Những quan điểm cá nhân về đạo đức và suy nghĩ về cách sống
Trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng ta hiện nay chúng ta không khỏi bàng hoàng xót xa về những những hành động dã man, tội ác rùng rợn khiến chúng ta lo sợ về một cuộc sống “người ăn thịt người”.
Những hành vi sai trái, tội lỗi không chỉ trong thời “văn minh, hiện đại” mới tồn tại mà nó đã song hành từ thời xuất hiện những con người đầu tiên xây dựng xã hội công xã nguyên thủy. Tất cả lỗi lầm đều xuất phát từ lợi ích cá nhân, những suy nghĩ vị kỷ của mỗi người. Nhưng hành vi xấu xa, tội ác lại ngày càng ghê rợn và có chiều hướng gia tăng cùng với sự phát triển của xã hội. Và điều đáng lo ngại nhất là đối tượng phạm tội là thế hệ trẻ - những người lẽ ra phải đem sức khỏe, tài năng, trí tuệ…của mình để xây dựng quê hương, đất nước. Đó là một thực tế quá đỗi phũ phàng và mang một màu sắc u ám trong bức tranh cuộc sống vốn vẫn đầy tình người, lòng nhân ái, sự trắc ẩn…
Tôi viết ra những dòng chia sẻ này không phải để có cái nhìn bi quan về một tương lai hay thiếu niềm tin vào những người trẻ hôm nay. Tôi chỉ đang lo lắng về một nền giáo dục của nước ta khi mà giáo dục gia đình dần trở nên yếu thế và không được chú tâm xây dựng thành “nề nếp gia phong”. Tuy rằng giáo dục Nho giáo thời phong kiến có rất nhiều điều đáng để ta phê phán nhưng không phải không có mặt tốt đẹp của nó với những lời răn dạy về đạo lý luân thường như nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã viết “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Có thể nói từ ngàn xưa, con người luôn hướng đến các giá trị Chân, Thiện, Mĩ nên trong đạo đức Nho giáo các quy tắc ứng xử giữa con người đều có khuôn phép mực thước.
Ngày trước khuôn phép, gia giáo là thế cũng có những con người xấu xa, bần tiện sẵn sàng làm chuyện ác nhưng đạo đức xã hội không đến nỗi xuống cấp sa sút, suy đồi như hiện nay. Đối tượng phạm tội có những hành động tàn sát đồng loại một cách dã man, không còn tính người. Tôi thật sự không tưởng tượng nổi cảnh những người ruột thịt trong gia đình lại gây ra giết chóc, sát hại lẫn nhau. Tôn ti, trật tự trong gia đình và xã hội đang bước vào một vòng xoáy hỗn độn những mâu thuẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại. Liệu chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc sống thiếu đạo đức, thiếu tình yêu thương như thế nào đây?
Tôi cũng không biết rồi xã hội sẽ phát triển đến mức độ nào nhưng tôi lo sợ lắm về một xã hội tương lai mà ở đó máy móc sẽ thay thế sức người, con người làm việc cũng như robot. Vậy thì tại sao ngay hôm nay chúng ta không hành động bằng những việc làm rất cụ thể và thiết thực là quan tâm và yêu thương những người bên cạnh ta. Nếu chúng ta biết yêu thương thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn “Có gì đẹp trên đời hơn thế/Người yêu người sống để yêu nhau”.
Nếu ngay từ trong gia đình ông bà cha mẹ luôn quan tâm chăm sóc, dạy dỗ con cái bằng tình yêu thương, bằng những lời nói và hành động việc làm mang tính nêu gương thì chắc chắn rằng mỗi đứa trẻ sẽ được lớn lên trong một bầu không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Và nếu được như vậy, mỗi gia đình sẽ thật sự là một tế bào tốt, một tế bào khỏe mạnh của xã hội. Mỗi gia đình có những con người tốt thì toàn xã hội sẽ tràn đầy yêu thương. Mỗi người sống không chỉ cho riêng mình mà còn để chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình. Thật vậy! Có những người được sinh ra không trọn vẹn về ngoại hình nhưng họ đã vượt lên nghịch cảnh, vượt qua chính mình và chiến thắng số phận nghiệt ngã để tô điểm cho cuộc sống những sắc màu ý nghĩa. Bởi chỉ có những người “khuyết tật về tâm hồn mới đáng xấu hổ”. Dù bản thân mỗi người luôn có hai mặt đối lập “thiên thần và ác quỷ” tồn tại nhưng nếu mỗi người tự nhận thức được những ưu điểm của bản thân để phát huy và không ngừng hoàn thiện nhân cách của bản thân thì mỗi người đã là một giá trị đầy ý nghĩa. Có nhiều điều trong cuộc sống ta không có quyền được lựa chọn nhưng chúng ta có thể chọn “Nếu được sống thì hãy yêu thương” bằng tất cả sự chân thành và một trái tim ấm áp để hạnh phúc mãi đong đầy.