iPub.vn Covid banner

[TTO] Đi bệnh viện mùa dịch COVID-19

iPub.vn       4 năm trước       287 lượt đọc

“Xịt, xịt, xịt nữa đi. Nói hoài mà không nhớ. Lây bệnh lây biếc lùm xùm bây giờ” - một bà mẹ luôn miệng nhắc nhở con trai đang lơ ngơ vào khám ở Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM xịt cồn khô sát khuẩn lên tay.

"Con không sao mà" - cậu con trai vùng vằng. "Lại cãi, xịt đi, xịt đi, mình không sao nhưng người khác lây bệnh cho thì chết" - bà mẹ cố giải thích cho đứa con tuổi chừng học lớp 9.

"Giáp xanh, giáp trắng" khắp nơi

Những ngày này, ai vào bệnh viện cũng thấy rõ sự lo lắng và cẩn thận trước dịch COVID-19 đang hoành hành trên thế giới. Chiều 8-3, tôi quyết định đưa vợ vào Bệnh viện Đại học Y dược sau mấy ngày sốt cao mà không đau họng, ho hen, sổ mũi gì.

Cả hai đều chụp cùng lúc hai khẩu trang lên miệng mũi và dùng cồn sát trùng tay cẩn thận. Phải bảo vệ cho mình và bảo vệ cho cả người khác.

Gần 18h, người hướng dẫn chỉ thẳng vào khu cấp cứu bệnh viện để khám. Vợ tôi có vẻ lo lắng nhưng cô hướng dẫn cười nhẹ nhàng trấn an: "Giờ này khám trong đó chị ơi".

Khác với cảnh tượng thường ngày người người chen lấn ken đặc đến phát hoảng, bệnh viện chiều nay có vẻ vắng hơn hẳn. Khu cấp cứu vẫn còn những giường trống.

Các hàng ghế để người thân ngồi đợi bên ngoài vẫn trống, chẳng giống với các ngày thường đông đúc kẻ ngồi người đứng. Mấy cô nhân viên y tế nói từ khi rộ thời sự dịch bệnh, hình như người dân cảnh giác đến bệnh viện.

Nhưng điều chúng tôi chú ý nhất chính là "mảnh giáp" xanh xanh, trắng trắng trên mặt tất cả mọi người ngay từ cổng bệnh viện vào đến bên trong. Ai ai cũng đeo khẩu trang, già trẻ lớn bé bịt kín mít, chỉ lòi mỗi con mắt để nhìn thấy đường đi. Hình ảnh khác hẳn bình thường trước khi có dịch chẳng mấy người đeo khẩu trang dù ở môi trường bệnh viện.

Từ cổng chính Bệnh viện Đại học Y dược vào đến khu cấp cứu, hầu như chỗ nào cũng có những tấm bảng lớn nhắc nhở bệnh nhân và người nhà tuân thủ quy định phòng dịch. Ngay ngoài cửa phòng cấp cứu, một cô nhân viên y tế giữ lại "hỏi thăm" khá kỹ về sức khỏe và lịch sử di chuyển.

"Gần đây anh chị có đi đâu xa không? Có đi Trung Quốc, Hàn Quốc không?...". Thấy chúng tôi lắc đầu dứt khoát, cô vẫn tiếp tục phát thêm cho hai tờ giấy có ghi các câu hỏi trên để tự trả lời "có hay không" và ký thêm.

Chưa xong, cô nhân viên lại dặn tiếp: "Anh chị nhớ giữ tờ giấy này trong mình để ra vào bệnh viện nhé. Nó như "giấy thông hành" đấy. Ai hỏi thì đưa ra trình".

Xịt xịt, xoa xoa

Vừa trải qua khâu "sàng lọc" sức khỏe, tôi vừa đảo mắt nhìn quanh thấy ở đâu cũng treo sẵn các chai cồn rửa tay khô. Bàn nhân viên y tế có, cửa ra vào có và treo ngay cả trên các vách tường, cửa thang máy vừa tầm tay. Hết người này đến người khác nhấn nhấn, xịt xịt, xoa xoa để sát khuẩn bàn tay.

Bà mẹ đi với đứa con trai liên tục nhắc con rửa tay. Nhưng bà vợ chừng 50 tuổi tên Thanh Tâm cũng không quên nhắc ông chồng đầu điểm bạc "sao ông không xịt cồn rửa tay đi?".

"Xịt, xịt gì hoài. Nãy giờ 3 lần rồi đó. Còn để cho người khác xài nữa chớ. Mình xịt hết của người ta" - ông chồng đáp. Bà vợ vẫn không nhịn: "Bao đồng vừa thôi cha nội. Giữa bệnh viện bự thế này mà cũng lo hết nước rửa tay".

Tôi đưa vợ vào phòng cấp cứu, bác sĩ hỏi thăm một chút rồi yêu cầu tôi ra ngoài ngay. "Mời người nhà ra ngoài ngồi đợi loa báo. Bệnh viện đang trong chế độ phòng dịch".

22h30, vợ tôi được yêu cầu nhập viện. Sự lo lắng và cẩn thận càng hiện rõ trong căn phòng nhỏ có đến mấy giường bệnh và thân nhân chăm sóc.

Các bác sĩ, y tá, điều dưỡng che mặt sau lớp khẩu trang kín mít. Bệnh nhân và người chăm sóc cũng chẳng khác gì ninja. Chốc chốc mọi người lại làm điệp khúc xịt xịt cồn vào tay, rồi xoa xoa xoa...

Đêm tôi về, có người nhà khác ở lại. Nhưng sáng hôm sau vừa quay lại bệnh viện, tôi đã thấy không khí phòng dịch có vẻ được nâng cấp độ cao hơn. Yên tâm có "giấy thông hành" sàng lọc từ tối qua, tôi đi thẳng tới thang máy lên lầu nhưng bị anh bảo vệ chặn lại ngay. Xem giấy của tôi, anh ta không chịu mà yêu cầu quay ngược ra cửa sảnh để "sàng lọc" lại.

Lần này, tôi được cô nhân viên y tế cẩn thận "bắn" máy đo nhiệt độ ngay trán và lại hỏi han có đi qua quốc gia nào bị nhiễm dịch. Sau đó, tôi được dán một miếng giấy tròn như cái bánh quy in rõ dòng chữ "đã kiểm tra sàng lọc" trên ngực áo, rồi lại thêm vòng tay "đã sàng lọc thông tin COVID-19" mới được lên thăm vợ mình.

Hơi chậm một chút nhưng tôi không thấy ai khó chịu với thủ tục "sàng lọc cô Vy" này. Thời dịch bệnh, bảo vệ cho mình, bảo vệ cho bệnh viện cũng là bảo vệ cho mọi người.

"Thấy mọi người đều cẩn thận quá, mình cũng căng thẳng theo. Nhưng mà mùa dịch này cũng nên kỹ như vậy cho dân yên tâm, bởi bệnh viện là môi trường rất dễ lây nhiễm" - anh Nguyễn Văn Trường, huyện Đức Hòa (Long An) lên thăm bệnh nhân ở Bệnh viện Đại học Y dược, tâm sự.
Anh kể trước khi lên đây vợ đã dúi cho 5 cái khẩu trang và cả chai xịt cồn rửa tay. Vào bệnh viện thấy mọi người đều kỹ lưỡng nên nghĩ lại thấy vợ mình cẩn thận là chính xác. Ai cũng cẩn thận, mình cẩu thả không chỉ tự gây nguy hiểm cho mình mà còn có lỗi với người khác.

Nguồn: TTO


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!