iPub.vn Covid banner

Lá Thư Cuối Cùng

Junor Wong       3 năm trước       804 lượt đọc

Câu truyện đặt trong bối cảnh Việt Nam. Lá Thư Cuối Cùng được kể hầu hết qua góc nhìn của Hiếu, những chuyển biến cảm xúc của tuổi mới lớn và câu truyện phía sau của một gia đình tan vỡ, chị em chia lìa nhau.

Tên Truyện: LÁ THƯ CUỐI CÙNG

Tác Giả: JUNOR WONG

Những khi cậu ấy rảnh rỗi thì cậu lại viết thư cho người chị ở xa!

Cậu ta tên Hiếu, một đứa trẻ sống cùng với cha của mình trên thành phố, cư ngụ tại khu chung cư Quỳnh Hoa. Hàng ngày, kể ra là từ lúc còn nhỏ, cậu luôn có một nếp sống tự lập đã ăn sâu vào máu. Những khi mà cha của cậu đi làm ở công ty thì sau khi học xong ở trường, cậu lấy xe đạp và về thẳng nhà, không thích la cà ở đâu cả. Có thể nói, Hiếu là một đứa trẻ hoàn hảo về mọi mặt, kể cả cách suy nghĩ cũng có phần đi trước tuổi.

Thế nhưng, đâu ai biết được là Hiếu cũng có một phần trẻ con trong mình và nó chỉ được thể hiện qua nhiều dòng từ ngữ trên những lá thư mà cậu gửi cho người chị.

Chị Lan là chị của Hiếu. Chị ấy sống cùng mẹ ruột của hai chị em ở tại một làng quê sông nước cách thành phố năm đến sáu tiếng đi xe buýt. Vậy nên, khoảng cách địa điểm khiến cho cả hai đều khó khăn để gặp được nhau.

Hai chị em là một trong những minh chứng rõ nhất của hôn nhân tan vỡ, cha và mẹ bất hoà dẫn đến ly hôn, khiến cho con cái của họ phải chịu cảnh chia cắt nhau. Đôi lúc, Hiếu muốn tự mình bỏ đi và bắt xe về quê để tìm gặp chị của mình. Thế nhưng cậu chỉ là một đứa bé mới có mười bốn tuổi, dù cho có tự lập tới mấy, hay trưởng thành bao nhiêu thì cũng không bao giờ có một người bán vé nào chịu cho cậu mua vé xe buýt cả. Và chị cậu, Lan cũng chỉ vừa lên mười tám, cô lại còn mắc bệnh hen suyễn nên không thể một mình mà đi lên thành phố được. Đã thế vừa mới đây Hiếu còn hay tin bệnh của chị mình vừa tái phát nên phải nhập viện.

Hiếu đang ngồi trên ghế, viết những dòng chữ trên lá thư mà ngày mai, lúc cậu đi học thì cậu sẽ gửi nó cho cục thư tín để họ có thể chuyển nó cho chị mình.

Gửi chị Lan!

Chị cảm thấy sau rồi? Em đang rất lo lắng cho chị khi hay tin là bệnh của chị lại tái phát đấy. Em xin lỗi vì không thể ở gần chị được vào lúc này. Thật khó khăn, hôm nay cô bán vé lại không chịu cho em mua vé. Ha ha ha!

Bỗng Hiếu nhăn mặt, rồi cậu cầm tờ giấy vừa viết lên với vẻ không hài lòng. Cậu thấy lá thư này thật...

Hiếu vò tờ giấy và quăng nó xuống cái thùng rác bên cạnh bàn. Lấy một cuốn tập bên cạnh dãy sách giáo khoa lớp chín được sắp xếp ngay ngắn và mới tinh dù cho đã qua nửa năm niên khoá. Lật nó ra giữa và xé một đôi giấy, để cuốn tập lại chỗ cũ.

Cậu trải tờ giấy ra mặt bàn, lót bên dưới một cuốn sách để viết dễ hơn và không sợ chữ xấu. Khi đặt bút xuống, Hiếu lại nâng mũi viết lên, trầm tư suy nghĩ rồi lại đặt xuống lần nữa.

Gửi chị Lan!

Em đã được thêm nhiều cái 9 và 10 nữa. Có lẽ tháng này em sẽ lại được hạng nhất thôi chị ạ! Chị không cần phải lo lắng cho cuộc sống trên này của em đâu vì cha vẫn yêu thương em lắm. Chắc hẳn mẹ chúng ta cũng đang làm việc vất vả để nuôi chị đúng không? Dù cho có vài bất đồng quan điểm, thế nhưng họ vẫn là một người mẹ và một người cha tốt. Thật sự em vẫn muốn chúng ta sẽ sống như lúc trước. Em rất buồn khi mái nhà này thiếu vắng mẹ và chị, nếu không tại vì... mà thôi, dù sao chuyện đó cũng đã qua rồi. Cả hai người đều có những quan điểm khác nhau, em cũng chỉ là một đứa trẻ con nên không thể trách họ được.

Này, chị biết không? Cha hứa là sẽ dẫn em đi chơi công viên nếu em lại được hạng nhất đấy. Vậy nên, tấm vé đi chơi đó chắc hẳn em đã nắm trong tay rồi. Thật sự thì một lúc nào đó em vẫn muốn đi chơi cùng với chị.

Em nhớ chị lắm!

À quên nữa, dạo này chị thấy sao rồi? Em hay tin từ cha là bệnh suyễn của chị lại tái phát nữa ư? Em rất muốn ở bên cạnh chị lúc này, thế nhưng cô bán vé lại chẳng chịu cho em mua vé - lần thứ 52 rồi. Cô ấy nói thực sự em rất phiền phức. Em thực sự phiền phức lắm đúng không ạ?

Mẹ như thế nào rồi hả chị? Chắc là mẹ lại lo sốt vó lên nữa bởi lần tái phát này của chị rồi, em đoán vậy. Nhớ lại lúc mà chúng ta sống cùng nhau. Cứ mỗi lần bệnh suyễn của chị tái phát thì mẹ lúc nào cũng lo lắng, còn lên tới tận trường học để xin cho chị không cần thi thể dục nữa chứ. Mắc cười thật đấy!

Chiếc bút dừng lại ngay tại con chữ “đấy!”, Hiếu nghe thấy tiếng mở khoá cửa. Đó là tiếng báo hiệu cha của cậu đã về. Vậy nên cậu đặt cây viết mực xuống, rời khỏi ghế và đi ra phòng khách.

Cha của cậu đang gỡ cà vạt ra, nét mặt nghiêm nghị của ông vẫn thế, luôn là những vết hằn sâu của tuổi trung niên phải tất bật để làm việc, lo cho cậu ăn học thành tài. Hiếu cảm thấy thương cha lắm, những lúc ăn cơm cùng cha, cậu luôn được cha khen là cậu nấu ăn rất ngon. Thế nhưng hôm nay, cha của Hiếu mua cho cậu một ít gà rán KFC nên cậu không cần nấu đồ ăn mà chỉ nấu cơm. Hôm nay cả hai cha con sẽ ăn gà rán, dĩ nhiên là Hiếu rất thích ăn món này, nhưng đó chỉ là khi mà chị cậu và mẹ cậu ăn cùng.

“Cha mua đồ ăn rồi này.” Cha Lâm nhìn lên cái đồng hồ treo tường, nằm dưới tấm lịch đang trong tháng một. “Món mà con thích nhất.” Ông nhìn đứa con của mình. Thằng bé hơi nhỏ con, gương mặt thoáng ẩn hiện nét buồn bã không thường thấy trong lứa tuổi cùng thế hệ. Cứ như, cậu đang sắp khóc. “Sao vậy? Con không thích à?”

Hiếu ngạc nhiên nhìn cha mình, điềm tĩnh nói, “Dạ không ạ! Cám ơn cha. Con thích món này lắm.”

Lời nói của Hiếu thoáng trông giả tạo, nhưng nó lại đầy ẩn ý đến nỗi khiến cho cha cậu cảm thấy đau nhói ruột gan khi hiểu được ý nghĩa sâu trong đấy - thằng bé lúc nào cũng tỏ ra là mình trưởng thành như thế. Ông luôn tự hỏi quyết định đồng ý ly hôn của mình là đúng hay sai (dù rằng vợ của ông đã ép ông và đó cũng là lỗi do ông gây ra). Khiến cho hai đứa trẻ phải chịu cảnh thiếu một nửa sự chăm sóc, trong khi lại cần một tình yêu thương hoàn chỉnh - ông tự trách bản thân về cái lỗi lầm của mình.

Hiếu đi lấy chén và xới cơm, những hạt cơm còn nóng hổi bốc lên làn khói mờ mờ thật ngon miệng. Trong khi đó, ông Lâm lại lấy dĩa và một cái chén nhỏ hình vuông đựng nước chấm. Đổ nước tương cà và tương ớt ra chén nước chấm, chia ra mỗi bên một loại. Sau đó lại để ba miếng gà ra cái dĩa, con ông cũng đã mang hai chén cơm và hai đôi đũa ra đặt trên bàn.

Hiếu ngồi xuống, không buồn đợi cha cậu đi lấy ly để rót Coca cola mà cầm chén cơm lên, lùa cơm vào miệng.

Ly Coca cola đặt cạnh cậu, cậu liền cầm nó lên và ực một hơi hết nửa ly.

“Ăn từ từ thôi!” Cha Lâm nói khi thấy đứa con mình ăn uống như chết đói tới nơi.

“Vâng ạ!” Thằng bé nói, nó đặt chén cơm xuống, với lấy cái điều khiển tivi rồi bật tivi lên. Chương trình mà Hiếu bật là một bộ phim hoạt hình đã lâu: Lọ lem của hãng Disney.

Những con chuột đang giúp Cinderella trang hoàng lại bộ dạ tiệc khiến cho nó trông thật bắt mắt, tuyệt đẹp.

Bỗng có tiếng gõ cửa vang vọng từ cửa chính, Hiếu rời mắt khỏi tivi và tự hỏi ai đến. Thế nhưng chỉ một giây sau cậu nhớ ra đó là ai. Dõi mắt theo cha của cậu đi tới cửa, mở khoá và kéo cửa ra.

“Chào anh!” Cô Violet bước vào, trên môi cô hiện lên nụ cười tươi tắn, vẻ xinh đẹp của người phụ nữ lúc nào cũng khiến Hiếu ấn tượng - vậy nên cha của cậu mới phải lòng người phụ nữ này chỉ không lâu sau khi ly hôn với mẹ cậu (Chính xác là hai năm - lúc Hiếu đang học lớp bảy).

“Chào em! Mời vào.” Cha cậu nói, đợi khi Violet bước vào rồi mới đóng cửa.

“Chào cô!” Hiếu nói, không có biểu hiện gì khác như cười hay mến khách. Thế nhưng Violet hiểu vì sao thằng bé lại như thế, nó đã chịu một cảnh phải chia cắt với người chị yêu quý của mình và có lẽ là không thể vượt qua được. Cô cảm thấy thật tội nghiệp cho thằng bé.

“Chào con! Vẫn khoẻ chứ?”

“Dạ vâng, con vẫn khoẻ.” Thằng bé là một đứa trẻ ngoan, nó luôn dạ thưa đàng hoàng. Nó như là một người trưởng thành thực sự vậy, có thể nói là già trước tuổi. “How are you?” - Cô khoẻ không?

“I’m good! Can you don’t speak english, ok?” - Cô khoẻ! Con có thể không nói tiếng anh được chứ?

“Ok!” - Được ạ!

Violet quay lại nhìn ông Lâm đầy ẩn ý, khiến cho Hiếu cảm thấy khó hiểu.

Cha của cậu đi ra sau bếp, còn Violet thì tới bên cạnh Hiếu và ngồi xuống. Cô nhìn mặt thằng bé, nở một nụ cười.“Ô kìa!” Violet tặc lưỡi khi nhìn mặt Hiếu, “Coi con này!” Cô đưa tay, lấy hạt cơm dính dưới miệng thằng bé. Sau đó bỏ vào miệng mình, “Cơm dẻo và ngon quá nhỉ. Con nấu đúng không?”

“Dạ vâng!” Hiếu đáp ngay.

“Giỏi quá! Cha con thật may mắn khi mà có một đứa con như con đấy.”

“Cám ơn cô quá khen!”

Chưa một lần nào Violet thấy nụ cười hiện trên gương mặt của Hiếu cả, kể cả cho dù cô có dẫn thằng bé đi xem phim hài, kể chuyện cười,... thằng bé vẫn trơ như không. Cô tự hỏi trong đời, Hiếu có bao giờ cười hay chưa.

“Chén của em đây. Em đã quen dùng đũa rồi đúng không?” Cha của Hiếu đi tới, trên tay cầm chén cơm và một chiếc đũa, bên tay kia còn có cả ly Coca cola khác nữa.

“Cám ơn anh.” Cô nhận chén cơm cùng chiếc đũa, gắp cơm lên (trông có vẻ hơi khó khăn trong việc sử dụng đũa vì chưa quen) rồi cho vào miệng. Cha của Hiếu ngồi xuống bên kia thằng bé.

“Con thấy gà rán ngon không? Cô mua ở KFC đấy.” Violet nói với Hiếu.

Hiếu ngước lên nhìn, bỏ miệng khỏi ống hút của ly Coca cola, “Ngon lắm ạ! Cám ơn cô.”

Nói xong, Hiếu tiếp tục lấy tay xé miếng gà của mình ra, chấm nước chấm và đưa lên miệng, mắt đảo lên tivi rồi lấy cái điều khiển, chuyển kênh trong khi hai cô chị đang xé nát bộ áo dạ tiệc của Cinderella. Cậu chuyển sang một kênh thời sự về dự báo thời tiết đang cập nhật tin tức thời tiết hôm sau: Tóm tắt lại là buổi sáng nhiệt độ sẽ giảm xuống gần hai mươi lăm độ - trưa thì có một trận mưa nhỏ - chiều thì trời quang mây tạnh.

“Này Hiếu!con thấy sao nếu được gặp lại chị của mình?” Cô Violet hỏi.

Khi nghe được câu hỏi này, bỗng Hiếu ngước mặt lên lập tức như một cái máy được lập trình sẵn.

Thế nhưng sự ngạc nhiên trên gương mặt đó thoắt cái đã biến mất, cứ như chưa từng hiện diện vậy. Hiếu muốn hỏi “Thật ư?”, và đã kịp không thốt bất kỳ một lời nào. Violet cũng ngạc nhiên, cô không thể hiện xúc cảm đó lên mặt.

Cô nhìn cha của Hiếu đang ngồi ở bên kia đứa trẻ với vẻ mặt nhăn nhó, “Anh chưa nói với thằng bé ư?”

Cha Hiếu đáp, “Anh đã định nói. Cái rồi em tới trước khi anh hỏi thằng bé.”

Violet lắc đầu.

Nghe cả hai người nói chuyện, Hiếu ngước mặt lên nhìn với vẻ tò mò, đứa trẻ hỏi, “Hỏi gì ạ? Có chuyện gì ư?”

“Hiếu, nghe kỹ này.” Violet nắm hai vai, xoay thằng bé về phía mình. “Cô và cha con dự định sẽ dẫn con về quê gặp chị của mình trong lễ Tết.”

Cảm xúc lẫn lộn trên gương mặt của đứa trẻ chỉ mới mười bốn tuổi, không giấu nỗi sự bất ngờ, thích thú... Thằng bé hết nhìn gương mặt của cô Violet, rồi xoay qua cha nó, tay bỏ chén cơm xuống bàn, chồm người lên cha của mình như một đứa trẻ loi choi và vui mừng khi sắp được đi khu vui chơi, “Thật hả cha? Cha sẽ dẫn con đi gặp chị của con thiệt hả? Cô Violet không nói dối con chứ?”

Cha của Hiếu nắm hai vai thằng bé, đưa xa khỏi mặt ông một chút rồi nói với vẻ hiền hậu, “Tất nhiên là cô Violet không nói dối con rồi. Dù sao thì đó cũng là ý kiến của cô ấy.”

Thằng bé xoay qua Violet, “Cám ơn cô, cô Violet.” rồi lại xoay tới cha mình, “Cám ơn cha!”

Chưa bao giờ Violet thấy thằng bé vui mừng thế này, loi choi, hành xử y như con nít thế này. Thằng bé đã luôn giữ một khoảng cách nhất định với bất kỳ ai khi tiếp xúc với nó. Thế mà giờ đây, tính cách trẻ con của Hiếu bộc lộ rõ rệt khi nghe tin nó sẽ được gặp chị của nó.

Nhưng rồi, nụ cười của Violet chỉ chực chờ để biến thành một nỗi u buồn bất tận.

Sau bữa ăn, Hiếu dọn hết chén dĩa, đem tới sàn nước ở xa để rửa trong khi Violet và ông Lâm đang ngồi, quan sát thằng bé ở phía xa.

“Em tự hỏi quyết định như vậy có phải là quá tàn nhẫn với đứa trẻ này hay không.” Violet nói, gương mặt cô đượm buồn.

“Ta phải cứng rắn, mọi thứ chuẩn bị đã hoàn tất hết rồi. Không thể nói bỏ là bỏ được.” Ông Lâm nói, đặt tay mình lên vai của Violet để trấn an nỗi u uất của cô đang phải gánh chịu. Rõ ràng là ông cũng ngạc nhiên với biểu cảm của Hiếu sau khi nghe tin là thằng bé sẽ được gặp lại chị của mình. Không ngờ nó lại phản ứng mạnh tới vậy.

******

Tâm trạng của Hiếu vui mừng khi thằng bé sắp được gặp lại chị của mình, tối hôm đó, cậu không ngủ được vì hồi hộp. Vậy nên Hiếu ngồi dậy, lục lại những lá thư mà chị của cậu đã gửi lên đây cho cậu. Tích góp được cũng khoảng hàng trăm lá thư có cũ, có mới. Chúng nằm trong một cái hộp các tông và được bảo quản rất kỹ lưỡng. Những lá thư cũ chưa bao giờ bị rách quá nhiều và những lá thư còn mới toanh thì nằm ở một góc.

Cậu bé với khát vọng được gặp lại chị Lan sắp thành hiện thực, nó ngồi lật từng lá thư và đọc gần như hết đêm.

Trong những ngày sau, Hiếu luôn mang một tâm trạng hớn hở hơn bình thường. Lúc ở trường, cậu thường ít khi nói chuyện với các bạn của mình, và không bao giờ nhận những lời mời rủ rê đi uống trà sữa cùng nhóm hay là đi chơi đá banh cùng đám con trai trong lớp - phút chốc Hiếu trở nên hoà đồng hơn, thường nhận lời mời đi chơi lẫn đám bạn của cậu nhận ra là cậu cũng có năng khiếu chơi đá banh. Cũng phải thôi, lúc ở trong chung cư, cậu chẳng có gì để chơi ngoài trái banh luôn đặt ở xó phòng. Hiếu thường tập luyện những động tác khó như tưng banh qua đầu, lùa banh, đá bổng lên cao,... dù chưa bao giờ thực hành nhưng cậu đã thành công khi mang nó ra để đấu với mấy đứa bên đội kia - đám con trai cùng lớp chia đều hai đội để đá. Nhờ vậy, cậu đang khá nổi tiếng với mấy đứa con gái trong trường nói chung và trong lớp nói riêng, bây giờ không chỉ là điểm số trên lớp nữa mà còn là về năng khiếu đá banh.

Gần đây, nhà trường còn tổ chức một cuộc thi hát. Sau khi vượt qua vòng sơ khảo, cậu mừng đến nỗi rủ đám bạn cùng đi ăn mừng bằng cách hùng tiền lại và hẹn nhau tại một quán lẩu. Tuy là cuối cùng, Hiếu chỉ đứng hạng ba trong mục ca hát, thế nhưng sự nổi tiếng lại chỉ tăng thêm. Đã thế, cậu chưa bao giờ để ý đến bất cứ một cô gái nào trong lớp, bây giờ đây cậu đã thích một người và lên quyết tâm tỏ tình với người đó.

Cô bạn gái mà cậu nhắm tới tên là Yến, một cô gái xinh đẹp, học giỏi (đứng hạng ba trong lớp) và nổi tiếng là gia đình khá giàu có. Cô đã được Hiếu tỏ tình, tuy có điệu bộ ngập ngừng khó hiểu, thế nhưng Yến đã đồng ý Hiếu làm bạn trai.

Cả hai đã có nhiều bước tiến cảm xúc chỉ trong những ngày đầu và dẫn đến cái hôn trong lúc đang đứng phía sau bãi cỏ của trường một cách bí mật.

“Mình cảm thấy thật hạnh phúc.” Yến nói.

“Mình yêu cậu thật lòng mà!” Hiếu nói, sau đó ôm Yến một cái nhẹ nhàng.

Cậu đã hiểu được tình yêu là như thế nào. Nó thật tuyệt vời. Mọi thứ đến với cậu không quá choáng ngợp và rất tự nhiên. Cứ như nó đã được chuẩn bị sẵn và chỉ chờ đợi cậu bộc phát những gì mà bản thân cậu có.

******

Cuối cùng ngày đó cũng tới, bước sang tháng hai, khoảng hai tuần sau là ngày nghỉ Tết. Cha của Hiếu và cô Violet đã đặt vé xe buýt để có thể về quê sau khi kỳ nghỉ bắt đầu. Hiếu đã ra quyết định như vậy, thằng bé không muốn lãng phí một giây phút nào cái cơ hội để gặp chị cậu cả. Bản thân cậu đã quyết tâm và sẽ thực hiện, đó là mình sẽ mỗi ngày đều tới bệnh viện để gặp chị Lan - và sẽ không để ai phản đối chuyện đó.

Tới ngày nghỉ Tết, trước đó Hiếu đã từ chối mọi cuộc hẹn đi chơi với đám bạn cùng lớp và nói huỵch toẹt cái lý do ra khiến cho đám bạn của cậu thông cảm. Cả đám đều đã chúc nhau kỳ nghỉ Tết thật tuyệt vời.

Chiều hôm ngày cuối cùng đi học trước khi kỳ nghỉ Tết bắt đầu, Yến đã hẹn Hiếu ở tại chiếu nghỉ của cầu thang.

“Có thứ này mình muốn tặng cậu.” Yến nói một cách bẽn lẽn, gương mặt cô đỏ au, hai tay thì cứ giấu giấu thứ gì đó sau lưng khiến cho Hiếu tò mò.

“Tặng mình?” Hiếu nói.

Yến bước tới gần trước mặt Hiếu, mặt cô ngày càng đỏ hơn khiến Hiếu cảm tưởng cô sẽ ngất xỉu không lâu sau đó.

“Chút tấm lòng của mình. Mong cậu sẽ có một kỳ nghỉ lễ vui vẻ với chị của cậu.” Yến nhanh đưa ra một cái hộp đen, bên trên có ghi một nhãn hiệu gì đó mà dường như Hiếu đã thấy qua rồi.

“Cái này...” Hiếu nhận nó, mở ra thì thấy một cái đồng hồ hiệu SKMEI.

“Nhớ lần trước không? Cậu nói là cậu thích nó và đang để giành tiền để mua. Mình muốn tặng cậu với tư cách là một người yêu.” Yến nói.

“Nhưng... tới gần năm trăm ngàn. Mình không thể nhận được.” Hiếu lắc đầu, trả lại cho Yến.

Cô nàng từ chối, “Không, nó là của cậu từ bây giờ. Cậu mà không nhận món quà này thì mình giận cậu đấy.”

“Nhưng...” Hiếu vẫn cảm thấy thực sự không đáng để Yến mua cho cậu món quà này. Cả hai chỉ mới làm người yêu của nhau ít lâu.

“Vậy thôi nha. Mình đi đây. Cha đang đợi mình ngoài cổng.” Yến nói với Hiếu rồi quay lưng bỏ chạy xuống cầu thang, để lại cậu bạn trai nhìn bóng lưng cô với vẻ không thoải mái cho lắm.

Dù vậy, Yến cũng đã tặng cho cậu nên cậu đành đeo nó với vẻ miễn cưỡng. Và chỉ được tới tối hôm đó thì cậu đã tháo ra và bỏ nó vào trong hộp.

Đúng là không thể đeo được. Nó quá to so với cổ tay của mình. Có lẽ mình hơi ốm thật. Hiếu nghĩ. Quà của Yến tặng, vậy mà...

Hiếu thở dài, nhét hộp đồng hồ vào trong hộc tủ.

******

Sáng hôm sau, cô Violet tới nhà của Hiếu khá sớm và cả ba người đã cùng lên đường lúc bảy giờ trên một chuyến xe buýt. Dự kiến là sẽ tới bến xe dưới quê vào lúc một giờ chiều. Khi ở trên xe, Hiếu nhanh chóng đi vào giấc ngủ (Tối hôm đó cậu cũng không chợp mắt được phút giây nào) ngay sau thời gian lên xe buýt chỉ mới nửa tiếng.

Violet vẫn thế, cô nhìn Hiếu với tình thương của một người mẹ ruột thật sự. Cô đã được bác sĩ chẩn đoán từ lâu là không thể sinh con sau một vụ tai nạn lúc còn trẻ (một sự nông nỗi chỉ vì rượu bia - vậy nên cô tự thề là mình sẽ không bao giờ chạm vào bất cứ nước uống có chất cồn nào nữa). Vậy nên cô rất yêu quý trẻ con.

Cô đã khóc!

Cô đã khóc khi nhìn vào gương mặt của Hiếu!

Cái gương mặt thanh bình đó sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được gặp lại chị của mình!

Thế nhưng... cha của Hiếu, anh Lâm đã khuyên cô phải cứng rắn với quyết định này và chắc rằng đó là điều tốt nhất giành cho Hiếu - đứa trẻ mà cô đã xem như là một người con ruột.

Khoảng năm tiếng rưỡi trên chuyến xe buýt, cuối cùng nó cũng đã tới bến xe dưới quê mà chị của Hiếu đang sinh sống. Cậu bé rời khỏi xe buýt cùng cha và cô Violet. Cả ba người đều đeo khẩu trang để tránh khí bụi.

Họ rời bãi đỗ xe và mất khoảng mười lăm phút để tìm đường tới nhà của vợ của ông Lâm - mẹ Như.

Bên ngoài nhà của bà là một bãi đất trồng những cây ổi đang chín tới và dự đoán có lẽ sau Tết thì sẽ thu hoạch được.

Bà Như, mẹ của Hiếu đang tưới cây dưới cái nắng gay gắt trong khi chú của Hiếu, chú Dương thì đang xem xét những trái ổi đang nằm trong bọc.

“A! Anh Lâm về tới rồi à! Mời vào nhà! Để tôi làm xong rồi đi châm trà.” Chú Dương nói với cô Violet và cha của Hiếu. Còn mẹ cậu chỉ ngước nhìn người chồng đã ly hôn của mình một cái rồi quay đi, tiếp tục công việc của mình.

Trước khi đi, ông Lâm đã gọi bà Như và nói rõ ràng mọi chuyện cũng như ý định xuống quê là để Hiếu gặp lại chị của thằng bé sau bao năm xa cách nên cô không ngạc nhiên gì mấy. Và bà thấy một người phụ nữ kỳ lạ mà bà nghĩ có lẽ là người nước ngoài.

Bà không khỏi dõi theo cô ta bước vào trong nhà với nét đượm buồn.

“Thưa mẹ con mới xuống.” Hiếu bước tới nói.

“Chào con!” Mẹ của nó chỉ nở một nụ cười gượng, “Lâu rồi không gặp. Con khoẻ chứ?”

“Con vẫn khoẻ, cha cũng rất khoẻ đấy mẹ. Còn mẹ thì sao ạ?”

“Mẹ khoẻ. Cám ơn con!”

Thế nhưng, khi bà Như khi đứng dậy thì có cảm giác nhói đau ở lưng khiến cho ông Lâm phải bước tới xem xét, vẻ mặt đầy lo lắng.

“Em không sao chứ? Để anh phụ cho.” Ông Lâm nói.

“Không, em không sao! Anh vào nhà đi. Chút nữa em làm xong rồi em vào.” Bà Như nói, phẩy phẩy tay.

“Để con giúp mẹ là được rồi.” Hiếu đề nghị.

Cha Lâm nghĩ một xíu rồi nói, “Thôi vậy cũng được! Con phụ mẹ nhanh lên rồi vào nhà.” Nói xong, ông bước vào trong, để lại Hiếu và mẹ cậu tiếp tục tưới cây.

Trong lúc Hiếu đang tưới cây, tiện tay nghịch ngợm bứt một lá ổi và đưa mũi ngửi thử, mẹ của cậu bé hỏi, “Con sống trên thành phố như thế nào?”

“Dạ cũng tốt. Cha v... chăm sóc con tốt lắm ạ!” Hiếu vừa kịp ngăn mình không nhắc tới cô Violet.

“Vậy thì tốt rồi. Mẹ cứ sợ cha của con lúc nào cũng đi làm rồi lại bỏ quên con nữa. À mà, đó là vợ mới của cha con đúng không?”

Hiếu ngơ ngác vài giây rồi nói nhanh, “Không không! Không phải ạ! Mà cũng có thể nói là như vậy. Đó là người yêu của cha.” Giọng cậu hơi buồn bã, rõ là cậu không muốn nhắc tới, nhưng vì mẹ cậu đã hỏi nên cậu đành trả lời bà.

Mẹ cậu gật đầu, hỏi tiếp “Rồi vậy cô ta có yêu quý con không?”

“Dạ có. Cô Violet rất yêu quý con.”

“Violet?”

“Cô ấy là người Mỹ.” Hiếu giải thích.

Mẹ cậu gật đầu.

Một lúc sau, Hiếu bắt đầu hỏi, “Vậy chị Lan như thế nào rồi ạ?” Thằng bé cầm cái bọc đang bọc trái ổi lại, quan sát nó như một nhà thực vật học.

“Chị con đang ở trong bệnh viện gần đây. Tình trạng có lẽ đang tiến triển khá tốt. Khi hay tin con sắp về đây thì chị con vui mừng lắm. Thế nhưng bác sĩ lại không cho xuất viện nên chị con đành ở trong bệnh viện. Chị con nói là khi nào con về thì nhớ dặn con đi thăm.”

“Vậy ạ? Chị con cũng mong được gặp con lắm ư?” Hiếu hỏi

Mẹ cậu gật đầu.

Sau khi tưới cây xong, Hiếu lập tức nói với mẹ, “Con muốn đi thăm chị con liền bây giờ.”

Mẹ Hiếu không ngạc nhiên, bà nói, “Con cứ đi, xíu mẹ sẽ nói lại với cha con sau.”

Sau khi được mẹ của cậu chỉ đường thì cậu rời khỏi vườn nhà. Mất vài phút để đi ra ngoài đường lớn và thêm mười phút để đi tới địa điểm bệnh viện Hồ Vĩnh Phước. Hiếu bước tới quầy khám bệnh, hỏi y tá gần đó xem phòng của chị cậu đang nằm ở đâu và được cô tận tình chỉ đường.

Mùi của thuốc sát trùng cứ như bám trên mũi cậu, nó là mùi của những miếng bông được bác sĩ chặm vào vết mũi kim lúc cậu đi chích ngừa bệnh. Và thứ mùi này cũng cho cậu biết là bản thân đang tiến rất gần đến chị của mình rồi.

Khi đi tới gần cánh cửa, tâm trạng hồi hộp của Hiếu khiến cho chân cậu run như cầy sấy - giống cái lúc mà lần đầu cậu bước vào sân banh, sau đó lại toả sáng (dù chỉ là một cú móc banh từ phía sau ra phía trước một cách may mắn). Thế nhưng, việc này không làm cậu toả sáng để bớt run, và nó cũng là mọi cảm xúc mà cậu đã tích tụ lại để chuyển nó thành sự hạnh phúc.

Phía bên ngoài cửa phòng, Hiếu đưa tay và định mở cửa thì cánh cửa đột nhiên mở ra.

“Chiều nay tôi sẽ thông báo cho cháu kết quả.” Bác sĩ bước ra cùng cô y tá sau đó quay đầu vào nói, rồi quay sang thằng bé đứng bên cạnh cửa. “Có chuyện gì ư? Cháu muốn tìm ai?”

“Dạ, cháu muốn tìm phòng của chị Lan.”

“Lan? Hình như bệnh nhân vừa khám cũng tên là Lan đúng không Đào?” Bác sĩ hỏi cô y tá bên cạnh.

“Nguyễn Hồng Lan, thưa bác sĩ!” Cô y tá tên Đào nói.

Tiếp đó, cô y tá còn lại đã dẫn Hiếu đến đây cũng tiếp lời, “Cậu bé này muốn tới thăm chị của mình đấy thưa bác sĩ.”

“Dạ vâng!” Hiếu gật đầu tức khắc.

“À,” Bác sĩ gật đầu, “Vậy thì chắc là người cháu cần tìm đang ở trong phòng này rồi. Vừa nãy bác đã khám xong, cháu muốn vào thăm bệnh bao lâu cũng được.” Bác sĩ nở một nụ cười hiền hậu với Hiếu.

“Dạ, cám ơn bác sĩ.”

Bác sĩ tạm biệt Hiếu rồi bỏ đi với hai cô y tá.

Hiếu biết là hiện giờ chỉ còn lại chị của cậu ở trong căn phòng này. Cậu chậm rãi mở cánh cửa ra, nhìn vào bên trong.

Một cô gái đang ngồi trên giường, mái tóc đen dài qua bả vai. Đó là chị của cậu, chắc chắn rồi. Dù đã hai năm, nhưng đó cũng chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi nên chị cậu không có bất kỳ sự thay đổi nào.

Chị Lan mặc một cái áo sơ mi màu trắng, từ phần thân xuống dưới đã bị che lấp đi bởi tấm chăn màu xanh biển, phía dưới ló ra đôi bàn chân trắng nõn đang nghịch vào nhau. Chị Lan đang quay mặt ngược về phía cậu, đôi mắt ngắm nhìn sắc trời trong xanh.

Hiếu im lặng, không cất lên bất kỳ lời nào cả. Cậu vẫn đứng đó nhìn chị của cậu trong một tâm trạng hết sức, hết sức là kỳ lạ. Ở đây, tâm trạng “kỳ lạ” thực ra là một tâm trạng bình thường khó tả. Trong những bộ phim tình cảm gia đình, tình cảm lãng mạn hay bất kỳ một vài bộ phim có thể loại nào khác, cậu luôn thấy những nhân vật trong một gia đình có mối quan hệ sâu sắc lâu ngày, khi xa nhau một thời gian rồi gặp lại thì y như rằng liền chạy đến bên cạnh, ôm chầm lấy nhau khắng khít. Hiếu không làm thế, nhưng cậu cũng không ngại làm chuyện đó. Chỉ là... nó thật không đúng với lúc này.

Bỗng chị Lan chậm rãi xoay đầu lại. Mặt chạm mặt. Mắt chạm mắt. Và rồi, một nụ cười xuất hiện. Nụ cười dịu dàng như một đoá hoa lan màu trắng vừa nở. Bầu không khí ấm áp, dưới ánh nắng dịu nhẹ đang chiếu rọi vào trong căn phòng bệnh thật khiến cho bất cứ ai cũng có thểthư giãn, rủ bỏ mọi sự căng thẳng của những công việc thường ngày chỉ để ngủ một giấc ngon, êm đềm. Có khi, sự thật luôn là sự bình thản, là sự yên ả, là không ồn ào, và là nét chân thực nhất của những con người cùng huyết thống lâu ngày đã xa nhưng cuối cùng cũng được gặp lại.

Hiếu nhớ lại những khoảnh khắc mà bản thân cậu đã trải qua cùng chị mình. Tình chị em... nó thật tuyệt... Có lẽ, đôi lúc Hiếu nghĩ đến việc nếu không có chị của mình thì từ lâu cuộc đời của cậu sẽ thật vô vị, cho đến khoảng hai năm trước.

Chị cậu đã cười, chào đón cậu bằng nụ cười còn ấm áp hơn cả những buổi đi ăn cùng gia đình hồi trước, cũng như những lúc đi chơi sở thú, công viên giải trí cùng nhau, chắc chắn đều sẽ chẳng bằng lúc này.

“Chào em, lâu rồi không gặp nhỉ.” Chị Lan nói.

“Dạ vâng,” Một cảm giác bất chợt như điện xẹt chạy qua người, đã bao lâu rồi thứ cảm xúc này không đến với cậu? Thật xa lạ nhưng cũng thật thân thuộc. Nó như là một cái công tắc đang nằm ở chỗ chữ “Off” và đợi để gạt lên chữ “On”. Cuối cùng, như một sự liên kết hoá học - Hiếu đã nghĩ như thế - nó như một sự liên kết hoá học. Nụ cười và gương mặt của chị Lan, đó là thứ khiến cho đôi môi của Hiếu chậm rãi nhếch lên.

Cậu đã cười.

Hai năm qua bản thân Hiếu chưa bao giờ cười trước ai cả. Cậu chỉ cười lúc đang viết thư. Chỉ cười lúc đọc những dòng thư của chị cậu. Có lẽ, đây có thể coi là một tình chị em không thể diễn tả qua lời nói cũng như qua những trang giấy.

Hiếu muốn sống cùng chị của mình. Dù cho sau này cậu có lấy vợ, sinh con thì cậu vẫn chỉ muốn sống cùng chị của mình. Được chị chăm sóc cũng như sẽ chăm sóc cho chị. Thật không ngoa để nói rằng, cậu và chị cậu chưa bao giờ có một trận cãi nhau nào cả mà luôn có những hướng giải quyết mâu thuẫn cực kỳ thông minh.

“Chị vẫn khoẻ chứ?” Hiếu hỏi, bước tới và ngồi xuống mép giường.

“Khoẻ ư? Nhìn chị xem.”

Hiếu liếc qua cái máy kiểm tra tim mạch đang kêu tít tít thì bật cười, “À, thì chắc là không rồi ạ.”

“Lần thứ năm chị phải vào đây kể từ lúc chị và em xa nhau rồi đấy.”

“Hẳn là vậy.” Hiếu nói.

“Dạo này em sống ra sao? Tự nhiên chị không nhận được thư nữa. Lúc mà nghe mẹ nói là em sắp về nên chị cũng bớt lo lắng phần nào. Còn tưởng là em có chuyện gì nên mới không thể gửi thư đấy.”

“À thì em... quên luôn cả chuyện gửi thư.” Hiếu xấu hổ khi nói ra, “Xin lỗi vì làm chị lo lắng. Đã biết bệnh của chị như vậy mà em...”

“Không sao đâu. Lo lắng đâu có ảnh hưởng gì đến bệnh suyễn.” Chị Lan cười, “Sao nào, ở trường có chuyện gì vui vui kể cho chị nghe với.”

“Ừm, à này chị, ở trường em làm quen được với nhiều bạn mới lắm đấy. Không phụ lòng hồi đó chị kèm cặp sách vở em, bây giờ lúc nào em cũng được hạng nhất cả.”

Chị Lan lắc đầu, đưa tay xoa đầu đứa em nhỏ, “Chị đã nói rồi, những phần chị dạy đều là lý thuyết cả. Phải nói là em rất thông minh nên có thể tự học đấy chứ. Mà này, cứ học vừa với sức bản thân là được. Đừng cố quá rồi đổ bệnh. Chỉ cần học đúng với khả năng của mình thì bản thân sẽ không cảm thấy khó chịu nếu điểm thấp.”

“Lời này, tôi xin khắc ghi trong lòng. Thưa tiểu thư!” Hiếu nói, giả giọng của một ai đó mà hồi trước cậu đã xem trên đài SCTV 9, trong một bộ phim của TVB sản xuất.

“Còn chọc chị nữa. Thằng nhóc quỷ!” Chị Lan chồm người tới, ôm Hiếu vào lòng rồi cù léc cậu.

“Á, đừng! Nhột! Bỏ em ra. Em chừa rồi! Nhột! Bỏ em ra!” Hiếu cựa quậy, cố thoát ra khỏi “vòng tay yêu thương” của chị Lan.

Thế nhưng... “vòng tay yêu thương” bỗng nhiên bỏ ra, kèm theo đó là những cơn ho xù xụ.

Hiếu giật mình, cậu cuống cuồng tìm chai thuốc hít như một thói quen. May mắn thay, hoặc đây là tiêu chuẩn chăm sóc của bệnh viện mà trên bàn gần đó có một chai thuốc hít. Hiếu nhanh lấy nó, đưa lên mũi chị mình và để chị tự làm mọi chuyện còn lại, cậu thì ngồi đó, gương mặt đầy sự lo lắng.

Cuối cùng, gương mặt chị Lan cũng dần bình thường, không còn tệ như lúc nãy nữa. Chị đặt chai thuốc hít trở lại bàn.

Gương mặt của chị Lan cũng dần hạ xuống, buồn bã như một ông hoa lan úa tàn, “Chị xin lỗi!”

Hiếu nghe xong câu xin lỗi, đâm ra khó hiểu, liền hỏi chị mình, “Tại sao chị lại xin lỗi?”

“Thì tại chị. Tại căn bệnh này của chị mà cha mẹ chúng ta đã cãi nhau.”

Hiếu nhăn mặt, bỗng gắt lên, “Tại sao chị lại nói như thế chứ chị Lan? Đó là do bố mẹ lựa chọn, họ muốn những gì tốt nhất cho chị. Chẳng qua là cách mà họ giải quyết vấn đề quá cứng đầu, không ai chịu nghe lời ai.” Hiếu ngừng một lúc và thở dài sườn sượt, “Đôi lúc em còn nghĩ hai chúng ta sáng suốt hơn họ nhiều.”

“Có lẽ là thế.” Chị Lan nói, “Mà này, chị nhớ em lắm.”

“Em cũng vậy!” Hiếu đáp

“Ừm, còn muốn chị ôm nữa hay không đây nhóc lùn?”

“Đừng gọi em là nhóc. Và em cũng không có lùn.”

“Vậy ư?”

“Em đi về bây giờ.” Hiếu giận dỗi.

“Được rồi, được rồi! Vậy còn ai muốn ngồi vào lòng chị của mình không nào?” Chị Lan hỏi lại, nở một nụ cười tươi.

“Em xí trước!” Hiếu nhích lại gần, được chị Lan ôm. Cái cảm giác này thật không khác gì hồi lúc mà cả hai đang làm bài tập. Hiếu ngồi vào lòng chị mình, chị Lan thì từ phía sau, giảng bài cho Hiếu.

Cả hai chị em ngồi nói chuyện một xíu thì cửa phòng mở, cả cha của Hiếu và cô Violet cùng đi vào trong.

“Trang thiết bị của bệnh viện này tốt quá đấy chứ. Không kém gì trên thành phố cả.” Cha của Hiếu nói.

“Em cũng nghĩ vậy.” Cô Violet nói.

“Con chào cha.” Lan nhìn thấy cha của mình thì liền thưa, sau đó quay sang người phụ nữ bên cạnh, rồi lại nhìn Hiếu.

“Đây là cô Violet,” Hiếu nói, “bạn làm trong công ty của cha mà em nói đấy chị.”

“À,” Chị Lan gật đầu, thế nhưng không chỉ vậy, chị cũng đã hiểu phần sau của câu chuyện. Cả hai người này là một cặp. Cha của chị và cô Violet.

“Chào con. Con thấy sao?” Ông Lâm hỏi con mình.

“Dạ, con vẫn khoẻ.”

“Cô chào con!” Cô Violet nói, cười với Lan.

Lan cũng chào đón cô Violet bằng một nụ cười, “Dạ, con chào cô. Cô là bạn đồng nghiệp của cha con đúng không ạ?”

“Ừ!” Violet luôn kiêng dè những câu hỏi như thế này, nhất là trong hoàn cảnh hiện giờ. Thông thường thì cô luôn trả lời ngắn gọn để tránh nói gì đó sai. “Chào con.”

“À này Hiếu, mẹ của con kêu cha gọi con về sớm kìa.” Ông Lâm nói.

“Chi vậy ạ?” Hiếu hỏi.

“Ừ thì, con không có gì muốn nói với mẹ của mình à? Và...” Cha của Hiếu nhìn chị Lan với vẻ mặt kỳ lạ: hơi nửa buồn bã, còn có một chút áy náy ở trong đấy. Như thể những lời ông muốn nói chỉ được nghe bởi ông và đứa con gái của ông đang ngồi trên chiếc giường bệnh trong dịp Tết, mắt dõi nhìn những người ngoài đường lớn đi chơi mà chẳng có phần của mình.

Hiếu nghe xong chợt nhớ ra. Trong đầu cậu lúc nào cũng nghĩ tới chị Lan - quãng đường từ thành phố cho đến quê, lúc nào cậu cũng chỉ nghĩ đến chị của mình mà quên luôn cả người mẹ cũng thật sự muốn gặp đứa con trai như thế nào.

Cậu bỗng thấy có lỗi, thực sự rất có lỗi.

“Vậy thôi, con đi nha!” Hiếu nói, quay sang chị Lan, “Em đi nha chị.”

“Ừ.” Chị của cậu đáp.

Hiếu đứng dậy, rời khỏi phòng bệnh.

“Vậy thôi, em đi cùng với Hiếu.” Violet nói xong rồi đi ra luôn.

Bây giờ chỉ còn lại ông Lâm và Lan - đứa con của ông đang ngồi trên giường bệnh, ánh mắt của cô gái trẻ nhìn ra ngoài cửa sổ, bầu trời từ bao giờ đã về xế chiều rồi. Không ngờ cuộc nói chuyện ngắn ngủi với đứa em - thực ra nó có ngắn hay không thì Lan cũng chẳng thể khẳng định - lại khiến cho thời gian trôi nhanh đến vậy. Niềm hạnh phúc luôn mau chóng qua đi và để lại nhiều sự nặng trĩu khó tả. Lan vẫn còn muốn nói chuyện với đứa em ngoan ngoãn của mình. Thế nhưng trời đã gần tối, cô cần để em cô về và nói chuyện với mẹ. Mẹ cô cũng như cô vậy, hai năm rồi không được gặp được con của mình - buồn biết nhường nào.

“Này Lan...” Ông Lâm mở lời với đứa con gái.

“Dạ thưa cha.”

“Cha xin lỗi!” Những lời xin lỗi. Thực sự, cuộc gặp mặt này chỉ có những lời xin lỗi được thốt ra. Không một lời nào giả dối cả, tất cả lời xin lỗi đều là cảm xúc thực sự được bộc lộ ra bên ngoài của bản thân người có một lỗi lầm lớn.

“Chính con mới là nguyên nhân khiến cha mẹ cãi nhau.”

“Không, không phải tại con! Là cha đã sai! Đáng lẽ ra đêm hôm đó cha không nên bỏ đi! Đáng lẽ cha không nên uống rượu! Đáng lẽ...”

******

Gia đình...

Chiều hôm đó, Hiếu nằm trên giường, ngẩn ngơ nhìn lên trần nhà, nhớ lại lúc mà mẹ và cha của thằng bé lo lắng cho chị Lan khi chị lại một lần nữa ngã bệnh. Sau đó không lâu, một trận cãi nhau giữa đôi vợ chồng để có thể tìm cách chữa trị lâu dài cho đứa con gái của họ.

Đó chỉ là một trận cãi nhau bình thường giữa đôi vợ chồng mà thôi. Thế nhưng, hậu quả sau đó người tính cũng chẳng bằng trời tính.

“Anh đã nói rồi, để con bé ở trên đây là tốt nhất!” Lại nữa, thằng bé lại nghe tiếng của cha nó nói lớn. Hiếu hiểu rằng sẽ lại có một trận cãi nhau nữa nên nó lấy cái gối trên giường, bịt hai bên lỗ tai lại, nhắm thật chặt mắt. Thế nhưng, chẳng có tác dụng gì nhiều, Hiếu vẫn nghe tiếng cãi nhau giữa mẹ và cha thằng bé. “Trang thiết bị của bệnh viện thành phố sẽ tốt hơn là mấy cái bệnh viện cổ lỗ sĩ ở dưới quê!”

“Anh không nghe gì hả?” Tới mẹ của thằng bé nói, “Trên trang thông tin có đề cập đến việc những người bị hen suyễn thường rất dễ tái phát bệnh nếu sống trong điều kiện quá nhiều bụi bẩn. Anh nhìn xem, trên thành phố này có chỗ nào không khí trong lành chứ?”

“Vậy ở dưới quê sẽ trong lành ư? Em không thấy dưới quê người ta cũng đang xây dựng cao ốc, lầu chín tầng, quán ăn, tiệm xe hơi,... ư? Chẳng khác nào trên thành phố chứ?”

“Nhưng vẫn sạch hơn trên này. Mỗi lần đi ra đường thì em đều phải đeo khẩu trang huống gì con mình. Đường xá, xe cộ đông như kiến, khói bụi độc hại. Anh muốn giết con của mình ư?”

“Thôi mệt quá! Anh không muốn nói với em nữa!” Sau tiếng quát của cha Hiếu, thằng bé nghe một tiếng rầm lớn ở phía cửa.

“Anh muốn đi đâu thì đi luôn đi!”

Lại một tiếng rầm khác, lần này có lẽ là phía cửa phòng của cha mẹ.

Hiếu ngồi dậy, tim của thằng bé vẫn đập nhanh và mạnh, nó có thể nghe thấy cả tiếng thình thịch lớn như ai đó đang đóng đinh vào tim nó. Thật sự rất đau. Cơn đau nhói, khó thở này là sao? Thằng bé chưa bao giờ thấy cha mẹ của nó cãi nhau như thế này. Có lẽ là do lần này chị của Hiếu lên cơn hen nặng gấp nhiều lần so với mấy lần trước.

Hiếu rời khỏi phòng mình, đi ra ngoài phòng khách, chẳng có ai... Thằng bé buồn bã, nó tìm đến phòng của chị mình.

Cốc cốc cốc!

“Là em hả?” Phía bên trong, chị Lan hỏi. Dường như chị đã biết là thế nào em của mình cũng đến tìm.

“Dạ vâng!” Hiếu nói.

Cánh cửa chậm rãi mở ra.

“Mắt chị.” Hiếu ngạc nhiên. Đôi mắt của chị Lan có một đường viền tím đen như gấu trúc, sưng mọng lên.

“Không sao đâu. Vào đây đi.” Chị Lan trấn an Hiếu, đứng đợi đứa em nhỏ của mình bước vào phòng rồi đóng cửa lại.

“Lúc nãy...” Hiếu ngồi trên giường, nói.

“Ừ, cha mẹ lại cãi nhau nữa.” Chị Lan tiếp lời.

Hiếu không biết nên nói gì lúc này, môi cậu như thể không nhấc lên được, chúng cứ dính chặt với nhau sau câu nói của chị Lan.

“Lại đây.” Chị Lan nói, dang rộng hai cánh tay chờ đợi.

Nước mắt của Hiếu lăn dài trên gương mặt, cậu lao vào lòng chị mình. Mùi hương từ cơ thể của chị khiến cậu trấn tĩnh bản thân lại một xíu, nhưng vẫn còn thấy rất đau đớn - không phải đau về thể xác, mà là đau về tâm hồn. Tâm hồn mỏng manh của một đứa trẻ mười hai tuổi đang nhói đau khi nhìn thấy gia đình nó cãi nhau. Thế nhưng bản thân Hiếu không biết rằng chị của thằng bé còn khổ sở hơn - Lan đã khóc suốt cả đêm đến sưng mọng và tím cả mắt.

“Ngoan nào! Ngoan nào! Có chị ở đây. Không sao đâu. Mọi chuyện... khụ khụ! Mọi chuyện... khụ khụ! Khụ khụ khụ!” Chị Lan bỗng lên cơn ho.

“Chị...”

Chị Lan xua tay, “Không sao! Không sao! Khụ khụ... khụ khụ!” Tiếng ho bây giờ đã trở lên lớn hơn. Từng đợt ho đều mang một sức nặng khủng khiếp, dường như muốn đè lên cả ống thở trong mũi và họng của Lan. Cô gái nhanh lục lọi trong cái tủ gần đó một chai hít mũi.

“Chị Lan.” Hiếu cảm thấy lo lắng.

Chị Lan đưa chai hít mũi lên miệng, cố gắng hít nhiều hơi thật sâu... thế nhưng cơn ho chưa chấm dứt. Lan nhìn vạch chỉ thị liều đã về 0, cô tính nói gì đó với Hiếu nhưng không thể. Lan ngả người xuống gối, thở gấp, từng nhịp thở của cô chị như đánh mạnh vào tâm trí của Hiếu khiến thằng bé hoảng hốt, tìm kiếm xung quanh xem có bất kỳ thứ gì có thể giúp chị mình. Thuốc trong chai hít trị hen suyễn đã hết, trên bàn hay trong mấy hộc tủ cũng chẳng còn.

Không được! Không được!

Hiếu không tìm được gì cả, thằng bé quơ tay làm rớt cái ly trên bàn xuống. Ngay khi cái ly chạm xuống mặt sàn nhà, nó vỡ tan làm nhiều mảnh.

Mọi thứ đã vượt quá tầm khả năng.

“Có chuyện gì vậy?” Bỗng Hiếu nghe thấy tiếng mẹ mình. Thằng bé nhanh chân chạy ra khỏi phòng, thấy mẹ mình đang đi tới thì giọng lắp bắp như gà nuốt dây thun, “Mẹ...! Mẹ...! Chị Lan...!”

“Chị con làm sao?” Mẹ của Hiếu bỏ thằng bé, chạy về phía cánh cửa đang hé ra.

Cánh cửa bật tung. Trước mặt của bà Như, một cảnh tượng kinh hoàng mà có lẽ bà không bao giờ có thể quên được trong suốt cuộc đời mình. Tính mạng của con gái bà đang ngàn cân treo sợi tóc.

******

Chưa đầy một tiếng sau, Lan đang nằm trên một cái cáng có bánh xe cùng năm người, trong số đó là mẹ của Lan và đứa em Hiếu đang chạy theo dọc hành lang bệnh viện.

Đôi mắt của Lan đờ đẫn nhìn mẹ mình, bà nắm tay của Lan trong lúc chạy, tựa hồ có thể té nếu vấp phải bất cứ chỗ nào.

Lan không thể nói được gì vì miệng cô gái đã bị bịt lại bằng máy dẫn oxy.

“Con đừng sợ, mẹ sẽ làm tất cả! Đừng lo lắng gì cả! Con sẽ không sao đâu!” Bà Như nói, tay bà run rẩy khi cầm lấy đôi tay lạnh như nước đá của đứa con.

Lan nhìn đứa em trai của mình đang chạy theo cái cáng mà chị nằm, ánh mắt chị toác lên một vẻ buồn bã khắc khổ.

Cuối cùng, khi cái cáng được đẩy tới phòng cấp cứu, bà Như và Hiếu dừng lại, đứng nhìn cánh cửa đang đóng và phía trên là một tấm bảng để chữ “PHÒNG CẤP CỨU” màu đỏ tươi cùng với dấu chữ thập.

Bà Như nhìn Hiếu, rồi lập tức quỳ xuống một chân trước mặt đứa con của mình, đặt hai tay lên đôi vai nhỏ nhắn của thằng bé, bà nói với vẻ trấn an, “Đừng lo, chị của con sẽ không sao đâu.”

Dù được mẹ mình cố làm cho bình tĩnh lại, Hiếu vẫn thấy khiếp hãi với cảnh tượng chị của mình quằn quại trong cơn hen. Có lẽ là rất khó thở. Có lẽ là đau đớn lắm. Có lẽ... và hàng đống cái có lẽ khác nữa khiến cho Hiếu bồn chồn, không yên được.

Thằng bé đi lại băng ghế gần đó, ngồi xuống, mắt thường xuyên theo dõi cánh cửa mà chị của nó vừa được đưa vào.

Mẹ của Hiếu, bà Nhưcũng thế, gương mặt của bà hiện lên vẻ lo lắng. Lấy ra một cái điện thoại, gọi cho ông Lâm, cha của tụi trẻ.

Tút... tút... tút! Thuê bao...

Bà Như tức giận, gọi thêm nhiều cuộc nữa nhưng không được. “Không biết ông ta đang làm cái gì nữa. Gọi hoài mà cũng không bắt máy là sao?”

Hiếu đôi lúc cũng nhìn mẹ mình, thấy bà cắn móng tay, bộ móng mà bà đã sơn lên màu đỏ và vẽ những con bướm trắng một cách khéo tay. Bà lo lắng cho đứa con tới nỗi không quan tâm đến thứ mà bà yêu thích nữa.

******

Về phần của ông Lâm, sau khi cãi nhau với vợ của ông xong thì ông lấy xe, đi đến một quán bar rồi uống say đến không biết trời trăng gì.

“Này anh Bartender! Cho tôi một chai nữa.” Ông nói.

“Này ông, ông uống say quá rồi đấy. Bộ ông không lái xe về hả?” Cậu người pha chế trẻ hỏi.

Nhưng một người đang say, đã thế lại còn vừa gặp chút chuyện cãi nhau nữa thì làm sao mà ông Lâm bình tĩnh được. Ông khàn giọng nói, “Thì cứ cho tôi một chai nữa đi. Hỏi nhiều quá.”

Cậu làm pha chế lắc đầu, sau đó quẳng một chai rượu cho ông, không thèm khuyên can gì nữa.

Ông Lâm mang tâm trạng bực nhọc, lấy chai rượu đã khui, không rót ra ly mà nốc hết số rượu trong chai luôn vào miệng.

Đôi lúc, có thể nói là ở trong mấy quán bar này thường có mấy cô ả ve vãn khắp nơi. Đúng vậy, một người phụ nữ đã tìm thấy con cừu của mình. Cô bước tới, ngồi xuống bên cạnh ông Lâm và chống cằm một cách duyên dáng.

“Này anh, có chuyện gì buồn bực hả?”

Ông Lâm nhìn sang, đó là một người phụ nữ khá xinh đẹp và ăn mặc trông có vẻ giống một ả điếm.

“Không có gì.” Ông nói.

“Ôi, nhìn kìa! Như thế này mà nói là không có gì. Sao vậy? Gia đình cãi nhau hả?”

Ông Lâm không đáp lại, kêu thêm một chai rượu nữa.

“Đôi lúc có gia đình cũng mệt lắm đấy chứ. Phải lo tiền của này nọ. Đã thế, lại có những người không biết quý trọng đến trụ cột của gia đình gì cả. Nhìn sơ qua cũng biết anh là một người chồng tốt rồi.”

Ông Lâm liếc nhẹ qua người phụ nữ.

Bình thường nếu bản thân ông tỉnh táo, ông chắc chắn sẽ đuổi khéo cô ta đi. Thế nhưng, khi men say đã ngấm thì thực sự dù cho người đó có thế nào thì...

“Này anh. Tôi trả cho người này.” Cô ta lấy tiền từ trong cái bóp đeo ngang vai của mình vài ba tờ một trăm, đặt lên bàn. Sau đó, con hồ ly tinh nắm tay của ông Lâm, kéo ông đi.

Tất nhiên, lần ban đầu thì ông Lâm cự nự, “Cô làm gì vậy? Để tôi uống tiếp.”

Cô gái ghé miệng đến tai của ông Lâm, “Đừng lo quá, rượu ở chỗ mà tôi đưa ông tới còn ngon hơn nữa đấy.”

Ông Lâm thần trí gần như không còn minh mẫn nữa, nghe theo lời cám dỗ của người phụ nữ xảo quyệt. Có lẽ bây giờ, đếm cả phép toán 1 + 1 bằng bao nhiêu thì ông cũng chẳng biết.

******

Đầu ông đau như búa bổ, cổ và vai thì lại nhức hơn cả bị viêm khớp. Có thể nói, đêm qua là đêm mà ông uống nhiều nhất trên đời.

Ông Lâm nhìn quanh, thấy mình đang ở trong một con hẻm nhỏ phía sau quán bar đêm qua. “Mình làm gì ở đây vậy?”

Bỗng nhiên cơn nhức đầu kéo tới. Một người phụ nữ quyến rũ ông. Ông đã đi theo. Cô ta lôi ông ra phía sau quán bar và hôn hít đủ thứ. Sau đó... Sau đó... Ông đã bất tỉnh.

Ông Lâm rờ túi của mình. Trống không!

Có lẽ nào...

Không, không thể!

Ông đứng dậy một cách khó khăn, loạng choạng đi đến cửa sau của quán. Quán bar thường mở cửa vào lúc bảy giờ...

Trên tay ông, cái đồng hồ bạc cũng chẳng còn.

Ông đi vào quán.

Người pha chế đêm hôm trước đang đứng chùi những cái ly sành, vừa nhìn thấy ông Lâm thì liền nói, “Này, đêm hôm trước ông bỏ quên đồ.” Anh đặt cái điện thoại trên bàn.

Ông Lâm đi đến, cầm nó lên, “Cám ơn!” nói xong, ông mở điện thoại lên thì thấy đồng hồ đã điểm bảy giờ ba mươi phút. Phía dưới, thông báo hiện lên: 30 cuộc gọi nhỡ.

Ông chợt giật mình, tất cả những số điện thoại đó là của vợ ông.

Ông Lâm liền gọi lại cho vợ của mình.

“A lô!”

“Anh đang ở đâu vậy hả?” Tiếng nói của vợ ông vọng từ phía bên kia điện thoại, “Đồ khốn nạn! Anh có biết là con bé Lan bị gì không? Nó lên cơn hen suyễn nữa rồi đấy. Tôi phải đưa nó đi cấp cứu với thằng Hiếu. Anh nhanh đến đây mau!”

Cú cúp máy ngang có đầy lý do.

Đầu của ông Lâm vẫn còn đau.

Ông rời khỏi quán bar, chìa khoá đã mất nên ông định bắt một chiếc taxi thì nhớ ra túi tiền cũng bị cướp rồi. Mà quán bar này lại gần chung cư nơi ông ở nên ông đi bộ về.

******

Tám giờ ba mươi phút.

Người mẹ với đôi mắt đờ đẫn vì đã thức suốt cả đêm để chờ đợi, thật may mắn là vào khoảng bốn giờ sáng thì mọi thứ đều đã đi vào quỹ đạo bình thường. Đôi lúc, những việc như thế này cũng trở nên khủng khiếp đối với bất cứ một ai yếu tâm lý. Mà người yếu tâm lý nhất lại nhằm vào bà Như - mẹ của hai đứa trẻ. Vậy nên, dù cho Lan, con bà đã qua cơn nguy kịch (cơn hen suyễn khủng khiếp nhất từ lúc nhỏ tới giờ) thì bà vẫn cảm thấy bực bội, khó chịu khủng khiếp.

Nguồn cơn xả tức sau đó đã tới, vào lúc bảy giờ ba mươi phút, cuộc gọi của chồng bà, ông Lâm đã gọi lại bởi hàng chục cuộc gọi nhỡ mà bà đã gọi suốt gần nguyên đêm trước. Những câu chửi mà bà đã cố kìm nén, đúng, bà phải kìm nén chúng một lần nữa để chỉ quát lớn một cái - Mình đang ở bệnh viện - rồi sau đó cúp điện thoại. Bà quay sang thì thấy Hiếu đã thức mà bà cũng chẳng biết nên làm gì khi thấy gương mặt của thằng bé nhìn bà một cách lo lắng, “Cha gọi đúng không mẹ?”

Bà ngồi xuống bên cạnh, xoa đầu đứa con, “Con đừng lo, giờ con đi vào thăm chị đi. Nhớ khẽ thôi, chắc chị vẫn đang ngủ đấy.”

Cái lúc bác sĩ báo là Lan đã qua cơn nguy kịch, bà đã bớt lo lắng và ngồi xuống, gần như ngủ luôn sau đó vì quá mệt mỏi. Bây giờ, bà kêu đứa con trai đi vào trong phòng bệnh mà chị thằng bé đang nằm - sau khi cấp cứu xong thì được đưa đến đây để nghỉ ngơi - để thăm chị mình, và cũng như bà sẽ có thể nói chuyện với chồng một cách riêng tư. Dù sao thì một phần lỗi cũng do bà mà đêm qua chồng bà đã bỏ đi. Cần có một trong hai người phải xin lỗi.

Hiếu nhìn mẹ, gật đầu rồi đi vào trong phòng bệnh.

Một lúc sau, bóng người quen thuộc bước ra từ phía ngã rẽ, mắt đảo qua lại rồi bước tới hai mẹ con.

“Con Lan bị cái gì?” Ông Lâm hốt hoảng hỏi.

“Đêm qua nó lại lên cơn hen suyễn.” Bà Như đáp.

“Giờ nó đâu rồi?”

“Bác sĩ nói giờ chỉ cần nghỉ ngơi là...” Bà Như chợt câm nín.

“Để anh vào xem nó ra sao.” Ông Lâm vừa mới bước đi thì bị vợ ông vội nắm lại, ánh mắt trợn trắng lên nhìn một cái gì đó.

“Anh... anh dám... cái...” Bà Như nói lắp bắp, nhìn thứ trên cổ của ông Lâm mà không khỏi đau nhói lòng. “Ông dám... Đêm qua ông đã đi đâu?”

“Đi đâu là đi đâu? Để anh vào thăm con.” Ông Lâm dằn tay áo khỏi tay của bà Như.

“Anh không cần đi thăm nữa. Cút đi! Cút nhanh! Đồ khốn! Sao ông dám đi đêm với con đàn bà khác hả?” Giọng bà Như bắt đầu lớn hơn.

“Em nói gì vậy? Đi với ai?”

“Còn dám chối nữa hả?” Bà ngửi thấy mùi nước hoa phụ nữ trên người của ông Lâm, “Đồ khốn nạn! Anh dám ngoại tình.”

“Ngoại tình?” Ông Lâm giật mình trước câu nói, đã thế bà Như lại còn nhìn cổ ông như có hạt vàng dính trên đấy.

Lẽ nào đêm đó. Người phụ nữ đó!

“Khoan đã, để anh giải thích.”

“Tôi không cần giải thích gì cả. Mọi thứ quá rõ ràng rồi!” Bà Như buông tay khỏi tay áo của chồng, sau đó là hai dòng lệ trên đôi mắt chậm rãi chảy xuống và tụ lại ở cằm. “Anh không còn yêu tôi nữa. Chỉ mới cãi nhau có chút chuyện mà anh đã lén phén với con đàn bà khác. Đúng! Tôi ngu! Tôi đã quá sai lầm khi yêu anh. Đáng lẽ ra hồi đó tôi nên nghe lời mẹ mình không nên cưới anh!”

“Khoan đã Như, nghe anh n...” Đến lượt ông Lâm nắm tay áo bà Như.

“Bỏ tay ra!” Bà Như vùng vẫy.

Và rồi, tay áo vuột khỏi tay của ông Lâm. Bà Nhưtheo đà, ngã đập đầu xuống thành ghế ngồi một cái rầm...

“Như! Này em! Như!” Ông Lâm nhanh chạy đến đỡ vợ của mình lên, thế nhưng vợ ông đã bất tỉnh, trên đầu là một dòng máu đỏ chảy ngang qua mặt và chúng nhễu xuống nền gạch lát trắng của bệnh viện.

******

Bà Như tỉnh lại không lâu sau đó, thế nhưng mọi chuyện không dừng lại ở một mức độ chừng mực. Tổ ấm gia đình giờ đây đã trở nên nặng nề hơn. Ông lâm và vợ thường xuyên cạch mặt, không nói chuyện với nhau. Ngay cả hai đứa trẻ là con họ cũng trở nên lo lắng. Ai cũng nói những đứa con nít thường không hiểu chuyện, nhưng thật sự khi gia đình có một vấn đề gì đó thì chúng luôn là người hiểu rõ như một người trong cuộc. Và chuyện gì đến cũng sẽ đến. Trước mặt của ông Lâm là một tờ giấy mà ông đã mong là sẽ không bao giờ xuất hiện giữa hai vợ chồng: “ĐƠN LY HÔN”.

Một tờ đơn ly hôn đặt trước mặt ông.

“Tôi đã ký rồi đó,” Giọng nói của bà Như thực sự rất điềm tĩnh. Nó cho biết là bà đã suy nghĩ về vấn đề này từ rất, rất lâu rồi.

“Em thực sự muốn như vậy ư?” Ông Lâm hỏi.

Bà Như không nói gì.

“Em không nghĩ đến tình cảm của chúng ta có thể hàn gắn thì cũng nghĩ đến hai đứa con chứ! Em đâu phải là một con người ích kỷ đúng không? Tại sao em lại muốn làm tới bước này.”

“VÌ EM ĐÃ QUÁ YÊU ANH!” Bà Như thét lên, đập bàn một cái mạnh. Ngực bà thở phập phồng (hiện tại Lan với Hiếu thì đang đi học - Lan đã được cấp giấy phép từ bác sĩ là sẽ không cần vận động quá sức trong những buổi học thể dục nữa). Thế nhưng, bà nhanh chóng nhận ra sự giận dữ của mình có thể đi quá xa nên đã hít thở sâu. Đôi mắt vẫn còn trợn lên nhìn ông Lâm nhưng cũng bình tĩnh để ngồi xuống. “Anh nói đúng. Tôi không phải là một con người ích kỷ. Thế nhưng anh cũng đã biết rồi chứ. Anh luôn biết từ cái lúc chúng ta vẫn còn học Trung Học Cơ Sở. Tôi không cố chấp. Tôi không phải là một con người cố chấp. Anh nhớ rồi chứ? Và trong buổi đám cưới nữa. Lúc đó, khi mà anh và tôi trao nhau nụ hôn cùng với lời thề là sẽ ở bên nhau trọn đời, không giấu giếm, không làm gì có lỗi với nhau. Thế nhưng chính


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!