iPub.vn Covid banner

Những con ma mùa hè

Phương Nhất Sinh       4 năm trước       725 lượt đọc

Cái tuổi xuân xanh của mỗi một con người có mặt trên thế gian này, ai cũng từng trải qua giai đoạn thanh xuân chớm nở của đời mình, đích thân được chiêm nghiệm, cảm nhận, nhấn mình vào các cuộc phiêu lưu đầy những huyền ảo tinh quái phía trước đang chờ họ khám phá ra. Hoặc giả là những câu chuyện ngôn tình cổ tích xuất hiện trong đời hiện thực, những cuộc chốn chạy thanh xuân như một vòng lẩn quẩn không có hồi kết… Nói chung thanh xuân của mọi người ai cũng có chút gì đó lắng đọng tại con tim để giữ riêng cho bản thân mình, không nhiều cũng được chút ít.

Có thể thanh xuân của bạn là những tháng ngày vui vẻ của cái năm tuổi trẻ hồn nhiên ở cấp ba, nhưng lại có kẻ chờ tận đến những tháng năm đại học mới được coi là tuổi trẻ nồng nhiệt đáng quý đáng nhớ đáng trân trọng của đời mình.

Tôi thuộc dạng người thứ hai.

Cũng xin tự giới thiệu về mình đôi chút. Tôi là Lê Thiên Đức, sinh viên năm ba trường Sư Phạm Kỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh, nghe tên trường oai lắm đúng không, nhưng lại không đơn giản vậy, có kẻ vào tận sáu năm vẫn chưa thoát ra khỏi được chỗ ấy, chỉ vì “nợ môn” haha. Tôi cũng sắp chuẩn bị tinh thần để trải qua giai đoạn sống chết vật vả với việc “lấy bằng tốt nghiệp”.

Còn nói về tuổi xuân xanh của tôi thì nó xanh như đọt tàu lá chuối non thẳng tắp trên cây vậy, nhiều điều thú vị vô cùng, cùng lũ bạn thân “khốn kiếp” oanh oanh liệt liệt băng qua rừng núi sâu thẳm, tiến ra bờ đại dương, không ngại hiểm nguy phía trước vững bước tiến lên. Nói cho vui vậy thôi, chứ lũ chúng tôi là những kẻ thích đi “phượt”, cứ mỗi lần có dịp nào rảnh rỗi là cứ lên lịch đi chơi, ra hết chốn này chỗ nọ, khám phá những nơi được cho là huyền bí, ẩn sâu những bí mật “ kinh khủng” mà ít ai tìm đến. Cụ thể nhất là mùa hè vừa rồi. Eo ơi, lũ chúng nó kéo lũ lượt về quê tôi chơi, thường ngày tôi cũng “PR” về cái nơi đã sinh ra tôi, một thằng Đức đẹp trai đa tài, lại còn thông minh nữa. Nói vậy thôi, chứ quê tôi ở Đồng Tháp, một vùng đất đầy sen hồng, đất rộng thênh thang, cò bay thẳng cánh, sản vật trù phú, long lánh cá tôm, nhưng tất cả chỉ là “hồi đó” thôi, hiện tại bây giờ, thời đại công nghiệp phát triển, hiện đại đến mức bức tranh thôn quê ngày xưa chẳng còn nữa, giờ đây chỉ toàn là những ảnh đô thị dưới miền quê, từ đường xá, đến nhà cửa đã thay đổi không ít, bức tranh thôn quê xưa giờ cũng chỉ là hình ảnh cũ đáng nhớ trong tâm thức của tôi mà thôi, hình ảnh con đường làng đẫm bùn đất, những cánh diều bay cao vút trên cánh đồng bất tận bạt ngàn nương dâu, những con sông con suối uốn mình băng chạy qua tháng năm rực rỡ tuổi thơ, những nông phu gặt lúa, ngư dân bắt cá dưới sông, từng nụ cười vui vẻ mệt nhọc cứ hằng hiện lên.

Mùa hè qua, tôi đã đưa bọn chúng về Đồng Tháp, để cho chúng cảm nhận mùi vị làng quê miền tây như thế nào, vì bọn bạn thân của tôi đứa thì ở miền Trung, đứa thì tuốt tận Miền Bắc, chả có bóng nào là miền tây cả, cho chúng trải nghiệm những điều tuyệt vời mà tôi đã từng trải, mặc dù cuộc sống có hơi khác trước nhưng tôi cũng hứa phải tặng cho bọn nó “Một mùa hè đáng nhớ ở Đồng Tháp”.

Các bạn đã có ai tin vào tâm linh chưa? Đây là điều mà khoa học đến giờ vẫn chưa giải thích đúng đắn cho sự việc này, thật sự rất đáng sợ, mùa hè vừa rồi không chỉ là những cuộc phiêu lưu rộn rang ở Đồng Tháp mà còn là một chuyến đi đến nơi khác mang màu sắc tâm linh đáng khiếp, đến giờ nhắc lại, cả bọn tôi còn sởn cả da gà, chúng tôi đã đặt tên cho mùa hè hồi ức vừa rồi là “những con ma mùa hè”.

Chẳng đợi lâu, vừa khi thi xong môn cuối cùng, tụi tôi phanh nhanh về trọ gom sạch đồ đạc.

Lên xe, vọt ngay về Đồng Tháp, vì chúng tôi là dân hay đi phượt nên việc mỗi đứa có một chiếc xe là chuyện bình thường, chỉ là đứa sang thì chạy SH, nhũng đứa cùi cùi thì chiếc Wave, Dream. Hihi, tôi thuộc đứa sang sang.

Nhóm chúng tôi đi gồm năm đứa. Tôi, thằng An, Nghĩa, Minh và cả thằng Nghiêm nữa, năm thằng bạn chí cốt chơi chung với nhau từ khi còn chập chửng lên đại học, còn việc tụi tôi quen như thế nào thì đó là một câu chuyện dài luyên thuyên bất tận. Phải chờ các bạn ngồi vào bàn ngay ngắn ăn miếng bánh uống miếng trà rồi nghe chúng tôi tường thuật lại câu chuyện.

“Thiên! Chừng nào tới mày”

Tôi ngoảnh mặt nhìn qua, là thằng Nghiêm hỏi

“Tầm hai tiếng nữa, nhanh lắm”

Cả bọn tôi trong lòng ai cũng háo hức, mà tôi càng háo hức hơn, mấy tháng nay chưa về thăm gia đình, cũng không biết việc ở nhà đã thay đổi những gì nữa.

5h chiều. Nắng chiều ở quê so với ở thành phố khiến tôi cảm giác an bình hơn nhiều.

“Thằng quỷ, đã tới chưa”

“Lại là mày hỏi nữa hả Nghiêm, quẹo qua ngã cua này là tới rồi nè, nhà tao kìa, 278/HA Tháp Mười”

Ở xa xa con đường mà tôi đã thấy bóng dáng mẹ, mẹ đang kéo đống lưới lên dùm cha, nhà tôi tuy ở mặt tiền đường xá nhưng lại ở gần con sông nhỏ, bao năm nay, đều nhờ có nó mà tuổi thơ của tôi đã dữ dội nay càng dữ dội hơn.

Tụi tôi vội cất xe bên góc sân nhà, tôi chạy lại ôm mẹ, tụi bạn đờ đẩn giả bộ vẻ ngại ngùng của tụi nó làm tôi phát ói. Rồi đồng thanh thấy ớn.

“Dạ! Tụi cháu chào cô ạ”

Mẹ tôi đẩy tôi ra một phía

“Các con mới về chơi à! Nào, đi cất đồ đi, tắm rửa rồi xuống ăn cơm”

Dắt tụi nó về để mẹ xem tôi như con ghẻ thế này à! Tôi lắc đầu thở dài trong vô vọng.

Mẹ Cha tôi tiếp đãi bọn chúng thật nồng hậu, toàn là món ngon đậm chất Đồng Tháp. Nào là cá lóc kho tộ, canh chua cá rô, còn có cả món tương cà nữa.

Buổi tối, năm tụi tôi trải chiếc chiếu dài ra, nằm ở dưới gạch ngủ đêm.

Dưới bóng đèn mịt mờ, Minh quay sang hỏi

“Mai mày định dắt tụi tao đi chơi đâu vậy Thiên”

“Đi ra ruộng” tôi mơ hồ trả lời

“Ra ruộng! Có gì vui hông mày” An tiếp lời

“Ngủ đi! Ngày mai rồi biết”

Nó “Xí” lên một tiếng

Chúng tôi cứ vậy, mạnh ai đều chìm trong giấc ngủ, tiếng muỗi bay vò vè vò vè, quẩn quẩn cái lỗ tai, nghe mà mắc ghét, tuy vậy làm tôi càng yêu nơi này hơn, yêu cái nơi quen thuộc từng lỗ chân hơi ấm của nó. Cơn ngủ say dần, tôi lặng vào giấc ngủ.

“Nhanh tụi mày, đừng làm rách con diều của tao nha” Minh hí hửng nói

Tôi dắt bọn chúng đi thả diều, bọn nó cũng hên thật, vào đúng cái lúc mùa lúa trĩu nặng kéo về, máy liên hợp gặt lúa hoạt động liên tục, nghe tiếng máy nổ ồn ào mà trong lòng tôi cũng nôn theo.

“Ơi mày! Sao con diều nó không bay” An liếc tôi hỏi

“Chắc giờ này trời không có gió nên nó mới không bay” tôi cười đáp

An chỉ tay về hướng kia

“Mày nhìn kìa! Bên kia tao thấy có mấy cánh diều bay vi vút, trong vui và đẹp lắm, nhưng sao tao thấy mấy con diều tụi tao nhưng con gà bị đụi, nó không bay lên nổi gì cả”

“Thì chắc tại bên kia có gió”

Tôi vội huýt sáo, tiếng sáo vút vút lẫn trong tầng không khí cuốn theo gió đu đưa trên cánh đồng, cơn gió nhẹ lùa ngang, thật là mát mẻ mà! Bọn chúng thấy tôi huýt sáo inh ỏi liền vờ huýt theo, tiếng sáo kêu vang dội cả cánh đồng.

Nghiêm lay tay tôi nhẹ

“Ơi mày! Huýt sáo chi vậy, bây giờ là làm sao con diều bay lên, chứ không phải là ngắm hoa thưởng lúa đâu mà huýt sáo”

Tôi trừng mắt

“Dạ thưa anh, huýt sáo để gió lên diều của mấy anh mới bay được”

Tụi nó chề miệng

“Trời trời! từ khi tao sinh ra tới giờ đây là lần đầu tiên tao nghe nói chuyện huýt gió mà gió nổi lên, đúng là điên”

“Mày nhìn kìa! Gió lên thiệt rồi kìa”

Từ khi tôi sinh ra ở vùng đất Sen Hồng này thì đã có quy luật này rồi, cũng chẳng biết là từ khi nào nó đã xuất hiện và ai là người đã tái tạo ra quy luật này, thật buồn cười mà, nhưng mà tôi phải công nhận một điều là mỗi lần gió tắt thì hãy huýt sáo gió như vậy cứ tự động mà nổi lên thôi!

“Tụi bây, đừng chơi diều nữa, chiều hả chơi”

“Chứ giờ làm gì cha” An bĩu môi

“Đi bắt chuột” tôi cười gian xảo

“Trời trời! cái gì ghê vậy mày”

Vẻ mặt sửng sốt của tụi nó đúng là làm cho người ta không cười không được mà.

“Đi đi! Vui lắm!”

Tôi lôi cậu hai nhà tôi ra, cậu có bốn chân và bộ lông màu vàng đậm, cậu lớn và sung sức lắm, nên việc bắt chuột này chắc đối với cậu không thành vấn đề.

“Mày bắt con chó vàng ra làm gì?”

“Bắt chuột, sao bây lắm lời thế, đi thôi!” Tôi giục bọn chúng đi nhanh

Tụi tôi men theo chiếc liên hợp, chiếc máy gặt lúa tới đâu, tụi tôi chạy theo tới ấy, dàn quân ra như đánh trận, ba thằng An, Minh, Nghiêm, theo tôi phân phó chạy lên trước máy, tôi cùng với thằng Nghĩa phòng thủ theo sao, chỉ đợi con mồi xuất hiện là tung một mẻ bắt hết tụi nó, theo chân máy liên hợp một hồi, cũng chả thấy bóng dáng quân địch đâu, nhưng mà còn nhiều quân địch bao quay tụi tôi đây này. Ái chà! Cũng như năm nào nhỉ, mấy tụi con nít trong xóm ùa ra bắt chuột không ít hé. Tôi trắt lưỡi, lắc đầu, xem thường tụi nó. Ta là cao thủ bắt chuột xưa giờ, các ngươi chỉ là bọn tép riêu mới lớn sao có thể làm lại ta chứ. Tôi cười thầm trong bụng.

Kìa! Mục tiêu xuất hiện, một con chuột to như cùm tay bắt ngờ xông ra phía trước, chạy về phía ba tụi nó. Tôi hét lên

“Ba đứa bây, nhanh chụp lấy nó”.

An gan dạ nhào tới bổ lấy con chuột, chụp hụt rồi, tụi con nít không nể mặt bao quanh bọn tôi như giặc, dồn sức bắt lấy con chuột, nó chạy lòn vô bao lúa rồi, đám tụi tui quay quanh, tôi và Nghĩa nhấc bỗng bao lúa lên, nheo mắt với ba tụi nó, ngầm hiểu ý, Minh thủ sẳn tư thế, bắt đầu đếm

Một hai ba

Kìa! Chúng tôi tay chân loạn xạ, bắt nó, coi chừng nó chạy, đám con nít cũng không vừa gì, chúng hắt văng tôi ra để giành lấy mục tiêu, không hơn thua với nó, tôi cố sức đuổi theo con chuột, mạnh ai nấy chụp lung tung, đứa thì như chụp ếch, đứa thì nằm bẹp xuống ruộng, đủ thứ kiểu chụp. Hồi lâu.

“Ủa nó đâu rồi”

Mấy đứa lùng sục khắp nới, tìm kiếm tên giặc nhỏ

“Suỵt!” Thằng An đưa ngón trỏ lên miệng ra tín hiệu im lặng, mục tiêu đang nằm im lìm trong bó lúa, nó chừa cả phần mông và đuôi mình ra phía ngoài, không biết phải nói là ngu hay ngốc nữa. Cậu hai vàng nhảy lộp độp xông tới, để tránh mục tiêu bị kinh động, tôi kéo cậu lại chặt, nhếch đầu về một phía ra hiệu cho bọn bạn tôi xông đến, thằng An chụp lấy phần hông con chuột, nó giật mình nhảy đảnh lên vụt khỏi tay An, đám trẻ con nhảy tới chụp, Nghiêm hoảng loạn ba đầu sáu tay chụp bắt chắp con chuột.

Nó la lên

“Tao bắt được rồi!”

Thằng Nghiêm cầm con chuột trên tay vây vẩy, tôi hét lớn:

“Coi chừng! Nó cắn”

Thằng nhỏ giật mình văng con chuột vào đám lúa vàng, nó chạy mất dạng. Tụi tôi trầm trồ nhìn nó, thật đúng là, không sợ kẻ địch mạnh chỉ sợ đồng đội ngu mà.

Rút kinh nghiệm lần trước, lần này tôi phân phó cho Nghĩa với An, hai đứa này sài được.

Tụi tôi bắt cạnh tranh với đám con nít trong xóm. Thật là, thường ngày thấy tụi nó vùi đầu vô điện thoại lap top vậy mà không hề kém cạnh mình khi xưa, sóng sau xô sóng trước chắc tại mình “lụt” nghề rồi, mấy năm nay ở Sài Gòn cứ vùi đầu vô bao bận bịu của cuộc sống, học tập, nào giống như lúc xưa vô lo vô nghĩ chứ.

Chúng tôi bắt đến tận trưa, trời nắng gắt lên, đành về nhà nghỉ ngơi ăn cơm đã, hôm nay nhờ có cậu hai vàng đuổi theo con mồi nên thu hoạch không ít, công đầu thuộc về cậu. Đến nhà, tụi tôi ăn cơm nằm nghĩ hồi lát, tận khoảng tầm 2h chiều dắt nhau ra đồng, tôi vác trên vai cái leng rỉ sét, cùng cái lưỡi hái cắt cỏ của cha, phía sau thằng An cầm cái bao trống, thằng Nghĩa dắt theo cậu hai vàng lật đật chạy theo. Tôi nói chứ cậu hai vàng này cũng hòa nhập ghê, chưa gì mà đã làm thân với bọn nó một cách thấy ớn, quá dễ dãi.

Tụi tôi lòng vui thơi thới lao như một con diều ra tận bờ ruộng, lần này chúng tôi không đi theo mấy chiếc liên hợp nữa mà men theo bờ ranh ruộng để đào chuột, mấy chổ lỗ vừa vừa như cái miệng ly này là nơi mà chuột mẹ hay đào hang để ở, mà phải để ý trước cửa miệng hang có chút rơm rác như vậy 100% là có chuột. Để chắc hơn nữa tôi cho cậu hai vàng nhà mình đánh hơi thử, quả nhiên là vậy, không nằm ngoài suy đoán của tôi. Năm đứa tôi đứng quanh miệng hang, thủ thế. Tôi lấy leng sắn vài cái trước miệng lỗ, vào sâu hơn chút nữa thì chiếc hang tẻ thành hai đường, tôi vẫn tiếp tục men theo đường có rơm mà sắn, cậu vàng cũng đánh hơi được chỗ rơm kia nhất định là có vấn đề, tôi sắn thêm khoảng năm cái nữa.

Kìa! Chuột mẹ chạy ra, nhanh chóng chụp lại. Cậu hai vàng không kịp đợi chúng tôi trở tay hành động, như tia chớ phóng nhanh ra đớp lấy con chuột to. Hahahahaha

Đúng là cậu hai, mần ăn ngon hơn tụi nó nhiều, đào tận một lúc, bầy chuột lứa túa ra từ ổ như mặt trời phóng ánh nắng chói đều khắp nơi, cậu hai vàng không chịu nhượng bộ bọn nó, vồ vập tới tấp như con một con mãnh hổ đang đùa với con mồi của mình, chúng tôi cũng không kém cạnh gì, dang ra tứ phía bắt bọn chúng, tôi căn dặn đám bạn thiếu kinh nghiệm kia nên dùng ngón tay của mình để cầm chắc phần đầu của con chuột như vậy tránh để nó cắn vào tay. Bọn tôi tay chân luống cuống hồi lâu cuối cùng cũng bắt xong bầy chuột lứa ấy. Đi tới hang nào, đều nhờ kẻ tiên phong như cậu hai vàng giúp đỡ, theo nguyên tắc bắt chuột xưa giờ của tôi là “chỉ bắt chuột to, những con chuột còn chưa mở mắt đều không phải mục tiêu tìm kiếm”. Đi tới bờ ranh nào cũng nhộn nhịp rộn ràng cả, tôi quan sát mảnh ruộng nào mà lúa cắt còn sót lại đôi ít, bèn cầm lấy chiếc lưỡi hái cắt vài nắm lúa cho bầy vịt với bầy gà ở nhà, tụi nó kẻ thì bứt nguyên cây, kẻ thì tuốt từng nắm lúa, đủ kiểu trên đời, tôi nhớ lại nhiều chuyện xưa, khi ấy tôi cũng từng đi “mót” lúa như vậy, cái hồi chỉ toàn là thùng xuốt với mấy anh nông phu mần dạng, lúa rơi lả chả khắp nơi, nhìn vậy mà vui lắm, cũng không giống như bây giờ nơi đâu cũng toàn là máy gặt đập liên hợp, cảnh quê ngày xưa đã bị thay đổi không ít.

Bắt xong tụi tôi có dang máy cộ về, máy cộ chở đầy lúa, chở luôn năm tụi tôi cũng có sao đâu, phải năn nỉ lắm mấy ảnh mới cho.

“Xứ!” tôi bĩu môi, nếu là con gái chắc mấy ảnh cũng đâu có xua đuổi tới vậy, phải chia cho mấy con chuột to mới chịu chở về. Gió chiều thổi thật là mát mẻ thoải mái, cuốn theo mùi thơm của lúa vàng, mùi đất quê nhà, tôi nhắm mắt hít một hơi thật dài, cảm nhận về một khắc quê hương đáng nhớ.

Bọn chúng đòi thả diều, trời chiều gió thổi bần bật mạnh, con diều chúng tôi vi vút trên tận tầng không, bay cao tới nỗi khi nhìn lên chỉ thấy một chấm nhỏ, cầu mong giây diều không bị đứt, nếu mà đứt thật thì bỏ luôn chứ cứu không nổi.

Bọn trẻ rủ tụi tôi chơi trò đánh trận. Ây du!, mấy đứa này lại không biết trời cao đất rộng, lại tính ăn hiếp đàn anh của bây rồi.

“Nào lại đây, bọn anh chấp hết”.

Tụi tôi chia quân đánh trận, dùng cờ lau cấm trên mỗi đống rơm, quân ai qua mai phục lấy được cây cờ coi như thắng.

Ta sẽ không nương tay đâu, lăn lộn trên đám cỏ hồi lâu để ám sát bọn chúng, người ta nói rừng càng già càng cay, tôi không tin năm tụi tôi và cậu hai vàng đánh không lại hơn chục đứa nó. Mà đánh không lại thiệt, cậu hai vàng cứ chạy lung lung khắp nơi theo tụi tui, miệng sủa inh ỏi, chẳng chịu trông thành gì cả. Đám kia, kẻ thì nắm tay, kẻ nắm chân rì lại, vật tụi tui liên hồi, chúng nó ỷ đông hiếp yếu mà, nhìn thằng An bị lôi xuống bờ ranh mình mẩy đầy sình nhìn thấy mà tội nghiệp. Thật là, thằng nhỏ chạy lên lấy được cờ rồi.

Rồi luôn, trò chơi kết thúc.

Hồi đó đánh tận ba trận ăn liền ba trận, mà giờ này, xương cốt không còn cứng cắp như xưa nữa, chỉ có một trận thôi mà muốn lên bờ xuống ruộng. Thua tâm phục khẩu phục với tụi nó. Đánh xong tụi tôi nằm ì trên bờ ruộng, hết nổi rồi, mệt quá.

“Quê mày có nhiều trò vui quá hé mày” Nghiêm thở hì hục nói

“Khi xưa còn vui hơn nhiều, bây giờ không được như xưa” tôi cười hì hì

An lại chỉ lên trời mà nói

“Tụi bây nhìn con diều đi, tao đếm tới ba là nó bay đi đó, tin hông”

Nghĩa tặc lưỡi

“Tao thách đó”

Chưa kịp đếm gì hết, con diều đứt dây bay vụt về nơi xa, chỉ nghe tiếng gió vi vút vọng lại

Đúng là cái miệng quạ, nói tới chỗ nào là xui tới chỗ ấy, tụi tôi bật mình ngồi dậy

“Giờ có đuổi theo không tụi mày” An trơ mắt hỏi

“Nó bay ra tới Huế rồi, có giỏi thì đuổi đi” Tôi nhíu mày chửi.

“Về thôi”, Minh giục.

Về tới nhà, mẹ tôi khen chuột hôm nay bắt toàn con to, muốn ăn chuột chiên, nướng hay khìa.

Nhìn vẻ mặt hốt hoảng ngạc nhiên của tụi nó mà tôi mắt cười trong bụng.

“Chuột đồng ăn được, yên tâm” Tôi vỗ vai chúng nó nói

Mẹ tôi cười

“ Vậy làm chuột nướng nhe!”

“Dạ” tụi nó đồng thanh gớm.

Nhìn đống chuột nướng thơm phức khói trên bàn, nhìn đứa nào đứa nấy không kìm nổi nước miếng trong mồm, nuốt ực từng cơn, cứ nhìn nhau mà không dám ăn. Nhìn tụi nó là biết đang nghĩ gì? Tôi bẻ một cái đùi chuột nướng ăn ngon lành trước mặt tụi nó, cứ thế cả mấy thằng cùng nhau bẻ ăn. Nhìn cái mặt hạnh phúc của tụi nó khi ăn thấy hạnh phúc chưa kìa, chắc từ trước giờ chưa ăn món chuột đồng này rồi.

Tía tui lấy mấy lon bia trong tủ lạnh ra, nóc cho vài thằng mấy lon đến đỏ cả mặt, lăn đùng ra ngủ một mạch tới sáng.

Trời hửng sáng, ánh nắng lan qua khe phòng soi rọi vào tận trong, những chú chim non véo von vui đùa cùng bản hòa ca của gió, nghe mà vui tai.

“Thiên ơi! Hôm nay mày định dắt tụi tao đi đâu vậy” Minh ngó tôi hỏi

“Đi bơi xuồng” tui nhìn Minh

Mặt đứa nào đứa nấy ngẩn ra, tôi khàn giọng

“Đi thôi”

Minh ôm cậu hai vàng xuống trước, chiếc xuống lắc lư theo dòng nước, từng thằng một bước lên, nước đọ

động làm chiếc thuyền nghiêng qua nghiêng lại, tôi bảo:

“Mấy thằng bây, có đứa nào không biết bơi không”

Thằng Nghiêm cười lệch nhẹ giơ cánh tay từ từ lên

“Tao nè!”

“Ôi! Cái thằng vô vụng này, cả biết bơi cũng chả biết, đúng là bánh bèo vô dụng là có thật” tôi lắc đầu

Tôi lấy cái áo phao cho nó mặc, rồi chèo thuyền đi ra tận bờ kinh ở Đồng Năm, tụi nó dọc nước lía tay, “Ngồi yên cho con chèo dùm”

Xuôi mái chèo đến tận chỗ nước sâu

An vội hỏi

“Ra bờ kinh Đồng Năm làm cái gì?”

“Bắt cá chứ gì? Bộ mày không nghe câu, Đồng Tháp mười cò bay thẳng cánh, nước tháp mười lóng lánh cá tôm sao”

“Mày nói hay vậy thì hò thử câu nào miền tây cho tụi tao nghe coi”

Tôi chép miệng hò một câu

“Hò ơi!...... ơi… ơi… Rượu lưu ly chân quỳ tay rót, ơ…ơ..ơ… Cha mẹ uống ơ..ơ..rồi. Em dời bước theo anh ơ… hò….”

“ Chỉ nhiêu thôi hả” Minh cười mỉm nói

Tôi nhìn nó rồi hát tiếp

“Hò ơi….ơ… Ngó lên trời thì trời trong mây trắng ơ…

Dòm xuống nước thì nước trắng lại trong ơ..ơ..

Nhỏ như ai chứ nhỏ nhỏ như em đây mà chắc dạ ơ à

Bền lòng ơ à

Lỡ duyên thì em chịu chứ đóng cửa loan phòng ờ ơ à

Em chờ anh ơ..ơ…”

Tụi nó thằng nào thằng nấy cười khằng khặc toáng lên.

“Coi vậy mà chú Thiên hò hay ghê bây”

Tôi nhăn mặt nhíu mày

“Kệ tao, gáng ngồi vững nè”

Tôi đèo xuôi theo dòng nước len lỏi với đám lục bình, bông lục bình tím đẹp thật, tôi kêu tụi nó chòm tay ra hái tận mấy cây bông tím, hoa mang nét đẹp tao nhã chốn miền quê thanh bình cũng tựa như số kiếp của con người vậy, tuy đẹp nhưng lại trôi nổi lênh đênh.

Tới kinh rồi, từng thằng một bước xuống, tôi đưa cho mỗi đứ cầm cái đồ chụp, đứa cầm rọng, đứa cầm thao.

“Nhìn tao làm nè”

Tụi nó trố mắt nhìn, tôi đặt cái lợp ở giữa bờ ranh kinh, xả nước trong kinh bớt ra, lấy sình đắp dọc hai bên lợp cao hơn mặt nước một chút, như lũy chiến hào chuẩn bị khai chiến với quân giặc

“Tụi bây xuống đây”, đùng một cái, tụi nó phóng ầm xuống

Phân ra từng đứa đứng hai bên mép, cách lợp một khoảng xa, cố dùng hết sức đập nước thật mạnh, tiến về phía chiếc lợp to, nước dâng khắp nơi kêu lên đùng đùng, cá theo đó bị đuổi đến chiếc lợp, chúng chạy loạn lên, chao đảo, có con nhảy bẳng lên rồi rớt xuống, bọn chúng đuổi cá hứng thú tới nổi cứ cười sặc sặc, cậu hai vàng cũng đóng góp chút ít công sức, lùa cá chạy tán loạn.

“Woww! Đúng là nhiều cá thật, nào là cá trê, bảy trầu, cá lóc, cá linh, rô phi, còn có cả con gì đen đen rai rai nè!” Nghiêm chỉ tay vô nói

“Là cá rô riếng, con này mà nướng lên ăn chung với nước mắn chắm me là hết sẩy” Tôi nói

Minh khiều tôi

“Cái tên gì kỳ vậy mậy, cá rô mà còn kiếng”

Tôi gật gù mấy cái

“Là cái tên do ông bà ta để lại, chúng ta không cần phải hỏi nhiều, chỉ cần biết vậy là được”

Tôi đánh thêm vài mẻ nữa, cá cũng nhiều đấy chứ! Tôi chỉ hang cho tụi nó bắt cá, nhìn cái lỗ hang tròn tròn là chắc chắn một điều bên trong có cá, xui thì gặp phải hang cua thôi.

“Tụi bây nhìn tao nè” Tui chỉ vô chiếc hang miệng tròn tròn mà nói:

“Gần chiều này, mấy con cá kiếm mồi hay quay về để ngủ, tối bọn chúng còn hoạt động kiếm ăn”

Tôi thò tay vào chiếc hang, bắt gặp mục tiêu, tôi lôi đầu nó ra, là con cá lóc cũng khá to đấy. Bọn chúng ngây người nhìn tôi

“Hay vậy mậy”

Tụi nó tẻ ra hục hang, đứa thì con cá bóng, đứa thì cá rô, đứa thì cá trê, bỗng thằng Nghiêm la é lên, mọi người hoang man nhìn lại. Trời ạ! Thằng nhỏ bóc hầm hang cua, bị con cua nó kẹp. Đúng là xui hông còn từ nào diễn tả mà.

Bắt xong mẻ cá, tôi đèo xuồng đưa bọn chúng về, bơi qua cánh đống sen bạt ngàn, tôi dắt tụi nó hái ngói sen, búp sen, bông sen, gương sen. Ôi! Tụi nó nhổ luôn cả lá sen, cây sen, đúng là phá không chịu nổi mà.

An nhún vai Nghiêm nói:

“Chỗ này nước không sâu lắm, cho Thằng Nghiêm xuống đây tập bơi đi bây”

Nghiêm nhíu mày

“Đồ điên, tha cho con”

Minh lắc xuồng, xuồng úp, Nghiêm uống tận mấy ngụm nước, tụi nó làm rum cả trời, vậy mà từ sau vụ ấy Nghiêm bánh bèo đã biết bơi.

Nghĩa khiều vai tôi nói:

“Ơi Thiên! Mày chống xuồng hay quá, chỉ tao coi”

“Thôi đi mấy ông, ngồi yên cho tôi chống, mấy ông đụng vô mất công xuồng hư rồi nghỉ về”

An ngắt lời

“Mày không cho tụi tao chống, tao lật xuồng nữa đó”

Tôi thở dài

“Cho con xin đi mấy ông, mấy chú, mấy bác”

Chưa kịp nói dứt lời, thằng Minh nắm chặt hai thành xuồng lắc nhẹ, tôi cũng mắc phương hướng chao đảo theo.

“Đừng lắc nữa mấy ông tướng, con cho chống là được chứ gì”

Nghĩa cười to

“Nói sớm thì đâu có ra nông nỗi này đâu”

“Thằng Minh chống trước đi” tôi bảo

Nó lật đật đứng dậy cầm lấy cây sào, chống được mấy cái, chiếc xuồng không chạy tới mà cứ xoay mồng mồng, chống mặt muốn chết.

Tôi chỉ vô cây sào

“Người ta chống bên này hai cái, bên kia hai cái, rút sào cho lẹ, giữ chặt cây sào, kìm chiếc xuồng lại, cứ để nó xoay như vậy vài sao chịu nổi”

Thằng Minh cười khà khà, như lời tôi mà làm, lần này có vẻ là đỡ hơn ấy nhở. Bọn nó từng thằng thay phiên chống xuồng về, mỗi lần tới thằng nào tôi điều phải tận tình chỉ bảo, loay hoay nguyên buổi chiều mới về tới tận nhà. Chiếc xuồng hăng như con tuấn mã, xuôi dòng nước thuận nên đi cũng hơi nhanh, ánh trời chiều rọi xuống mặt nước làm sáng lên cả khúc sông quê, những cánh lục bình, cánh bèo trôi dạt theo con nước mập mờ vô định như kiếp người lông bông vậy.

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngã

Củi một cành khô lạc….lạc… cái gì ấy nhở” Nghiêm gãy đầu cười nói

“Ôi trời! Ông tướng đọc thơ quên lời, là củi một cành khô lạc mấy dòng” Tôi dõng dạc bảo.

Đang ngắm cảnh tâm trạng mà mấy cha nội kia cứ chọc quài, tôi cũng bó tay với bọn chúng luôn.

“Lạy trời cuối cùng xuồng cũng cập bờ rồi!” tôi thở dài

Về nhà, lại có món cá lóc nướng trui ăn, cho tụi nó biết mùi cá lóc nướng trui chấm mắm me là gì, thằng Nghiêm đòi một mình ăn sạch quách con cua đó, chừa cho cái tội dám kẹp nó.

Tụi tôi lăn nhau ra ngủ, trong ánh dèn chập chờn lúc đêm khuya tỉnh mịch, tôi nghe được tiếng muỗi bay vèo vèo, tiếng côn trùng kêu ríu rít sau hè, còn có giọng hò của ba tui nữa, giọng hò khàn âm ấm, giọng hò mang giai điệu quê hương mùi vị từng trải của tháng năm “ Hò ơi… chứ rau muống xanh buổi trưa con hái ơ… Cơn mưa chiều vịt lội đồng sâu…..”

An quay qua hỏi tôi

“Ba mày hò hay như vậy, hèn chi mày thừa hưởng gen của ổng”

Tôi cười thầm trong bụng, Minh cầm điện thoại gọi vào mặt tôi

“Kể chuyện ma nghe mày”

“Chỉ sợ bọn bậy nghỉ ngủ thôi”

Nhìn cái mặt háo hức của tụi nó mà muốn cho ăn đập, tôi thở dài một hơi rồi kể

“Tụi bây có biết chuyện Thiên Linh Cái không?”

Đứa thì lắc đầu, đứa thì gật đầu

“Để tao kể cho, khi xưa có ông thầy tên là Tẩn, là một kẻ lang thang đến cù lao Tân Bình, lúc đầu ổng chữa bệnh cứu người, nên người dân ở đây tin tưởng hết mực, tưởng là một lương y, ai dè là kẻ quỷ đội lớp người, giết người không rớm tay, mà đối tượng của ổng là mấy cô gái trẻ, ghê lắm! Luyện bùa thiên linh cái có phép thần thông gì ấy, những linh hồn cứ vất vưởng của các cô gái cứ bay tới bay lui chỗ ngôi nhà ấy”

“Phải như vậy không” Minh gọi đèn vô mặt nó, lè lưỡi, trợn mắt.

“Thằng quỷ! Làm hết hồn” Nghiêm la toáng lên rồi quýnh vào Minh mấy cái.

Tụi nó cười ha hả

“Tao còn nghe vụ này ghê hơn nè, dưới An Giang ở bên sông Cái Vừng có một xác chết hơn 50 năm chưa phân hủy, Ghê chưa! Ngạc nhiên hơn nữa, là khi chết cái xác để tóc ngắn nhưng tận bây giờ là tóc dài”

“Thôi ghê quá mày, để trong nhà không sợ sao” Nghiêm khẽ nói

“Mày đoán xem, có ngày lôi đầu cả nhà” Nghĩa nói tỉnh khô

Tôi quay người vò đầu nói với tụi nó

“Ngủ đi, ngày mai tao dắt tụi mày lên đây chơi, chỗ này vui lắm! Còn ghê hơn mấy chỗ bây kể nhiều”

An chòm đầu dậy

“Chỗ nào mày, vui tụi tao mới đi nha”

Tôi mắt nhắm lòa

“Ngày mai sẽ chuẩn bị phượt lên tận An Giang, nên bây giờ ngủ sớm đi”

Nghĩa đánh tôi một cái, nói khẽ:

“Lên An Giang làm gì cha?”

“Cho tụi bây mở rộng tầm mắt, ngủ đi nói nhiều quá”

Nhóm tụi tui len trong câu hò trầm ấm của Tía mà bình yên vào giấc ngủ, câu hò vẫn vang vọng trong đêm thâu. Hò ơi… sông sâu ai bắt cá bè…

Chúng tôi thả mình trong giấc mơ xa.

Trời chưa kịp hừng đông, tụi tôi đã phượt đến Ang Giang, đi tận mấy tiếng sau, An bảo Nghĩa hỏi xem khi nào mới tới vậy.

Tôi lắc đầu nhìn

“Hình như là google map chỉ sai thì phải”

Minh ngắt lời

“Gì kì vậy cha, lạc đường là coi như xong”

Tôi phớt lời bọn chúng, tìm nhà dân để hỏi xem đường đến núi Ông Cấm. Phải mất mấy tiếng sao mới mò đến tận núi. Tụi nó nhìn nhau bảo

“Thế núi này là sao?”

Tôi vỗ vai chúng

“Đây là núi Ông Cấm, Ngụ tại An Giang, thường thì ở đây có bảy núi và năm non, nhưng tao đã chọn cho bây đi núi Ông Cấm, người anh cả của Thất Sơn không chỉ nổi tiếng mà còn linh thiêng, lên đây cho tụi bây bớt nghiệp lại, gởi xe đi, rồi đi lên nè”

Chúng nó gởi xe ở bãi ăn, rồi cùng tôi xông xông lên núi, lúc đầu đi có vẻ hăng say, nhưng càng lên chúng tôi càng thấy hơi mệt, đi khoảng mười lăm phút lại bất giác choáng ngợp với vẻ đẹp với thiên nhiên hoang sơ nơi này.

An kéo tay tôi hỏi khẽ

“Ơi mày! Sao gọi là núi Cấm vậy”

Tôi đưa ngón trỏ lên miệng

“Suỵt, không được hỏi bậy, là ông cha đặt tên, cứ như vậy mà kêu, đừng tò mò nữa”

Lên tới Động Thủy Liêm, đây khi xưa được xem là vương quốc của loài khỉ, phía trước mặt chúng tôi là một cái cửa hang động chỉ đủ một người chen vô, phía bên dưới có nước đổ quanh năm không ngơi nghĩ, nước suối trong mát đến lạ lùng, tụi nó ai cũng lấy một chai nước để múc đầy nước trong khe hồ, đúng là trẻ con mà.

Chúng tôi đi tham quan đến Suối Tiên, điện Cây Huế, điện Mười Ba, Điện Tam Thanh,… cảnh đẹp nơi đây không tưởng, vách núi tỏa ra điệu mát lạnh, gió nhè nhẹ thổi lan rộng phương xa, lướt qua chúng tôi cuốn theo những bụi bặm chốn hồng trần trên người, chỉ đọng lại chỉ dư âm tỉnh lặng của tâm hồn.

Nắng chiều nhạt dần, trời chạng vạng tối, tụi tôi tất bật chuẩn bị xuống núi đi về, đang loay hoay quỳ lạy tượng phật bà, thì An chạy hối hả tới bảo

“Mày ơi! Nảy giờ tao không thấy thằng Nghiêm đâu hết”

Tôi giật mình nhìn lại

“Mày nói gì! Đừng đùa nhe ba, ở đây không đùa được đâu”

An cau có mặt

“Tao nói thật mà, khi nảy dưới điện Tam Thanh tao còn thấy nó đang cặm cụi tìm thứ gì ấy, khi lên tới đây, nãy giờ không để ý, tao không thấy nó, liền vội xuống dưới coi, thì nó mất tiêu, điện thoại thì mất sóng, không điện được”

Tôi bối rối luống cuống tay chân

“Cứ tìm nó trước đi rồi tính tiếp”

Tụi tôi chia nhau ra đi tìm, có tìm được hay không thì cũng tập hợp tại đây.

Cái thằng quỷ sứ này không biết là đã đi đâu biệt tâm, kiếm nó đến mỏi hơi, la muốn rát cổ họng, vậy mà không thấy tâm hơi đâu, tôi nghĩ bụng, nếu như tìm được nó chắc đánh cho nó khỏi thấy đường về luôn quá.

Trời tối đen như mực, tụi tôi cũng chẳng thấy bóng dáng nó đâu. Trời tối thế này, chắc sợ ma chết. Cơn mưa rào trút xuống như nước đổ, gió thổi phần phật lạnh điếng cả người, mưa mỗi lúc một to, chúng tôi như những tên điên cuống cuồng chạy trong đêm vắng, dưới chân toàn là đá con, nếu lỡ vấp phải chúng, có mong mà thấy ông bà, tiếng hú trong mưa nghe thật rùng rợn, gió thổi quật mấy tán cây cổ thụ kêu xào xạc, nước mưa thấm ướt cả người, cơn lạnh trải tràn từ đầu đến chân, lạnh đến nổi toàn thân không còn chút cảm giác gì, cứ như mũi tên thi nhau mà chạy, gặp được một căn nhà gỗ, chúng tôi đập cửa xin trú mưa, một cụ già với dáng vẻ nghiêm nghiêm bước ra, nhìn chúng tôi với ánh mắt hiền từ, rồi bảo chúng tôi hãy vào nhà đi.

Bốn đứa tôi, tạ ơn cụ khôn xiết rồi nhanh chóng tiến thẳng vào nhà, cụ lấy đồ của mình cho chúng tôi mặc tạm, đấy là những bộ đồ bà ba màu sẫm, trông có vẻ củ kỹ nhưng vẫn còn dùng tốt, thằng nào thằng nấy mặc xong đồ nhìn nhau rồi cười toe toét. Ông cụ bắt một bình nước sôi lên cho chúng tôi, cảm giác bây giờ khi uống một bình nước ấm vào người như uống được thuốc tiên, sảng khoái lân lân trong lồng ngực trải tràn ra tận con tim len đến từ ngóc nghách mạch máu. Tụi tôi thuật lại chuyện cho ông nghe, nhờ ông có cách nào tìm lại thằng bạn giúp tụi cháu, tuy thường ngày nó trông khù khờ vô tích sự nhưng được cái ngoan và nghe lời lắm, ông bảo tụi tôi hãy bình tĩnh, để ông tính giúp cho. Ông thở dài.

“Nơi đây ban đêm nguy hiểm lại thêm buổi tối nữa nên chắc thằng nhỏ lành ích dữ nhiều”

Chúng tôi run bần bật nắm tay ông mà ướt lệ.

“Ông ơi! Ông giúp dùm tụi cháu với”

Ông cụ nhếch miệng cười, xung quanh đây buổi tối thường nghe tiếng hú của thú dữ, lại còn có …có…”

Ông cụ ấm úng

“Có gì vậy ông”

“Có ma nữa đấy” Ông cụ ngước mặt cười to ha hả

Một tiếng gầm ngoài cửa, tụi tôi hốt hoảng nhìn ra, trái tim như muốn dựng đứng không tự chủ chọt ra ngoài. Trời ạ! Một bóng trắng núp đằng sau tán cây cứ chao qua rồi chao lại, lắc lư chạy vào đây, nguyên đáp tụi tôi nươm mớp lo sợ, không giữa được mồm, tay chân chỉ loạn tùm lum, hét lên thảm thiết.

“Ma, ma ,ma, có ma kìa!”

Cụ ông vẫn giữ bình tỉnh bước lần ra cửa nheo mắt nhìn xem thứ gì ở ngoải. Bóng trắng chạy tọt vô, lao thẳng vào người chúng tôi, tụi tôi như chết đứng, miệng thì la hét, tay thì đánh liên hồi vào cái bóng trắng, làm inh ỏi cả một khu nhà.

Có tiếng khàn khàn trông rất quen la lên

“Mấy thằng quỷ là tao, đừng đánh nữa”

Tụi tôi hé mắt nhìn xuống, là thằng Nghiêm, An lay nó dậy

“Mày còn sống hay đã chết vậy?”

Nghiêm cáu mình

“Mấy cha, con còn sống, mà còn sống cũng bị bây đánh chết nữa! Cái đồ tạo nghiệp”

Chúng tôi mỗi đứa sờ nó một cái, đúng là còn sống hé. Nhìn tnos thân hình ướt như chuột lột giống bộ dạng của lúc tôi khi nãy, cả đám bật cười hí hửng.

Ông cụ cũng cười hồng hộc theo, cụ lấy cho nó cũng một bộ đồ bà ba sẫm màu, chúng tôi xoay quanh chậu than hồng giữa đêm khuya, tôi quýnh thằng Nghiêm một cái

“Chiều giờ mày chạy đi đâu vậy mày”

Nghiêm vội đặt chén nước ấm xuống, vẻ mặt sợ hãi rùng mình mà hối hả kể

“Mô Phật! Hồi chiều tao đang lạy phật làm rơi chiếc nhẫn, tao cuống cuồng chạy theo nhặt nó, mà nó lăn đi đâu ấy, cứ chạy theo, con khỉ từ đâu nhảy ra, chụp mất chếc nhẫn của tao, tao đuổi theo nó, đuổi tới một hơi, con hầu khỉ đó dừng lại, tao lại nhớ lấy tiết học tâm lý mà thầy dạy, liên quan tới tâm lí loài khỉ, tao liền lấy chiếc nón trên đầu của mình đổi lấy nhẫn, nó trả thật mày, khi tao nhìn lại mình đã chạy tới đâu rồi không biết”

Minh ngắt lời

“Mày đừng nói với tao vì chiếc nhẫn mà con Hiền tặng, mày rượt theo con khỉ xém bỏ mạng nhe!”

Nghiêm cười, gật gù cái đầu

“Ôi trời! Cái thằng mê gái này”

Minh bửa xuống vai của Nghiêm nghe một cái bốp, Nghiêm đau đến trố mắt.

“Mất nhẫn là mất người yêu ấy!” Nghiêm rụt đầu quát

Nghĩa nhăn mắt

“Rồi sao mày tìm đến đây được vậy”

Nghiêm hào hứng trả lời

“Chuyện linh thiêng lắm mày ạ! Khi ấy trời sắp hầm hầm trổ mưa, gió bắt đầu nổi lên, tao sợ lắm chứ, trong bụng cứ bồn chồn không yên, tao sợ tao lạc rồi sống cả đời cả đây chứ. Mưa bắt đầu đổ, tao chạy như bay để tìm chỗ tránh mưa, càng chạy càng không thấy đường, tao vướng phải cục đá té nhào xuống, chân tê cứng không còn sức để đi nữa, chỉ đi cà nhắc cà nhắc, trong bụng nghĩ lúc này thôi xong rồi, tao khấn thầm nếu như có thể tai qua nạn khỏi chuyện lần này, tao nguyện sẽ cúng giường trả lễ, ăn chay tận hai tháng, tao vái hết ông sơn thần này đến ông thổ địa nọ, vái đến cả ngài Quan Thế Âm, Bà chúa Sứ, cứ vậy rồi men theo con đường mòn đi, đột nhiên tao thấy một luồng ánh sáng vụt trước mặt, tiến về phía trước, tao cứ vậy cà lê đuổi theo sau lưng, đi được một lúc không thấy luồng sáng đâu nữa, tao nhìn quanh thì thấy dưới đây có ngôi nhà gỗ, như thấy được người yêu, tao chạy loạng choạng tới, vì do chân đau nên đi lạng qua bên này rồi bên kia.”

Nghĩa vỗ đùi cười to

“Hèn gì lúc nãy tao thấy mày nghiêng qua bên này rồi nghiêng qua bên nọ, còn tưởng là bóng ma lất phất vất vưởng nữa chứ!”

Mọi người cười to âm ỉ, Cụ bảo núi này rất thiêng, ai thành tâm chắc sẽ được thành toàn.

Cụ kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện tâm linh về nơi này, cũng như việc luồng sáng mà thằng Nghĩa thấy được là điều không thể giải thích được, cứ như vậy mà tin thôi, đã gọi là núi Cấm thì dĩ nhiên có nhiều điều cấm kỵ. Cụ kể cho tôi nghe về việc cụ từng bắt rắn Hổ Mây chúa, đuổi cọp, chữa bệnh, rồi cư ngụ nơi này. Mặc cho ngoài kia mưa gió bão bùn đến đâu, sấm có giật liên hồi, không khí lạnh lẽo cách mấy, sóng đục cuộn trào cách mấy, cũng không bằng sau bức cửa kia, dưới ánh đèn chập chờn trong cơn gió rét, đảo qua nghiêng lại của chiếc bóng, đêm thâu tỉnh mịch ánh nến xa xa lại tỏa sáng bập bùng, chúng tôi bỏ mặc những thế sự ngoài kia, chăm chú nghe ông kể từng chuyện, từng chuyện một tâm linh, kể về phật pháp, nguyện chỉ giữ lại chút lòng thuyền mây nước sau bức màn nhung của cuộc đời gió bụi.

Rạng sáng, đồ cũng được hâm khô, chúng tôi lạy tạ ông rồi chuẩn bị xuống núi đi về. Trời quang mây tạnh, những giọt mưa vẫn còn đọng lại trên tán lá hàng cây, trên vách đá cheo leo, trên chỏm đá cụi, không khí se se lạnh, mây ửng sắc vàng xà xuống ngang đầu, ánh nắng xuyên qua từng tầng không soi rọi xuống chốn phồn hoa náo nhiệt nhân gian. Chúng tôi chầm chậm bước từng bước nhỏ, đặng ngắm nhìn quang cảnh thanh bình Việt Nam, từng danh sơn cổ tự, danh lam thắng cảnh.

Sau chuyến “ Thập tử nhất sinh khi ấy” đúng là trải nghiệm thú vị mà tuyệt vời, sau khi chúng tôi trở lại thành phố, lúc nào cũng hằng mong mỏi sẽ có những chuyến đi tuyệt vời như thế này. Thanh xuân của tụi tôi chính là những chuyến đi dài, những chuyến đi về những miền đất lạ, gom nhặt những hồi ức tươi đẹp cho bản thân, những điều lý thú trong cuộc sống, để đoạn thanh xuân ngắn ngủi ấy phát hào quang sáng rực trong cuộc đời dài đằng đẳng kia, để cho bản thân không cảm thấy phải hối hận khi thanh thuân chẳng có điều gì là nuối tiếc.

Cảm ơn mùa hè năm ấy đã khiến cho cả lũ chúng tôi có dịp để quay trở về đoạn hồi ức của những năm tháng bình đạm ở miền quê sông nước, cảnh tình cảnh người làm dậy sống trong tôi niềm lạc quan, yêu quê hương của mình một cách sâu sắc, chuyến đi này như được một vé trở về với tuổi thơ, với những trò chơi trẻ con thôn quê dân dã đến đỗi đi suốt cuộc đời này thì tôi cũng chẳng bao giờ quên cái chân thật nơi cách đồng quê bát ngát hương lúa mạ non, hương của đất sen hồng, của tình người miền tây sông nước.

Hết


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!