Sự bùng phát Covid-19 đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, khiến cho sự gián đoạn hoạt động sản xuất trên toàn thế giới đang gia tăng từng ngày.
Sự bùng phát Covid-19 đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, khiến cho sự gián đoạn hoạt động sản xuất trên toàn thế giới đang gia tăng từng ngày. Nhưng điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Các chuyên gia tại trường đại học Harvard dự đoán rằng, đỉnh điểm của tác động của Covid-19 đối với chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ xảy ra vào giữa tháng 3, buộc hàng ngàn công ty phải ngừng hoạt động hoặc tạm thời đóng cửa các nhà máy lắp ráp và sản xuất tại Mỹ và Châu Âu. Các công ty dễ bị tổn thương nhất là những công ty phụ thuộc nhiều, hoặc chỉ dựa vào các nhà máy ở Trung Quốc cho các phụ kiện và vật liệu. Hoạt động của các nhà máy sản xuất của Trung Quốc đã giảm trong tháng qua và dự kiến sẽ tiếp tục giảm mạnh trong nhiều tháng.
Nhiều phân tích so sánh dịch bệnh này với dịch SARS 2002-2003, tạo ra một điểm sáng trên thị trường tài chính toàn cầu. Sự so sánh này rất nguy hiểm, khi tầm quan trọng của Trung Quốc trong hệ sinh thái kinh tế toàn cầu đã tăng lên đáng kể trong 18 năm qua: Trung Quốc đã tăng gấp đôi tỷ trọng thương mại với phần còn lại của thế giới, giữa đại dịch SARS và đại dịch ngày nay, với nhiều ngành công nghiệp đang phụ thuộc vào Trung Quốc. Dịch SARS bắt đầu ở tỉnh Quảng Đông năm 2002, với 8.000 ca vào năm 2003. Trong năm đó, GDP của Trung Quốc chỉ chiếm 4,31% GDP của thế giới. Ngược lại, số trường hợp được phát hiện của Covid-19 nay đã vượt qua 80.000 ca và Trung Quốc chiếm khoảng 16% GDP thế giới, tăng gần bốn lần.
Nghiêm trọng không kém, áp lực gia tăng trong việc cắt giảm chi phí chuỗi cung ứng, thúc đẩy các công ty theo đuổi các chiến lược như sản xuất tinh gọn, gia công và thuê ngoài. Các biện pháp như vậy có nghĩa là, khi có sự gián đoạn chuỗi cung ứng, việc sản xuất sẽ dừng lại nhanh chóng vì thiếu các bộ phận chuyên trách. Phần lớn các công ty toàn cầu không biết về rủi ro của họ trước những gì đang diễn ra ở châu Á thực sự là gì; đơn giản vì rất ít trong số họ có thông tin đầy đủ về vị trí địa lý của tất cả các công ty cung ứng. Với những nỗ lực hiện tại của chính phủ Trung Quốc trong việc cách ly gần một nửa dân số, dẫn đến một loạt các tác động tiêu cực với hoạt động vận chuyển và sản xuất ở nước này, chúng ta có thể kết luận một cách chính thức rằng, tác động của Covid-19 đối với sản xuất tại Trung Quốc sẽ lớn hơn dịch SARS.
Do hậu quả của dịch SARS năm 2002-2003, vụ phun trào núi lửa Iceland tháng 3 năm 2010, trận động đất và sóng thần Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011 và trận lụt ở Thái Lan vào tháng 8 năm 2011, các công ty đã tăng số lượng hàng tồn kho mà họ giữ trong tay. Nhưng họ vẫn chỉ trữ một lượng hàng tồn kho trong vòng 15 đến 30 ngày. Có thể kỳ nghỉ Tết của Trung Quốc đã buộc một số công ty tăng mức độ dự phòng hàng tồn kho thêm một tuần nữa. Như vậy, đối với hầu hết các công ty, phạm vi an toàn về hàng tồn kho sẽ phục vụ việc khớp nguồn cung của họ với nhu cầu, không có nguồn cung bổ sung, trong khoảng từ hai đến năm tuần, tùy thuộc vào chiến lược chuỗi cung ứng của công ty. Nếu việc cung cấp linh kiện bị gián đoạn lâu hơn, việc sản xuất sẽ phải dừng lại.
Khoảng thời gian cung ứng cũng là một yếu tố tác động. Vận chuyển bằng đường biển đến Hoa Kỳ hoặc Châu Âu trung bình mất 30 ngày. Điều này có thể hiểu rằng, nếu các nhà máy Trung Quốc ngừng sản xuất trước khi bắt đầu kỳ nghỉ của Trung Quốc vào ngày 25 tháng 1, chuyến hàng cuối cùng của họ sẽ cập bến vào tuần cuối cùng của tháng Hai.
Tất cả điều này cho thấy, khoảng giữa tháng 3, sẽ có một sự gia tăng đột biến trong việc các cơ sở lắp ráp và sản xuất phải đóng cửa tạm thời.
Một số nhà sản xuất đã phải đẩy mạnh sản xuất trở lại tại các nhà máy của họ ở bên ngoài Trung Quốc, và danh sách này ngày càng dài hơn. Ví dụ, Fiat Chrysler Automenses NV đã thông báo vào ngày 14 tháng 2 rằng, họ đang phải tạm thời ngừng sản xuất tại một nhà máy ô tô ở Serbia, vì họ thiếu một số phụ kiện từ Trung Quốc. Tương tự, Huyndai cho biết, công ty đã quyết định đình chỉ hoạt động của các dây chuyền sản xuất tại các nhà máy của mình ở Hàn Quốc, do sự gián đoạn trong việc cung cấp các bộ phận vì sự bùng phát của virus Corona tại Trung Quốc. Hai ví dụ này nhằm dẫn chứng cho phân tích trên đây: do thời gian vận chuyển từ Trung Quốc đến các quốc gia này ngắn hơn đáng kể so với 30 ngày, sự gián đoạn sản xuất đã xảy ra sớm hơn.
Thách thức này cũng xảy ra đối với ngành công nghệ. Vào ngày 17 tháng 2, Apple tuyên bố rằng thu nhập quý của mình sẽ thấp hơn dự kiến trước đó. Công ty đề cập đến hai thách thức, nguồn cung iPhone toàn cầu bị hạn chế và nhu cầu sẽ giảm đáng kể ở thị trường Trung Quốc.
Các ngành công nghiệp khác cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một nhà sản xuất bao bì hàng tiêu dùng toàn cầu chia sẻ rằng, doanh số bán hàng tại Trung Quốc trong tháng này thấp hơn 50% so với tháng 2 năm 2019. Tương tự với các sản phẩm như áo cưới, nhiều sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc và được bán trên toàn thế giới. Theo báo cáo này, việc đóng cửa các cơ sở sản xuất Trung Quốc chuyên về các sản phẩm này, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung đáng kể cho mùa cưới sắp tới.
Dịch Corona lan rộng đã ảnh hưởng đến các cảng biển. Allard Castelein, Giám đốc vận hành cảng Rotterdam cho biết, hiệu ứng của Corona đã rõ ràng. Số chuyến khởi hành từ các cảng Trung Quốc đã giảm 20% trong những ngày này. Hoạt động tại cảng Le Havre của Pháp cũng chậm lại và có thể giảm 30% trong vòng hai tháng. Và tác động đối với các cảng của Mỹ đang bắt đầu được đưa vào các phân tích tài chính.
Tóm lại, chúng tôi tin rằng chúng ta nên thừa nhận những ảnh hưởng to lớn đối với hoạt động sản xuất trên toàn thế giới. Sự ảnh hưởng này sẽ bắt đầu tấn công toàn lực trong hai đến ba tuần và có thể kéo dài trong nhiều tháng.
--
Nguồn: Harvard Business Review
Để tích lũy kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng, hãy truy cập tài nguyên tại đây.