iPub.vn Covid banner

#hoiuc1972 - Ký ức thập niên 70 của mẹ và dì tôi

Lê Thị Thu Thanh       4 năm trước       756 lượt đọc

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa được 40 năm nhưng những ký ức về cuộc chiến này đến nay mẹ tôi và dì tôi vẫn còn nhớ mãi, đặc biệt là vào những ngày Đà Nẵng sắp được giải phóng.

Năm đó là vào năm 1972, khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm Quảng Trị, một cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt giữa quân đội Việt Nam Cộng Hòa và quân giải phóng. Cả hai bên giành giật nhau từng tấc đất tại Thành Cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm. Làng Bích Khê xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị cách Thành Cổ Quảng Trị không xa, khoảng 3 km về hướng Đông Bắc. Tiếng súng giao tranh nổ ra rất ác liệt, dân trong làng ai cũng lo sợ và họ đã tìm cách sơ tán. Gia đình tôi cũng trong hoàn cảnh ấy. Mẹ tôi lúc đó có 5 đứa con, 3 đứa thì chạy bộ, còn 2 đứa thì bỏ vào 2 đầu quang gánh. Gia đình dì tôi cũng thế phải gánh gồng chạy giặc.

Mọi người chạy bộ vào hướng tỉnh Thừa Thiên Huế. Khi đến Cầu Dài - Mỹ Chánh, tiếng súng giao tranh càng dữ dội hơn. Quân giải phóng truy kích quân Việt Nam Cộng Hòa rút chạy khi chúng xen lẫn với dân thường, vì thế xác người chết ngổn ngang, trong đó có chồng bà Lê Thị Huấn ở cạnh nhà tôi bây giờ. Gia đình tôi thật may mắn qua khỏi cuộc chiến ác liệt đó không ai bị thương cả. Mẹ tôi nhớ lại: “lúc đó mẹ cầu trời khẩn phật cho các con của mẹ được bình an, còn mẹ ra đi cũng được”. Ngày đó, đoạn Quốc lộ 1A đi từ thị xã Quảng Trị vào Mỹ Chánh còn được gọi là “Đại lộ kinh hoàng” với rất nhiều người chết.

Sau 10 ngày ở Huế, gia đình mẹ tôi và dì tôi tiếp tục di tản vào Đà Nẵng. Lúc đó Đà Nẵng cũng rất ác liệt vì chưa được giải phóng. Mọi người được bố trí ở trong một trại tập trung dành cho đồng bào Huế và Quảng Trị gọi là trại gia binh, đóng ở bán đảo Sơn Trà. Nói là trại nhưng thực ra chỉ là cái nhà lợp tôn chật chội, mỗi hộ được mấy mét vuông. Hằng tháng cũng được nhận gạo từ các tổ chức cứu trợ nhân đạo, nhưng cuộc sống rất chật vật, khó khăn.

Sau khi Huế được giải phóng (26-3-1975), đồng bào ở Huế di tản vào Đà Nẵng nhiều hơn khiến Đà Nẵng thêm đông đúc. Những ngày 27, 28 tháng 3 năm 1975 khi nghe tin Quân giải phóng sắp tiến vào thành phố, lúc này Đà nẵng trở nên hỗn loạn. . Người dân cùng vợ con tướng tá ngụy chạy ra cảng biển Đà Nẵng để tranh nhau lên tàu. Có mấy chiếc tàu do Mỹ điều tới đã đợi sẵn. Một cảnh hỗn loạn diễn ra để tranh nhau lên tàu thoát thân. Gia đình dì tôi cũng chạy trong cơn biến động đó nhưng không lên được tàu đành phải ra về vì tận mắt chứng kiến cảnh chen chúc dẫm đạp ghê quá. Mẹ tôi nói với dì “ Thôi về quê miềng (mình) cho rồi, coi chừng dì lên được tàu chẳng may mà chết thì tui không gặp được dì”. Thế nhưng trong cơn biến động đó dì tôi đã lạc mất đứa con gái lên 8 tuổi tên là Hoàng Thị Kiều. Không gì diễn tả hết nỗi đau của người mẹ mất con trong thời buổi chiến tranh loạn lạc. Dì tôi khóc mấy ngày đêm, đi tìm khắp thành phố Đà Nẵng với tấm biển trước ngực và sau lưng “ Ai thấy con tui là Hoàng Thị Kiều thì nói cho tui với”. Mẹ tôi cùng dì đi tìm con, vừa động viên an ủi dì “ Dì đừng đau xót nữa, chắc là lạc đâu đó thôi chứ không chết đâu”.

Bến tàu Đà Nẵng rất hỗn loạn, nên các chiếc tàu thả neo ngoài xa, dân dùng thuyền bè từ bờ ra tàu. Ảnh tư liệu từ nguồn Internet

May thay ít tháng sau ngày Đà Nẵng được giải phóng, có người tên là Vinh báo cho dì tôi biết đã tìm thấy cháu Kiều. Phải nói là dì tôi vui đến cỡ nào. Lúc này gia đình tôi và dì đã gói gém đồ đạc cùng với bà con thuê xe về về Bích Khê -Quảng Trị. Thì ra trong lúc hỗn loạn lên tàu, cháu Kiều bị lạc đứng bơ vơ và khóc. Chú Vinh người cùng làng Bích Khê đến hỏi cháu Kiều “cháu con ai?”, Kiều trả lời “con bà Đỗ Thị Hàm”. Chú Vinh biết là người cùng quê nên dẫn cháu lên tàu luôn và đinh ninh rằng dì tôi cũng lên tàu rồi. Thế là chiếc tàu rời bến Đà Nẵng đưa chú Vinh và cháu Kiều cập cảng Cam Ranh ( Khánh Hòa). Cháu Kiều được gia đình chú Vinh bao bọc che chở rất tốt, rồi chú còn tìm cách báo tin cho dì tôi biết. Ngày ấy phương tiện liên lạc rất khó khăn chứ không như bây giờ. Ít lâu sau dì tôi vào Cam Ranh đón cháu Kiều về. Mẹ con gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, hạnh phúc biết nhường nào.

Đến bây giờ dì tôi luôn biết ơn tấm lòng của chú Vinh đối với cháu Kiều. Nếu không gặp chú Vinh trong cơn biến động ở Đà Nẵng không biết giờ đây mẹ con dì tôi có được hội ngộ như ngày hôm nay không? hay là cảnh tượng như trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Đúng là một ký ức không bao giờ quên đối với gia đình tôi, dì tôi và tất cả mọi người trong những ngày ở Đà Nẵng năm 1975. Mỗi khi nhớ về nó cảnh tượng chiến tranh ác liệt lại hiện về. Đất nước chúng ta được giải phóng là một sự kiện trọng đại đem lại cuộc sống bình yên cho mọi người.

--------------------------

Người viết: Lê Thị Thu Thanh




Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!