iPub.vn Covid banner

[Trích đoạn] Con chúng ta hạnh phúc là được

iPub.vn       4 năm trước       646 lượt đọc

Điều quan trọng là phải có sự gần gũi. Không phải gần kiểu bao bọc nhưng phải đủ gần để nhận thấy những tín hiệu. Hãy lắng nghe khi con nói chuyện với bạn.

Cha mẹ có thể thấy khó khăn, bực bội, buồn tẻ và xấu hổ, nhưng mọi sự sẽ “dễ thở” hơn nếu bạn coi nỗi sợ đó là một phần hoàn toàn có thể hiểu được của quá trình tìm hiểu thế giới bên ngoài. Khi các con tôi còn bé xíu và chơi trên bãi biển với những đôi chân mũm mĩm, tôi thường ủy mị nghĩ về những lời của Isaac Newton trước khi mất: “Tôi thấy mình chỉ là một đứa bé tung tăng trên bãi biển… trong khi đại dương mênh mông của những sự thật bí ẩn trải ra trước mắt.” Những ngày đó, bọn trẻ thường chỉ chăm chú vào từng viên đá sáng lấp lánh, tập trung vào những gì gần mình, có thể chạm cũng như ném đi được. Chỉ khi lớn lên thì đôi mắt của chúng mới ngước lên nhìn, nửa ngạc nhiên thích thú nửa lo lắng trước đại dương của sự thật chưa được khám phá đang trải dài trước mắt. Tất nhiên, đôi khi chúng sẽ phải ngập ngừng khi đối diện với nó.

Nhưng con trẻ sẽ học hỏi rất nhanh. Với sự giúp đỡ của bạn, đến sáu hoặc bảy tuổi, chúng sẽ hiểu ra triết lý căn bản để đương đầu với cuộc đời bao la và những rủi ro trong đó. Chúng sẽ ngày càng yêu thích hành động hơn là tưởng tượng: thay vì đòi những đầu máy kéo, chúng sẽ đi ra ngoài với một mớ đồ bỏ đi và tin rằng sẽ tự lắp ráp được một cái. Thay vì khiếp sợ khi thấy trẻ vùng cao đang đói rét, chúng bắt đầu thu thập quần áo và sách báo cũ để gửi từ thiện hoặc dành dụm tiền cho chương trình gây quỹ ở trường. Chúng thích các loại luật và quy tắc: chúng nói rành rọt cho bạn nghe về tín hiệu đèn giao thông và khi đi trên đường, chính các con là những người chấp hành nghiêm túc nhất, rít lên giận dữ nếu bố mẹ lỡ vượt một cái đèn đỏ.

Vì thế, đây là những năm tháng của tư duy, những năm tháng mà bạn truyền đạt lại triết lý cá nhân cho con mình. Những giá trị xã hội, tinh thần và cảm xúc của bạn đang được truyền đạt lại cho thế hệ tiếp theo. Đây là một viễn cảnh đặc biệt đáng báo động. Hầu hết chúng ta xoay xở vượt qua giai đoạn mới trưởng thành mà không hề nhận thức được việc có một triết lý cá nhân. Tuổi vị thành niên nghĩ về đạo lý và nhân phẩm và người già nghĩ về sự bất tử, nhưng trừ phi bạn là tín đồ nhiệt thành của một trong hai nhóm này thì những năm tháng bạn dành để xoay xở trong thế giới thường ngày của công việc và tiền vay mua nhà thường làm mờ đi những sự thật bất tử. Chúng ta có thể biết mình ủng hộ đường lối chính trị nào, có chấp nhận việc ngoại tình, sử dụng xăng không chì và giáo dục tư nhân hay không; nhưng chúng ta thường lúng túng khi một đứa bé bốn tuổi bắt đầu nảy ra những câu hỏi như tại sao ông trời lại để con người chết trong những vụ lũ lụt hay tại sao nhà họ lại giàu hơn nhà mình.

Mà thực ra, chúng ta có lúng túng cũng không sao cả. Nó thể hiện rằng chúng ta đang cố gắng tìm ra sự thật và sẵn lòng chia sẻ cả những điều không chắc chắn của mình với con cái. Đáng buồn lại chính là những người tin rằng mình biết tất cả: dường như họ thường xuyên nuôi dạy những đứa con có niềm tin mù quáng.

Những bậc phụ huynh tốt nhất thường chia sẻ một vài điều không chắc chắn với con cái, theo tinh thần cầu thị tích cực và đầy hứng thú. Ví dụ, họ không khảng định chắc nịch: “Những kẻ xấu chặt phá rừng bởi vì họ tham lam và tồi tệ”, mà sẽ để ngỏ – có thể sáng tạo, có thể không – để giải thích về những người nông dân nghèo, sự thờ ơ hay chính sách quản lý lỏng lẻo của chính quyền. Với một chút may mắn, họ kết luận lại thành một điều khá đơn giản như sự thực rằng việc chặt phá rừng là điều tồi tệ đối với hành tinh của chúng ta và những người có thiện chí cần cố gắng ngăn chặn nạn chặt phá rừng. Đôi khi những cha mẹ như vậy có thể tự làm mình rối trí và hứng chịu những lời mỉa móc của người khác – chẳng có gì gây cười hơn hình ảnh một người mẹ đầy quan ngại cố gắng giải thích cho con về triết lý môi trường khi đang xếp hàng ở siêu thị – nhưng việc họ đang làm dù sao vẫn thông minh hơn những người chỉ nói: “Rừng riếc mà làm gì, con cứ uống trà đi.”

Xin hãy lưu ý rằng có những câu hỏi mà chúng ta không thể trả lời. Thật không vui chút nào khi phải trả lời những câu hỏi như “Hãy nói thật cho con biết, có Ông già Noel hay không?” hoặc “Nếu bố yêu con thì tại sao bố lại bỏ đi?” Và ở một số thời điểm, chính sách thảo luận cầu thị và cởi mở về những vấn đề lớn sẽ bị thất bại. Nhiều năm trước, có một đứa trẻ bảy hay tám tuổi đến chơi nhà tôi. Bố mẹ cậu bé rất năng động và vô cùng cởi mở trong các cuộc thảo luận. Một buổi chiều nọ, chúng tôi nghe họ nói những lời rất hợp lý và bổ ích với thằng bé về chiến tranh hạt nhân, đồng tính luyến ái, đánh bom khủng bố, những kẻ quấy rối trẻ em và hình phạt tử hình. Chúng tôi hoàn toàn ngưỡng mộ gia đình dũng cảm và cởi mở này. Sau đó, vào bữa tối, Paul và tôi bắt đầu kể cho mọi người chuyện chúng tôi diệt chuột trong nhà kho. Thằng bé trợn tròn mắt và tái nhợt đi. Người mẹ phải mất hàng tiếng đồng hồ để dỗ thằng bé đi ngủ và khá là giận chúng tôi vì đã nhắc đến một thứ đáng sợ như thế. Thằng bé đã quen với những khái niệm như khả năng hủy diệt hàng loạt của hạt nhân và bom đạn, nhưng nó không thích nhắc đến những con chuột. Ngay cả những con chuột chết. Vì không phải là bố mẹ thằng bé nên chúng tôi đã hiểu sai: chúng tôi không đủ thân thiết để biết nỗi sợ của thằng bé.

Điều quan trọng là phải có sự gần gũi. Không phải gần kiểu bao bọc – đây là lứa tuổi thích có phòng chơi riêng, thích biến lên tầng với bạn bè hàng giờ để chơi các trò riêng tư – nhưng phải đủ gần để nhận thấy những tín hiệu. Hãy lắng nghe khi con nói chuyện với bạn. Điều này khó, càng khó nếu bạn đã trở lại làm việc và chỉ thích những trò nô đùa và ôm ấp vào buổi tối; nhưng lắng nghe những nỗi ám ảnh của con nhỏ và nói với con những điều có ý nghĩa cũng quan trọng như việc đưa chúng những cuốn sách và đánh răng cho chúng, quan trọng hơn nhiều so với việc chải tóc hay thúc ép chúng ăn thìa đúng cách. Nó quan trọng hơn những buổi học đàn violin thời thượng và những đồ chơi giáo dục đắt tiền. Đó là một mảng mà bạn không thể cắt bỏ (đến một người chuyên đi tắt như tôi cũng phải thành thực thú nhận).

Con chúng ta hạnh phúc là được hẳn sẽ là cuốn sách rất hữu ích đối với các ông bố, bà mẹ hiện nay. Ép con học, muốn con phải luôn đứng số 1, tạo áp lực lên con rồi cả bản thân mình sẽ chẳng mang lại lợi ích gì, và cuốn sách này sẽ là tất cả những người làm bố làm mẹ đều cần đọc và suy ngẫm.


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!