Thanh xuân là một bản nhạc không quá dài cũng chẳng ngắn. Đó là bước đệm cho quá trình trưởng thành. Dù muốn hay không thì nó cũng phải kết thúc. Và dù kết thúc thế nào thì chúng ta cũng vẫn yêu nó phải không đằng ấy?
Nếu thanh xuân là một bản nhạc, thì cậu cậu sẽ hát nó bằng giọng buồn hay vui?
Tôi, nằm thở phều phào, trống rỗng sau ngày dài vật lôn, mệt nhoài của cuộc sống nơi thành thị. Mệt không phải vì mình phải làm việc gì đó tốn sức, nó đơn giản là tôi mệt nhoài từ bên trong tôi. Tôi cô đơn, tôi vô cảm với mọi thứ đang diễn ra quanh mình. Tôi buồn cũng chẳng tới mà vui thì lại càng không. Nó cứ là cảm giác chán chường đến vô tận. Tôi dồn nén mọi thứ lại để có cơ hội bung ra vào một buổi đêm tĩnh mịch rồi khóc cho quên sự đời. Nhưng buồn thay, tôi chỉ ngồi đó thôi, chẳng thể rơi lấy một giọt lệ nào. Tôi khao khát muốn bản thân mình bộc lộ cảm xúc như xưa nên bèn loay hoay tìm lại chiếc hộp cất đồ xưa cũ. Bài viết về thanh xuân thì có ti tỉ bài viết, nhưng đọc lại của chính mình thì cảm xúc sẽ chân thực hơn. Chiếc hộp giấy với chữ “Thanh xuân” màu hồng to bự bên ngoài được cất cẩn thận trong tủ khóa. Tôi lâu lắm rồi mới dám mở lại nó, tôi đã từng sợ rằng khi nhìn vào nó bản thân sẽ tiếc nuối không ngừng và lưỡng lự không dám ngoảnh đầu bỏ đi. Kỉ niệm dù là buồn hay vui thì đó cũng là báu vật của tôi. Ở trong đó có cả áo đồng phục, cặp tóc, áo nhóm, album ảnh, nhật ký và ti tỉ thứ minh chứng cho con người, tình bạn và tình yêu thủa ngây thơ của tôi. Tôi cầm lên cuốn nhật ký xinh xinh màu vàng cũ kĩ mà tôi chỉ viết vào chứ chẳng đọc lại.
Tôi lật lại từng trang giấy trong cuốn sổ nhật ký đã cũ phủ đẩy bụi. Giờ mới thấy thói quen viết nhật ký lợi ích vậy mà tôi đã bỏ ngỏ nó suốt hơn 3 năm nay. Những lúc thế này nên đọc lại xem ngày xưa bản thân mình thế nào để còn được sống lại những cảm xúc dù là buồn hay vui. Tôi không ngờ việc đọc lại thú vị đến vậy. Một đứa đang ở lưng chừng của quá trình trưởng thành xem lại những thước phim của mình hồi bé. Tôi chọn đoạn phim hồi cấp hai và cấp ba để đọc.
Thời cấp hai u uất ấy mà, tôi chỉ có đển trường rồi về nhà. Vì chuyển lên ngôi trường mới trên thành phố, nên cái đứa quê một cục như tôi cũng mất khá nhiều thời gian để làm quen mọi người. Cả chục trang giấy chỉ xoay quanh chuyện hôm nay có bắt chuyện được với ai không hay hôm nay giải được bao nhiêu bài tập. Bạn bè trong lớp thì chơi bè phái. Chuyện học hành thì luôn so đo, cạnh tranh nhau. Đến khi kết bạn được với một nhóm bạn thì tôi lại rơi vào bế tắc khi không thể hòa nhập được vào những cuộc nói chuyện của nhóm. Chẳng phải là bạn bè không tốt, chỉ là chúng tôi không chung một nhịp. Tôi quý họ nhưng mọi thứ về tôi đều khác họ, khác đến đau lòng. Cả hai lần chuyển trường trước đó cũng chẳng có bạn nào ở lại dự buổi chia tay tôi. Tôi đau lòng tự hỏi trước giờ liệu chúng ta có là bạn? Ở nơi ở mới những bạn cùng trang lứa cũng chẳng chơi với tôi. Tôi chẳng thấy mình có duyên với tình bạn chút nào nên tôi khép mình. Tôi cũng chỉ hình thành thói quen ghi lại suy nghĩ của mình từ lúc ấy, vì trước đó tôi luôn cảm thấy không an toàn vì sợ ai đó đọc được những sự thật trần trụi về tôi. Nhưng bây giờ không có ai để nói chuyện, không có ai chơi cùng thì tôi sẽ bị cảm giác tồi tệ nhấn chìm mất. Cuốn nhật ký là tất cả những gì tôi có. Ngày ngày tôi chơi với cỏ cây, tôi chơi với tụi lít nhít 3-4 tuổi trong xóm, tôi ngồi nói chuyện với mèo với chó rồi biến nó thành câu chuyện để kể với người bạn nhật kí của tôi. Tôi dần đánh mất hình ảnh con bé xưa cũ tưng tửng, vui tươi chạy khắp làng khắp xóm trước kia. Tôi cứ như vậy cho đến năm lớp 12. Rồi bỗng một ngày, tôi đã đọc ở đâu đó một câu chuyện về viêc sau này lớn lên chúng ta sẽ tiếc nhất là những tháng ngày cấp ba không sống hết mình. Tôi sợ bản thân sẽ hối tiếc như nhân vật chính của chuyện. Nỗi sợ ấy lớn đến vậy hay là do tôi quá thích cậu bạn cùng lớp mà vào cái ngày đẹp trời ấy, tôi dám nói câu “xin chào cậu” với chàng trai tôi thích thầm từ năm lớp 9 đến giờ. Lúc đó chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ là tự dưng tâm đắc ” đời là mấy tí mà sao không dám thử”. Tưởng chừng như hai đứa là cả hai thế giới không một điểm chung ấy chỉ có thể dừng lại câu “ chào cậu”, ấy thế mà đằng sau lời chào ấy là cả những đêm nói toàn chuyện tào lao với nhau. Một đứa thì bao nhiêu năm rồi chẳng ra khỏi nhà, một đứa thì bao nhiêu năm rồi chẳng thấy mặt ở nhà. Một đứa trẻ con toàn chuyện ngốc xít, một đứa thì trưởng thành hơn so với độ tuổi. Tháng ngày ấy, cậu bạn này là một làn gió mới thổi vào tôi, tôi nghĩ đối với bạn ấy cũng vậy thôi, chẳng phải tôi cũng quá khác so với cậu ấy sao. Rồi từ đó những trang giấy dành cho tháng ngày cuối của quãng đời học trò là những dư vị mới mẻ cho thanh xuân của tôi. Đã lâu lắm rồi, tôi mới nói chuyện với ai đó nhiều đến vậy. Tôi nói như chưa thể được nói, tôi cười như chưa thể được cười. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nhận được những cái xoa đầu, búng trán, những nụ cười mà tôi thấy chúng đáng yêu vô cùng. Nếu cần tâm sự thì đều có thể nói ra. Dù chê tôi ngốc, tôi nói chuyện hại não thì cũng vẫn ngồi đó nghe tôi nói. Chúng tôi trở thành bạn chí cốt. Đương nhiên là tôi phải dấu đi cái chuyện thích thầm nó rồi, tôi thích làm bạn với bạn ấy hơn. Từ việc nói chuyện với “crush”, tôi mở lòng hơn, cũng từ đó mà tôi có nhiều bạn hơn. Tôi tìm lại tôi tinh nghịch, tươi trẻ sau những tháng ngày u uất. Ngoài “crush” thì tôi còn có thêm những đứa bạn chí cốt khác. Chúng tôi buôn chuyện trên trời dưới biển, buôn từ lớp này đến lớp kia. Nhiều lúc buôn quên cả học hành. Tôi tham gia đủ trò nghịch ngợm cùng các bạn trong lớp. Tham gia cả những trò trước kia tôi từng lắc đầu ngán ngẩm sao chúng nó làm vậy. Thậm chí là cầm đầu luôn. Các bạn cũ học cùng tôi hồi cấp hai và thầy cô trong trường đều bất ngờ” cái gì đang xảy ra với tôi vậy”. Giờ chuyện học hành không còn là chủ đề duy nhất nhắc về tôi nữa, mà còn là những chuyển biến trong tính cách nữa. Tôi thích việc đến lớp vì ở đó có vô vàn niềm vui. Trước kia thì nghĩ dù là ở nhà hay trên trường thì tôi cũng ngồi học thôi nên chẳng có gì khác nhau. Những năm tháng ấy tôi thực sự hạnh phúc. Tôi dám làm những việc tôi muốn, tôi dám nói ra suy nghĩ của mình, Tôi nhận được sự quan tâm của bạn bè. Tôi cũng hiểu hơn rằng đằng sau những con người mà trước kia tôi cho rằng họ xấu tính thì cũng chỉ vì do họ đã chịu nhiều tổn thương từ bé. Chúng tôi tha thứ cho nhau, chúng tôi cùng nhau khóc, cùng nhau cười. Tôi không còn ích kỷ sống trong vỏ bọc cho riêng mình nữa.
Nhưng cuộc vui nào chả có lúc tàn. Cái ngày cuối cùng cũng đến. Chúng tôi chia tay nhau, mỗi đứa một ngả. Cuộc sống làm chúng tôi xa rời nhau. Vẫn là những đoạn hội thoại hồi lớp 12, hơn ba năm nay rồi chẳng chút thay đổi. Điện thoại vẫn im lìm chẳng một tin nhắn đến. Chúng tôi lạc mất nhau. Trong suốt ba năm nay tôi chẳng có thêm được bạn mới, cũng chẳng còn là bạn của những người năm xưa. Tôi lại trở về tôi cô độc. Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao những người từng cả đêm nói chuyện với chúng ta giờ không còn thế nữa. Có lẽ cũng chẳng thể giải thích nổi, cuộc sống là vậy thôi. Giờ trở lại chốn xưa, cũng không còn đẹp như trước nữa. Có lẽ là vì chúng ta đã thay đổi. Hoặc cõ lẽ những nơi ấy cũng chẳng thay đổi, ta thấy chúng đẹp vì hồi đấy ta trải qua những khoảnh khắc đẹp thôi. Bây giờ ta chỉ còn cách chấp nhận. Dù sao cũng là một thời oanh liệt. Một thời để nhớ. Đó là những năm tháng cùng nhau làm mọi việc, nó còn là những năm tháng của những lời yêu thương bỏ ngỏ. Tôi chỉ tiếc cho tình bạn kết thúc không một lời nói chia tay, và tiếc cho một tình cảm đơn phương ở lại mãi thanh xuân năm ấy. Tôi không nghĩ thanh xuân mình là bản nhạc buồn cho dù cái kết buồn ấy. Nó là bản nhạc mà tôi chỉ muốn cười khi nhớ lại. Nằm nghe bài “ Bài hát của Bờm” của chị Lý mà đến lặng người với từng câu từ:
“Cứ bước trên đường dài lặng yên ngắm nhìn.
Cứ thế không cần tìm một bàn tay êm
Tiếng nói không cần lời để trong trái tim ngập ngừng
Vì sao cố nói mới là yêu?
Đứng cách xa lời chào tựa như lúc xưa
Cứ thế âm thầm nhìn người vừa đi qua
Sáng sớm sương ngập vào bàn chân biết vui một mình
Vì sao cố níu tên người quen?