Một cuộc tình, liệu có đáng cho ta dành một đời để chờ trông?...
Cô năm nay gần sáu mươi tuổi, là giáo viên dạy Anh Văn của một ngôi trường cấp Ba ở trong huyện. Cô độc thân, vui tính, nhà cao cửa rộng, lối dạy hí hỏm, dễ hiểu khiến đám học trò yêu thích. Cô có mái tóc tém rất ấn tượng, và còn ấn tượng hơn khi cô khoe với đám học trò bọn tôi cô đã từng có mái tóc thề đen dài, suôn mượt cái thời thiếu nữ.
...
Năm họ mười bảy tuổi.
Mỗi ngày cô tới trường với tà áo dài trắng tung bay, mái tóc đen dài phác hoạ nên chân dung một nữ sinh hiền thục, đằm thắm. Thời ấy nào có điện thoại, có mạng xã hội như bây giờ, từng lá thư đặt trộm trong hộc bàn mỗi sớm mai là thứ duy nhất nói lên tiếng lòng của cô và người ấy.
Người cô thầm thương khi ấy là cậu bạn lớp trưởng người dong dỏng cao, có nụ cười hào hoa, đậm chất nghệ sĩ. Vừa hay cậu ấy cũng thích cô bạn dịu dàng, trong sáng, có mái tóc đen suôn dài óng ả.
Năm họ mười chín tuổi.
Cô thi đỗ vào Đại học Sư Phạm Sài Gòn, viết tiếp ước mơ trở thành cô giáo dạy Anh Văn. Chàng trai mà cô tương tư đã đỗ Học viện Quân Y ở tận Hà Nội. Người Nam kẻ Bắc, những lá thư tay viết nên câu chuyện tình của hai người.
Anh nói trong thư rằng, chờ khi họ tốt nghiệp, anh sẽ cưới cô. Cô mỉm cười gấp lá thư, đặt vào trong chiếc hộp gỗ khảm xà cừ, xem nó trân quý hơn bất cứ thứ gì trên đời.
Năm họ hai mươi ba tuổi, cùng nhau tốt nghiệp.
Người Nam kẻ Bắc lại tương phùng tại đất Sài Gòn. Cô mỉm cười dịu dàng, trao nhau cái ôm nồng thắm đầu tiên sau bao năm xa cách. Anh hứa sẽ thu xếp đầu năm sau mang trầu cau sang nhà cô. Cô nghe thế chỉ biết e thẹn cười, không giấu được hạnh phúc như đoá hoa đang nở rộ trong lòng.
Năm họ hai mươi bốn tuổi, biến cố đột ngột xảy đến.
Gia đình anh quyết định sẽ dọn sang Canada khi được một người dì bảo lãnh. Họ chỉ kịp từ biệt nhau trong một đêm mưa. Nụ hôn đầu cùng trao nhau dưới vòm hoa giấy, anh lấy từ trong túi một chiếc kẹp tóc xinh xinh, cài lên mái tóc thoang thoảng hương bồ kết. Anh nói: “Đợi anh. Đợi mọi thứ ổn thoả, anh sẽ bảo lãnh em cùng sang Canada...”
Cô trao cho anh chiếc đồng hồ bằng vàng mà bản thân tích cóp từ mấy tháng lương để mua cho anh một món đồ kỷ niệm. Cô đáp lại rằng cô sẽ đợi anh.
Năm họ hai mươi lăm, hai mươi sáu, hai mươi bảy...
Những lá thư tay cứ thế thưa dần. Có lúc cô gửi cho anh ba bốn lá thư nhưng lại chẳng nhận được phản hồi nào cả. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp khuyên cô hãy quên anh đi, tranh thủ lúc tuổi xuân chưa tàn phai thì tìm một tấm chồng, nương nhờ về sau.
Cô im lặng. Nhiều đêm mở chiếc hộp gỗ khảm xà cừ, nhìn những lá thư chất đầy bên trong, một vài tấm hình kỷ niệm chụp cùng nhau, cả chiếc kẹp tóc tinh xảo anh tặng cô vào cái đêm chia tay ấy. Cô biết mình phải đợi anh.
Năm họ hai mươi tám tuổi.
Cô vẫn đều đặn viết thư gửi cho anh, dẫu không mấy khi nhận được lời hồi âm. Gia đình sắp xếp mai mối, cô đều kiên quyết từ chối, bởi trong lòng cô đã có một bóng hình của đời mình.
Một ngày đẹp trời mùa Hạ, Sài Gòn nóng như đổ lửa, cô nhận được một bức thư từ Canada, là tấm thiệp mời đám cưới, kèm chiếc vé máy bay. Cô dụi mắt không dám tin, nhìn chằm chằm vào tên cô dâu và chú rể. Đôi tay run rẩy đánh rơi tấm thiệp.
Giữa trời Hạ, mà sao thấy lòng mình buốt giá?
Năm cô hai mươi chín tuổi.
Cô trở về quê, làm một giáo viên Anh Văn ở một trường cấp ba trong huyện. Cô cắt đi mái tóc dài quá eo, mái tóc vì một người mà cô đã luôn cất công chăm sóc. Anh thợ cắt tóc liên tục hỏi: “Chị muốn cắt ngắn thế thật sao? Tóc chị rất đẹp, không nên cắt ngắn thế. Rất uổng phí.”
Uổng phí? Mái tóc dài này nếu cắt ngắn đi thì uổng phí, vậy mười mấy năm chờ đợi của cô thì sao?
Cô nhắm mắt, hồi ức vụt qua nhanh như một thước phim, nhưng lại rõ ràng và chi tiết đến lạ, cô gật đầu kiên quyết: “Cứ cắt thật ngắn cho tôi!”
Năm cô ba mươi hai tuổi.
Cô tự mình mua được một căn nhà khang trang. Cô dự tính sẽ tiết kiệm một khoản để sau này về hưu có chút dư dả để dưỡng lão. Đồng nghiệp ai cũng hy vọng cô sớm tìm được bến đỗ của đời mình. Có nhà, có sự nghiệp, chỉ cần có thêm một tổ ấm thì xem như nhân sinh đã hoàn mỹ rồi.
Nhưng, cô lại không có ý định lấy chồng.
Năm cô ba mươi ba tuổi.
Một ngày nọ, sau khi kết thúc nửa ngày trời dạy học, cô trở về nhà thấy có một bưu kiện được đặt cẩn thận trong hòm thư. Địa chỉ gửi là nơi ở của cô khi còn dạy học trên Sài Gòn. Cô mở gói bưu kiện bên trong là một phong thư khác cùng một hộp quà nho nhỏ, trên đó viết địa chỉ là từ Canada.
Tim cô bỗng run lên.
Lá thư viết rằng, anh đã qua đời trong một trận tai nạn giao thông. Đầu bị chấn thương nặng, mắt cũng kính thuỷ tinh làm tổn thương, không cứu chữa được. Lời cuối cùng gia đình có thể nghe từ anh là giúp anh chuyển món quà này đến cô.
Cô chầm chậm mở gói quà kia ra, bên trong là chiếc đồng hồ bằng vàng mà cô đã tặng cho anh. Ngay mắt xích trên dây đồng hồ, mặt bên trong khắc dòng chữ: “Anh vẫn luôn yêu em, Trang.”
Kể từ đó, cô vẫn ngày đi dạy, đêm về nhà, tự mình khép cửa ôn lại những hồi ức đẹp thời tuổi trẻ. Cô không lấy chồng, bởi cô biết tim mình mãi mãi không thể quên anh. Chỉ cần cố thêm một thời gian nữa, cô sẽ có thể gặp được anh.
...
Cô ho nhiều, mấy chục năm hít bụi phấn, dạy dỗ biết bao thế hệ học trò, bao đêm thức với chồng giáo án, sức khỏe cũng yếu đi nên cô xin nghỉ hưu sớm, thu xếp bay đến Canada. Đứng trước bia mộ của người mà cô đã dành nửa cuộc đời để chờ đợi, lúc bấy giờ cô mới có can đảm mở lại tấm thiệp cười năm xưa.
Phía trong thiệp có một mảnh giấy được giấu rất khéo, trên đó viết: “Xin em hãy đến Canada, người anh muốn lấy là em, không phải cô ấy.”
Rồi cô oà lên khóc nức nở như một đứa trẻ.