iPub.vn Covid banner

[HARVARD BUSINESS REVIEW] Hôn nhân thời kì khủng hoảng

Trịnh Thị Hoài Thương       3 năm trước       608 lượt đọc

Làm sao để các cuộc hôn nhân "sống sót" vượt qua khủng hoảng ? Lời khuyên đến từ các chuyên gia thuộc trường đại học Harvard sẽ giúp các bạn “dễ thở” hơn trong giai đoạn này.

Hơn hai tháng sau khi bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh của Trung Quốc, một con số mới đáng kinh ngạc đã xuất hiện: Tỷ lệ ly hôn ở thành phố Xi Muffan, trung tâm của tỉnh Thiểm Tây, đã tăng vọt. Các con số từ Ý chưa được thống kê, nhưng những câu chuyện hài hước xung quanh thì rất nhiều: Bạn có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng này với một trong hai tình trạng, hoặc thêm một đứa con, hoặc li dị!

Hiện nay, trên thế giới có hàng triệu cặp vợ chồng có sự nghiệp riêng rẽ, giống như chúng ta, đang phải đương đầu với một tình huống mà một tháng trước chúng ta không thể tưởng tượng ra: cả hai vợ chồng buộc phải làm việc toàn thời gian ở nhà. Nhiều người trong số các cặp vợ chồng này sẽ phải chăm sóc con toàn thời gian, với rất ít hoặc không có sự hỗ trợ nào từ bên ngoài, vì các nguyên tắc cách ly xã hội nghiêm ngặt.

Bản thân công việc trở nên căng thẳng hơn bình thường - khi công việc trực tiếp tại công sở chuyển sang trực tuyến, các tổ chức phải xoay sở để phục vụ khách hàng, và bản thân công việc trở nên không chắc chắn - và vì vậy có rất nhiều sự thất vọng và lo lắng mà chúng ta mang theo về nhà. Và bây giờ đó chính là nhà: Nhà đã trở thành không gian nơi chúng ta phải đối phó với những thách thức căng thẳng này. Không có sự phân chia lao động rõ ràng giữa công việc được trả lương và việc nhà, các cặp vợ chồng đang phải đối mặt với một loạt các thách thức mới lạ. Làm thế nào cả hai có thể duy trì năng suất lao động dưới cùng một mái nhà? Ai sẽ sử dụng phòng làm việc tại nhà, và khi nào? Làm thế nào chúng ta có thể tránh rơi vào cái bẫy làm việc quá sức, vốn phổ biến ở những người làm việc tại nhà? Làm thế nào chúng ta có thể đối phó với những thói quen không mấy dễ chịu của nửa còn lại, khi phải ở cạnh nhau 24/7 ? Và, đối với những cặp đôi là cha mẹ, làm thế nào để chúng ta trông con và dạy dỗ chúng học tập, khi không còn sự giúp đỡ từ ông bà, nhà trường, hoặc người trông trẻ?

Điều mà chúng ta thường thấy, đó là các cặp vợ chồng sẽ tập trung vào thực tế: Lên kế hoạch cho từng ngày làm việc. Không bao giờ làm việc tại bàn bếp. Đóng cửa phòng làm việc tại nhà. Chia sẻ việc nhà. Nói chuyện với sếp và đồng nghiệp. Thỉnh thoảng thay đổi giữa việc chăm con và làm việc. Nghỉ giải lao thường xuyên. Tận dụng triệt để công nghệ.

Điều này rõ ràng rất quan trọng và tất cả các cặp vợ chồng, những người lao động, có vẻ áp dụng rất nghiêm túc. Tuy nhiên, sáu năm nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng, điều khiến cho các cặp vợ chồng hoặc là chia rẽ sau khủng hoảng, hoặc có kỳ trăng mật thứ hai (và có lẽ là đứa con thứ ba!) lại không đến từ cách họ đương đầu với thực tại. Điều đó không liên quan gì đến việc phân chia ai sẽ ra ngoài mua bỉm sữa và đồ ăn, trong giai đoạn khủng hoảng.

Thay vào đó, dựa trên những cuộc phỏng vấn với 100 cặp vợ chồng - cho thấy các cuộc hôn nhân "sống sót" sau khủng hoảng với mối quan hệ và sự nghiệp tốt đẹp, là những người có sự thảo luận và đồng thuận trên các nguyên tắc nhất định, khi cuộc khủng hoảng bắt đầu. Họ nên nắm bắt những gì quan trọng nhất với họ, những gì họ thực sự cần và muốn đạt được, những gì họ cần từ nhau và những gì họ có thể hi sinh cho nửa còn lại. Điều này giúp đưa ra những giải pháp thực tiễn cho những tình huống mà họ có thể gặp phải trong cuộc khủng hoảng.

Điều gì quan trọng nhất với bạn trong giai đoạn này? Câu trả lời cho tất cả chúng ta, là sức khỏe và sự an toàn của những người thân yêu. Nhưng ngoài điều này, ba mục tiêu hàng đầu của bạn cho giai đoạn này là gì? Có một dự án, công việc cụ thể mà bạn muốn hoàn thành? Một mối quan hệ kinh doanh bạn muốn nuôi dưỡng? Bạn có muốn sử dụng thời gian ở nhà để vạch ra kế hoạch chuyển đổi nghề nghiệp tiếp theo của bạn? Hay bạn muốn dành thời gian giáo dục những đứa trẻ ?

Hiểu và chia sẻ những mục tiêu này rất quan trọng, vì đó là cách tốt nhất để phân chia sự ưu tiên của bạn. Mặc dù khả năng lớn là hầu hết chúng ta sẽ làm việc kém hiệu quả hơn, trên bất kỳ phương diện nào, trong giai đoạn này.

Ưu tiên về mặt sự nghiệp của bạn trong những tháng tới là gì? Nếu bạn vừa làm việc tại nhà vừa đồng thời chăm sóc trẻ em và người già, bạn sẽ cần phải tìm ra công việc nào được ưu tiên, và ở thời điểm nào. Điều này có thể tạo cho bạn một logic để áp dụng, khi bạn phân chia thời gian chăm sóc gia đình với nửa kia. Nếu bạn hiểu tại sao các công việc khác của bạn cần được ưu tiên vào thời điểm nào, thì điều đó sẽ giúp bạn dễ dàng thỏa thuận với nửa kia hơn, mà không tạo ra những cuộc tranh cãi giữa hai bạn.

Nguyên tắc làm cha mẹ của các bạn trong giai đoạn này là gì? Bạn có cho phép nới lỏng những giới hạn về thời gian mà chúng được sử dụng các thiết bị điện tử? Đối với bạn, hoạt động nào là quan trọng nhất khi nuôi dạy những đứa trẻ ? Thời gian chúng thư giãn ngoài trời, thời gian đọc sách, thể thao, hay học tập? Làm thế nào bạn có thể chia sẻ về cuộc khủng hoảng cùng những lo lắng cho con bạn? Nếu hai bạn có cùng quan điểm về việc nuôi dạy con cái, thì sự đồng thuận này sẽ giúp cho không khí gia đình được yên ổn hơn.

Những gì hai bạn cần từ nhau để khiến cho tất cả những điều này khả thi? Tất cả chúng ta đều khao khát được chia sẻ và giúp đỡ, nhưng điều đó cụ thể là gì đối với bạn? Tình cảm hay hành động thực tế? Bạn có cần 15 phút tập trung, mỗi tối, để kiểm tra và giải quyết vấn đề trong ngày không? Bạn có cần nửa kia của mình giúp đỡ trong một số việc nhà, mà trước đây bạn thường chịu trách nhiệm hoàn toàn không? Bạn cần gì từ nửa kia, để giúp bạn thực hiện được những cam kết trong giai đoạn khủng hoảng này? Rất có khả năng là bạn và nửa kia của bạn sẽ mong muốn những điều khác nhau. Việc sẵn sàng thích nghi với nhu cầu của nửa còn lại sẽ thể hiện tình yêu và thiện chí của hai bạn, mà chúng ta đều cần để vượt qua thời điểm này.

Đối mặt với một cuộc khủng hoảng, trọng tâm của chúng ta thường thu hẹp vào các nhiệm vụ trước mắt. Tuy nhiên, miễn là các nguyên tắc đã được đồng thuận sẽ định hướng cho hành động của bạn, và miễn là bạn luôn chia sẻ một cách cởi mở với người bạn đời của mình, bạn chắc chắn sẽ vượt qua giai đoạn này - và có lẽ mối quan hệ của các bạn sẽ còn bền chặt hơn. Tiếng chuông đám cưới có thể vang lên, tuần trăng mật thứ hai có thể được lên kế hoạch trước, hoặc quần áo có thể trở nên chật đi - lúc đó bạn sẽ cần phải đàm phán một thỏa thuận khác!

--

Nguồn: Harvard Business Review

Để tích lũy kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng, hãy truy cập tài nguyên tại đây.



Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!