Hãy tiếp tục vững bước trên những con đường chông gai, để đi đến các mục đích vinh quang của riêng ta. Và biết rằng, chúng ta không cô đơn, vì sẽ luôn có những con người góp phần, vẽ nên bức tranh cuộc đời của chúng ta.
Đã là con người, ai chẳng muốn mình có cuộc đời tốt đẹp, với một tuổi thơ hồn nhiên hạnh phúc, cùng một tương lai tràn ngập niềm vui và sung túc. Nhưng đã bao nhiêu người muốn mà được, vì đâu ai có thể chọn trước cho mình một nơi để ra đời, và tương lai thì luôn là một ẩn số. Tuy nhiên, đó mới chính là cuộc đời có ý nghĩa và đáng sống, đáng để cho mỗi chúng ta trải nghiệm và tiến bước lên những đỉnh đồi vinh quang của riêng mình. Và một điều chắc chắn, trên những con đường ấy, sẽ có những người đặc biệt, góp phần vẽ lên bức tranh của cuộc đời chúng ta. Với tôi, bốn mươi năm, gần nửa cuộc đời, ngoảnh lại và suy tư, tôi chợt nhận ra cuộc đời mình gắn liền với những người phụ nữ. Họ là những tặng phẩm tuyệt vời mà Thượng đế đã dành tặng cho tôi, để giờ này tôi có thể thốt lên hai tiếng: “Cảm ơn”...
Bà ơi! Dù đã ba mươi hai năm trôi qua, nhưng hai tiếng thân thương ấy, vẫn còn đọng lại trong lòng tôi như ngày nào. Những lúc nắng, hay những khi mưa, lúc trái gió, hay những hôm trở trời, bà vẫn bên tôi trong tuổi thơ yêu dấu ấy. Cái tuổi thơ mà bà vừa là bạn, là ba, là mẹ và cũng là cô giáo. Đó là giai đoạn mà một thằng bé tám tuổi nhưng đã biết buồn, giận, và hận...
- Vì sao nó không được ở với cha với mẹ, được chăm sóc, chìu chuộng như những đứa trẻ khác! Dầu vậy, nó vẫn biết mình còn hạnh phúc hơn bao đứa trẻ khác đang vật lộn với cái đói, cái rét ngoài xã hội, vì nó có bà. Bà đã từng nói:
- Ba mẹ phải đi xa để kiếm sống, bà không có gì cho con ngoài cuộc đời của bà... (vài năm sau tôi mới biết ba mẹ đi xa để trốn các chủ nợ).
Trong những năm khó khăn ấy, bà phải còng lưng đi lượm từng chiếc lon, bịch bóng để nuôi tôi qua tuổi thơ thiếu thốn ấy. Nhưng đó là những kỷ niệm không thể quên, nó đã làm nên tuổi thơ của tôi với đồ chơi, là chiếc lồng đèn Trung thu bằng lon nước ngọt, khẩu súng bằng lon sữa, hay những cái trống bằng bịch bóng. Những bữa cơm khoai mì, dĩa rau muống với mấy con cá bóng kho quẹt, ...mà giờ đây, khi cuộc sống đầy đủ hơn, thì hương vị bình dị ấy vẫn khắc khoải trong tôi, vì nó là một phần của cuộc đời tôi. Nhưng cái hôm định mệnh ấy, nơi hồ nước đầu làng, bà tôi đã ra đi không bao giờ trở lại để cho tôi được sống...Giờ đây, ...
- Ước gì tôi được trở về tuổi thơ, được nắm tay nội, được chải mái tóc bạc màu sương gió, và được trả ơn dưỡng dục của nội.
Nhưng tôi biết, nếu giờ đây, nội có thể thấy tôi, thì điều nội ước mong nhất không phải là được tôi trả ơn, nhưng là được nhìn tôi trưởng thành, hạnh phúc và sống như những điều nội đã dạy.
- Bà nội ơi! Con sẽ giữ lại những khoảnh khắc, những kỷ niệm ấy trong những trang văn và hơn thế nữa, con muốn nói: “Bà nội, mãi trong tim con”.
..............................................................
Sự ra đi của nội để lại nỗi đau không nguôi trong suốt tuổi thơ của tôi. Nhưng đó cũng là lý do mà ba mẹ tôi đã trở về. Mẹ là người thứ hai để lại cho tôi một chút giận, một chút trách móc, nhưng trên những điều đó, tôi biết mẹ yêu tôi thật nhiều, hơn cả chính bản thân mình. Bởi những điều mẹ đã dành cho tôi...
Xa con hơn ba năm, từ khi tôi năm tuổi. Bao năm xa con là ngần ấy năm, mẹ mỏi mòn nhung nhớ, và tự trách mình, nhưng lực bất tòng tâm. Vừa không thể chăm sóc con trai còn quá nhỏ, vừa đau xót khi ba đứa con gái phải lăn lộn ngoài xã hội quá sớm. Chị hai và chị tư thì vất vả với đồng lương ba cọc ba đồng, tại một xưởng may công nghiệp, chị ba lại cặm cụi với cái nghề gõ đầu trẻ. Mỗi người phải tự lo cho bản thân mình, chứ đâu còn biết dựa vào ai, ngoài bà nội đã già phải quần quật lo cho thằng em út...
Lần này trở về, mẹ đã dành hết mọi tình thương cho tôi. Những bữa cơm không còn đạm bạc như thuở ở với nội. Cơm trắng và thơm hơn, nào là cá lóc kho tộ, canh bầu nấu tôm, ...Nhưng sao tôi vẫn cảm thấy những bữa cơm ấy thiếu một thứ gì đó. Nên những ngày đầu, tôi chỉ ăn được một chén là đã thấy ngán, và bỏ đũa, tìm một chỗ yên tĩnh nào đó để suy tư về...bà nội. Sau này tôi mới biết, để có những bữa cơm ngon ấy, mẹ và ba đã phải dải nắng dầm mưa bán hơn 100 tờ vé số.
Mẹ quan sát và biết hết mọi sự, nhiều khi tôi thấy mẹ ngồi một mình, nhìn về nơi nào đó, rồi hai dòng nước mắt không ngừng tuôn. Nhớ nhất là những khi tôi cảm sốt, mẹ vẫn ngồi bên giường, lấy khăn lau liên tục, lắm lúc nước mắt rơi lả tả lên má tôi, khiến lòng tôi có lúc chợt thương mẹ lắm. Nhưng, ...
Trong gia đoạn ấy, gia đình tôi chuyển nhà đến khu mới, với tên “Lò Heo”. Nơi ấy, đã ảnh hưởng phần nào lên đời sống của tôi trong một giai đoạn nhất định. Tại đó, tôi được đặt cho cái biệt danh “Năm lì”. Chính sự ngang bướng và hơi lì ấy, mà đôi lần tôi đã làm mẹ buồn. Đến lúc tôi muốn nói: “Xin lỗi mẹ” thì đã muộn màng. Căn bệnh tim đã cướp mẹ tôi đi mãi mãi khi tôi vừa tròn mười lăm tuổi.
Mẹ ơi! Con muốn nói lời xin lỗi mẹ. Con sẽ giữ mãi “tấm lòng của một người mẹ”, và ước ao ai còn mẹ thì hãy yêu thương, chăm sóc. Đừng để đến lúc muốn nói lời xin lỗi thì...
..............................................................................
Cứ ngỡ cuộc đời sẽ không còn ý nghĩa, khi cái chết đã cướp đi hai người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời mình. Nhưng khi “một cánh cửa đóng lại, thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra”, câu nói ấy, quả thật đúng với tôi!
Em đến bên tôi thật bất ngờ, thật nhẹ nhàng và rất tự nhiên. Tôi gặp em không phải nơi phố chợ phồn hoa, nhưng là trại bảo trợ xã hội, trong dịp thiện nguyện. Cái duyên đã run rủi em đến với tôi, một cô gái có lòng nhân ái, được trưởng dưỡng bởi một người mẹ đặc biệt “không thể nghe, không thể nói”.
Hơn mười năm chung sống, từ những ngày đầu thiếu thốn, đến những lúc đầy đủ, sung túc hơn, em vẫn là người bên tôi để khích lệ và cùng chung vui. Em vẫn thường nói:
- Khổ sở, thiếu thốn đến đâu em và con cũng chịu được, chỉ cần có anh bên cạnh.
Em đã thay mẹ và bà để chăm sóc tôi khi trái gió, trở trời. Sẵn sàng im lặng ngồi bên tôi hàng giờ khi gặp khó khăn, mỉm cười khích lệ khi tôi thành công...
Có rất nhiều điều để tôi nói về em, hãy để câu chữ nói lên điều đó nhé “bà xã”.
.........................................................
Chính em là người đã cho tôi niềm vui, hạnh phúc, khi đón đứa con gái đầu lòng, sau năm năm về chung sống dưới một mái nhà.
Cháu lớn lên xinh đẹp và khôn ngoan. Tôi là người khá nghiêm khắc, nên thường nhắc nhở và rầy con từ việc lớn đến việc nhỏ, kể cả việc đôi lần dùng roi (bản thân rất đau và xót con lắm). Sau những lần ấy, tôi hỏi con:
- Con có giận và ghét ba không? Cháu khóc, úp mặt vào lòng tôi rồi thút thít...
- Không ba ơi! Con yêu ba nhiều lắm, con biết mình sai nên ba mới dạy.
Cháu cũng là một “thiếu nữ” thực thụ trong nhà. Là người góp phần với mẹ để có những bữa ăn ngon cho gia đình, chăm sóc em trai để ba mẹ làm việc. Có thể nói, cháu là món quà Thượng đế dành tặng cho gia đình tôi.
Chỉ trong văn chương, con người ta mới bộc bạch được hết những nỗi lòng, tình cảm dành cho những người xung quanh mình. Tôi muốn viết về “tôi và những phụ nữ đời tôi”, ước mong đó là những câu chuyện đẹp, và nhân văn về gia đình. Với hy vọng, mỗi chúng ta hãy quý trọng và vun đắp gia đình. Nơi chúng ta yêu và được yêu, nơi mỗi người có thể trở về và khóc khi thất bại, nơi có những người cùng ta mỉm cười khi hạnh phúc./.