iPub.vn Covid banner

Thế gian muôn nẻo đường đi...

Nam Ly       3 năm trước       1,005 lượt đọc

“Thế giới rộng lớn có muôn vàn cảnh đẹp, có muôn nẻo để đi. Nhưng chỉ có một nơi để ta trở về mà thôi.”

Tôi xuất thân là một học sinh của lớp chuyên Văn. Những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, điểm Văn khá cao luôn là niềm hãnh diện của tôi. Thế nhưng, mỗi khi đọc lại những bài viết của chính mình, tôi luôn cảm thấy thiếu một thứ gì đó khiến bài văn của tôi hay bị đơ, cảm xúc chưa thể dâng trào, và cho dù tôi đã cố dùng từ ngữ trau chuốt hơn nhưng vẫn không thể khoả lấp được cảm giác thiếu sót ấy.

Năm cuối cùng của lớp mười hai, trong khi bạn bè xung quanh vùi đầu ôn thi, tôi đã quyết định đi du học, tôi chỉ việc học ngoại ngữ và thi tốt nghiệp là đủ. Tôi đã có thời gian rong ruổi trên khắp các cung đường. Tôi cũng thu xếp đến thăm nhà thầy cô, họ hàng thân quen để chào hỏi như một lời tạm biệt trước khi lên đường đi tới chân trời mới.

Đối với một đứa mới mười bảy, mười tám tuổi, cái cảm giác lần đầu tiên biết mình sẽ đi ra nước ngoài, không còn bị bố mẹ quản thúc, được nhìn ngắm thế giới rộng lớn ngoài kia, được tự do quyết định cuộc đời mình là một cảm giác vô cùng tuyệt vời và vui sướng. Ngày tôi đến sân bay, mẹ và em gái tôi đã khóc, còn bản thân tôi lại nôn nao, mong chờ, không rơi một giọt nước mắt.

Ừ thì chỉ vài năm thôi. Thậm chí nếu muốn tôi có thể thu xếp về nước chơi vào dịp nghỉ Hè hoặc nghỉ Đông cơ mà!

Chiếc Boeing VN – 304 đưa tôi cùng những người bạn đến một quốc gia xa lạ. Tôi thậm chí hoà nhập với cuộc sống nơi xứ lạ quê người nhanh hơn mình tưởng. Kết thúc năm đầu tiên, tôi quyết định dọn khỏi ký túc xá để ra ngoài thuê nhà với một người bạn Trung Quốc, thậm chí tôi còn đổi luôn chỗ làm đông người bản xứ hơn để có nhiều cơ hội giao tiếp tốt hơn.

Và rồi tôi nhanh chóng nhận ra sự trống rỗng trong lòng mình.

Tôi vẫn ngày đi học ở trường, tối đi làm thêm, những ngày cuối tuần đi tản bộ, mua đồ, nấu ăn, vẫn thi thoảng gọi về thăm nhà. Tôi không thể nói tiếng Việt với bạn cùng phòng, ở chỗ làm cũng chỉ có mỗi tôi là người nước ngoài. Rồi tôi bắt đầu sợ những kỳ nghỉ dài, thay vì hết mực trông mong như trước đó. Bởi nếu không đến trường, tôi sẽ không có ai để nói tiếng Việt cùng cả.

Tôi bắt đầu muốn đặt vé về nước nhanh nhất có thể, muốn gặp gỡ thêm nhiều người Việt Nam hơn, muốn xem những chương trình dành cho những người con nơi hải ngoại như Paris By Night, muốn đọc những tác phẩm thuần Việt như của tác giả Dương Thuỵ hay Nguyễn Nhật Ánh, muốn xem những bộ phim đậm nét Việt như Đêm hội Long Trì, Kính Vạn Hoa.

Tôi thèm được nói tiếng Việt nhiều hơn.

Như là duyên số, cứ mỗi là tôi định nhấn nút đặt vé máy bay về nước là y như rằng có chuyện xảy ra khiến tôi phải hoãn dự định lại.

Em gái tôi bước vào lớp mười hai, tôi có dịp ngồi hướng dẫn lại em mình những tác phẩm năm xưa đã học. Nào là Tây Tiến, Việt Bắc, Ai đã đặt tên cho dòng sông, vân vân. Rồi tôi bần thần nhận ra cái mà năm xưa tôi không tài nào viết ra được chính là lòng yêu quê hương.

Tôi đã ở mãi trong tỉnh nhỏ, ngày ngày quanh co với những góc đường quen thuộc khiến tôi dần thấy chán. Nó như không còn sức hấp dẫn để tôi phải tìm hiểu nhiều hơn nữa. Những tiết Văn dài lê thê, tôi phải nghe giảng đi giảng lại, chép tái chép hồi khiến tôi cảm thấy mình như không đủ sức để theo nữa.

Tôi không muốn phải ca ngợi dòng sông Hương hay con sông Đà – nơi mà tôi chưa thực sự nhìn ngắm. Tôi cũng không hiểu vì sao hình ảnh “binh đoàn không tóc” trong “Tây Tiến” lại đẹp đẽ. Tôi không cảm nhận được mấy cô gái yêu kiều Hà Nội tại sao lại quyết định xông pha nơi chiến trường khói lửa trong “Những ngôi sao xa xôi”. Những con điểm Văn cao chót vót khi ấy đều là do tôi viết theo lớp ý tứ mà giáo viên đã gợi mở, dùng từ mỹ miều, khen ngợi ra những câu mà tôi chưa thực sự nghĩ như thế bao giờ. Một học sinh Trung học phổ thông như tôi lúc ấy chỉ làm được bấy nhiêu mà thôi.

Ở quốc gia xa lạ này, nơi mà mọi thứ đều phát triển vượt bậc hơn cái tỉnh lẻ quê tôi, nơi mà tôi từng ước ao trông ngóng được đặt chân đến, vậy mà giờ tôi lại thấy nó rỗng tuếch. Hằng đêm, trong mỗi giấc mơ, tôi mơ thấy mình đã trở về quê nhà. Từng ngóc ngách năm xưa hiện rõ như in trong tâm trí tôi. Tôi thấy ngôi nhà mình bình yên trong con hẻm nhỏ, tôi thấy ngôi trường mình từng học lộng lẫy dưới vệt nắng chiều, tôi thấy những hàng quán ngoài chợ rộn rã vào buổi bình minh.

Tôi bất chợt nhớ lại đoạn đối thoại với cậu của mình khi tôi chào tạm biệt cậu trước khi đi du học:

"– Con nghĩ mình cũng không nhớ nhà nhiều lắm đâu.

– Rồi con sẽ thấy nhớ thôi. Như cậu ba đây mỗi khi chạy xe ngoài đường thấy ai đi biển số Đồng Tháp cũng nhớ quê hết con. Nên khi con đi ra nước ngoài rồi, giả sử nghe được ai đó nói tiếng Việt, con sẽ theo quán tính nhìn xung quanh ngay. Nhớ về nơi mình sinh ra là một bản năng của mỗi con người.”

Thế giới rộng lớn có muôn vàn cảnh đẹp, có muôn nẻo để đi. Nhưng chỉ có một nơi để ta trở về mà thôi. Và ở nơi đó, ta có thể tìm thấy sự bình yên, hạnh phúc từ sâu thẳm trong tâm hồn.


Bình luận


Các tin khác

Tự xuất bản sách điện tử cùng iPub - Tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các tác giả.
iPub - Chắp cánh ước mơ cho mọi tác giả Việt!