iPub.vn Covid banner

#homeschooling - Những lý do mô hình homeschool được ưa chuộng

Trần Nguyễn Phước Thông       4 năm trước       1,709 lượt đọc

Bài viết đưa ra 5 nguyên do về việc tại sao các người mẹ lại chọn mô hình Homeschool cho con trẻ, từ đó đưa ra các lợi ích của mô hình giáo dục này.

Homeschooling là mô hình dạy trẻ học tại gia thay vì đến các cơ sơ giáo dục để học tập. Đây là phương pháp được xem như xu hướng giáo dục của thời đại mới và đã phổ biến ở những quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Pháp, Anh,… Bài viết này sẽ không phân tích về vấn đề có nên áp dụng mô hình học tập này tại Việt Nam hay không mà chỉ chú trọng phân tích các nguyên do dẫn đến quyết định chọn áp dụng mô hình này cho con cái của các người mẹ.

Lý do đầu tiên có lẽ do họ mong muốn những đứa con thân yêu của họ nhận được một nền giáo dục tiên tiến, chất lượng cao hơn nền giáo dục đại trà hiện tại. Có thể thấy, thời điểm hiện nay, khi mà tỷ lệ học sinh ở các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông đều gia tăng mỗi năm thì việc chi ngân sách của nhà nước cho các trường công dường như vẫn không đáp ứng được nhu cầu dạy học và cơ sở vật chất, dẫn đến chất lượng giáo dục trở nên kém đi. Theo thông tin của Báo Tuổi Trẻ vào 15/08/2019: “Năm học 2019-2020, TP.HCM tăng hơn 75.000 học sinh so với năm học trước. Theo Sở GD-ĐT TP, số học sinh tăng ở tất cả các cấp, tăng theo thời gian và tăng rất nhanh. Sĩ số cao, phải học một buổi... là chuyện tiếp tục xảy ra tại một số quận, huyện.” Điều này đã minh chứng cho việc đi xuống của nền giáo dục hiện nay. Do đó, nhiều bậc phụ huynh hiện nay luôn có mong muốn cho con học tại nhà. Việc học tại nhà giúp phụ huynh kiểm soát kỹ hơn những gì con cái họ đang học. Nhiều phụ huynh luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng chương trình giảng dạy ở trường công lập không cung cấp kiến thức và kỹ năng phù hợp cho trẻ. Dựa trên một cuộc khảo sát gần đây của Hoa Kỳ về vấn đề Hướng nghiệp và Đại học cho thấy rằng chưa đến một nửa số học sinh trung học phổ thông cảm thấy sẵn sàng cho việc học đại học. Các khảo sát khác đã cho thấy các giáo sư đại học tin rằng sinh viên ít chuẩn bị cho công việc đại học. Số giáo sư đại học tin rằng sinh viên đã chuẩn bị cho giáo dục đại học đã giảm từ 28% xuống 14% trong 10 năm qua. Còn ở Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn với báo Thanh Niên, em Trương A.Q, sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ “Em còn không biết lý do em học đại học là gì nữa. Từ trước đến giờ, ai cũng học xong phổ thông thì đi thi đại học. Nên nếu giờ mà hỏi em lý do học đại học thì chắc là vì em không biết làm gì sau khi tốt nghiệp phổ thông”. Chính vì vậy, có thể nhận thấy dù là ở quốc gia nào đi nữa thì việc học tập ở các cơ sở giáo dục hiện nay không còn là niềm hứng thú hay mục tiêu của các học sinh nữa. Thậm chí, giáo dục đại học cũng không còn là con đường duy nhất để các em có thể phát triển nghề nghiệp tương lai của mình. Với các lớp học đông đúc và thiếu thốn về cơ sở vật chất, giáo viên khó có thể hướng dẫn từng bước một cho học sinh. Trái lại, với việc học tại nhà, phụ huynh có thể sử dụng chương trình giảng dạy được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đồng thời là thuê các gia sư tại gia để họ hướng dẫn chi tiết cho quá trình học tập của trẻ dựa trên chương trình đã được kiểm duyệt đó. Phụ huynh cũng có thể phụ đạo cho con cái họ luyện tập các bài học bổ sung. Và họ có thể cân nhắc các khoảng thời gian cần thiết cho mỗi môn học để đảm bảo con trẻ đang học đúng lộ trình và nắm vững các bài học trong khóa học. Đồng thời, trẻ em học tại nhà có xu hướng đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn. Theo nghiên cứu của Brian Ray (thuộc The National Home Education Research Institute), những đứa trẻ được giáo dục tại nhà thường đạt điểm cao hơn 15 đến 30 điểm phần trăm so với học sinh trường công trong các bài kiểm tra thành tích học tập tiêu chuẩn.

Nguyên do thứ hai có lẽ là để tránh môi trường học đường tiêu cực. Hiện nay, vấn đề bạo lực học đường trở thành vấn nạn và nỗi lo của nhiều cha mẹ. Họ luôn hoang mang không biết con của họ có bị bắt nạt, đánh hội đồng ở trường hay không bởi lẽ hầu như khi con của họ bị đánh đập ở trường thì phụ huynh không thể nào biết được. Giáo viên ở trường rất thường bỏ qua các trường hợp như trêu trọc, sử dụng ngôn ngữ thô tục gây tổn thương tinh thần, ăn cắp đồ ăn,… trong lớp học và do đó, đứa trẻ nào thường bị bắt nạt sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều mà không dám nói với cha mẹ. Dần dần theo thời gian, những sự chịu đựng trong lòng dần tích tụ và những bắt nạt mà các trẻ phải chịu mỗi lúc nghiêm trọng hơn dẫn đến hàng loạt vấn đề ở trẻ như điểm thấp, mất lòng tự trọng, mất ngủ, trầm cảm và thậm chí là tự tử,… Do đó, Homeschooling trở thành một giải pháp cho nhiều đứa trẻ bởi vì nó loại bỏ việc bắt nạt ở trường, trẻ không phải tiếp xúc với những hành vi bạo lực của bạn bè. Hơn nữa, những lo ngại về xã hội hóa thường giảm đi, bởi vì cha mẹ có thể loại bỏ những kẻ bắt nạt khỏi con cái họ, và tái tạo lại những trải nghiệm xã hội mới cho con cái họ nếu như chúng mắc những căn bệnh về tâm lý. Họ cũng kiểm soát tốt hơn các mối quan hệ tích cực mà con cái họ đã có và có thể khuyến khích những mối quan hệ đó nhiều hơn.

Lý do thứ ba có thể dành cho những người mẹ có con cái bị khiếm khuyết. Đối với những gia đình có trẻ bị khuyết tật, họ luôn mang trong mình những mối lo ngại về việc con của họ không thể phát triển được ở môi trường học đường bình thường. Những cơ sở giáo dục đặc biệt dành cho người khuyết tật thì lại không được chú trọng cả về cơ sở vật chất và lực lượng giáo viên. Như vậy, với nguồn tài lực và nhân lực hạn chế thì rất khó để trẻ em khuyết tật được học tập chuyên môn để phát triển. Bằng cách học tại nhà, phụ huynh có thể sử dụng chương trình giảng dạy được thiết kế riêng cho trẻ em khuyết tật. Cách tiếp cận này cung cấp cho phụ huynh các công cụ giáo dục chuyên biệt hơn để giúp con của họ có được kiến thức cần thiết.

Nguyên do thứ tư có lẽ là do phụ huynh muốn cải thiện tương tác xã hội cho con cái. Như đã đề cập ở trên, họ muốn con cái ít phải đối mặt với bắt nạt và điều quan trọng hơn là mong muốn con cái ít phải bị áp lực học tập từ việc so sánh thành tích với bạn bè cùng trang lứa. Ngoài ra, áp lực học tập cũng sẽ giảm khi cha mẹ co thể thiết kế lịch học bao gồm nhiều giờ học ngoại khóa hơn để giúp trẻ năng động và tiếp xúc với nhiều mối quan hệ xã hội và kiến thức thực tiễn hơn là những giờ học khô khan trên lớp học. Trong khi hầu hết học sinh trường công dành nhiều thời gian trong lớp học để nghe giảng (hơn 150 ngày mỗi năm học), thì những đứa trẻ theo mô hình homeschooling sẽ có nhiều hoạt động diễn ra bên ngoài nhà. Với chương trình giảng dạy tại nhà linh hoạt, các gia đình có thể dẫn con đến bảo tàng, công viên và di tích lịch sử nhiều hơn và tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng như một phần của việc học hàng ngày. Tác động của việc học tại nhà theo cách này thường giúp cải thiện sự phát triển về cảm xúc và tâm lý ở trẻ. Nó cũng tăng cường kết nối gia đình khi học sinh ở nhà với anh chị em của họ. Hơn nữa, trẻ em có được nhận thức lớn hơn về thế giới xung quanh và có thể phát triển ý thức trách nhiệm công dân mạnh mẽ hơn.

Lý do cuối cùng có thể đến từ các gia đình thường hay thay đổi chỗ ở. Hiện nay, việc thay đổi chỗ ở thường xuyên xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau: có thể là do công tác xa hoặc chỗ làm xa nên cần đổi chỗ hay có thể chỗ ở hiện tại không đáp ứng được các nhu cầu sống cần thiết như thiếu thốn về hạ tầng kỹ thuật… Dù là bất cứ lý do gì khi chuyển nhà cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề học tập của trẻ nhỏ bởi vì nếu trẻ đang học tại trường của tỉnh A nhưng khi chuyển nhà đến tỉnh B thì trẻ cũng phải chuyển trường đến tỉnh này để thuận tiện đi học. Do đó, mô hình homeschooling như một giải pháp thuận lợi cho những gia đình hay chuyển đổi chỗ ở vì sẽ không làm gián đoán quá trình lĩnh hội kiến thức của các con. Một trong những lợi ích của homeschooling là chương trình giảng dạy có thể được thực hiện từ bất kỳ địa điểm nào.

Dường như homeschooling đã trở thành một lựa chọn giáo dục khác cho các gia đình ở Mỹ muốn có một nền giáo dục tốt hơn cho con cái họ. Ở Việt Nam, có người đã nhận định mô hình này khó triển khai. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể nói được gì nếu như một ngày nào đó, homeschooling trở thành mô hình giáo dục chính thức thật sự. Tác giả cho rằng trong tương lai sẽ còn có nhiều yếu tố khác dẫn đến quyết định của phụ huynh cho con học tại nhà.


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!