iPub.vn Covid banner

Liệu còn nhớ hay đã quên

Quỳnh Như       3 năm trước       1,909 lượt đọc

Chúng ta của tuổi 30, trong cuộc sống lo âu, bộn bề, liệu có còn nhớ hay đã quên những gì mình nghĩ trong quá khứ?

Chào cô nhé, tôi của tuổi 30!

Hôm trước tôi mơ về một cuộc sống của mình trong tương lai. Trông có vẻ ổn định nhưng lại vô cùng trống trải và cô đơn. Cô đang bận rộn với một đống tài liệu, giấy tờ. Thời gian trôi qua quá nhanh, bỏ lại ở phía sau vô vàn kí ức đẹp đẽ, tự hào. Tự hỏi rằng, cô của năm ấy khác tôi của bây giờ như thế nào? Có lẽ mười bốn năm trôi qua đã mang theo quá nhiều sự thay đổi. Không còn là một cô gái 16 tuổi với bao nhiêu ước mơ, hoài bão cùng nụ cười non trẻ lúc xuân thì, giờ đây cô chắc hẳn đã trở thành một người thành đạt cùng nhiều nỗi lo toan trong cuộc sống. Bởi nhịp sống cứ trôi đi mau đến nỗi hiếm ai dành cho mình một chút thời gian để suy ngẫm lại về những chuyện đã trải qua. Vì thế, hôm nay tôi viết lá thư này cho cô để tâm sự đôi điều, cốt là mong cô có thể tạm gác những công việc sang một bên và mỉm cười nhìn lại cuộc đời. Gió sẽ mang theo bức thư này đến tay cô vì tôi nghe bảo rằng, gió luôn trao gửi yêu thương và hồi ức cho mọi người.

" Sống chậm lại" có lẽ là từ ngữ thích hợp nhất dành cho cô lúc này. Cô biết vì sao tôi lại nói thế chứ? Cô có còn nhớ rằng mười bốn năm trước đây, mình cũng đã từng sống chậm lại vì một lí do nào đó không? Đúng thế, lúc bây giờ, không chỉ riêng mình tôi đâu mà là cả thế giới đang sống chậm lại. Nhiều lúc tôi cũng giận lắm vì đang yên đang lành thì bỗng dưng lại xảy ra biến động toàn cầu. Một con virus bỗng dưng xuất hiện, kéo theo nỗi kinh hoàng mang tên "Đại dịch Covid-19". Dịch bệnh này bắt đầu xuất hiện từ tháng 12 năm 2019, với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận là thành phố Vũ Hán Trung Quốc, bắt nguồn từ một nhóm người bị mắc bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân sau đó lây mạnh ra cộng đồng, xã hội và các quốc gia trên thế giới. Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ.Mọi hoạt động đều bị trì tuệ, học sinh không được đến trường trong thời gian dài, nhiều người trở nên thất nghiệp Khi tôi viết bức thư này cho cô thì nước ta đã ghi nhận được 270 ca mắc rồi. Thế nhưng, số ca phục hồi lại là 222 ca, cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển trên thế giới và không có trường hợp tử vong. Nói đến đây tôi đã cảm thấy vô cùng tự hào và may mắn.

Tôi tự hào khi may mắn được sinh ra ở đất nước Việt Nam thân yêu.Trong khi các nước châu Âu kì thị, một số nước biểu tình không cho đưa dân địa phương từ vùng dịch trở về thì chính phủ ta đã cho máy bay bay thẳng đến vùng dịch, đưa dân chúng bị mắc kẹt ở tâm dịch về Việt Nam chữa trị. Không biểu tình, không chống đối, đường phố yên ắng, tất cả đồng lòng đồng sức Tôi đã viết ngay một bài với tựa đề XIN CẢM ƠN để gửi tặng cho các y bác sĩ, bộ đội biên phòng trên chiến trường chống dịch. Rồi lại còn đăng lên danh mục Nhật kí mùa Covid một bức thư thật dài. Lúc đầu, nghĩ tới cảnh phải ở nhà 15 ngày, tôi cũng chán nản lắm. Nhưng rồi nghĩ tới những thiên thần áo xanh ở tuyến đầu chống dịch,chỉ đạo của chính phủ,tiền tuyến là các y bác sĩ, hậu phương là các nhà hảo tâm, tuyến giữa có các chú bộ đội biên phòng, họ đang ngày đêm cố gắng, tôi đã quyết tâm ở nhà nghiêm túc.

Thế mà cô biết không, khi ở nhà tôi đã thấm thía hơn ba chữ “Sống chậm lại”. Bình thường tôi chỉ bận lo toan đến việc học hành, ngày ngày chúi mặt vào đống bài tập, rồi mệt quá lăn ra ngủ. Bố mẹ cũng vậy nhỉ? Họ bận đi làm kiếm tiền, chính vì làm việc vất vả nên họ ít quan tâm và khắt khe với chúng ta hơn. Chúng ta chưa từng biết sở hữu trong tay một chiếc điện thoại như bạn bè là thế nào, chưa từng có một tấm ảnh thật sự đẹp để đăng lên facebook. Cô còn nhớ chứ? Tôi cắm đầu vào cái máy tính vì tôi cho rằng đó là người bạn duy nhất làm cho tôi vui. Tôi trách họ vì sự khó tính đó. Rồi một ngày, bỗng dưng Covid xuất hiện, mọi người đều ở nhà, lúc đó tôi mới thấm thía được hơn 2 chữ gia đình. Bố mẹ tạm gác lại công việc để có thời gian bên nhau, việc học tôi cũng xếp lại để cùng giúp họ công việc nhà. Cùng nhau nấu những bữa ăn, cùng nhau thưởng thức và trò chuyện, vui biết nhường nào. Không còn mệt mỏi vì công việc, bố mẹ yêu thương tôi nhiều hơn, lo lắng cho tôi nhiều hơn, tôi cảm thấy vui vì điều đó. Trong cuộc sống cũng vậy. Mọi người bận đi làm kiếm tiền, đôi lúc có phần ích kỉ. Nhưng trong tình hình hiện nay ta thấy cái chữ tình người nó thể hiện rõ ràng lắm. Lòng tốt cho đi, tình người ở lại mà. Mỗi người mỗi ít chung tay vì cộng đồng, hình ảnh đó thật đẹp biết bao.

Tôi đã học được cách sống chậm lại để yêu thương nhau hơn trong mùa dịch. Và tôi gửi bức thư này cho cô để cô có thể tạm gác những áp lực công việc mà thư giãn, dành thời gian cho bản thân và gia đình nhiều hơn. Sống cốt lõi là phải biết yêu thương bản thân và con người. Ai rồi cũng sẽ tìm được cho mình một bến bờ yên bình, để cõi lòng neo lại. Sống chậm lại để còn biết suy nghĩ không chỉ cho riêng mình mà còn biết nhìn nhận được những điều nhỏ nhặt xung quanh và để bản thân có một khoảng khắc nào đó nghỉ ngơi thư giãn. Đừng quá phiền lòng bởi mình đã thật may mắn. Tuổi 30 có phải đến một cách dễ dàng như thế. Không, đó là cả một sự cố gắng của đất nước, để chúng ta được lớn lên và phát triển toàn diện. Có những người còn không có tuổi 30, 40 và hơn thế nữa. Tôi chọn bạn để gửi thư bởi tôi biết 30 là cột mốc quan trọng của cuộc đời, đừng để nó trôi qua một cách lãng phí. Một khoảng thời gian nào đó, cô đã quên đi lời mà mình từng viết trong quá khứ, quên đi suy nghĩ của tuổi mười sáu. Nhưng tôi hi vọng rằng sau khi đọc bức thư này, cô sẽ hồi âm lại cho tôi và nói rằng cô chưa bao giờ quên được những chiến tích, những tấm lòng hào hùng của Việt Nam năm ấy. Tôi tin rằng, suy nghĩ tích cực sẽ làm nên những điều phi thường trong cuộc sống.

Thân ái!

Tôi-là cô của tuổi 30


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!