iPub.vn Covid banner

#hoiuc1972 - Mẹ tôi đi qua những ngày gian khổ

Lê Thị Thu Thanh       4 năm trước       1,308 lượt đọc

Tôi được sinh ra và trưởng thành như ngày hôm nay là nhờ công lao của mẹ. Tôi muốn nói với mẹ hàng ngàn lần rằng “Con yêu mẹ” nhưng tình yêu đâu cần phải nói bằng lời phải không mẹ? 

Tôi được sinh ra và trưởng thành như ngày hôm nay là nhờ công lao của mẹ. Tôi muốn nói với mẹ hàng ngàn lần rằng “Con yêu mẹ” nhưng tình yêu đâu cần phải nói bằng lời phải không mẹ? Nhớ về mẹ tôi nhớ dáng người nhỏ bé, gầy yếu bước liêu xiêu trên con đường làng hay đạp xe giữa trời nóng oi ả những lúc làm về. Đôi mắt mẹ thâm quầng vì thức ngủ bao đêm những lúc con ốm. Nhưng tôi nhớ nhất và quý nhất vẫn là đôi bàn tay mẹ rám nắng, chai sạn đã nuôi nấng dạy dỗ con nên người.

Mỗi lúc ngồi bên mẹ tôi hay nhắc đến chuyện xưa và không quên đôi quang gánh của mẹ. Mẹ cười rồi mắng yêu “cái con bé này, nhớ chi mà nhớ dữ rứa”. Chính đôi quang gánh đó mà chị em tôi trưởng thành như ngày hôm nay. Đôi gánh của mẹ là ngày ngày gánh rau đi bán, lam lũ trên đồng ruộng kiếm từng đồng cho con ăn học. Bất kể ngày mưa hay ngày nắng đôi gánh ấy lại lầm lũi bước đi trong mưa gió. Mẹ kể đôi quang gánh vắt trên vai mẹ từ lúc 15 tuổi. Quãng đường từ nhà tôi đến chợ Quảng Trị 5 km, thế nhưng với mẹ quãng đường ấy chẳng xa lắm so với quãng đường đời mẹ đã gánh mấy chục năm. Nhìn những chai sạn trên đôi vai mẹ tôi đã hiểu mọi gánh nặng cuộc sống như đè nặng lên đôi vai gầy guộc ấy.

Dáng mẹ trên đồng quê, ảnh minh họa cho bài viết do tác giả chụp

Nhớ lại thời đó gia đình tôi nghèo lắm, cái thời mà ăn độn cơm với sắn. Mẹ làm việc quần quật suốt cả ngày, mở mắt là đã ra đồng, cặm cụi làm cho đến khi mặt trời lặn, sương đã vương áo mới trở về. Tuổi thơ tôi gắn với đôi quang gánh của mẹ, đó là khi theo mẹ ra đồng gánh lúa. Những ngày hè oi ả, cái nắng và gió Lào ở Quảng Trị rát bỏng cả da mặt, mẹ gánh từng gánh lúa về mồ hôi nhễ nhại, tôi vội bưng bát nước và cái khăn lau mát cho mẹ. Nhìn con mẹ nở nụ cười thật hiền hậu vì mẹ nghĩ mình có vất vả nhưng đem lại cuộc sống ấm no cho chúng con đó là niềm hạnh phúc của mẹ rồi. Nhìn gánh lúa của mẹ nặng trĩu bao nhiêu thì mồ hôi của mẹ đỗ trên cánh đồng bấy nhiêu.

Gánh lúa của mẹ, ảnh minh họa cho bài viết do tác giả chụp

Không chỉ có gánh lúa của mẹ nuôi chị em tôi nên người mà gánh rau của mẹ dệt lên màu xanh tương lai cho chúng con. Mỗi luống rau chứa đựng biết bao công lao của mẹ, hết bón phân rồi vun xới, tưới nước, bó từng bó rau xếp ngay ngắn vào đôi quang gánh để mai đi chợ sớm giữa cái lạnh của đất trời. Tôi thương mẹ quá chừng, tôi nói “Để con chở một ít rau bằng xe đạp”. “Thôi con ở nhà dọn dẹp nhà cửa đi”, mẹ đáp. Trưa nào cũng vậy, tôi ra đứng ở bụi tre trước ngõ để ngóng mẹ về. Đã 12 giờ trưa rồi sao mẹ chưa về nhỉ?, nhìn ra ngoài đường nắng chói chang lòng tôi lo lắng khôn nguôi. Thấy bóng dáng của mẹ về tôi vui mừng biết bao rồi chạy đến, vòng tay mẹ ôm tôi vào lòng và vuốt tóc tôi. Tôi hỏi: “sao mẹ về muộn thế ?”, “ Vì bán cho xong rau con ạ!” mẹ đáp, tiếng mẹ nghe rất mệt mỏi. Lúc đó tôi nhận ra rằng lưng mẹ đã còng đi theo sức nặng của hai đầu gánh. Tôi thương mẹ vô cùng. Tôi trân trọng đôi gánh của mẹ cũng như tình yêu của mẹ dành cho con. Đôi gánh kiên trì, bền bĩ, mạnh mẽ như chính mẹ của con vậy. Với đôi gánh lo cho con đủ đầy, tôi mới thấu hiểu được hết nỗi vất vả của mẹ đã hi sinh vì con.

Dáng mẹ trên đường quê, ảnh minh họa cho bài viết do tác giả chụp

Thêm một kỷ niệm nữa về mẹ, nhà tôi nằm ở vùng thấp trũng thuộc huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Dân làng bảo: “Tháng 7 nước chảy qua bờ” là mang theo nỗi sợ hãi của người dân khi mùa mưa bão về. Có được tận mắt chứng kiến cảnh xơ xác, tiêu điều và mất mát của làng quê tôi sau những trận bão lụt, tôi mới hiểu hết vì sao người dân quê tôi lại có cái lo lắng thường trực ấy mỗi khi mùa bão lụt về. Năm nào dải đất miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng phải oằn mình hứng chịu biết bao nỗi đau, mất mát từ thiên tai. Thương lắm Quảng Trị ơi! Tôi đã lớn lên trên mảnh đất Quảng Trị, đi qua không biết bao nhiêu ngày mưa bão, nên vừa nhớ vừa yêu thương da diết nơi này.

Sống chung với bão lụt hằng năm nên dân làng tôi nói chung và gia đình tôi nói riêng có nhiều kinh nghiệm ứng phó. Nhớ những khi nghe đài báo bão, là mấy ngày trước đó cả nhà tôi lại tất bật chuẩn bị, mẹ đi mua thêm gạo, mì tôm, mì chính, nước mắm... nhất là mấy hũ mắm cà vì trời lụt mà được ăn cơm với mắm cà thì ngon tuyệt còn gì bằng. Từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành, sự cảm nhận về bữa cơm gia đình mỗi thời khắc khác nhau, song đó luôn là những kỷ niệm đáng nhớ nhất. Ký ức về bữa cơm gia đình trong tôi thường gắn với hình ảnh mẹ lui cui trong bếp lửa, với mùi khói rơm rạ bốc lên bay lơ lững trên không trung.

Mẹ tôi là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát. Bất kể việc gì liên quan đến trồng trọt và chăn nuôi việc gì bà cũng chu toàn, khéo tay. Vốn người hay lo, lại bị sợ chồng con đói mỗi khi mùa mưa bao đến nên mẹ thường chuẩn bị mấy thẩu mắm nào là mắm đu đủ, mắm thính, mắm dưa… Trong mấy món mắm đó tôi thích nhất là món mắm cà mà tôi thường gọi món ăn ngày lụt.

Ca dao có câu “Tháng chạp là tháng trồng khoai, Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà”. Ra giêng, khi đất đã tơi xốp, mẹ lấy gói hạt cà giống treo trên gác bếp ra ươm. Khi cà đủ 4 lá, mẹ mới cuốc đất, làm luống rồi chọn lựa những cây tốt đem trồng. Nhờ mẹ chăm tưới nước, lại vun xới gốc cẩn thận nên chưa đầy 3 tháng sau cà trổ hoa chi chít rồi kết trái, cho thu hoạch. Những quả nào còn non mẹ đem vô hấp cơm sau đó sắm nước mắm ăn thật ngon. Còn những quả cà chuẩn bị vào độ già, thận trọng hái giữ nguyên cuống rồi cắt thành từng miếng như miếng cau đem trải trên chiếc trẹt phơi nắng cho héo. Còn làm mắm là phương án bảo quản cà hữu hiệu nhất, có thể để được vài ba tháng. Hơn nữa đây lại cách chế biến cà ngon nhất vì hòa trộn bên trong miếng cà giòn rụm đậm đà còn có thêm vị ngọt thơm của cá biển kèm vị cay của ớt trái đã phơi héo. Muốn mắm cà ngon đúng điệu thì mẹ làm như sau: cà sau khi phơi héo thì ngâm vào thau nước muối loãng vài tiếng để giảm độ hăng chát, rồi vớt ra để ráo. Còn cá được sử dụng làm mắm thường là cá trích, hoặc cá nục vẫn đang còn tươi rói. Sau đó rửa sạch và cho vào chum, ướp muối với công thức “3 kg cá 1kg muối’, rồi trộn cà và ớt tươi đã phơi héo. Cuối cùng mang ra phơi nắng, dầm sương. Để chừng tháng thì có món mắm cà thơm ngon, đậm vị.

Vào những ngày mưa lụt, cả nhà tôi chỉ ăn cơm với mắm cà thế nhưng ai cũng tấm tắc khen ngon, không ngán, ngon chi lạ. Sự háo hức hít hà của mấy chị em tôi hồi nhỏ khi mẹ bưng nồi cơm ra, mùi mắm cà sộc lên mũi thật hấp dẫn. Bữa cơm đạm bạc nhưng đông đủ con cái, chuyện trò rôm rả, ba mẹ hỏi han và khuyên bảo dặn dò chị em tôi đủ thứ chuyện. Nhớ nhất vẫn là bữa cơm tối, cả nhà xúm xít nhau quanh cây đèn dầu, ngồi trên tra chống lụt ăn cơm nhìn xuống dưới là nước bì bõm trông thật thú vị. Những bữa cơm gia đình ngày ấy lúc nào cũng thật ngon, thật vui, cho dù mâm cơm nhà nhiều khi chỉ có với mắm cà ...Tiếc rằng thời đó công nghệ thông tin chưa phổ biến như bây giờ nên tôi không thể chụp ảnh lại, mà chỉ vẽ lại vào quyển sổ làm kỷ niệm.

Những mùa lụt năm ấy, những hũ mắm cà của mẹ đã giúp gia đình tôi đỡ chật vật vượt qua mấy ngày bão lụt. Vị mặn mòi, ngọt thơm của cá quện trong miếng cà giòn sựt, đan hòa vị cay của ớt đã khiến những bữa cơm độn khoai sắn dường như ngon hơn bình thường. Chất chứa sâu trong những cung vị dung dị ấy còn là tình mẫu tử bao la và tình cảm gia đình ấm áp.

Bữa cơm với mắm cà trong ngày lụt, ảnh tác giả

Giờ đây giữa cuộc sống mưu sinh hối hả, nhộn nhịp, bon chen khiến con người ta sống trở nên gấp gáp liền tìm đến các quán ăn, nhà hàng. Mỗi lần ăn dĩa cơm bụi tôi hồi tưởng lại ngày thơ bé, nhớ đến món mắm cà mà năm xưa mẹ làm cho cả nhà ăn vào mùa mưa bão, lụt lội hay chị em tôi lót dạ buổi sáng đến trường. Hai mí mắt tôi chợt ươn ướt, nhớ ba, nhớ mẹ, nhớ quê nhà, nhớ món mắm cà của những năm tháng còn nghèo nàn đã góp phần nuôi chị em tôi khôn lớn từng ngày.

Đôi vai mẹ bây giờ không còn vất vả tần tảo như ngày xưa nữa vì các con đã trưởng thành và xây dựng tổ ấm. Không có ngày nào tôi không ghé thăm mẹ, những lúc ngồi với mẹ nhớ lại kỷ niệm xưa, tôi cầm tay mẹ vào lòng, bàn tay chai sạn rám nắng ngày nào đã chắp cánh cho con bay xa, bay cao. Tôi muốn hôn lên trán mẹ và nói với mẹ ngàn lần rằng: “Mẹ ơi! con yêu mẹ, mãi mãi bên mẹ”. Có giấy bút nào có thể kể hết công lao của mẹ, có giấy mực nào có thể viết được, tả được tình mẹ yêu con. Không gì có thể chứa đựng hết những giọt nước mắt đã rơi trong cuộc đời mẹ. Tình thương của mẹ dành cho con như “ nước trong nguồn chảy ra”. Tôi mãi khắc sâu vào trái tim mình những hơi ấm và tình yêu thương của mẹ trọn cả đời này.



Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!