iPub.vn Covid banner

#truyennhan - Gối trái dựa - Những lưu dấu cuối cùng của một thời vắng bóng

Bông Nguyễn       4 năm trước       1,158 lượt đọc

Câu chuyện về truyền nhân cuối cùng của nghề may gối trái dựa...

Có lẽ đến khi phóng sự về cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ và nghề may gối cung đình được phát sóng, người ta mới biết đến gối trái dựa – những lưu dấu còn sót lại của một thời vang bóng. Theo chân câu chuyện của cụ bà trăm tuổi gắn bó cả cuộc đời với nghề làm gối trái dựa, người ta bỗng dưng cảm nhận một điều gì thật thiêng liêng. Thì ra, đâu đó vẫn còn in bóng những dấu vết còn lại của một thời vàng son, thì ra, dưới vẻ ngoài trầm mặc như “cổ thi” của kinh thành Huế, đâu đó vẫn còn lưu dấu ấn của một thời quá vãng.

Cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ đã gần trăm tuổi vẫn miệt mài với nghề làm gối cung đình Huế. Bởi cụ biết, khi cụ ngày càng gần đất xa trời, có lẽ không mấy ai đủ khả năng hoàn thành trọn vẹn và hoàn hảo một chiếc gối trái dựa như cụ đã từng. Tôi đồ rằng, những gì cụ gửi vào từng đường kim mũi chỉ, từng nếp uốn trên vải, từng cách phối sánh màu sắc, đều gửi theo cả niềm tự hào - niềm tự hào từ trong huyết quản của hậu duệ hoàng tộc, của người đã từng chứng kiến và gắn bó với một thời kỳ trong lịch sử. Điều mà những người được cụ truyền nghề không có là ánh nhìn và trải nghiệm của một hậu duệ đã thực sự sống cùng thời đại ấy.

Ở cố đô Huế, người ta vẫn còn thấy những lăng tẩm u tịch, những thành quách còn sót lại, thấy cả một nền nhã nhạc cung đình. Nhưng có lẽ ít người biết đến chiếc gối trái dựa – ấy cũng là dấu ấn của một thời kỳ đã từng trong lịch sử dân tộc.

Những người theo học cụ Huệ sẽ không được tận mắt thấy, nghe, nhìn, cảm nhận cốt cách trang trọng của cung đình, sẽ không được tận mắt hiểu, thấu sự tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ, trong sự tỉ mẩn từ khâu chọn nguyên liệu cho đến thực hiện gối trái dựa.

Bởi suy cho cùng, chúng ta đang sống ở một thời đại khác. Chúng ta ra đời khi hoàng tộc là điều gì đó chỉ còn trong sách sử. Chúng ta không sống cùng thời đại ấy như cụ Trí Huệ, không có cùng lòng ngưỡng vọng với hoàng tộc như cụ Trí Huệ có. Với cụ, còn có thể may gối trái dựa là niềm hạnh phúc, niềm tự hào của một hậu duệ hoàng tộc, của một người con đất Việt đang kiên trì gìn giữ một nét bản sắc văn hóa dân tộc.

Cụ cho biết việc may gối dựa đều làm theo mẫu có sẵn và tuân thủ quy tắc may gối cho vua phải đủ 5 lá, gối của Hoàng Thái Hậu và các quan phải đủ 4 lá. Tuy làm theo mẫu có sẵn, nhưng cũng giống như bao nghề khác, muốn trở thành nghệ nhân – truyền nhân của một nghề, thì chẳng bao giờ chỉ dừng lại ở việc làm theo mẫu có sẵn. “Nhưng người may phải có mẹo để gối luôn thẳng mép, không lỗi chỉ, nhồi bông cho thật khéo để gối luôn giữ được độ êm, căng phồng đều sau nhiều lần giặt.” – cụ Trí Huệ kể.

Những hoa văn rồng phụng trên gối trái dựa cũng không phải “sản phẩm” dễ dàng tạo ra. Người thêu phải cực kì tỉ mỉ, cốt cho những đường thêu đều đặn, hình thêu đẹp mắt.

Gối trái dựa là thứ dùng trong cung đình, nên cần sự tỉ mẩn và khéo léo tuyệt đối. Được may thủ công hoàn toàn, người thợ phải chú trọng đến từng tiểu tiết, phải chú ý đến kích thước của ghế, lượng bông nhồi vào gối sao cho phù hợp với thân hình của Hoàng đế hay quan lại. Người thợ phải chú tâm đến màu sắc phối sánh sao cho hài hòa. Thông thường, gối trái dựa sử dụng màu vàng cho vua và Hoàng Thái Hậu – tượng trưng cho uy quyền tôn quý. Còn gối trái dựa cho các quan có thể màu xanh, tím tùy theo ghế dựa. Nhưng cũng cốt yếu phải hài hòa về mặt thẩm mỹ. Gối cho vua còn được tỉ mẩn thêu rồng, gối cho Hoàng Thái Hậu được thêu phụng. Từng công đoạn phải đảm bảo sự hoàn mỹ đến từng đường kim mũi chỉ. Bởi vậy, hoàn thành một chiếc gối trái dựa mất rất nhiều thời gian. Cụ Huệ kể, một người thợ lành nghề cũng mất ít nhất năm ngày công mới hoàn thành một chiếc gối dựa.

Dẫu đã gần trăm tuổi, cụ Huệ vẫn gắn bó với việc may gối trái dựa cung đình. Cụ là truyền nhân cuối cùng của nghề may gối trái dựa cung đình. Nhưng đó cũng là điều cụ trăn trở nhất. Khi cụ ngày càng gần đất xa trời, cụ càng đau đáu về người có thể trở thành truyền nhân của nghề may gối trái dựa. Bởi gối trái dựa không chỉ là một thứ vật phẩm, gối trái dựa chuyên chở những tinh hoa của một thời đại quá vãng, cũng tựa như những lăng tẩm đền đài, cũng tựa như cả một nền nhã nhạc cung đình Huế…

Trong từng đường kim mũi chỉ, ẩn giấu cả một thời đại đã xa…

Trong từng chiếc gối trái dựa được cụ Huệ tạo ra, ẩn chứa cả một niềm đau đáu về bản sắc dân tộc… 


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!