iPub.vn Covid banner

#homeschooling - Chuyện này làm được

DungHM       4 năm trước       555 lượt đọc

#homeschool

Trước khi biết tới cụm từ homeshooling, tui là một người đạt bằng TESOL (sư phạm quốc tế Tiếng Anh) và là một người đã dạy trẻ con theo đúng tư duy và cá tính của mình.

Tui đã thành công một phần nào đó mà không phải đi dạy ở trường. Chỉ đơn giản là gia sư tiện thể áp dụng cách nghĩ của mình theo đúng hướng sư phạm.

Chuyện dưới đây kể cho các bạn, các chị và những ai muốn homeschooling - tự dạy trẻ tại nhà - có thêm vững tin và sự chuẩn bị đúng đắn để vào cuộc chiến "bộn bề" với giáo dục hiện tại.

#homeschool

1. Bước đầu tiên của tiền đề làm "một giáo viên nghiệp dư": Những năm tháng "phân biệt" ở trường. 

Tui là một học sinh không thích "thầy, cô giáo" một chút nào. Nhưng tui không nổi loạn. Chỉ ghét thôi. Vậy mà khi 25 tuổi tui đã là một người có bằng giáo viên.

Nhẹ nhàng kể lại một chút - Con mắt tôi đã tròn lên ngạc nhiên và tổn thương cỡ nào khi cô giáo cấp 1 gọi tôi là "Con Cám" - Mỹ từ xấu nhất ám chỉ một người xấu xí, tính nết ích kỉ - Trong khi 30 mạng còn lại trong lớp được đặt đủ tên đẹp.

Cho đến giờ tui vẫn không hiểu luôn vì sao mình lại đóng vai kẻ xấu. Năm đó nhà tui rất nghèo, nghèo đến nỗi mẹ và tui nhịn ăn, ăn mắm để em trai còn nhỏ ăn trứng cho đủ chất.

Rồi bố đi làm xa, biệt tăm 1 tuần về một lần.

Tui chỉ có mấy bộ quần áo cố định đi học.

Không lẽ vì như thế, trông bộ dáng nghèo khổ mà tui có tên Cám ?

Thành tích của tui tự tin đưa học bạ ra cho các chị xem. Tổng kết toàn điểm cao. Đi học thêm vừa đủ, thậm chí còn ít hơn các bạn. Vì nhà không có tiền.

Tui quên làm sao được khi đó mẹ tui vừa phải cho em bú, vừa bảo tui thức để mẹ bày bài toán khó. Kết quả 2h đêm mẹ mới cho em bú xong, còn tui đã gục trên bàn.

Rồi những đêm rét mướt mùa đông, cũng như nắng hạn mùa hạ, thằng em ngồi trước giỏ xe, tui ngồi sau vắt vẻo đi học lớp chuyên.

Ở trong lớp tới tận hết cấp 2, tui bị một luồng xa lánh kinh khủng. Có lẽ do bộ dạng không đẹp mắt của mình. Vì nhà tui nghèo thật lòng. Chỉ có riêng tấm lòng của gia đình là không "nghèo với ai".

Học lực của tui vẫn thuộc top trong lớp mới lạ, mà cái sự xa lánh cũng chả bớt đi. Tui ghét thầy, cô đến mức phải học cho giỏi để mẹ không phải đi lễ tết 20 tháng 11.

Mà làm được.

Sau này tui phải cảm ơn những năm bị ghẻ lạnh trong lớp đó - Việc học đối với tui chỉ là cắm mặt vào chữ rồi lầm lũi đi về.

70% tâm trí vùi đầu trong tủ sách.

Mới có lớp năm, tui đã cô đơn tới mức đọc hết gần 1m chiều cao tạp chí của mẹ. Đọc hết từng trang một.

Rồi thơ thẩn tự viết văn chương một mình trên giấy nháp một mặt mẹ mang từ cơ quan về (Giấy A4 in hỏng một mặt, mẹ đem về cho tui nháp).

Chính vì học trong sự khó khăn như thế, sau này tui dạy trẻ con rất linh hoạt - đơn giản.

Có gì dùng nấy.

Không có thì cô tự đi mua cho các con, miễn là các con không phải "khoanh tay" về xin bố mẹ tiền này tiền nọ.

Hơn nữa cũng vì thế, tui dạy trẻ con nghèo nghiêm khắc như giàu. Tất nhiên tui biết đứa nào nhà không có điều kiện tốt, tui hay tranh thủ mấy giờ rảnh rỗi - set cho nó tiết học thêm, rồi ngồi bồi dưỡng thêm cho chúng nó.

Với trẻ con có điều kiện, chúng nó chắc chắn là không được tỏ thái độ so sánh trước tui. Tui chỉ đơn giản là không thích đứa nào phải khóc chỉ vì đồng tiền tại tuổi đó.

Quá nhỏ để hiểu.

Nhưng trên đây chỉ là quá khứ của tui, cho đến khi tui học bằng sư phạm.

2. Bằng sư phạm và ý muốn "trái ngược" không xin đi dạy ở đâu, thà làm gia sư:

Một đợt nọ, gia đình động viên tui đi học bằng sư phạm. Bởi trong công việc tui quá mức hiền lành nên gia đình cho rằng nên hợp với nghiệp bút, giấy.

Nhờ bằng này và quá trình một năm làm giáo vụ kiêm giáo viên sau đó, toàn bộ nỗi thù ghét đã tan đi.

Tan đi theo một cách hợp lý.

Tui là học sinh duy nhất trong lớp sư phạm quốc tế - không - có - kinh - nghiệm - sư - phạm. Tui đọc giáo trình dạy giáo viên dưới con mắt của một người làm marketing & sale. Tui thấy cơ bản giáo trình rất hay và gắn bó thiết thực với từng quyền lợi và cảm xúc của học sinh. Thậm chí nếu tuân thủ nghiêm ngặt, giáo viên có thể tìm ra ngay "thông minh của trẻ" thuộc loại nào, sau đó nghĩ ra ngay lộ trình để đứa trẻ phát huy được tiềm năng tốt nhất.

Mỗi đứa trẻ có một lộ trình riêng. Đó là sự thật theo đúng quy chuẩn giáo trình.

Tui mới nghĩ đến một việc, nếu bám đúng giáo trình thì bất cứ ai cũng dạy được đứa trẻ. Ý này khá là giống homeschooling bây giờ. " Vậy có khi nào nguyên tắc không được tuân thủ, nên trẻ em hầu như không được trải qua sự giáo dục làm chúng ham học và vui thú lắng nghe?"

Tui giữ suy nghĩ đó trong lòng và nghĩ tới đất nước mình. Hầu hết giáo viên trong lớp đều là dạng sừng sỏ rồi mới đi học cái bằng sư phạm quốc tế này. Giáo viên hướng dẫn chúng tôi cũng rất hiện đại. Hầu hết câu chuyện của bọn họ là bàn về việc sẽ tạo ra "môi trường" như thế nào để đạt được "chuẩn của một giáo viên quốc tế".

Tui nghĩ tới đám nhóc bạn tôi hồi nhỏ, đứa câm, đứa tật nguyền, đứa điếc. Tui liền hỏi giáo viên hướng dẫn văn bằng này bằng tiếng Anh:

"Xin hỏi tui cần lưu ý gì khi dạy trẻ em khiếm khuyết (disabled) bằng phương pháp của các anh?"

"Tôi cho rằng việc đó đã có các tổ chức lo. Phương pháp này chỉ dành cho trẻ em bình thường". Giáo viên hướng dẫn trả lời.

--

Về nhà tui suy nghĩ. Tui thì không tin bao nhiêu cái đầu giáo sư như thế lại chưa gặp trẻ em khiếm khuyết bao giờ.

"Nhưng có thể dạy mỗi đám bình thường, đủ thân tứ đại đã mệt phở rồi" Tui cắn bút, nghĩ như một đứa content marketing

"Nhất là bọn hay mở mồm là phân biệt đứa nghèo, đứa đã không giàu và còn nghịch phá, và nhất là những đứa rất thông minh mà không biết giao tiếp".

--

Chính vì mấy trường hợp dạy "bình thường" siêu khó trên mà sau khi nhận bằng - Lần đó tui nhớ mình đã pass bằng sư phạm với điểm số khá cao - Chứng minh là người bình thường chả có kinh nghiệm cũng đi dạy được, miễn là trong lòng có quan tâm tới trẻ em và sáng tạo chút ít khi đi dạy.

Một năm thực tập làm giáo vụ và giáo viên với lương bốn triệu rưỡi, tui đã hiểu vì sao thầy, cô giáo có nhiều điểm không toàn diện trong việc follow tụi trẻ.

Bốn triệu rưỡi thì thầy, cô sống bằng gì?

Đó là tình trạng chung của giáo viên đất nước mình.

Nhiều giáo viên trẻ cứ sau giờ đi dạy là dạy thêm chính là kiếm thêm thu nhập.

Nhiều khi các cô tới chỗ tui làm mà chưa có miếng ăn nào trong miệng, lương thì thấp hơn hẳn giáo viên nước ngoài.

Và thậm chí giữa các giáo viên nước ngoài còn có sự phân biệt đối xử về màu da.

Có rất nhiều điều quyết định lương của giáo viên. Nếu bắt đầu với một trái tim yêu trẻ thì không đủ để theo nghề.

3. Vài mẹo để ngẫm về homeschooling

Khi nghe về từ homeshooling, tôi bắt lấy 2 từ "home" và "school" (thêm từ -ing) thì hiểu được ba nghĩa:

a, Tạo không khí school tại home: Nếu xem nhà như trường thì ngôi nhà phải có không khí nghiêm túc và rộn rã như trường. Không thể dạy trong một nhà mà không tạo cho trẻ em rõ ý thức nghiêm túc về "nơi để học" và "nơi để thư giãn"

b, Schooling: Ám chỉ một quá trình giáo dục diễn ra liên tục và không ngừng nghỉ. Điều này không có nghĩa là bố, mẹ có thể giao bài tập và ra bài là xong.

Trong mỗi cử chỉ và hành động, đều phải tuân thủ quy tắc sư phạm về nghe - nhìn - cảm để đảm bảo trẻ con hiểu được từng câu nói và quen làm theo giống như ở trường.

Đồng thời, trái tim của bố, mẹ phải rất bác ái để đón nhận quan điểm trái ngược về kiến thức. Chỉ là kiến thức thôi nha. Còn đạo đức vẫn phải "mềm mỏng" truyền tải qua hành động như kiểu người Việt mình vẫn làm.

Bởi có nhiều cu cậu giỏi quá mà, toàn dùng kiến thức để đi gian lận. Cái đó là "chuẩn tắc đạo đức" - cái mà trường học chưa kiểm soát hết thì bố mẹ cũng phải schooling.

c, Lắng nghe, thoả hiệp và đúng hẹn:

Homeshooling không phải cha mẹ với con là bạn.

Về nghĩa sâu xa, bố mẹ vác thêm trách nhiệm sư phạm. Cho nên cư xử với con cái toàn thời gian không thể "tuỳ hứng" như bố, mẹ cư xử. Mà homeschooling buộc bố, mẹ phải là "thầy cô" toàn thời gian.

Trước khi dạy con cái thì nên tham khảo học các bằng sư phạm, rùi mới dạy. Cũng phải chuẩn bị giáo cụ, bảng biểu, đồ chơi, để con mường tượng tới kiến thức rõ ràng nhất.

Về tư cách ăn mặc, hãy như "thầy, cô giáo". Hiếm khi trong đời ta thấy ông giáo mặc quần đùi, áo phông trừ các thầy thể dục (các thầy cũng thường áo phông và quần dài). Cho nên về trang phục trước mặt con cần kín đáo, như một thầy, một cô vậy. Điều này làm trẻ thấy trẻ được dạy ở nhà cũng không khác ở trường.

Thầy cô giáo thực sự theo phương pháp tui học là chuyên tâm lắng nghe không chỉ kiến thức, mà còn cả điểm yếu, mạnh của trẻ.

Nhiều khi phải chọn lọc, không chỉ chăm chú bồi dưỡng cái mạnh, mà chỉ cần chỉ ra điểm yếu và cho trẻ thời gian để khắc phục điểm yếu.

Tin tui đi.

Trẻ con rất nhạy cảm và dễ thừa nhận chúng sai gì còn tốt hơn người lớn. Nhiều khi ngồi nghe, thoả hiệp với chúng và thuyết phục chúng sửa sai còn dễ hơn ngồi nói chuyện với người lớn.

Việc này có vài mẹo "sư phạm" thật sự. Nếu các bố, mẹ muốn homeschool có thể tham khảo phương pháp sư phạm để homeschool đúng ý và thoả mãn.

--

Mấy điều này đã giúp tui dạy trẻ "hơi quá khích" (Xin thứ lỗi trong y học gọi là tăng động, phấn khích dư thừa) và cả trẻ giỏi đạt được kết quả vượt bậc.

Một đứa chưa từng đạt giải cao trở thành một đứa đạt giải quận trong vòng một tuần.

Vài đứa khó gần, yếu kém trở thành đứa chịu khó làm bài tập. Thực sự chịu khó làm bài tập trong khi trước đó tụi nó thà mang tiếng dốt còn hơn là làm bài.

--

Kết lại, có lí do để khi nghe homeschool, tui nghĩ "Chuyện này làm được" vì tui đã làm rồi, với kinh nghiệm bằng 0 trong nghề sư phạm.

Đổi lại quá trình đó là nỗ lực không ngừng nghỉ để hiểu nghề giáo viên. Hiểu rồi thì có cách để căn tài năng, kéo dài ý thức cho trẻ em.

Mà đúng nghề này rất cực, bởi để thực sự quan tâm từng đứa trẻ, bản thân tui là giáo viên phải đi ngược với ý kiến của lãnh đạo rất nhiều. Chỉ đơn giản là để bảo vệ trẻ em trước tác động tiêu cực trước đòn trừng phạt "chưa hợp lí" từ gia đình và xã hội.

Dư luận gần đây có phải phản đối rất nhiều về homeschool. Có lí do thật sự để phản đối - Bởi nếu không phải có kinh nghiệm gõ đầu trẻ bẩm sinh, và biết "sư phạm" thì homeschool thực sự không dạy được gì cả. Homeschool không chỉ dạy kiến thức pass, nó còn dạy đứa trẻ kế thừa các phẩm tính ưu trội về mặt đạo đức từ gia đình, dòng họ - Để nó được lớn lên một cách đầy yêu thương.

Gần ba mươi năm, tui mới ngộ ra " Sau này nhìn lại, tui cảm bố, mẹ không phải sinh ra con để chu cấp cho con một cuộc sống đủ ăn, đủ mặc.

Mà bố, mẹ tiếp sức cho con dũng khí đủ mạnh mẽ để đối ứng với cuộc đời "

Vậy thì trang bị sẵn kĩ năng sư phạm trước homeschool là con đường khá hợp lí để "trang bị dũng khí" cho con cái.

Nếu phân tích cực sâu thì tui... thà "cầm tay chỉ việc" còn nhanh hơn. Dạy một đứa trẻ trở nên mạnh mẽ không chỉ đơn giản là có "tinh thần lãnh đạo" đâu. Bạn phải là "nhà giáo tại tâm" đã.

Thân mến.


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!