quảng cáo là quảng cáo lại xuất hiện. Bên cạnh đó, việc sử dụng thẻ thanh toán cũng dễ khiến bạn bị cuốn vào cơn lốc mua sắm, vì càng xem thì càng nhiều sản phẩm gợi ý, sản phẩm bổ sung, combo được đề xuất cho bạn, mà bạn lại không phải nhìn vào tiền trong ví của mình khi thanh toán nên việc bạn “hứng lên” mua những món đồ mà bạn chưa có nhu cầu là rất dễ gặp phải, cho tới lúc tỉnh lại thì đã lỡ mua mất rồi. Trên Amazon có chỗ hủy đơn hàng nhưng thú thật, tôi chưa bao giờ ấn hủy đơn hàng thành công cả.

Ngoài ra, mua online nên việc thử đồ là điều không thể, đối với tùy loại sản phẩm thì kích cỡ phù hợp với bạn cũng không cố định, ví dụ như bình thường bạn đi giày cỡ 7(UK) nhưng với đôi giày này thì bạn cần đi rộng hơn một chút để tránh việc mũi giày cứng gây đau chân, thế nhưng bạn lại đặt đúng đôi size 7, hay có những đôi mà size 7 lại là hơi rộng. Và tôi cam đoan với bạn, việc bạn viết giấy, gửi trả lại đôi giày để đổi lấy cỡ to hơn, chờ đợi sau vài ngày nữa so với việc tặc lưỡi ậm ừ cho qua thì việc trả lại hàng khó có thể được thực hiện.

Gần đây khi Amazon, Family Mart, 7eleven… đặt chân tới Việt Nam, các loại ví điện tử được đầu tư mạnh, các trang mua sắm khác như Tiki, Shopee, Sendo… cạnh tranh gay gắt mở ra nhiều cơ hội phát triển thương mại online tại Việt Nam. Hi vọng qua bài viết các bạn sẽ có những góc nhìn khác, những kinh nghiệm mới để có những trải nghiệm tuyệt vời hơn.


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!