iPub.vn Covid banner

#hoiuc1972 - Mẹ và ước mong “ổn định”

Bông Nguyễn       4 năm trước       889 lượt đọc

Mẹ hay dặn con gái "Làm giáo viên cho ổn định", "Chỉ mong mày lấy chồng sinh con ổn định cuộc sống mẹ mới yên lòng". Nhưng ổn định là gì hở mẹ? Thế nào là ổn định chứ? Là có việc làm, là đủ ăn ba bữa, là có chồng có con? Nhưng mẹ ơi, thế hệ tụi con mong những điều thật khác.

Thế hệ chúng tôi – lứa đầu tiên của thế hệ 10x có thứ cơ may rất lạ. Tôi chào đời khi thế kỷ đau thương của dân tộc đã lùi vào quá vãng. Bấy giờ đất nước đã thoát khỏi thời kỳ cấm vận một khoảng thời gian đủ dài để tiến vào guồng phát triển ổn định. Gia đình tôi không khá giả, nhưng từ tuổi thơ ấu, bố mẹ chưa bao giờ để tôi thiếu thốn thứ gì. Bởi vậy, thời đói nghèo mẹ kể tựa như một vùng xa xôi bí ẩn nào. Tôi chào đời khi “ổn định” đã là khái niệm sẵn có.

Vì thế, những lời khuyên của mẹ “làm cái này để ổn định cuộc sống”, “thế này cho ổn định, thế kia cho ổn định” chẳng vào tai tôi chút nào. Cái tôi tuổi trẻ của tôi tự hỏi rằng: ổn định mà làm gì? Ổn định là cái gì? Tại sao lại ước mong ổn định ở cái tuổi đáng ra có thể bay nhảy và phiêu lưu? Ở cái tuổi cả thể xác và tâm hồn đều sẵn sàng cho những chuyến xa xứ, cho những trải nghiệm gian khổ nhưng quý báu, tại sao lại mong đợi ngồi yên sống qua ngày ở cái tuổi của tôi?

Cái tôi tuổi trẻ của tôi bồng bột quá, tôi không cắt nghĩa được lý do mẹ đau đáu với khái niệm ổn định đến vậy. Nhưng một thoáng hiểu ra cơ sự, tôi không trách mẹ vì đã không hiểu cho tuổi trẻ còn thèm bay nhảy của tôi nữa, tôi chỉ thấy thương mẹ. Có những điều đã ăn sâu vào tiềm thức, có những điều đã hằn in trong lòng mẹ - người của thế hệ 7x. Bởi vì với mẹ, với thế hệ 7x - ổn định là thứ gì đó quá xa vời, suốt thời trẻ của mẹ có lẽ luôn ước mong hai chữ “ổn định”.

Tuổi thiếu thời của mẹ, của thế hệ 7x, ổn định là khát khao khó lòng chạm tới. Làm gì có cái gọi là ổn định cho đám con nhà nghèo.

Mẹ chào đời khi đất nước đang gồng mình giành lấy độc lập dân tộc. Mẹ sinh ra trong những năm tháng hòa bình đã rất gần, nhưng để chạm tới “hòa bình đã rất gần” ấy, dân tộc ta phải đi qua những trận chiến ác liệt nhất. Mẹ mất bố từ nhỏ, ông ngoại hy sinh trên chiến trường miền Nam khi mẹ còn chưa biết nhớ. Mẹ chỉ có thể hình dung hình ảnh ông ngoại qua lời kể của bà ngoại. Bà ngoại có lần kể trong nước mắt: “Ngày ấy bà cố giữ ông ở lại, vì bà cần người chồng, mẹ cháu và các bác cần người cha, nhưng Tổ quốc gọi, biết làm thế nào, ông ngoại cứ khăng khăng: “Anh là cán bộ, anh là đảng viên, đừng sợ, anh không chết được đâu, nốt lần này, hòa bình rồi anh về với em và các con. Anh cũng thương các con lắm, chúng nó còn bé quá!” Nhưng cuối cùng đó lại là lời hứa suông, chẳng có lần trở về nào nữa, mẹ cũng không bao giờ gặp lại cha mình. Mẹ chỉ còn thấy cha mình qua những tấm ảnh cũ, ông ngoại hiền, có nụ cười rạng ngời và hàm răng đều tăm tắp. Mẹ cũng chỉ còn nghe về cha qua lời kể của bà ngoại, hiểu đôi chút về tình yêu của cha mẹ qua những lá thư tình viết vội từ chiến trường ông ngoại để lại.

Không có bờ vai chèo chống của người cha, ba đứa con buộc phải trưởng thành từ sớm. Bà ngoại làm công nhân ở nhà máy hoa quả, gần như không có thời gian kề cận gần gũi con cái. Mẹ là con út, lúc ở với cụ ngoại, lúc được anh chị trông. Vốn đã thiếu thốn hơi ấm từ cha, mẹ cũng ít được kề cận với mẹ mình. Mẹ lớn lên trong hoàn cảnh thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cha mẹ.

Chớm bước vào tuổi biết nghĩ, mẹ bắt đầu phụ giúp gia đình, khi thì ra đồng cấy mạ, khi thì phụ việc vặt trong nhà, khi thì đi bộ tới mười cây số để lấy rau lợn. Cuộc sống bấy giờ thiếu thốn và bấp bênh quá chừng!

Ngày ấy, đỉa không phải thứ sinh vật hiếm gặp như bây giờ. Bà ngoại kể, mẹ với chị gái đều phải xuống đồng. Nhưng chị gái mẹ (tức bác tôi) “khôn” hơn (theo lời kể của bà ngoại), bác nằng nặc lăn lộn trên bờ không chịu xuống, vừa ôm bụng vừa kêu đau bụng oai oái, cốt sao không phải xuống đồng. Còn mẹ “ngố hơn, thật thà hơn”, bà ngoại dặn làm, mẹ nghiêm ngặt tuân thủ lời bà ngoại dù trong lòng cũng nơm nớp sợ. Về sau hỏi ra mới biết, xuống đồng đỉa bám vào chân, vào người, thậm chí chui cả lên bụng, lên tay. Ấy thế cũng phải chịu, chẳng nhẽ lại bỏ việc vì mấy con đỉa, rồi lấy cái gì bỏ vào bụng? Thế hệ chúng tôi không tài nào hiểu được vì sao thế hệ của mẹ có thể “chống chọi” lại sinh vật ghê gớm đó.

Có những ngày bác và mẹ đi bộ hơn mười cây số lấy rau lợn, rồi lại lặn lội hơn mười cây số về nhà. Lũ chúng tôi quen với những phương tiện giao thông hiện đại, quen với xe máy, xe đạp, ô tô, đi bộ không được bao nhiêu đã than mỏi than mệt. Nhưng ngày ấy, dẫu có mười cây, chứ hai mươi cây cũng vẫn phải đi.

Trường học cách nhà bảy, tám cây số, muốn đến trường học lấy con chữ cũng phải đi bộ. Có những sáng chẳng có gì bỏ bụng, mẹ và các bác chịu đói đi học. Đến trưa tan học, hai mắt hoa cả lên. Khốn khó là thế, nhưng không ai than vãn nửa lời. Thời kì ấy cả dân tộc ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh và ổn định kinh tế, làm sao đã có ngay cái mặc đẹp, có ngay cái ăn ngon.

Thức ăn bấy giờ toàn cơm độn sắn, độn khoai. Thậm chí có cơm độn đã là hạnh phúc. Những ngày đói kém cùng cực, mẹ và các bác chỉ có thể ăn sắn, ăn khoai. Ngày nào đổi tem phiếu được lạng thịt cũng phải kho thật mặn để ăn thành nhiều bữa.

Những năm đói kém, bà ngoại còn khai gian tuổi các con để lấy thêm đôi khi là lạng thịt, đôi khi là vài mét vải. Dẫu biết không phải phép, nhưng cái nghèo, cái đói đôi lúc khiến người ta khó xử.

Năm mẹ 18, mẹ thiếu một điểm đỗ vào trường sư phạm. Bà ngoại bảo mẹ ôn lại một năm lấy cái nghề, nhưng ngày ấy giáo viên vừa nghèo vừa cực, mẹ không chịu, mẹ bảo mẹ muốn đi lao động nước ngoài: “Nhà mình nghèo quá, con đi sang nước người ta xem có khá khẩm hơn không.” Ngày ấy, “được” một suất xuất khẩu lao động sang Liên Xô chẳng dễ dàng, mẹ là con liệt sĩ mới ghi danh được cái suất ấy. Nghe sao mà chua xót!

Những bấp bênh thuở nhỏ khiến mẹ luôn trông mong một cuộc sống “ổn định”, cũng mong con cái có một cuộc sống ổn định. “Ổn định” trở thành niềm ao ước ẩn sâu trong tiềm thức. Trong lũ chúng tôi, mấy người thực sự cắt nghĩa được “ổn định” là gì. Với chúng tôi, thế hệ sinh ra khi đã sẵn có sự ổn định, chúng tôi không ước mong ổn định, chúng tôi ước mong bay nhảy đến những chân trời xa xăm, chúng tôi ước mong trải nghiệm cuộc sống muôn màu muôn vẻ, chúng tôi ước mong đạt được những thành công chói lọi.

Điều này con chưa bao giờ thổ lộ thành lời, nhưng mẹ ạ, con không mong sự ổn định, vì ổn định không cho con dư dả điều kiện để lo cho bố mẹ. Bố mẹ khổ nửa đời người, thuở thiếu thời vật lộn với cái ăn cái mặc, nửa đời người chèo chống gia đình, con không mong bố mẹ vất vả thêm nữa. Con tôn trọng ước mong ổn định của mẹ, hiểu cho nỗi lòng của bố mẹ, nhưng mong bố mẹ để con thử, thử bay ở những chân trời cao rộng kia.

Mỗi thế hệ lại in bóng một thời đại. Thời đại của lũ chúng con, chúng con không trông mong sự ổn định nữa, chúng con hoài mong những chân trời cao rộng, hoài mong những trải nghiệm để đời, hoài mong những thành tựu lấp lánh.

Con chẳng biết mình có thành công hay không. Nhưng mẹ tin con, rồi con sẽ thành người.


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!