iPub.vn Covid banner

Một góc nhìn của tuổi 20

Ngô Đồng       4 năm trước       1,090 lượt đọc

Tôi càng lớn càng nhận ra mình đang bị cuốn theo suy nghĩ của quá nhiều người và bản thân tôi cũng bị những người xung quanh mình ảnh hưởng quá nhiều. “Trẻ em như trang giấy trắng”, vâng, tôi không nhận mình là người lớn bao giờ cả, tôi thấy mình như là đứa trẻ sống lâu năm, sinh ra để dùng cả đời này để đi tìm lý do tồn tại của bản thân. Tôi là ai? 

Tháng 7, giữa lòng Sài Gòn tấp ngập người qua, tôi lại chùng mình xuống, khi ai cũng có đường để đi lối để về, còn tôi thì không…

Không hẳn tôi không có nơi để về, mà cái cách nhìn mà tôi, gia đình, mọi người xung quanh nhìn vào tôi khiến tôi không muốn về nhà. Là bằng tuổi tôi, con nhà người ta đã ra trường; là bằng tuổi tôi, tấm visa đầu đời của các bạn đã đóng đầy mộc xanh mộc đỏ; là bằng tuổi tôi, các bạn không phải ngửa tay xin tiền gia đình để ăn học nữa rồi, cả đứa nghỉ học từ dạo thi tốt nghiệp giờ có đứa đã lập gia đình, đi làm, mua nhà, mua xe,… Người ta bảo tuổi hai mươi phải sống thật hết mình. Vì cả đời người, cuộc chơi cho tuổi 20 chỉ có một lần. Và tôi đang chênh vênh trong chính cuộc chơi ấy của chính mình. Tôi chọn học đại học vì mọi người nghĩ học cấp 3 xong thì phải học đại học. Tôi học vẽ, thì cô giáo bảo nên thi kiến trúc, ừ, thi, đậu, học,.. Mọi thứ dễ dàng với tôi như ăn một viên kẹo bạc hà nhân sôcôla, vì phần bạc hà cay đắng ba mẹ tôi đã gồng mình lên gánh vác giùm tôi.

Và trong suốt quá trình theo học kiến trúc, cái “ngành” không phải cho con gái đặc biệt là với một đứa có tâm hồn lúc nào cũng treo ngược cành cây như tôi. Ngay cả trong giấc mơ ngày thơ bé tôi cũng không thể nghĩ là mình có thể chọn, học, đậu rồi học ngành này. Người ta bảo học vẽ nhàn lắm, tôi không có ý muốn ca cẩm hay than vãn gì ở đây, à chỉ là thức tới sáng cùng đồ án, ngồi cả ngày gò lưng ra vẽ,… Mỗi ngành nghề đều có một nỗi cơ cực riêng của nó, đã đi làm, đi học và theo đuổi sự nghiệp mà, lấy đâu ra hai chữ an nhàn và dễ dàng cơ chứ. Mọi thứ tôi từng đọc trong sách ở thư viện huyện trước kia bỗng trở nên có ích.

Tôi càng lớn càng nhận ra mình đang bị cuốn theo suy nghĩ của quá nhiều người và bản thân tôi cũng bị những người xung quanh mình ảnh hưởng quá nhiều. “Trẻ em như trang giấy trắng”, vâng, tôi không nhận mình là người lớn bao giờ cả, tôi thấy mình như là đứa trẻ sống lâu năm, sinh ra để dùng cả đời này để đi tìm lý do tồn tại của bản thân. Tôi là ai? Hai mươi năm cộng rồi mà tôi vẫn thấy câu trả lời đó mơ hồ, tôi xem phim thấy người ta chạy, tôi chạy, thấy người ta đọc sách, tôi đọc sách, thấy người ta xinh đẹp, tôi học cách làm đẹp bản thân từng ngày,… Nghe có vẻ tích cực, nhưng cũng có nhiều lúc, thấy bạn đồng trang lứa rơi vào hoàn cảnh khó khăn mà nó vẫn mỉm cười vượt qua, nó vẫn sống đầy niềm tin hy vọng, và những lúc ấy, ánh mặt tôi ứa đầy nước, có những đêm mất ăn mất ngủ, một phần vì thấy bản thân thật kém cỏi. Tôi cũng từng nghĩ đến cái chết, vì tò mò, tôi từng tò mò rằng bên kia cái giây phút tắt thở là gì nhỉ? Câu hỏi lạ lùng và có vẻ thú vị ấy luôn trong tôi. Và cho đến những ngày tôi biết cảm giác yêu đương say nắng một người là gì thì cái chết với tôi cũng vẫn còn là những chấm hỏi to đùng, nhưng tôi đã bắt đầu biết sợ. Vì sợ cảm giác tôi biến mất mà những người thân yêu mình phải khóc thương cho mình, nên tôi dù tò mò thế giới bên kia cũng không muốn thử vào lúc còn quá nhiều thứ đang thử thách mình như thế.

Tuổi hai mươi với những hoài bão ước mơ, với những nổi sợ luôn lãng vãng quanh mình, với những trò chơi, với những bài học, thử thách của cuộc đời. Trường đại học bắt tôi trả tiền học phí cho những giờ lý thuyết trên lớp, ngoài thực tế, bắt tôi bỏ hết thời gian tuổi trẻ mua những bài học để trưởng thành. Tôi không biết rồi rằng những đứa trẻ sống lâu năm như tôi, càng lớn thì suy nghĩ có còn giống nhau hay không? Chứ bao đời nay trên đất Việt này, ai cũng sinh ra, lớn lên, đi học, học hết 12 năm là phải đi học đại học, đi học nghề đi làm, rồi mới hai mươi tuổi ai cũng hỏi “lập gia đình chưa? Lương tháng bao nhiêu rồi?...”, đàn ông con trai phải lấy vợ sinh con, đàn bà con gái lớn phải lấy chồng, lập gia đình phải sinh con, sinh con, cho con đi học phải học giỏi… Rồi cả một vòng quay hối hả, tôi sống như vậy vì mọi người xung quanh tôi đang sống như vậy? Tôi thấy mình là đứa trẻ may mắn mà cũng lắm bất hạnh. Đương nhiên rồi, bất hạnh là khi sinh ra ai cũng phải khóc, không trừ ai, khóc là thấy khổ rồi. Còn sự sung sướng mà tôi nhận được cũng như bao đứa trẻ bình thường khác là tôi sinh ra không dị dạng hình hài, không khuyết tật bẩm sinh, cha mẹ có đầy đủ, họ thương yêu và chăm sóc cho tôi và những người anh em tôi. Chỉ có một điều làm tôi đang băn khoăn mãi trong đầu, ồ thế ra “nếu tôi muốn là một đứa trẻ sông lâu năm mà phải cực kỳ hạnh phúc thì thế nào mới thực sự là hạnh phúc tôi đang muốn chạm tay tới?” Một đứa trẻ sống với nhiều suy nghĩ luẩn quẩn và vòng quanh như tôi lại chỉ khiến cho bản thân tôi tự đau đầu mà thôi. Thế nhưng tôi vẫn muốn biết, rồi viết tất cả những suy nghĩ kỳ cục và lạ lùng của bản thân mình ra, vì tôi không thể biết được rằng, tôi hai mươi cộng cũng có lắm lúc mưa gió nổi hứng ngồi cào bàn phím như thế này. Tôi viết vì muốn được chia sẻ, và giải bày những suy nghĩ của mình ra, để một ngày, những nỗi sợ trở nên bé tí teo. 


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!