“Trẻ con ngày xưa khổ lắm không sướng như các con bây giờ đâu” bao giờ bố tôi cũng bắt đầu câu chuyện kể về tuổi thơ của mình bằng câu nói đó. Tuổi thơ của bố, chúng tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần đến thuộc làu luôn rồi nhưng vẫn luôn gặng bố kể mỗi khi ngồi cùng nhau. Với giọng hào hứng và niềm say mê như thể vừa mới hôm qua của bố, tôi hiểu ông yêu tuổi thơ của mình biết nhường nào và chắc nó đẹp lắm, đẹp đến nỗi mà 40 năm trôi qua trong kí ức của người đàn ông đã xắp bước sang tuổi ngũ tuần vẫn vẹn nguyên sống động hiện lên trước mắt những đứa con của ông về một thời gian khó của đất nước và của bố mình."
Tuổi thơ của bố tôi
Bài viết này xin dành tặng bố của con. Cảm ơn bố vì tất cả.
“Trẻ con ngày xưa khổ lắm không sướng như các con bây giờ đâu” bao giờ bố tôi cũng bắt đầu câu chuyện kể về tuổi thơ của mình bằng câu nói đó. Tuổi thơ của bố, chúng tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần đến thuộc làu luôn rồi nhưng vẫn luôn gặng bố kể mỗi khi ngồi cùng nhau. Với giọng hào hứng và niềm say mê như thể vừa mới hôm qua của bố, tôi hiểu ông yêu tuổi thơ của mình biết nhường nào và chắc nó đẹp lắm, đẹp đến nỗi mà 40 năm trôi qua trong kí ức của người đàn ông đã xắp bước sang tuổi ngũ tuần vẫn vẹn nguyên sống động hiện lên trước mắt những đứa con của ông về một thời gian khó của đất nước và của bố mình.
Bố tôi sinh ra vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, miền Bắc đã hòa bình nhưng đất nước vẫn còn chia cắt, cuộc sống còn quá khó khăn, cái nghèo, cái đói, cái khổ vẫn luôn rình rập nhưng không thể nào lấy đi sự hồn nhiên, ngây thơ của những đứa trẻ con. Cơm không đủ no, quần áo không đủ ấm nhưng niềm vui tuổi thơ chưa bao giờ vơi ngớt với bố. Lớn lên nơi vùng đất chiêm trũng của đồng bằng Bắc bộ, cứ vào mùa tháng 7, tháng 8 nước mênh mông khắp ruộng đồng, chả thế mà thay vì cái tên Bình Lục thì người ta quen gọi là “Bình lụt” hơn, đó cũng là lúc mà những đứa trẻ hò nhau đi bắt cá, bắt tôm, suốt ngày ngụp lặn ngoài đồng bẩn thỉu, nhấp nhơ bùn đất rồi chẳng ai dạy mà cũng biết bơi từ bao giờ, cũng chẳng nhận ra mình lớn từ bao giờ cho đến khi tụi con gái xấu hổ thôi đi tắm sông, bắt cá cùng. Tuổi thơ của bố là những buổi tối tụ tập ngoài đình chơi ném ống bơ, chơi trốn tìm hay kéo nhau đến nhà một ông giàu nhất làng xem vô tuyến, nhưng nhà ông chẳng đủ chỗ cho hàng bao nhiêu con mắt hiếu kì với cái máy phát ra màu đen trắng sinh động ấy, lũ trẻ đành phải nô đùa ngoài sân trong tiếng mắng hãy giữ im lặng của người lớn. Ban ngày sau giờ học là chăn trâu, cắt cỏ. Hồi đó không có trường học đâu, toàn học nhờ ở đình địa chủ hay từ đường của dòng họ nào đó, mỗi lớp mỗi nơi. Bạn cùng lớp có khi hơn cả vài tuổi nhưng được đi học cũng là may mắn lắm rồi và vẫn còn nhiều bạn chưa viết nổi tên mình đã phải nghỉ học ở nhà phụ bố mẹ. Bố kể về những lần cùng đám bạn rủ nhau trốn học đi tìm quả ăn, đi nhổ trộm rau xà lách ngoài bãi đổi lấy kem – thứ quà vặt thượng hạng trong mắt đám trẻ quê cơm chẳng đủ ăn ấy không biết được làm bằng thứ nguyên liệu gì mà ngon đến thế.
Giống như bao đứa trẻ khác một chú vịt con là niềm ao ước thì bố tôi cũng có một chú. Thế là hàng ngày cùng với chăn trâu thì bố còn việc chăm chú vịt, bắt sâu, vuốt ve như một tri kỷ. Hồi ấy chú vịt là cả gia tài, là thứ để tụi trẻ hãnh diện với nhau ai chăm tốt hơn, con của ai đẹp hơn. Lên 7 tuổi, bố được ông nội giao cho một con trâu khác nào giao cho cả cơ nghiệp nhà nông. Hàng ngày bố cùng một mấy bạn cùng trang lứa phải dắt trâu sang tận cánh đồng làng bên mới có cỏ. 4 giờ sáng ông nội đã gọi dậy để đi cho sớm, đến chiều mới về, bữa trưa mang theo chỉ là một nắm cơm, nước đã có ao hồ nhưng vẫn háo hức như thể bước vào một cuộc phiêu lưu. Hồi đó đói lắm, một nắm cơm sao đủ cho một cậu bé đang tuổi ăn, tuổi lớn, những người bạn mục đồng khác cũng vậy. Bố kể hồi đó toàn phải nhổ cây me đất có vị chua chua hay rau dại mà bây giờ tôi vẫn thấy ở bờ ao hoặc bờ ruộng để ăn. Có khi là nhổ trộm khoai, rau xà lách, bẻ ngô người ta trồng bên cánh đồng nhai ngáu nghiến vì đói. Là khắp các ngõ ngách đều có dấu chân những đứa trẻ truy lùng quả dại, là buồng chuối xanh vừa mới bẻ hoa đã bị hái đi, là quả mít mới nhú chồi, là ráy khoai ăn như muốn rách mồm,… Những thứ mà tôi luôn nghĩ làm sao có thể ăn được lại là thứ quá đỗi quen thuộc với tuổi thơ của bố và cũng là của thế hệ 7x về trước…
Vui nhất là Tết bởi đó là ngày duy nhất trong năm được ăn một miếng thịt lợn. “Miếng thịt ngày đó ngon lắm” bố nói đó là một thứ sơn hào hải vị dù nó chẳng phải là miếng thịt nạc thăn tươi ngon như miếng thịt mẹ tôi mua hàng ngày. Cứ đến gần Tết ai cũng háo hức nhất là trẻ con ra đình làng để được chia phần thịt, mỗi khẩu được mấy lạng thịt hơi, ngày đó lợn chỉ toàn nuôi bằng rau, bèo nên miếng thịt bèo nhèo toàn mỡ chẳng chắc thịt như bây giờ, đổi lại là sự an toàn chứ không phải nuôi bằng cám công nghiệp như bây giờ. Ngày thường đến một bữa cơm no còn xa xỉ nói gì đến thịt. Cơm mà khoai còn nhiều hơn cả gạo, ăn đến nóng ran cả ruột. Vì là con út trong gia đình có đến bảy anh chị em nên bố tôi được ưu tiên hơn một chút từ các anh chị lớn. Ông nội đi làm thuê cho nhà người ta vất vả lắm cũng luôn để phần bữa ăn của mình mang về cho bố khi là miếng cá kho, mấy con tép rang mặn chat, chẳng nhiều nhặn gì nhưng là tình yêu thương bao la của ông nội.
Uớc mơ lớn nhất của bố hồi ấy là có được một đôi dép tổ ong tiền phong màu trắng và nó trở thành hiện thực năm bố 12 tuổi lần đầu tiên đi cuốc ruộng thuê. Tiền công được ông nội cho thêm để mua rép. “Sướng lắm con ạ” chúng tôi biết rõ đôi dép ấy và với chúng tôi nó quá đỗi bình thường, bố mẹ mua cho chúng tôi nhiều đôi dép đẹp, đắt tiền nhưng có lẽ không sung sướng bằng đôi dép ấy của bố. Nó chỉ dùng để đi học thôi về nhà lại rửa sạch sẽ, cất gọn vào hòm như một báu vật. Phải rồi nó được đổi bằng công sức lao động đầu tiên của bố và số tiền dành dụm của ông nội dù bụng còn chưa no.
Tuổi thơ của bố tôi không có TV, không smartphone, cũng chẳng đồ chơi quà bánh như chúng tôi bây giờ. Đồ chơi của bố là những thứ tự tạo ra viên bi đất nặn tự đốt lò nung cho khô, cái ná cao su bằng chạc cây để đi bắn chim hay con ve sầu ôm trọn mùa hè trong túi quần…Bên cạnh những thiếu thốn vật chất thì tuổi thơ của bố là hạnh phúc vô cùng vì được sống trong một gia đình đông anh chị em, nghèo nhưng luôn ấm áp tình yêu thương, nhường nhịn dành cho nhau, có được người cha, người mẹ cả đời hi sinh vì con chính là ông bà nội tôi. Và còn có những người bạn thơ ấu hồn nhiên, lớn lên cùng nhau nơi làng quê nghèo mà tình nghĩa cũng nặng như anh em một nhà.
“Ngày xưa khổ lắm” bố chỉ nói vậy nhưng chưa bao giờ than vãn, trách cứ. Bố nói đó là điều tuyệt vời nhất mà thế hệ bố có được còn chúng tôi lại thật thiệt thòi khi không được lớn lên với những điều bình dị ấy. Không phải để trải qua cái đói, cái khổ mà là để được trải nghiệm tuổi thơ đúng nghĩa hồn nhiên vô tư cùng bè bạn, gần gũi với thiên nhiên, học cách trưởng thành từ những trải nghiệm tuổi thơ. Chính những điều ấy đã tôi luyện nên bố của chúng tôi luôn sẵn sang đối mặt với khó khăn, mạnh mẽ vượt qua nó. Còn trẻ con bây giờ là suốt ngày chỉ ru rú trong nhà xem TV, đồ chơi điện tử, smartphone,…mà đang thiếu đi những kĩ năng sống cơ bản. Với chị em tôi bố luôn dành thời gian ở cạnh bên, dạy chúng tôi học chữ, học về cuộc sống, kể chúng tôi nghe bao điều, bao câu chuyện. Dạy chúng tôi lớn lên cùng tự nhiên và bằng cách đó tôi thấy tuổi thơ của mình thật trọn vẹn và hạnh phúc vì có bố, có gia đình. Bố đã trải qua tuổi thơ thiếu thốn, khổ cực và đó là lí do bố luôn cố gắng làm việc không ngừng nghỉ để chúng tôi có cuộc sống đủ đầy hơn. Cùng với tình yêu thương ngập tràn của bố mẹ thì chị em tôi còn lớn lên từ những câu chuyện “ngày xưa …” về tuổi thơ của bố. Mỗi lần bố kể là một lần chúng tôi được sống lại những năm tháng của thập niên 70 thế kỉ trước, được thấy bố khi còn là một cậu bé, được phiêu lưu về quá khứ 40 năm trước một thời kì gian khó của đất nước và càng thêm trân quý hơn những gì mình đang có.
Chúng tôi càng lớn thì thời gian bên bố càng thu ngắn lại nhưng câu chuyện và hình ảnh người bố tuyệt vời của chúng tôi thì vẫn mãi ở đó, góc nhỏ đẹp nhất trong trái tim này.
Kí tên : Bơ
Ảnh: nguồn internet