iPub.vn Covid banner

PHONG VẬN - LÀNG VÀ TÔI (PHẦN 1)

vũ thị tuyết nhung       4 năm trước       612 lượt đọc

Thuở thơ bé tôi chưa có ấn tượng và khái niệm về nỗi nhớ làng. Tháng ngày thấm thoát trôi, tôi trưởng thành, đi xa mới thấm hết câu thơ của thi sĩ tài hoa Chế Lan Viên: 

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”

Phần 1:

( Mở đầu cuốn sách PHONG VẬN- LÀNG VÀ TÔI)

Mẹ tôi ôm bụng, cắn chặt răng, cố gắng chịu đựng cơn quặn thắt muốn rách toang của bà bầu sắp sinh. Bố tôi mặt cắt không còn giọt máu, lăng xăng chạy đi chạy lại xếp đồ mà không biết lấy cái gì bỏ cái gì. Tay chân lóng ngóng như gà mắc tóc, miệng lẩm bẩm như một cái máy: “Đau lắm à? Đi viện thôi! Đi viện thôi!” trông rất tội nghiệp

Bà tôi nhìn thấy bố cứ lượn ra lượn vào như một cái máy, vừa thương con vừa buồn cười liền bảo:

- Con để đấy mẹ làm cho! Chạy sang hàng xóm nhờ chú Tới và chú Thành sang cùng với con chở vợ và mẹ đi viện, nhanh lên!

Một tiếng đồng hồ sau cả nhà tôi đã có mặt ở viện.

Mẹ nằm trên bàn đẻ, đau đớn nắm chặt tay bố, hét lên mỗi lúc cơn quặn kéo đến. Tất cả nội tạng bên trong như bị một bàn tay vô hình túm lấy, giật tất cả ra. Giật không được, bàn tay ấy lấy kim châm thành ngàn lỗ thủng li ti bé xíu khắp tim gan ruột phổi, châm chán rồi cầm con dao cùn cứa từng tý một. Làn da rung lên theo tốc độ giật kéo của bàn tay, sắp rạn nứt, rách toang. Môi miệng khô khát như trẻ con nghịch dại cầm cả cốc cát khô đổ vào mồm. Cơn đau khiến cả cơ thể run lên, tay chân có cảm giác bị cả tổ kiến đốt, nhức buốt khôn tả. Khi cơ thể tưởng như bị xé làm đôi, giống người tử tù do phạm trọng tội thời kỳ vàng son của chế độ phong kiến bị tứ mã phanh thây, cơ thể xé nát từng chút một, mẹ hét lên một tiếng rồi im lặng và vài giây sau khi nghe tiếng khóc oe oe chào mọi người của tôi, cũng đôi môi ấy đã hiện lên một nụ cười rạng rỡ nhất mà mẹ có thể cười. Đôi mắt đau đớn lờ đờ không còn sự sống ấy lại long lanh tươi vui trở lại, cứ như chưa từng có nỗi đau nào vừa đi qua. Hạnh phúc nhưng không còn sức lực, mẹ chìm sâu vào giấc ngủ, trên môi còn đọng nụ cười và khoé mắt còn lưu lại giọt lệ khóc vì sung sướng, an bình cùng con..Đấy là tôi nghe bố kể lại chứ ngày ấy đã biết gì đâu!

Nếu những cảm xúc trong đời mẹ tôi được ví như con người thì hạnh phúc là cô em lùn tịt suy dinh dưỡng, còn đau khổ bất hạnh thì như một người anh cao to to thừa cân béo phì. Hai anh em đi với nhau ngang số mười trẻ mẫu giáo mới tập viết. Cái số mười khác thường ấy cứ bám chặt và song hành với mẹ tôi như bóng với hình ấy. Giống như bản chất tự nhiên sinh mẹ ra là vậy, thuận chiều và thân thuộc như trời mùa hạ nhiều nắng ít mưa vậy! Vừa ra đời buổi sáng thì buổi chiều tôi không chịu bú, toàn thân tím tái, thở dốc phải đi cấp cứu gấp. Lại thêm một tuần chờ theo dõi, đồng nghĩa với việc cả đêm mẹ lo lắng và bị tôi quấy nên dẫu có cạn lực thì cũng phải vay thêm chút nghị lực sinh khí của đất trời và hơi thở của tự nhiên để tồn tại mà ôm con. Cứ tưởng tượng nửa đêm xung quanh bốn bề im lặng chìm trong giấc ngủ, cả phòng chỉ còn mỗi mẹ mắt khô thân mỏi chân tê dại, hết nằm rồi ngồi, hết quỳ lại đứng và tuần hoàn trở lại ôm đứa con nhỏ xíu không chịu nằm chiếu, chỉ thích trong lòng mẹ là ruột gan tôi quặn thắt, nước mắt lại tuôn rơi không kìm được. Đúng là nước biển, suối nguồn không bao giờ đong đầy tình mẹ được. Các cụ nói muôn đời là chân lý: có nuôi con mới biết lòng mẹ cha! Nước mắt chảy xuôi, có bao giờ chảy ngược. Mẹ như một cái bàn chải, chải hết mọi vết bẩn trong đời tôi, đến khi cái áo thanh xuân son trẻ của tôi sạch sẽ tinh tươm thì bàn chải đã mòn quá nửa. Nhưng nửa còn lại dù mòn vẹt vẫn phụ cái bàn chải mới tinh là tôi chải áo của con mình. Biết dùng hình ảnh câu chữ nào để lột tả hết được sự hy sinh vỹ đại của mẹ tôi nói riêng và những người mẹ khác nói chung đây? Hàng triệu người cầm bút từ thế hệ này sang thế hệ khác đã viết rồi mà vẫn chưa đủ. Báo hiếu mẹ cho trọn ân nghĩa của Người là điều không thể nên lòng con xin ghi ân tất cả các kiếp còn được trời cho nhớ. Và con chỉ có thể cố hết sức chăm lo cho con mình như mẹ đã dành cho con mà thôi. Tất cả chúng ta đã sinh ra là thân người đều mang nợ. Nợ mẹ một sinh mạng, nợ cha một đời sống. Vì vậy trước khi có hành động tàn hại chính bản thân mình, mong các bạn hãy trả xong nợ đã!

Cuối cùng thì ông anh trai cũng nhường đường cho em gái, mẹ con tôi được bình an về nhà. Lại nằm trên võng dù. Chiếc võng được luồn hai đầu bằng một cây luồng dài to và rất chắc. Hai đầu cây luồng được chằng thật chặt vào hai đầu hai chiếc xe đạp của bố tôi và chú Tới, đáy võng được lót một cái chăn gấp làm ba cho mẹ con tôi khỏi đau người vì đường đất gồ ghề. Bố vui như một đứa trẻ được mặc quần áo mới và nhận tiền mừng tuổi ngày tết, vừa đi vừa nghêu ngao hát:

“ Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay…”


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!