iPub.vn Covid banner

"Đừng chết ở Ả Rập Xê Út" - Vén bức màn sự thật về lao động xứ người

Pucca       4 năm trước       670 lượt đọc

Một người phụ nữ đi xuất khẩu lao động đã cố gắng tìm mọi cách để quay về ngay sau khi đặt chân xuống sân bay xứ người. "Đừng chết ở Ả Rập Xê Út" là câu chuyện của một cá nhân nhưng lại là hồi chuông báo động cho ai đang và sắp có ý định đi tìm cơ hội đổi đời ở nước ngoài.

Xuất khẩu lao động là lựa chọn mưu sinh của nhiều người với mong muốn tìm một con đường sáng, thoát khỏi cuộc sống khó khăn, nhất là người đến từ những miền quê nghèo. Bức tranh đổi đời lung linh được trả bằng cái giá nào, chỉ có những người từng trải qua mới thấm thía được. Có người may mắn đổi đời thành công, có người vận may chưa đến đã phải “cao chạy xa bay” khỏi chốn thiên đường ảo vọng. Người phụ nữ tên Hương trong "Đừng chết ở Ả Rập Xê Út" rơi vào trường hợp thứ hai.

"Đừng chết ở Ả Rập Xê Út" là tự truyện của một nữ lao động từng làm việc ở Ả Rập trong 285 ngày. Trải qua ba đời chủ, là nạn nhân cũng là nhân chứng cho cuộc sống khắc nghiệt, cô không màng gì hơn ngoài việc tìm mọi cách để được trở về Việt Nam. Ở quê hương dù cực khổ đến mấy cũng hơn những cú đá trời giáng bất thình lình của bà chủ; hơn những ngày ngâm cả bàn tay trong nước giặt tẩy đến nỗi da tay co hết vào, cố duỗi ra là bật máu; hơn những ngày làm việc từ 9 rưỡi sáng hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau; hơn cả những lần phải khuân những tảng bê tông lởm chởm bằng tay…

Trong "Đừng chết ở Ả Rập Xê Út", nhân vật “tôi” đã trải qua hai lần đại chiến với gã chủ nhà dâm ô, từng bị nhốt trong phòng tối và không được ăn uống trong hai ngày, từng bị đổ nguyên nồi nước nóng vào người, từng bị bà chủ hắt nguyên lọ hạt tiêu vào mắt… Bi kịch ấy không phải viễn cảnh mà người lao động mong chờ. Giấc mơ chốn thiên đường đã sụp đổ ngay từ ngày đầu đặt chân đến xứ người. Mà có muốn trốn thoát cũng không xong khi bốn bề chỉ toàn là núi và cát, và những tòa lâu đài kiên cố đến đáng sợ. Còn nếu tính chuyện bỏ về thì càng là chuyện viển vông, bởi lấy đâu ra 3.000 đô la để bồi thường, để tự chuộc thân.

Có một sự thật đau lòng và đáng phẫn nộ đó là chính công ty ở Việt Nam biết rõ sự tình khốc liệt của những người lao động, nhưng họ thản nhiên, dửng dưng như không thấy. Điều duy nhất họ làm để “giúp” người lao động chỉ là hướng dẫn cách đánh cắp mật khẩu wifi, cách bỏ trốn khỏi nhà chủ. Họ không đàng hoàng lên tiếng công khai vì họ sợ mất mối làm ăn, mất đi mánh lời. Những kẻ trung gian ở cả Việt Nam lẫn Ả Rập đều là những kẻ hút máu người, chỉ cần người lao động còn làm việc nghĩa là bọn chúng còn được hưởng lợi, thế nên chúng mặc kệ người lao động đang sống dở chết dở.

Một bức tranh màu xám đầy u ám, bí bách bao trùm toàn bộ cuốn sách. Một xã hội đối lập với đời sống văn minh, hiện đại của vật chất. Nơi con người như được nhân bản, không có kiểu trang phục nào khác ngoài những chiếc áo choàng đen dài quét đất như những con dơi khổng lồ, hoặc những bộ áo dài trắng với vành khăn quấn vắt trên đầu.

Như tác giả thừa nhận khi bắt đầu câu chuyện, xuất khẩu lao động là một chuyến phiêu lưu mà trong đó có người hên, kẻ xui. Nhưng dẫu sao, xuất khẩu lao động vẫn là con đường đã, đang và sẽ được nhiều người lựa chọn để tìm cơ hội đổi đời. Câu chuyện của "Đừng chết ở Ả Rập Xê Út" sẽ là một bài học, một kinh nghiệm xương máu cho những người lựa chọn nước ngoài làm chốn mưu sinh.

Đọc sách "Đừng chết ở Ả Rập Xê Út" tại đây:



Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!